Nghề báo
Trao Quyết định thành lập VPĐD Báo Nhân Dân tại 49 tỉnh, thành phố
Submitted by nlphuong on Mon, 27/06/2022 - 21:55Trong đợt này, Báo Nhân Dân thành lập, kiện toàn Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân và cử Trưởng Văn phòng đại diện tại 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trao quyết định thành lập Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân và cử Trưởng Văn phòng đại diện tại các địa phương. (Nguồn: nhandan.vn) |
Trong khuôn khổ Hội nghị phóng viên toàn quốc Báo Nhân dân năm 2022 diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (từ ngày 25-27/6), ngày 26/6, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã trao Quyết định thành lập Văn phòng đại diện và cử Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Lê Quốc Minh và các vị Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Đinh Như Hoan, Quế Đình Nguyên.
Phát biểu tại Lễ trao Quyết định, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, nhiều năm qua, Báo Nhân Dân đã xây dựng hệ thống quản lý vùng, miền và cử các phóng viên thường trú tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lực lượng phóng viên thường trú Báo Nhân Dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ban Biên tập giao phó; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo tôn chỉ, mục đích của Báo tại các địa phương, thực sự là cầu nối giữa “Ý Đảng, lòng dân.”
Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, nhất là chiến lược chuyển đổi số để phát triển Báo Nhân Dân thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động và nhiệm vụ của phóng viên thường trú, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của Báo tại các địa phương, Báo Nhân Dân đã quyết định thành lập Văn phòng đại diện và cử Trưởng Văn phòng đại diện tại 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại buổi Lễ, Lãnh đạo Vụ Tổ chức-Cán bộ Báo Nhân Dân cũng đã công bố Quyết định ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng đại diện của Báo tại các địa phương./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=800506
Phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”
Submitted by nlphuong on Tue, 21/06/2022 - 19:34Sáng 21/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Lãnh đạo 11 cơ quan báo chí đại diện các khối, loại hình, lĩnh vực báo chí trong cả nước ký giao ước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. |
Tới dự lễ phát động có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ phát động. |
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Dự buổi lễ còn có đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tặng hoa chúc mừng những người làm báo cả nước nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. |
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã tặng hoa chúc mừng những người làm báo cả nước. Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh thay mặt những người làm báo nhận lẵng hoa chúc mừng.
Xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết
Phát biểu phát động phong trào thi đua, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, báo chí là một bộ phận cấu thành đặc biệt của văn hóa. Tác phẩm báo chí là sản phẩm văn hóa, tinh thần phổ biến nhất trong xã hội hiện đại. Báo chí cũng là tấm gương phản chiếu văn hóa cộng đồng, tích cực quảng bá và góp phần phát triển các loại hình văn hóa khác.
Trong những năm gần đây, cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam luôn xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao nhận thức của nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. |
Những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế-xã hội tạo ra động lực và điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy theo hướng rộng mở và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển. Đáng chú ý là sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới đã khiến thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm; một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế…
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và người làm báo văn hóa là yêu cầu cấp thiết.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi nêu rõ, với vai trò là một thành phần của văn hóa, đồng thời là một trong những phương tiện chủ lực phổ biến các loại hình văn hóa đến toàn xã hội, mỗi cơ quan báo chí cần phải là một cơ quan văn hóa, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hóa của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hóa trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố bản tiêu chí cơ bản gồm 12 điểm về xây dựng cơ quan báo chí văn hóa (6 điểm) và văn hóa của người làm báo Việt Nam (6 điểm), đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo Việt Nam và người làm báo trong cả nước tích cực hưởng ứng, chủ động ký kết giao ước thi đua, thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa
Đại diện các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo phát biểu hướng ứng phong trào thi đua, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, báo chí chỉ có thể làm tốt công tác văn hóa nếu cơ quan báo chí thực sự là cơ quan văn hóa với những người làm báo có văn hóa. Do vậy, việc phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là thực sự cần thiết, có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay.
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại sự kiện. |
Với các tiêu chí được đưa ra cụ thể, rõ ràng, thiết thực sẽ góp phần giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng, đó là gìn giữ, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí cho rằng, làm theo tiêu chí này sẽ giúp tạo ra các sản phẩm báo chí trung thực, khách quan, có khả năng lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đạo đức và lòng nhân ái, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, độc, phản văn hóa.
Phong trào thi đua cần được lan tỏa, thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Lễ phát động phong trào thi đua là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và triển khai Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021.
Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mở đầu chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ. |
Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã gửi lời tri ân chân thành tới các nhà báo lão thành, cùng những lời chúc tốt đẹp tới đội ngũ những người làm báo trong cả nước.
Khẳng định những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là cội nguồn sức mạnh giúp dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng chí đề nghị mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thắp lên ngọn lửa tri thức và lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong xây dựng văn hóa công sở và văn hóa cơ quan.
Theo tinh thần đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đặt ra một số nhiệm vụ chủ yếu mà các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước nhà cần tập trung thực hiện. Trước hết, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm cao nhất tính chính xác, sự tin cậy, tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về văn hóa, định hướng việc phát huy giá trị văn hóa trong đời sống; tích cực xây dựng các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, có sức lan tỏa để mỗi sản phẩm báo chí đưa đến công chúng bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng.
Ngoài ra, xây dựng môi trường cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa thời kỳ mới gắn với phát triển, hội nhập; cần chú trọng những giá trị chuẩn mực, phù hợp với hệ giá trị gia đình, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị quốc gia, dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển…
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với báo chí; chú trọng chăm lo, xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí và người làm báo, trọng tâm là xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, phóng viên, công chức, người làm báo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc thực hiện phong trào ở các cấp Hội, ở mỗi cơ quan báo chí để phong trào thi đua lan tỏa, thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí và mỗi người làm báo.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu đáp từ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cảm ơn những tình cảm, lời chúc tốt đẹp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi đến những người làm báo cả nước nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, thay mặt những người làm báo cả nước, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định sẽ cố gắng phát huy môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, quyết tâm xây dựng mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan văn hóa, mỗi nhà báo làm một nhà báo văn hóa.
Tại buổi lễ, lãnh đạo 11 cơ quan báo chí đại diện các khối, loại hình, lĩnh vực báo chí trong cả nước đã ký kết giao ước thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Thủ tướng: Báo chí phải thu hút để 'dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm'
Submitted by nlphuong on Tue, 21/06/2022 - 12:00Tối nay (21/6), Ban tổ chức Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI năm 2021 đã vinh danh 115 tác phẩm đạt giải.
Tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, tiếp nối 97 năm truyền thống của báo chí cách mạng, báo chí nước nhà đang duy trì vai trò là kênh thông tin chính thống, chính thức, tuyên truyền hiệu quả đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Báo chí đang mạnh mẽ chuyển mình trước những thay đổi chóng mặt của công nghệ, trước sự thay đổi về cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng, khi độc giả, khán thính giả đang chuyển đổi dần lên các nền tảng số.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh |
Ông Minh nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình báo chí phải chuyển đổi số, hòa trong quá trình chuyển đổ số của xã hội. Với mục tiêu phát triển báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội.
Các cơ quan báo chí cần thúc đẩy kinh tế báo chí mới, đa dạng hóa nguồn thu để không phụ thuộc vào quảng cáo. “Các cơ quan hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích. Tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý”, Tổng Biên tập báo Nhân dân cho hay.
Qua 16 năm tổ chức, đến nay Giải Báo chí quốc gia tiếp tục nhận được sự tham gia đầy đủ, tích cực, hào hứng của 18 liên chi hội và 35 chi hội trực thuộc. Và đây là năm thứ 5 liên tiếp giải có sự góp mặt của đầy đủ 63 hội nhà báo tỉnh, thành.
Giải năm nay cũng nhận được 1.911 tác phẩm, ở mức cao thứ hai trong các mùa giải báo chí, trong đó có 1.761 tác phẩm đủ điều kiện dự vòng sơ khảo.
Các tác phẩm tham dự đã phản ánh chân thực, kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị của đất nước năm 2021, cũng như nêu bật được các nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả đạt giải A |
Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí. Đặc biệt, mảng đề tài liên quan đến đại dịch Covid-19 chiếm tỉ lệ cao ở tất cả loại hình báo chí.
Đã có 152 tác phẩm vào chung khảo và hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn 115 tác phẩm để trao giải; trong đó có 10 giải A, 22 giải B, 48 giải C, 35 giải khuyến khích.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, lễ trao giải hôm nay diễn ra trong cảm xúc đặc biệt khi nước ta đã kiểm soát được dịch Covid-19, cuộc sống đã dần trở lại bình thường, không phải lo lắng, băn khoăn nhiều như cách đây một năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ trao giải |
Người đứng đầu Chính phủ chúc mừng 115 tác giả, nhóm tác giả và cho rằng đây không chỉ là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời mỗi người làm báo, mà còn là của cả cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác và gia đình, bạn bè.
Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.
Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu.
Thủ tướng bày tỏ, giải thưởng dành để tôn vinh những giá trị cao quý của những người làm báo. Đó là những ý tưởng tiên phong, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, dấn thân, thậm chí đối mặt với hiểm nguy… Những giá trị đó đã kết tinh trong các tác phẩm báo chí để góp phần thực hiện các chủ trương đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự đồng hành của nhân dân, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
“Tôi hiểu nghề báo là một trong những nghề vinh quang nhưng vất vả, một nghề có thể đúng với câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai"”, Thủ tướng chia sẻ.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh trao giải cho các tác giả đạt giải B |
Để có những bài báo hay, phản ánh chân thực, sinh động, kịp thời về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là các phóng sự điều tra thực trạng cuộc sống, nhiều phóng viên, nhà báo đã phải đối mặt với hiểm nguy, bị đe dọa, đi vào giữa tâm dịch, tâm bão, thiên tai địch họa… và có người đã không bao giờ trở về.
Đối với các nhà báo, phóng viên nữ còn vất vả hơn vì nhiều lúc phải làm ngoài giờ, thực hiện những chuyến đi công tác dài ngày, trong khi vẫn phải lo toan công việc gia đình và phận sự của người phụ nữ.
Thủ tướng đánh giá, nhiều tác phẩm năm nay đã góp phần truyền tải những chính sách lớn về tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh… Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng và Nhà nước; phát hiện, phản ánh những sai phạm trong sử dụng đất đai, ngân sách nhà nước, đầu tư công…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề. Báo chí cần tiếp tục thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước và dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo...
Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang trao giải cho các tác giả đạt giải C |
Báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh và tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".
Trước mắt, theo Thủ tướng cần tập trung tuyên truyền về 3 đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị báo chí tích cực hơn nữa tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ của nhân dân, là động lực khích lệ nhân dân, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân, làm sao để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm", để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho phát triển. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện; góp phần tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về báo chí cách mạng Việt Nam.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các công nghệ mới.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực cung cấp thông tin một cách chủ động, có trách nhiệm để các nhà báo, phóng viên thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bảo vệ những phóng viên, nhà báo trong thực thi nhiệm vụ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ, đồng hành và chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp tăng cường tiềm lực của báo chí phù hợp với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của đất nước và hài hòa, hợp lý với các lĩnh vực, ngành nghề khác.
Loạt 5 bài "Cắt giảm chứng chỉ, giảm ‘gánh nặng’ cho hàng triệu giáo viên" của báo VietNamNet đạt giải C: Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ, lo 'giữ hạng, giữ lương' Cần giảm ‘gánh nặng’ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên Bộ Nội vụ nói về đề xuất bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên Thủ tướng yêu cầu sửa quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên Bộ trưởng Nội vụ: Hàng triệu công chức, viên chức sẽ giảm gánh nặng chứng chỉ |
Trần Thường - Ảnh: Phạm Hải/vietnamnet.vn
Cội nguồn báo chí cách mạng Việt Nam
Submitted by nlphuong on Mon, 20/06/2022 - 21:42Báo chí cách mạng Việt Nam luôn được soi đường bởi lý luận cách mạng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh1 là một trong những cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. |
Sự ra đời của Báo chí cách mạng Việt Nam - một tất yếu khách quan
Bước vào những năm 20 của thế kỷ XX, trên đất nước Việt Nam xuất hiện một tình hình mới. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, những đòi hỏi chính đáng của nhân dân Việt Nam thể hiện qua bản Yêu sách tám điểm mà Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Hội nghị Versailles, không được các nước chiến thắng xem xét. Đã thế, thực dân Pháp còn ra sức tăng cường bộ máy cai trị của chúng ở Việt Nam. Chúng ban hành một số chính sách nhằm đẩy mạnh khai thác tài nguyên phong phú ở thuộc địa, phục vụ chính quốc khôi phục kinh tế, duy trì địa vị cường quốc. "Đế quốc Pháp hứa hẹn sau chiến tranh sẽ cho nhân dân Việt Nam hưởng tự do. Nhưng chiến tranh xong, xiềng xích thực dân lại siết chặt hơn trước".
Albert Sarraut được phái trở lại Đông Dương đảm nhiệm lần thứ hai trách nhiệm Toàn quyền. Trong một bài diễn văn đọc tại Hà Nội nhân dịp đến nhậm chức, ông ta tuyên bố không úp mở về "chính sách của chúng ta (Pháp) đối với dân bản xứ" như sau:
"Việt Nam là thị trường của Pháp (…). Từ nước Pháp, xứ sở này đón nhận công ơn mang lại một nền văn minh khai sáng giúp cho nó thay hình đổi dạng: thiếu nền văn minh ấy, Việt Nam sẽ mãi lay lắt thân phận nô lệ và bấp bênh (!). Đổi lại, Việt Nam sẽ hiến cho Pháp một cái bệ tượng tuyệt vời để từ cái bệ ấy nước Pháp sẽ phóng đi xa hơn ánh sáng văn minh tại phần này của trái đất, từ Việt Nam sẽ lan tỏa ngày càng rộng khắp ảnh hưởng của nước Pháp tại châu Á"… (trích: Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam - PGS.TS Đào Duy Quát, Chủ biên. Nhà xuất bản chính trị quốc gia - Hà Nội 2013).
Thực hiện chính sách ấy, người Pháp ùn ùn kéo đến Đông Dương. Mặt khác, họ cũng đào tạo một số viên chức người bản xứ nhưng những viên chức này chỉ được giữ những vị trí thấp kém hơn so với người da trắng, hưởng lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp người Pháp, theo những cách sắp xếp miệt thị theo "ngạch phụ, ngạch chính", "ngạch tây, ngạch ta".
Trong khi đó, các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam lâm vào bế tắc về đường lối. Đồng chí Trường Chinh phân tích: "Những nhà yêu nước thuộc phái Cần Vương chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp nhưng không phá bỏ chế độ phong kiến. Các nhà cách mạng tiền bối khác như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu,… đều chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp nhưng cũng không nhận rõ đối tượng của cách mạng Việt Nam là bọn đế quốc, thực dân Pháp và giai cấp địa chủ đã đầu hàng đế quốc. Còn Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng thì theo chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, nhưng lại không có một cương lĩnh thiết thực để thực hiện trong điều kiện cụ thể của Việt Nam".
Về kinh tế, mặc dù chủ yếu phục vụ nền kinh tế chính quốc, kinh tế Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng có những mặt phát triển nhất định. Thực dân Pháp khai thác tối đa tiềm lực nông nghiệp nước ta.
Công cuộc khẩn hoang ở đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh, tạo nên những cánh đồng lúa "thẳng cánh cò bay". Ghi nhận "một yếu tố mới trong nền kinh tế Việt Nam" sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: "Tư bản Pháp đổ xô vào đồn điền" và "Bọn thực dân đổ xô vào đất đỏ Tây Nguyên như lũ mèo chớp phải miếng mỡ". Hàng loạt đồn điền cao su được thiết lập ở tất cả những nơi điều kiện. Cây cà phê được trồng nhiều ở phía Bắc. Than đá vùng đông bắc được khai thác mạnh. Giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt mở mang dần. Một số xí nghiệp cơ khí nhỏ - chủ yếu là cơ khí sửa chữa, một số nhà máy giấy, dệt, sợi, xi măng, chế biến - phần lớn xay xát gạo để xuất khẩu - lần lượt mọc lên ở đó đây theo nhu cầu tình thế. Theo số liệu ước tính của nhà kinh tế Mỹ Callis, nếu trong thời gian hơn 30 năm, từ năm 1888 tức là ngay sau khi thực dân Pháp thiết lập chế độ thực dân ở Việt Nam cho đến năm 1920, đầu tư tư nhân vào Đông Dương khoảng 500 triệu frăng vàng, thì chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 1924 đến năm 1929, tổng đầu tư của tư bản Pháp vào đây đã lên tới hơn 3 tỷ frăng vàng. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ con số nhỏ nhoi là 60 triệu đồng Đông Dương mấy năm đầu thế kỷ XX đã nhích dần lên tới 230 triệu đồng năm 1929. Thống kê của Sở Thanh tra lao động của Pháp ở Đông Dương hồi ấy cho biết, đội ngũ công nhân thời gian này đã đông hơn 220.000 người, trong đó 530.000 là thợ mỏ, 86.000 thợ nhà máy, viên chức thương nghiệp và 81.000 công nhân đồn điền.
Sản xuất phát triển và sự bóc lột thậm tệ của chủ nghĩa thực dân dẫn tới việc hình thành giai cấp vô sản Việt Nam. Đó là những công nhân làm việc ở các xí nghiệp, hầm mỏ và đồn điền cao su; bên cạnh họ là một số lượng ngày càng đông những nông dân hoàn toàn không có tư liệu sản xuất, quanh năm làm thuê kiếm sống trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt giữa bọn thực dân thống trị phong kiến tay sai của chúng với đông đảo nhân dân Việt Nam; giữa những kẻ bóc lột với những người bị bóc lột. Các tầng lớp tri thức, trung lưu cũng ngày càng cảm thấy chua xót, bế tắc.
Tuy nhiên, lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam cho dù có bị dồn nén, bóp nghẹt, bị lợi dụng bằng nhiều thủ đoạn song không chút suy giảm và vẫn bùng lên mạnh mẽ. Thông qua báo chí và nhiều kênh khác, tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười Nga, của các cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp đòi tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh dần dần đến được với một số người, trước hết là trí thức, nhân sĩ. Một vài tờ báo tiếng Pháp xuất bản ở Việt Nam cũng có thông tin - dù hết sức ít ỏi - về tình hình cách mạng ở nước Nga và về V.I. Lenin. Đã đến lúc phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam cần một đường hướng mới. Xã hội Việt Nam đã đến lúc hội đủ những điều kiện cần thiết tối thiểu để tiến tới xây dựng một tổ chức tiên phong làm sứ mệnh dẫn dắt dân tộc trên con đường tự giải phóng, giành độc lập, tự do.
Nguyễn Ái Quốc tiếp cận chủ nghĩa Marx-Lenin ngay từ cuối thập niên đầu của thế kỷ XX qua tiếp xúc với những người xã hội chủ nghĩa Pháp. Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp vừa mới thành lập, Người cùng một số nhà cách mạng ở các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Sau khi sang Liên Xô và ở lại một thời gian để nghiên cứu lý luận và thực tiễn vận động cách mạng, năm 1924 Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc để được gần Tổ quốc và có điều kiện trực tiếp chỉ đạo cách mạng hơn.
Mặc dù xa đất nước đã mười mấy năm, đi đến đâu Người cũng hết sức quan tâm theo dõi tình hình thời cuộc ở nước nhà. Người nắm khá vững hoạt động của báo chí trong nước. Ở Quảng Châu, Người quan hệ chặt chẽ với Tâm Tâm xã, một tổ chức cách mạng của các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1925, cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản ở Paris. Cuốn sách dũng cảm vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, làm náo động dư luận nước Pháp và có ảnh hưởng sâu sắc ở các nước thuộc địa. Cũng năm ấy, ở trong nước, nhân dân ba kỳ sôi nổi đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá nhà cách mạng Phan Bội Châu vừa bị chúng bắt từ Trung Quốc đưa về nước kết án tử hình. Các cuộc diễn thuyết của chí sĩ Phan Chu Trinh được hoan nghênh nhiệt liệt.
Xuất phát từ lập trường của giai cấp công nhân và rút kinh nghiệm từ những việc lớn không thành của các nhà cách mạng tiền bối, Nguyễn Ái Quốc ý thức rõ, cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo một đường lối khác. Phải phát động và lãnh đạo nhân dân trong nước cùng đứng lên, phối hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp ở chính quốc và cuộc đấu tranh của nhân dân các nước khác, lật đổ chế độ cai trị của thực dân, đế quốc cùng bè lũ tay sai, giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi xiềng xích nô lệ, giành lại độc lập, tự do.
Nhưng, "không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng". Không có một tổ chức tiên phong để lãnh đạo cách mạng theo đường lối và bước đi thích hợp thì cách mạng không thể thành công. Mà muốn phát động và mở rộng nhanh chóng phong trào cách mạng, muốn đi đến sự nhất trí về lý luận, chính trị và tư tưởng để xây dựng tổ chức cách mạng tiên phong thì không thể không có tờ báo cách mạng. "Tờ báo ấy – theo quan niệm của Lenin – sẽ như một bộ phận của cái lò rèn khổng lồ thổi cho mỗi tia lửa của cuộc đấu tranh giai cấp và của sự phẫn nộ trong nhân dân bùng lên thành một đám cháy lớn".
Tư duy của Nguyễn Ái Quốc về báo chí này trùng hợp với quan điểm của Lenin về vai trò của tờ báo thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười Nga. Lenin viết: "Theo ý chúng tôi thì điểm xuất phát của hoạt động, bước thực tiễn đầu tiên để tiến tới thành lập cái tổ chức mong muốn, và cuối cùng sợi dây chính là nếu nắm được nó thì chúng ta có thể sẽ không ngừng phát triển, củng cố và mở rộng tổ chức ấy – phải là việc thành lập tờ báo chính trị toàn Nga. Chúng ta cần trước hết là tờ báo, - không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện".
Cũng như Lenin, Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng phải nắm được trong tay một tờ báo xuất bản đều thì mới có điều kiện tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động một cách đều đặn và toàn diện Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lenin: "Cái mà nhất thiết chúng ta cần phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Nếu đảng cách mạng không biết thống nhất tác động của mình với quần chúng bằng tiếng nói của báo chí thì ý muốn tác động bằng các phương pháp khác, mạnh mẽ hơn, chỉ là một ảo tưởng mà thôi".
Về tổ chức, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội). Đúng như tên gọi là tổ chức này, đây chưa phải là Đảng cộng sản mà chỉ là một tổ chức quá độ để tiến lên thành lập Đảng cộng sản. Hội là cái lò giác ngộ, đào tạo, huấn luyện những thanh niên công nhân, nông dân và học sinh được tuyển từ trong nước ra nước ngoài. Sau khi dự các lớp huấn huyện do Người mở, những thanh niên này sẽ trở về nước hoạt động cách mạng. Họ là những hạt giống ưu tú của cách mạng Việt Nam.
Về tuyên truyền, nhất thiết phải ra tờ báo. Mặc dù ở xa đất nước, Nguyễn Ái Quốc nắm rõ tình hình báo chí nước nhà. Người thấu hiểu những khó khăn mà các nhà báo yêu nước, đầy nhiệt huyết phải đương đầu. Năm 1924, ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã từng thốt lên: "Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi… Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào được xuất bản nếu không được viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt trước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng được. Tinh thần bản sắc lệnh về báo chí là như thế đấy".
Mặc dù ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc nghe rõ lời than của các nhà báo trong nước: "Có miệng không được nói, có tư tưởng không được giải bày, đó là số kiếp của 25 triệu đồng bào ta… Lịch sử báo giới ta đã trải qua mấy chục năm, những người làm báo hoàn toàn là những người miệng câm tai điếc… Mỗi khi ta cầm đến ngòi bút, cầm đến tờ báo, không khỏi bầm gan tím dạ, thẹn ruột đau lòng".
Không thể xuất bản báo chí cách mạng bằng tiếng Việt ở trong nước. Ra báo tiếng Pháp thì không thể phổ cập trong quần chúng lao động là những người ít được học, thậm chí thất học. Là người từng nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng nhiều nước, đặc biệt là cách mạng Nga, và qua kinh nghiệm của chính bản thân, Nguyễn Ái Quốc hiểu, không thoát ra ngoài vòng cùm kẹp của chế độ kiểm duyệt thực dân, thì không thể công khai bày tỏ hết tiếng nói của mình, đặc biệt là không thể nào lớn tiếng tố cáo chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bè lũ phong kiến để thức tỉnh đồng bào, như Người từng làm ở ngoài nước, khi viết Bản án chế độ thực dân Pháp và nhiều tác phẩm báo chí, văn học đặc sắc chiếm trọn ba tập đầu của bộ Hồ Chí Minh toàn tập. Qua các tác phẩm của K. Marx, Lenin, Người rút được kinh nghiệm: Chỉ còn có một con đường. Con đường ấy là tổ chức biên tập và thực hiện một tờ báo cách mạng ở nước ngoài, rồi bí mật đưa về lưu hành (nếu có điều kiện thì nhân lên) ở trong nước.
Sự ra đời của tờ Thanh Niên, số 1 ra ngày 21/6/1925, là một quyết định sáng suốt và đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. Quyết định này có hiệu quả vô cùng to lớn đối với tiến trình cách mạng Việt Nam từ giữa thập niên 20 trở đi. Với gần 90 số báo ra gần như đều đặt hằng tuần trong hai năm, báo Thanh niên đã làm được một công việc to lớn là "lưu hành không hợp pháp ở trong nước và bắt đầu truyền bá tư tưởng Marx-Lenin trong nhân dân ta". Tác phẩm Đường cách mệnh, chủ yếu dựa vào những bài đã lần lượt đăng trên báo Thanh niên, đã phác họa lộ trình đưa dân tộc ta tới Cách mạng Tháng Tám thành công, và tiếp tục làm nên sự nghiệp vẻ vang như ngày nay.
Báo Thanh niên mà người sáng lập, người chỉ đạo và người biên tập chính là Nguyễn Ái Quốc, đã có công lao to lớn là chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với sự ra đời của báo Thanh niên, trong nền báo chí Việt Nam xuất hiện dòng báo chí mới, báo chí cách mạng. Đây là một cống hiến rất quan trọng, một cái mốc vàng trong tiến trình xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Sự ra đời của tờ Thanh Niên, số 1 ra ngày 21/6/1925, là một quyết định sáng suốt và đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc. |
Suy ngẫm về nguồn cội
Khi tờ Thanh niên ra số đầu tiên, nền báo chí quốc văn Việt Nam đã tồn tại được sáu mươi năm bắt đầu từ tờ Gia Định báo. Tuy nhiên, nếu tính từ ngày K. Marx sáng lập Báo Rênani mới (1/6/1848) với tư cách là cơ quan của Đồng minh những người cộng sản, mở đầu dòng báo chí cách mạng trên thế giới, thì được 77 năm. Trên Liên bang Xô viết mênh mông, báo chí cách mạng đã trở thành báo chí của đảng cầm quyền và là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của đất nước.
Từ ngày ấy đến hôm nay, đã 97 năm qua. Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Thời kỳ nhân dân ta chưa giành được chính quyền, trong sự đàn áp khốc liệt và chế độ thống trị hà khắc của thực dân, báo chí cách mạng phải hoạt động trong vòng bất hợp pháp, song chưa lúc nào đứt đoạn mà vẫn phát triển không ngừng. Báo của Trung ương có thể bị tịch thu, bị ngừng xuất bản vì những người lãnh đạo Trung ương đã bị bắt hết, thì báo của xứ ủy, các tỉnh ủy, huyện ủy vẫn tiếp tục lưu hành. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cứ mỗi lần cách mạng trải qua một bước ngoặt quyết định thì báo chí lại có điều kiện để phát triển lên một tầm cao mới. Qua các bước thăng trầm của thời cuộc, báo chí cách mạng Việt Nam luôn luôn nhìn thẳng vào phương hướng bất biến của mình là phấn đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó chính là nguyên nhân cắt nghĩa vì sao báo chí cách mạng Việt Nam luôn tìm được những hình thức thích hợp để thích ứng, tồn tại và phát triển.
Bước vào thiên niên kỷ mới, nhân dân Việt Nam tự hào về những thành tựu mà báo chí cách mạng đã giành được hơn 97 năm qua. Để hiểu đầy đủ quá trình phát triển và nhất là cắt nghĩa tính kiên định và nhất quán của báo chí cách mạng Việt Nam, không thể không đi ngược thời gian để lên tìm cội nguồn của nó.
1. Báo chí cách mạng Việt Nam bắt nguồn trước hết từ khuynh hướng yêu nước, dân chủ trong báo chí hợp pháp, đặc biệt từ khi báo chí quốc văn ra khỏi giai đoạn phôi thai, nặng chất công báo để dần dần trở thành một hệ thống báo chí với đầy đủ những đặc trưng của các cơ quan thông tin ngôn luận, như xuất bản định kỳ, lưu hành rộng rãi, có độc giả ổn định, có đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp,…
Ngay trên tờ báo tiếng Việt thứ hai ra đời tiếp sau tờ Gia Định báo vào nửa cuối thế kỷ XIX là tờ Phan Yên, đã có loạt bài công khai phê phán chính sách cai trị của thực dân Pháp. Đương nhiên nhà cầm quyền tìm cách đối phó, ngăn ngừa, đàn áp. Nhưng tiếng nói yêu nước, dân chủ, tiến bộ phản ánh ý chí quật cường của nhân dân ta không vì thế bị dập tắt mà ngược lại, vẫn tiếp tục vang lên ngày càng rõ ràng hơn, dõng dạc hơn dưới nhiều hình thức. Tác phẩm báo chí của những tên tuổi như Diệp Văn Cường, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế,… tuy đăng tải trên báo chí hợp pháp, công khai, phần lớn được xuất bản do tiền bạc và sự bảo trợ của nhà cầm quyền, nhưng lại mang tính tố cáo và phản kháng mạnh mẽ chống lại chế độ thực dân và bè lũ tay sai phong kiến; cổ súy nhân dân yêu nước thương nòi, đề cao nhân ái, giữ vững ý chí, khuyến khích chấn hưng kinh tế, đòi hỏi tự do kinh doanh, tự do báo chí, kêu gọi bài trừ hủ tục, tố cáo bọn tham quan ô lại…
2. Trong cội nguồn nội tại – có thể gọi là truyền thống – của báo chí cách mạng Việt Nam, phải kể một nguồn rất quan trọng là thơ văn yêu nước và cách mạng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đó là những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Đoàn Hữu Trưng, Trần Xuân Soạn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền… nửa sau thế kỷ XIX. Trong số những tác phẩm thời kỳ này có nhiều trường hợp khuyết danh nhưng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân dưới dạng dân ca, hò vè, câu đối, lời điếu, ca dao, ngạn ngữ.
Sang đầu thế kỷ XX, nội dung các tác phẩm báo chí - văn học (phần lớn lưu truyền không qua con đường báo chí hợp pháp) giảm dần sắc thái trung với vua theo quan điểm Nho giáo như hồi cuối thế kỷ XIX, mà nghiêng về hướng cách tân, yêu cầu mở mang dân trí, đòi hỏi dân quyền. Huyết thư của Phan Bội Châu gửi từ hải ngoại; bài ca Tỉnh hồn bước của Phan Chu Trinh kêu gọi "những người tuổi trẻ tài cao, rủ nhau đi học mọi điều văn minh, Ngô Đức Kế luận về chính học cùng tà thuyết, phê phán quan điểm vong quốc của Phạm Quỳnh; Đặng Nguyên Cẩn cổ động tân học; Trần Quý Cáp khuyên người trong nước học chữ quốc ngữ, Đỗ Cơ Quang điếu mười hai liệt sĩ ở Hoàng Hoa Cương… Đông Kinh nghĩa thục phát hành Văn minh tân học sách nêu lên sáu chính sách lớn: Dùng chữ quốc ngữ, hiệu đính sách mở, sửa đổi phép thi, cổ vũ nhân tài, chấn hưng công nghệ và đặc biệt nói rất kỹ, rất thiết tha về nhu cầu bức xúc xuất bản báo chí bằng quốc văn.
Những tác phẩm báo chí, thơ văn yêu nước và cách mạng hoặc được công bố qua các phương tiện thông tin, hoặc lưu truyền trong nhân dân qua nhiều kênh khác, đều là những cội nguồn trực tiếp và nội tại của báo chí cách mạng Việt Nam. Dòng báo chí, thơ văn ấy thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà "yêu nước là tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị. Nó là tư tưởng chủ yếu, là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam". Từ đó, nếu ngược dòng lên nữa, có thể khẳng định báo chí cách mạng bắt nguồn sâu xa từ truyền thống yêu nước, từ tinh túy của văn hiến Việt Nam.
3. Báo chí cách mạng Việt Nam còn bắt nguồn từ báo chí cách mạng, dân chủ và tiến bộ thế giới, và chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền báo chí ấy, trong khi trước sau nó vẫn giữ được đậm đà tính cách dân tộc.
Người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc khởi đầu sự nghiệp của mình ở nước ngoài. Những tác phẩm báo chí, văn học đầu tiên của Người - trong đó có những tác phẩm xuất sắc nhất được thực hiện tại Pháp và đăng tải trên báo chí tiến bộ Pháp, chủ yếu những báo và tạp chí do Đảng Xã hội (khi Đảng Cộng sản Pháp chưa thành lập) và Đảng Cộng sản Pháp chủ trương; rồi sau đó đăng trên báo chí Nga, Trung Quốc. Có thể nói, báo chí cách mạng Pháp đã đào tạo nên cây bút Nguyễn Ái Quốc khi Người còn trẻ. Những ngày nghiên cứu lý luận và thực tiễn ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc để tâm nghiên cứu kinh nghiệm của báo chí cách mạng Nga. Khi về Trung Quốc, Người vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ và cộng tác thường xuyên với báo chí cách mạng Trung Quốc.
Trước khi tờ báo Thanh niên ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã cùng bạn bè, đồng chí nước ngoài ở Paris xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ) số đầu tiên ra ngày 1/4/1922, mang nội dung cách mạng rõ rệt. Báo Le Paria có nhiều bài đề cập đến vấn đề Việt Nam. Nhưng dù sao, tờ báo được thực hiện bằng tiếng Pháp ở nước ngoài và ghi rõ ở tiêu đề là Diễn đàn các dân tộc thuộc địa (ít lâu sau đổi thành Diễn đàn của vô sản thuộc địa). Báo Việt Nam hồn khởi thủy từ ý định của Nguyễn Ái Quốc muốn xuất bản và lưu hành trong những người Việt Nam sinh sống ở Pháp. Song khi Người rời khỏi nước Pháp, tờ báo mới ra đời do Nguyễn Thế Truyền làm chủ bút, và càng về sau càng không giữ được đúng mục đích, tôn chỉ ban đầu. Hai tờ báo nên coi như thuộc cội nguồn ngoài nước của báo chí cách mạng Việt Nam.
4. Từ khi ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã cùng với phong trào cách mạng của nhân dân ta trước Cách mạng Tháng Tám trải qua bao giai đoạn thăng trầm, lúc cao trào dâng lên cũng như lúc phong trào tạm thời lắng xuống. Sau năm 1945 điều kiện nhìn chung có thuận lợi hơn so với thời hoạt động bí mật song vẫn không tránh khỏi tác động trực tiếp của thời cuộc. Trong mọi hoàn cảnh, nó vẫn trước sau giữ được trọn vẹn, nhất quán tính cách mạng để tiếp tục phát triển không ngừng. Từ năm 1986 khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam lại được bổ sung động lực để phát triển toàn diện mạnh mẽ. Đến 30/11/2021, báo chí cách mạng Việt Nam với 816 cơ quan báo chí, với đủ các loại hình báo chí và 17.161 phóng viên, biên tập viên, báo chí Việt Nam đã vươn lên sánh vai cùng báo chí các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Được như vậy là nhờ nó luôn được soi đường bởi lý luận cách mạng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Căn cứ vào nền tảng chính trị - tư tưởng cũng như qua xem xét các đặc trưng cơ bản của báo chí cách mạng 97 năm qua, có thể khẳng định chủ nghĩa Marx-Lenin là một trong những cội nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam.
PGS.TS. Đào Duy Quát
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t.1, tr.428
Nguồn: https://baochinhphu.vn/print/coi-nguon-bao-chi-cach-mang-viet-nam-10222062015070295.htm
Triển lãm chuyên đề về nhà báo Nguyễn Ái Quốc và báo Người cùng khổ
Submitted by nlphuong on Sun, 19/06/2022 - 20:12Triển lãm trưng bày hành trình báo chí của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919-1925, một số bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo L’Humanité; 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản sưu tầm từ Pháp.
Đại biểu tham quan tại khu vực triển lãm. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN) |
Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (1/4/1922-1/4/2022), kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), ngày 17/6, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm báo Người cùng khổ."
Triển lãm trưng bày hành trình báo chí của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919-1925, một số bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc trên báo L’Humanité, Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản báo Le Paria ngày 10/2/1922, trưng bày 29 trên 38 số báo Le Paria đã xuất bản (có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp. Đồng thời, trưng bày tác phẩm “Người đi tìm hình của nước” của họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng; tác phẩm "Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của cố họa sỹ Phạm Văn Đôn…
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết khởi đầu với những bài viết “Bản yêu sách của nhân dân An Nam," “Tâm địa thực dân," “Vấn đề dân bản xứ”…, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu học làm báo và sử dụng báo chí là vũ khí sắc bén trên con đường hoạt động cách mạng của mình.
Hơn 100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp lập Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1/4/1922.
Thời kỳ hoạt động trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như tin tức, xã luận, truyện ngắn, dịch thuật, tiểu phẩm, tranh vẽ…
Những bài báo của Người không chỉ vạch trần chính sách áp bức bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương, mà còn chỉ rõ bộ mặt tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa khác trên thế giới.
Le Paria đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, cổ vũ các tầng lớp nhân dân lao động đứng lên đấu tranh tự giải phóng khỏi ách nô lệ và có ảnh hưởng lớn đến công luận ở Pháp và các nước bị áp bức.
Triển lãm diễn ra đến ngày 25/6 tại khu vực trước Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (đường Đồng Khởi, quận 1)./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=799301
Thủ tướng chia sẻ khó khăn với báo chí, yêu cầu nghiên cứu giải pháp phù hợp để báo chí tăng cường tiềm lực
Submitted by nlphuong on Sat, 18/06/2022 - 10:14Phát biểu tại cuộc gặp mặt nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan nghiên cứu giải pháp phù hợp để tăng cường tiềm lực của báo chí; các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hạnh phúc, ấm no của nhân dân và sự phát triển của báo chí cách mạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan nghiên cứu giải pháp phù hợp để tăng cường tiềm lực của báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chiều 17/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022).
Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí trong cả nước.
Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí bày tỏ sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Thường trực Chính phủ, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động báo chí nước nhà.
Các đại biểu cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vai trò, tình hình hoạt động báo chí hiện nay và những định hướng lớn trong công tác báo chí, tuyên truyền trong thời gian tới; nêu những khó khăn, thách thức hiện nay cũng như kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các cơ quan báo chí, đội ngũ nhà báo hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, cơ quan báo chí, người làm báo trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, cơ quan báo chí, người làm báo trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam: Báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.
Theo Thủ tướng, để đất nước có được những kết quả quan trọng thời gian qua là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thủ tướng chúc mừng các thành tựu mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được thời gian vừa qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong các thành tựu chung của đất nước, có đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam, các nhà báo, các cơ quan báo chí, với thông tin khách quan, trung thực, kịp thời, đúng hướng, tạo chia sẻ, tạo cảm hứng và động lực cho người dân, góp phần để "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm". "Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các 'mặt trận'", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng các thành tựu mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được thời gian vừa qua, ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của báo chí vào những thành tựu chung của đất nước, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt, báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các cơ quan báo chí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn của báo chí trong điều kiện hiện nay về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực… Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu giải pháp tăng cường tiềm lực của báo chí phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình, điều kiện đất nước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giải quyết được những khó khăn của báo chí và hài hòa với các lĩnh vực khác, trong tổng thể chung với các ngành nghề.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng với truyền thống, bản lĩnh, trí tuệ, "mắt sáng - lòng trong - bút sắc", báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy các thành tựu, kết quả đã đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hạnh phúc, ấm no của nhân dân và sự phát triển của báo chí cách mạng.
Nguồn: Hà Văn/baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/thu-tuong-nghien-cuu-giai-phap-phu-hop-de-tang-cuong-tiem-luc-cua-bao-chi-102220617194029596.htm
Phát triển video trên nền tảng số: 'Cuộc đua' không thể chậm chân
Submitted by nlphuong on Fri, 17/06/2022 - 08:19Việc phát triển nội dung video trên các nền tảng số không chỉ giúp lan tỏa thông tin, mà còn giúp tối ưu hóa lợi nhuận, thu hút công chúng tốt hơn các hình thức thể hiện truyền thống.
Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Ngày nay, những cách kể chuyện mới lạ, trực quan sẽ dễ dàng tiếp cận đông đảo độc giả, khán giả trên các nền tảng số. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà thế giới đã chứng kiến sự bùng nổ của các trang chia sẻ video trực tuyến như thời gian qua.
Từ thực tế đó, ngày 16/6, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức tọa đàm “Phát triển nội dung video trên nền tảng số" nhằm cập nhật thông tin, kỹ năng cho đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên về xu hướng phát triển các hình thức truyền tải thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Đáp ứng thị hiếu nghe-xem
Tại cuộc tọa đàm, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo TTXVN Vũ Việt Trang cho hay TTXVN bắt đầu chuyển đổi số từ khá sớm, góp phần hỗ trợ quá trình tác nghiệp của những người làm báo thông tấn.
Với việc chuyển đổi số, TTXVN đã và đang từng bước xây dựng, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sau thời gian vận hành hệ thống tác nghiệp đa phương tiện. Các sản phẩm báo chí đa phương tiện, phù hợp với thị hiếu nghe-xem của công chúng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
“Việc chuyển đổi sang sử dụng các thiết bị số giúp người làm báo tác nghiệp và xử lý thông tin nhanh chóng để đưa đến độc giả. Thông tin được thể hiện đa dạng bằng chữ, hình ảnh và cả video thường thu hút công chúng tốt hơn các hình thức thể hiện truyền thống,” nhà báo Vũ Việt Trang nhấn mạnh.
Các sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như chat-bot được khai thác để tăng khả năng tương tác với công chúng. Trong thời gian dịch COVID-19 căng thẳng, chat-bot đã đảm nhiệm tốt việc trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thông tin, quy định được cập nhật liên tục theo tình hình dịch COVID-19. Hiện nay, việc giải đáp các thắc mắc trong mùa tuyển sinh sắp tới cũng đang được chat-box đảm nhận.
"Chuyển đổi số góp phần làm đa dạng hóa các hình thức phân phối thông tin báo chí. Từ một sản phẩm báo chí gốc được chuyển thể sang nhiều hình thức thể hiện để tiếp cận tốt hơn đến công chúng qua việc phân phối thông tin dưới nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử (website), ứng dụng (app), nền tảng xã hội… Như vậy, thông tin chính thống của TTXVN sẽ được lan tỏa nhanh hơn và TTXVN hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình,” bà Vũ Việt Trang cho biết.
Nói về thói quen người dùng trên nền tảng số, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng từ truyền hình thụ động, công chúng đã chuyển sang xu thế video theo yêu cầu (video on demand - VOD).
Phó Tổng Biên tập báo VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật tham luận tại hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
“Trước đây, nhà đài phát gì người dân xem nấy. Giờ với những OTT (over the top – dịch vụ truyền thông trên internet) được cài sẵn trên TV thông minh hay các thiết bị cầm tay, người xem có thể lựa chọn chương trình mình thích ở mọi lúc mọi nơi, có thể tua hay tạm dừng, không còn có chuyện bỏ lỡ một phân đoạn nào thú vị,” ông Nhật nói.
Nêu một ví dụ khác dễ hình dung hơn, ông Nhật nhắc đến phóng sự truyền hình gây chấn động mang tên “Ranh giới.” Thực tế, nhiều người không trực tiếp xem phóng sự đó trên TV, nhưng theo hiệu ứng truyền miệng, họ đã xem lại trên YouTube, Facebook, hay thậm chí là các trích đoạn được phát trên Tiktok, trang chia sẻ video ngắn đang làm mưa làm gió trên toàn cầu.
“Tôi đã thực hiện một khảo sát nhỏ và nhận thấy rằng số lượng view của ‘Ranh giới’ trên các nền tảng này rất cao. Đó là lý do mà các cơ quan báo chí không thể chậm chân trong chiến lược phát triển nội dung video trên nền tảng số,” ông Nhật nói.
Tại tọa đàm, các chuyên gia nêu ra quan điểm rằng việc phát triển nội dung video trên các nền tảng số không chỉ giúp lan tỏa thông tin, mà còn giúp tối ưu hoá lợi nhuận, nhờ chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo với các đối tác của Google hay Facebook.
Hướng tới giới trẻ
Bàn về giải pháp phát triển video trên nền tảng số, tiến sỹ Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam cho biết nhiều nội dung của đài hiện nay hướng tới giới trẻ.
“Hôm nay họ là Gen Z, ngày mai họ sẽ trở thành những người đưa ra quyết định xã hội sẽ vận hành như thế nào. Thêm nữa, họ là công dân số, họ ưu tiên dùng mobile và thích những trải nghiệm mới. Do đó, chúng tôi xây dựng một tầm nhìn lâu dài cho sự phát triển của mình bằng cách ra mắt những sản phẩm, chương trình phục vụ giới trẻ,” ông Chiến cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Vũ Thu Hà, Trợ lý Tổng biên tập Báo Việt Nam News cho hay kể từ năm 2018, tờ báo đã bắt đầu sản xuất video để phát trên các nền tảng xã hội. Cùng một nội dung video, đội ngũ thực hiện đã sản xuất theo nhiều định dạng khác nhau, chẳng hạn 16:9 cho YouTube, dạng vuông cho Facebook và dạng dọc cho Tiktok.
“Việt Nam News là tờ báo bằng tiếng Anh, có mục tiêu hoạt động là phản ánh tình hình chính trị-xã hội cho bạn đọc người nước ngoài. Tuy nhiên, ở mảng video, chúng tôi hướng tới những câu chuyện đời sống, văn hóa, giải trí nhiều hơn và thực tế là những sản phẩm đó thu hút nhiều lượt xem hơn là các video về chính trị-xã hội,” nhà báo Vũ Thu Hà cho hay.
Dẫn chứng cho phát biểu đó, bà Vũ Thu Hà cho biết những video ấn tượng như “Bạn trẻ tự chế xe Batman” hay “Một năm sau thảm kịch xe tải Essex” đã đạt rất nhiều lượt views. Đặc biệt, video phóng sự về vụ thi thể 39 người Việt di cư được phát hiện trong một xe tải ở Essex (Anh) đã giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế.
“Các sản phẩm video góp phần khẳng định uy tín, quảng bá thương hiệu của báo. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát triển các hình thức quảng cáo thông qua video, sản xuất video theo đơn đặt hàng, qua đó tăng thêm doanh thu,” bà Hà cho biết.
Giám đốc bản quyền, Công ty cổ phần giải pháp truyền hình Thế hệ mới Next Media Đỗ Phương Chi tham luận Vấn đề bản quyền trên không gian số. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Phát triển video trên nền tảng số là “mảnh đất” giàu tiềm năng khai thác đối với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật và bản quyền cũng rất cần được quan tâm để có thể đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Bà Đỗ Phương Chi, Giám đốc bản quyền Next Media, đơn vị nắm bản quyền nhiều giải bóng đá, cho hay Next Media xác định mình là một đơn vị tư nhân, cần phát triển trên “lưng của những người khổng lồ” như Facebook, YouTube, TikTok…
“Next Media luôn làm việc với YouTube chặt chẽ từ trước khi phát sóng một trận đấu. Chúng tôi dự đoán số lượng người theo dõi vào khoảng 2 hay 3 triệu cùng lúc. Từ đó, hai bên lên phương án kỹ thuật thật tốt để đảm bảo chất lượng,” bà Chi cho biết.
Với sức hút lớn từ các trận cầu đỉnh cao, việc Next Media bị vi phạm bản quyền là không thể tránh khỏi. Trung bình, mỗi trận bóng đá quan trọng sẽ phát sinh 2.000-3.000 link lậu. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị tốt, có công cụ và cả sự huy động nhân lực một cách nghiêm túc, Next Media chỉ mất trung bình khoảng 3 phút để hạ một link./.
https://www.vietnamplus.vn/Utilities/Print.aspx?contentid=799122
Trao giải cuộc thi “Ảnh đẹp SEA Games 31”
Submitted by nlphuong on Wed, 15/06/2022 - 18:12Sáng 15/6, báo Nhân Dân tổ chức lễ trao giải Cuộc thi “Ảnh đẹp SEA Games 31” với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao Giải nhất cho tác giả Trương Anh Đức. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Nhân dịp Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) diễn ra tại Việt Nam từ ngày 12 đến 23/5/2022, Báo Nhân Dân đã tổ chức Cuộc thi “Ảnh đẹp SEA Games 31” với sự tài trợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO). Cuộc thi “Ảnh đẹp SEA Games 31” đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo các tay máy chuyên nghiệp và không chuyên từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 800 ảnh đơn và bộ ảnh.
Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, những bức ảnh đoạt giải lần này là những tác phẩm ảnh báo chí đẹp, gây bất ngờ cho Ban Giám khảo và Ban Tổ chức.
Các tác phẩm dự thi đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp của hoạt động thi đấu và hoạt động bên ngoài sân đấu trong thời gian diễn ra SEA Games 31 tại Việt Nam; phản ánh những vẻ đẹp phong phú của các trận thi đấu, tinh thần thể thao cao thượng, nét đẹp văn hóa và tình đoàn kết hữu nghị của các vận động viên, người hâm mộ và cộng đồng các dân tộc ASEAN.
"Ngay cả khi có những bức ảnh chưa thật toàn bích thì tôi vẫn tin rằng người chụp đã cho khán giả cơ hội sống lại những phút giây hồi hộp, vỡ òa cảm xúc trong những ngày sôi động tuyệt vời của SEA Games 31 - Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Việc nhiều tác giả mới đã đoạt giải cao của cuộc thi cho thấy đây là sân chơi khách quan, công bằng của cái đẹp và sự nỗ lực của những người cầm máy. Hy vọng, những tác giả đến với cuộc thi Ảnh đẹp SEA Games 31 của Báo Nhân Dân sẽ trở thành những cộng tác viên thân thiết của tờ báo ngay từ bây giờ và trong tương lai gần", đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu.
Quang cảnh lễ trao giải. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Từ hơn 800 tác phẩm, Ban Giám khảo cuộc thi gồm những nhà nhiếp ảnh tên tuổi, đã chấm, chọn lựa để trao 1 Giải Nhất (trị giá 10 triệu đồng); 2 Giải Nhì (mỗi giải trị giá 7 triệu đồng); 3 Giải Ba (mỗi giải trị giá 5 triệu đồng) và 10 Giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 2 triệu đồng).
Tác giả giành Giải Nhất - Trương Anh Đức chia sẻ về tác phẩm Về đích: “Tôi rất may mắn đã bắt được khoảng khắc vận động viên Lương Hữu Phước bứt tốc về đích, bỏ xa tất cả các đối thủ để đoạt Huy chương Vàng ở nội dung 1500m tại SEA Games 31. Anh ấy vô cùng phấn khích và liên tục đấm tay lên trời ăn mừng. Đó là niềm tự hào của vận động viên Việt Nam với chiến thắng tuyệt đối”.
Tác phẩm Về đích của tác giả Trương Anh Đức giành Giải Nhất. |
Tác giả Phạm Văn Chiểu đạt Giải Nhì với tác phẩm Chạy tới tương lai chia sẻ cảm xúc: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi bắt được khoảnh khắc các vận động viên điền kinh nữ tiếp sức Việt Nam ăn mừng chiến thắng. Đặc biệt có Nguyễn Thị Huyền cùng cô con gái nhỏ. Bức ảnh cũng toát lên thông điệp về sự phát triển của thể thao nước nhà qua từng thế hệ, hứa hẹn sẽ xuất hiện lớp tài năng trẻ - “tre già măng mọc”, với nhiều tiềm năng trong tương lai”.
Giải Nhì thuộc về tác phẩm Chạy tới tương lai của tác giả Phạm Văn Chiểu. |
“Ở trận chung kết đấu kiếm, Ban Tổ chức đã bố trí sân khấu chính với hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp, phông nền đẹp. Bởi vậy, dù không có được vị trí tốt nhất như các phóng viên, tôi vẫn cố gắng lựa chọn góc máy để chụp và cũng rất may đã bắt được khoảnh khắc tuyệt vời này”, ông Triệu Cơ Lương, tác giả đạt Giải nhì với tác phẩm Đường kiếm khéo léo cho biết.
Tác phẩm Đường kiếm khéo léo của tác giả Triệu Cơ Lương. |
Tác giả Trần Thanh Hải đã giành Giải Ba với tác phẩm Kình ngư Trần Hưng Nguyên nhìn nhận về kỷ niệm kỳ đại hội thể thao: “Không chỉ phá kỷ lục SEA Games do chính mình lập nên tại Philippines năm 2019, kình ngư Trần Hưng Nguyên còn khiến khán giả Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình vỡ òa với màn bứt tốc ngoạn mục để về nhất nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nam. Khoảnh khắc này đã truyền cảm hứng về khát vọng vươn tầm châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam”.
Giải Ba: tác phẩm Kình ngư Trần Hưng Nguyên của tác giả Trần Thanh Hải. |
Trong khuôn khổ Lễ trao giải Cuộc thi “Ảnh đẹp SEA Games 31”, Ban Tổ chức đã triển lãm bộ ảnh gồm 31 tác phẩm (gồm 16 tác phẩm đoạt giải chính thức và 15 tác phẩm ảnh dự thi xuất sắc) - con số ý nghĩa trùng với lần thứ 31 của SEA Games.
Nguồn: PHAN THẠCH - THÀNH ĐẠT
https://nhandan.vn/nhip-song-the-thao/trao-giai-cuoc-thi-anh-dep-sea-games-31--701350/
Ra mắt Chương trình giờ thứ 9+
Submitted by nlphuong on Sun, 12/06/2022 - 16:23Trong khuôn khổ chương trình “Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam chính thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+” sau 2 số phát thử nghiệm thành công, nhận được phản hồi rất tích cực từ công nhân lao động và công chúng.
Lễ ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải thực hiện nghi thức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp. Thông qua Chương trình, công nhân lao động nói lên tâm tư, nguyện vọng việc làm, đời sống; thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm công dân với xã hội.
Chương trình cũng là sự khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động, giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc vất vả, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, yêu lao động của công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Chương trình được kết cấu dưới dạng Game show hấp dẫn qua 3 vòng thi thử thách về tay nghề, năng khiếu cá nhân và trình độ hiểu biết pháp luật của người lao động gồm: “Vào ca”, “Giải lao”, “Tan ca”. Ban Giám khảo gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực về chính sách pháp luật và công đoàn, những người có thành tích, tay nghề cao trong ngành nghề và các nghệ sĩ nổi tiếng: Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, Chí Trung… Đồng hành cùng Chương trình có sự tham gia tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Agribank và Công ty TNHH Samsung Electronics.
Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
Submitted by nlphuong on Sun, 12/06/2022 - 08:35Sáng 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông; PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện các đơn vị nghiên cứu, đào tạo…
Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí cũng như Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ.
Phát biểu khai mạc, PGS,TS Đặng Thị Thu Hương cho biết hội thảo là sự kiện khoa học thường niên trong khuôn khổ “Diễn đàn báo chí tháng 6” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức, với mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương phát biểu khai mạc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
“Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.
PGS,TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.
Sự phát triển của báo chí, truyền thông số là một trong những chủ đề chính yếu mà Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối cộng đồng - bà Hương cho hay.
Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PGS,TS Đặng Thị Thu Hương gửi lời chúc mừng và tặng bó hoa tươi thắm đến các nhà báo tham dự hội thảo. Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đại diện các nhà báo nhận hoa chúc mừng.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Thay vì đọc báo một cách truyền thống như trước đây, phần lớn độc giả ngày nay tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý.
Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Ông Lâm cho biết, nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Theo Cục trưởng Cục báo chí, nói đến đầu tư thường nói đến đầu tư của Nhà nước, tuy nhiên vấn đề đầu tư Nhà nước ở đây không phải lúc nào cũng là ngân sách, mà Nhà nước kéo tất cả các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái cung cấp nội dung số vào cuộc chơi chung.
Ông Lâm nhấn mạnh, so với việc tự đầu tư hạ tầng thì các cơ quan báo chí Việt Nam có thể chọn một phương án thực dụng hơn, đó là sử dụng hạ tầng của bên thứ ba, nhưng phải kiểm soát được các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên nội dung số của các cơ quan báo chí…
Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua, câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực báo chí, nhiều tòa soạn và phóng viên không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Chia sẻ về một số kết quả chuyển đổi số nổi bật của Báo Nhân Dân thời gian qua, ông Lê Quốc Minh cho biết Báo Nhân Dân đã và đang có nhiều thay đổi như sử dụng QR Code để giới thiệu nội dung, thay đổi măng sét, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức. Theo đó, quan điểm “digital first” đang được áp dụng tại Báo Nhân Dân một cách triệt để. Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số để tiếp cận nhanh hơn tới độc giả theo cách thức “đa nền tảng”, trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok…
Về một số giải pháp và kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, cụ thể là với Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho biết sẽ thực hiện quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism).
Cùng với đó là chủ trương đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (first-party data); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, Báo Nhân Dân đang cố gắng trở thành trung tâm kết nối dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh, thành phố, và phấn đấu với phương châm “Nơi nào có nhân dân, nơi đó có báo Nhân Dân”.
Hội thảo khoa học diễn ra theo 2 phiên với các chủ đề “Chiến lược chuyển đổi số báo chí - Tầm nhìn năm 2030” và “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những điểm nhìn từ thực tiễn”.
Tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo gửi tới hội thảo tập trung vào một số chủ đề như: Báo chí số - Nhìn lại 30 năm nghiên cứu và triển vọng phía trước; Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình tòa soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; Phát triển chiến lược kinh doanh nội dung số: kinh nghiệm từ báo chí thế giới; Những đặc điểm của xã hội số và cơ hội, thách thức đối với chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý; Chuyển đổi số báo chí - Chuyển đổi từ nhận thức; Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số báo chí; Phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…
Trao đổi cùng các đại biểu về mục tiêu tại sao phải chuyển đổi số, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và thậm chí có thể tăng doanh thu.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao đổi với các đại biểu về mục đích của chuyển đổi số trong cơ quan báo chí. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Ông Lê Quốc Minh cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý, và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc đào tạo, trao đổi về các nội dung liên quan chuyển đổi số.
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. “Chúng ta buộc phải theo đuổi và thậm chí đón đầu các nền tảng mới, nếu làm được điều này chúng ta sẽ sống sót, tồn tại và sau đó mới có thể phát triển được”.
Căn cứ Nghị quyết 50 ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là chủ trì xây dựng Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.