Khám phá nghề biên tập (*)

“Biên tập”- theo Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM, tháng 3.2010) là “biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu đưa đi xuất bản”. Biên tập được chia thành 2 dạng chính: Biên tập nội dung và biên tập hình thức. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính hình thức; bởi hai phạm trù này có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời.

Thực tiễn đào tạo báo chí ở Việt Nam từ trước tới nay chỉ có trường dạy báo chí chứ không dạy hay đào tạo công việc biên tập một cách chuyên nghiệp như các chuyên ngành báo chí khác. Đa số biên tập viên giỏi đều trưởng thành từ viết lách, có quá trình tích lũy tri thức, vốn sống, kỹ năng biên tập ngay trong khi làm nghề. Chủ yếu là học hỏi từ các đồng nghiệp, trong thực tế, nghề dạy nghề… 

Có người viết, hẳn nhiên sẽ có người biên tập. Người biên tập nhuận chỉnh lại bài viết, để cho tác phẩm tiếp cận với công chúng dễ dàng hơn. Sách Khám phá nghề biên tập tổng hợp những trải nghiệm quý mang tính thực tiễn sinh động, hấp dẫn của chính bản thân tác giả, của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế trong, từ đó người mới bước vào nghề báo cũng như bạn đọc có thể hình dung được quá trình lao động thầm lặng của người biên tập. Các biên tập viên bằng vốn hiểu biết sâu rộng, cộng với sự nhạy cảm về thời cuộc, có trách nhiệm trong tòa soạn, độc giả ; họ là “bà đỡ”  để cho những tác phẩm báo chí trở nên có sức nặng hơn trước khi đến tay bạn đọc. Công việc của biên tập viên trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin trong thời đại hôm nay đòi hỏi ở họ kỹ năng nghề nghiệp cũng như tinh thần trách nhiệm ngày càng cao. Biên tập viên còn phải biết “phân thân” ở nhiều vị thế khác nhau: Họ không những chế biến, “nấu giỏi” các món của tòa soạn đòi hỏi, mà còn phải nhạy cảm với “khẩu vị” trong mỗi “thực đơn” mà bạn đọc công chúng đặt hàng, để có thể  kịp thời đáp ứng nhu cầu của họ.

Trong cuốn  Khám phá nghề biên tập, tác giả Ngọc Trân đưa ra một số nguyên tắc của nghề biên tập, tố chất của biên tập viên, vai trò của một biên tập viên chuyên nghiệp. Tác giả cho rằng, ai cũng có thể bước vào nghề này, miễn là khả năng tiếng Việt của họ tốt. Và tất nhiên là phải có niềm đam mê nghề nghiệp, không ngừng trau dồi kiến thức, không ngừng học hỏi.

 Sách Khám phá nghề biên tập gồm 9 chương, nhiều tiểu mục chi tiềt, từ tổng quan về nghề biên tập, quy trình xử lý bài vở, tính chính xác của thông tin, công bình trong tin tức, đạo đức báo chí, giúp người gặp khó khăn trong viết lách, quy trình viết một bài báo... 

 Tác giả Ngọc Trân đã dẫn dắt người đọc đi sâu vào công việc “bếp núc” của nghề biên tập và các công đoạn công việc của họ, phải tuân thủ một cách chặt chẽ như: phải hiểu độc giả, thông thạo tin tức, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn; làm thế nào để bài báo chính xác hơn, hay hơn, giúp phóng viên tháo gỡ, vượt qua những khó khăn trong viết lách. Các kỹ thuật thể hiện một bài báo hoàn chỉnh như tiếp cận nguồn tin, xử lý thông tin trong một bài báo, và cách thể hiện các thể tài báo chí khác 

 Một số phần cốt lõi của sách Khám phá nghề biên tập đã được đăng tải trên Tạp chí Người Làm Báo của Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều phần trong cuốn sách đã được sử dụng cho các lớp tập huấn nâng cao năng lực biên tập tin, bài về các vấn đề phát triển do Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Các lớp nghiệp vụ biên tập của nhà trường, một số tờ báo ở TP. HCM và một số địa phương. Tác giả có cập nhật, chỉnh lý, loại bỏ nội dung cũ, bổ sung thêm một số nội dung mới trong cuốn sách này.

(*) Tác giả Ngọc Trân, NXB Trẻ , 2013

Lê An Chi

Nguồn: Tạp chí Người làm báo

Tin nổi bật