Blog và văn hóa blog: Cuộc sống thực trong thế giới ảo
Internet đang xóa đi biên giới và rút ngắn thời gian đến mức đo bằng vài phần trăm giây. Blog và mạng xã hội nói chung là dạng độc đáo của chia sẻ trải nghiệm cá nhân với cộng đồng. Đối với nhiều người, đây đang là phương thức mới để tự nhận biết mình và hoàn thiện nhân cách.
Online nhật ký
Blog đầu tiên trên thế giới xuất hiện khoảng năm 1994, còn hôm nay (theo thống kê chưa đầy đủ), ở Việt Nam có tới trăm ngàn người blogger, còn số người đọc các blog được ưa chuộng thì lên tới hàng triệu.
Đối thoại “ảo” (với người đọc blog của mình) thường đơn giản hơn, có cảm giác an toàn hơn. Tính năng thông thường của nhật ký (giấy) là khi ta mô tả cuộc sống, nó giúp ta cảm thấy cuộc sống như đẹp, thi vị, phong phú hơn. Còn nhật ký điện tử biến cuộc sống được ta mô tả trong đó thành cái có thể chia sẻ với người khác, một cách có ý nghĩa; thành cái có thể tạo hứng khởi cho người khác bằng trải nghiệm của mình.
“Viết blog giúp mình lập lại trật tự, cân bằng hơn cả trong tư duy và cảm nghĩ”, một nữ ký giả chia sẻ với tôi.
Như tấm gương soi
Nhật ký online, theo các chuyên gia tâm lý, là phương thức nhận biết mình nhờ so sánh tư duy và cảm xúc của mình với phản ứng của những người khác. Blog giúp tự kiểm định mình, thay đổi cách ta tự đánh giá theo chủ quan, hỗ trợ loại bỏ những ảo tưởng, huyễn hoặc, giúp mạnh dạn thú nhận với mình những thất bại (nhờ ẩn danh), chữa những “vết thương lòng”…
Một chữ thế hệ 9X hay dùng “tự tin” (thường gây cảm giác ngược lại, là họ không tự tin lắm, trên đường toàn cầu hóa) có thể thành sự thật nhờ blog. Nhiều bạn trẻ đưa lên blog những sáng tác của mình (văn học, hội họa, nhiếp ảnh, thậm chí cả một đoạn nhạc), và trở nên mạnh dạn hơn, nhờ các ý kiến khen ngợi (và cả phê bình) của những người đọc blog thường là vô tư, vì không rõ nhân thân của blogger.
Nếu các trò chơi trên “net” bị kết tội là làm con người ta “vô hồn” thành người máy, thì viết blog, viết facebook làm cho cuộc sống dường như hay hơn, đẹp hơn. Chia sẻ nỗi buồn, nỗi buồn được san sẻ; chia niềm vui thành nhân nó lên. Blog trữ tình, kích thích khám phá, cứ như trong lễ hội hóa trang.
Facebook được ai đó ví như một “gương” 3 chiều, giúp blogger soi mình từ nhiều phía hơn.
Phương tiện tự khẳng định và hỗ trợ
Trong thời đại củi quế gạo châu, giấy đắt như vàng, NXB trông thấy tác phẩm dày lắc đầu quầy quậy, Web cá nhân là thao trường cho văn nghệ sĩ tập sự. Biết rằng trong người xem có cả những tay tổ về cái nghề mình đang tập tọng, ai cũng cố hơn: cố diễn đạt, biểu thị tốt hơn những gì mình đang mong muốn “thả hồn” vào. Những blogger bình thường cũng cố nắn nót từng câu, cố hoàn thành nghĩa vụ tối thiểu là tôn trọng độc giả. Có lẽ vì thế họ được thưởng: những bình phẩm của người không quen biết thường khách quan hơn của gia đình, bạn bè.
Trái với sự bát nháo thường thấy trên mạng, nhiều mạng xã hội ở Việt Nam khá kỷ luật, nghiêm túc, nhanh nhạy, hiệu quả. Người ta làm từ thiện, giúp tìm công việc mới sau khi bị sa thải; giúp tìm bạn sau khi ly dị, chồng bỏ, những “bố trẻ” được dạy làm cha. Trên những mạng như Web trẻ thơ, các bà mẹ trẻ dạy nhau cách nấu thức ăn cho con nhỏ, chữa bệnh thường thức, tìm trường cho con… Blog giúp ta trụ lại với những hướng đích tốt, những nề nếp, thừa hưởng của cha ông, khi những giá trị cuộc sống hôm nay bị đảo lộn.
Blog không có chỗ cho các “tác phẩm được (tiền chùa) tài trợ”, nó tuân thủ quy luật khắc nghiệt của thị trường: blog viết hay thì nhiều người đọc, viết dở hoặc “bồi bút”, thì quên đi nhé. Viết blog “vô vọng”, gần như ném xuống biển như một cái chai đụng thư. Nhưng nếu blog hay, thì như cái chai mò từ đáy biển ai cũng muốn mở, để “vị thần” có phép màu chui ra.
Tài nguyên xây lòng tự trọng
Bản thân tôi từng là một học trò không chịu được sự im lặng trong lớp cuối những năm 60, khi thầy cô đặt câu hỏi, bị gán tên xấu là “thằng hay phát biểu”… Thời đó có nhiều bạn học giỏi lắm, một số trong họ nhưng thường ngồi yên, với câu trả lời đúng ngậm trong mồm. Nay blog hỗ trợ đả phá văn hóa “im lặng đáng sợ”.
Trên mạng xã hội, nhiều người mạnh dạn hơn khi cho ý kiến ở vị thế giấu tên, dần dà đạt tới cái (hô hào nhiều, đạt được ít) là sự tự tin thực sự của lớp trẻ. Ở nước ta thứ bậc, tôn ti trong xưng hô, chính xác đến ngặt nghèo, làm những người trẻ hơn, chiếu dưới thường phải né tiếng “nói leo”. Ngược lại, blog không hề “cá mè một lứa”. Trên mạng xã hội, dễ gặp may, được phản hồi về khúc mắc của mình từ một người từng trải hơn. Đồng thời cố đưa nhiều thông tin đời tư lên mạng là “nghề” của những kẻ tự đại, thích đánh bóng, hoặc sống nhờ scandal.
Không ít nhà báo dùng blog cho những dòng mà họ muốn viết. Họ có thể phân trần, giải thích về những gì họ từng viết, đang gây tranh cãi cho người đọc, để đi hai chân trên hai lề.
Thuốc “an thần”
Nhờ trang blog, có thể (giấu tên) kể về những khúc mắc của mình, giải phóng những giận dữ, bức bối. Nhật ký online như một phác đồ của chuyên gia tâm lý, người đọc giúp điều trị những tình huống gay go của cuộc sống, khi tâm hồn như trôi dạt về những dòng đời “vô cảm”. Bạn có thể chat (giãi bày) với người không quen biết về một rắc rối “gỡ mãi chẳng ra”, khi ngại chia sẻ điều đó với người nhà, vì muôn vàn lý do đời thường.
Vẫn có những người đọc blog kiểu phượng hoàng hái khế: “ăn một quả, trả một cục vàng”. Những lời khuyên, và cả những phê phán, chỉ trích đúng lúc của họ có ảnh hưởng tích cực đối với đời tư và sự nghiệp của các blogger.
Chân dung blogger
Nhiều blogger trở thành tác giả của những bộ “phim nhiều tập”, nơi họ đồng thời là đạo diễn và diễn viên chính. Trên đó, vần vũ những trận bão trí tuệ (brain storm).
Blog là môi trường bình đẳng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, uy tín. Giấy thông hành trong không gian của các blogger là am hiểu, biết giãi bày, biết thảo luận. Nhưng văn hóa blog không chỉ gồm lịch thiệp, quan trọng hơn có lẽ là sự chân thành. Một điều nữa có lẽ cũng quan trọng với VN: blog giúp hoàn chỉnh sự tự đánh giá bản thân, tu chỉnh nhân cách, mở đường vào quãng đời mới, tích cực, đầy năng động.
Những blogger thường tiến bộ, giàu cảm thông, ưa chia sẻ, không ki bo ích kỷ. Họ thường lo lắng về những gì mình viết trên blog sẽ được nhân gian tiếp nhận ra sao. Từ đây, có thể hình thành những nhân cách sống “cứu nhân độ thế”. Viết blog giúp các bạn trẻ học cách diễn đạt tư duy mạch lạc hơn, tiến bộ hơn, không cần ai đó dạy “kỹ năng sống”.
Giàu vì… blog
Nếu có nhiều bạn nghĩa là giàu, thì nhiều blogger đã “giàu to”. Bên cạnh những ý kiến châm chọc, mà không phả hoàn toàn có hại, nhiều blogger đã bội thu những lời “còm” (commentary) hữu ích cho sự nghiệp củ mình, nhất là những ai có “số” văn chương. Thế hệ anh chị, cha mẹ chúng ta, thường phải giấu giếm, nhật ký, dọa kiện những ai muốn “nhòm trộm vào tâm hồn” họ. Giàu có về tâm hồn, nhưng cách viết nhật ký giấy có vẻ “nghèo” hơn, đơn độc hơn. Các blogger hôm nay có được cái có lẽ hơn cả tiền: sự động viên, ủng hộ, đến từ cả những ai không quen biết.
Lê Đỗ Huy
Phụ nữ Thủ đô số 39, 28.9.2011