Syndicate content

Chuyển động ngành

1 - 2/12/2011: diễn ra sự kiện CNTT kép tại TP. HCM

(ICTPress) - Trong hai ngày 1 và 2/12/2011, hai sự kiện là chương trình “Phát triển Sản phẩm dịch vụ CNTT Thương Hiệu Việt” và hội thảo với chủ đề “Nhân lực CNTT trong thế giới phẳng” sẽ được tổ chức tại Công viên Phần mềm Quang Trung phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

Chương trìnhPhát triển sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt” (VIBRAND) do Văn phòng ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) và QTSC phối hợp tổ chức dự kiến sẽ là hoạt động thường niên của Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Bên cạnh đó, chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị Quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Với mục đích tạo thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, chương trình sẽ bao gồm 3 chuyên đề: Sản phẩm phần mềm trong Y tế, Giáo dục; Sản phẩm phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành trong cơ quan nhà nước; Sản phẩm phần cứng, dịch vụ CNTT và nội dung số thương hiệu Việt.

Bên cạnh đó còn có 50 gian hàng của các doanh nghiệp tham gia triển lãm trưng bầy “Sản phẩm và dịch vụ CNTT Thương Hiệu Việt” dự kiến thu hút trên 20.000 lượt khách tham dự Triển lãm.

Ban tổ chức cho biết sẽ có 1000 khách mời tham gia hội thảo bao gồm lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các ban ngành đoàn thể, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp làm CNTT-TT, và  thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp ứng dụng CNTT cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông.

Trong khi đó, hội thảo với chủ đề “Nhân lực CNTT trong thế giới phẳng” được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) và Liên minh các Công viên Phần mềm châu Á - châu Đại Dương (SPA) và QTSC tổ chức vào ngày 1/12/2011 tại QTSC.

Đây cũng là một sự kiện hưởng ứng đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông” của Chính phủ và góp phần tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020 là đạt 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.

Hội thảo này sẽ có sự tham gia trình bày của đại diện các công phần phần mềm, các doanh nghiệp CNTT châu Á - châu Đại Dương như McKinsey & Company Vietnam Ltd., Multimedia Development Corporation (MDeC), Malaysa, Software Park Thailand...

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc QTSC kiêm Chủ tịch SPA nhiệm kỳ 2011 cho biết: “Đứng trước nhu cầu cao về nguồn nhân lực CNTT trong tương lai, thời gian gần đây, Chính phủ đã có một số chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT mang tính bền vững. Thông qua hội thảo lần này, chúng tôi mong muốn tìm hiểu nhu cầu và khả năng cung ứng nhân lực CNTT của Việt Nam cũng như các nuớc trong khu vực. Bên cạnh đó học hỏi kinh nghiệm đào tạo nhân lực chất lượng cao trong khu vực, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm phát triển nhân lực CNTT của Việt Nam đáp ứng nhu cầu  phát triển chung của khu vực và thế giới”.

Liên minh các công viên phần mềm châu Á - châu Đại Dương (The Asia Oceania Regional Software Park Alliance – SPA - http://www.softwarepark.asia) là một tổ chức quốc tế bao gồm 23 công viên phần mềm của 13 nền kinh tế như Malaysia, Brunei, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan, Việt Nam….

Mục tiêu của QTSC là trở thành một công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam và có khả năng cạnh tranh với các khu phần mềm trong khu vực. Đến nay QTSC có hơn 100 doanh nghiệp CNTT và 32 nhà đầu tư với tổng số người đang học tập và làm việc lên đến hơn 20.000 người.

ICTPress sẽ bảo trợ thông tin cho sự kiện kép này. Chương trình tổng thể của sự kiện CNTT này, bạn đọc có thể tải tại đây.

Linh Hoàng

Lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2016

(ICTPress) - Ericsson dự báo  thuê bao di động sẽ lên tới gần 5 tỷ vào năm 2016 từ 900 triệu thuê bao vào cuối năm nay và lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2016.

Trong một báo cáo về lưu lượng và dữ liệu thị trường mới (Traffic and Market Data report) về các xu hướng hiện nay, Ericsson dự báo lưu lượng dữ liệu di động sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2016. Báo cáo này được dựa trên những đo lường của Ericsson được ghi lại lại trong nhiều năm qua trên các mạng ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Dự báo lưu lượng thoại và dữ liệu 2008 - 2016 (“Lưu lượng” là lưu lượng tổng hợp trên các mạng truy nhập di động. Lưu lượng DVB- H và Mobile WiMax hay WiFi không bao gồm ở đây, kể cả di động tới di động (M2M).

Trưởng bộ phận kinh doanh mạng của Ericsson Johan Wibergh cho biết: “Ericsson thực hiện một loạt đo lường để theo dõi những thay đổi của cả một tổ chức mạng được kết nối. Các đo lường này Ericsson sử dụng để thiết kế các sản phẩm và quy hoạch mạng một cách hiệu quả. Báo cáo này cung cấp những thông tin tổng hợp, đồng thời cho thấy số người và các doanh nghiệp đang tăng lên được hưởng lợi từ di động, băng rộng và đám mây như thế nào”.

Theo báo cáo này, thuê bao di động sẽ lên tới gần 5 tỷ vào năm 2016 từ 900 triệu thuê bao dự báo vào cuối năm nay. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng thuê bao di động hàng năm là 60%, đồng thời dữ liệu mà người sở hữu điện thoại thông minh (ĐTTM) sử dụng cũng tăng lên. Tổng lưu lượng mà ĐTTM sử dụng dự báo tăng gấp 3 trong năm 2011.

Báo cáo này cũng cho biết kết nối Internet ở tất cả các thiết bị sẽ tiếp tục thúc đẩy sự gia tăng lưu lượng di động và lưu lượng dữ liệu di động, dự báo sẽ tăng gần 60%/năm từ các năm 2011 đến 2016, chủ yếu là nhờ video.

Tới năm 2016, hơn 30% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố lớn và đô thị với mật độ hơn 1000 người/km2. Những khu vực này chiếm chưa đến 1% tổng diện tích trái đất, nhưng sẽ tạo ra khoảng 60% lưu lượng di động.

Băng rộng di động, các mẫu ĐTTM và các ứng dụng mới sẽ tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu. Đồng thời, sẽ có một sự thúc đẩy mạnh mẽ ĐTTM cất cánh ở các khu vực này. Ericsson dự báo lưu lượng do các dòng máy ĐTTM tiên tiến tạo ra sẽ tăng gấp 12 lần so với các máy tính cá nhân kết nối di động vào năm 2016.

Ericsson hiện diện ở hơn 180 quốc gia, hỗ trợ hơn 1000 mạng, điều này cho phép Ericsson đo lường được các kết quả lưu lượng thoại thoại và dữ liệu di động. Kết quả của báo cáo này là một cơ sở chính cho việc tính toán tổng lưu lượng di động trên các mạng 2G, 3G và 4G trên toàn thế giới.

Linh Hoàng

FPT Online báo lãi lớn

(ICTPress) - Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) vừa thông báo kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2011 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.

Một góc Game Studio của FPT Online. Ảnh: FPT Online.

Theo đó, trong quý 3, FPT Online đạt gần 444 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 246% so với mức 128 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần gấp đôi từ 28,3 tỷ lên 53 tỷ đồng.

Kết quả 9 tháng đầu năm, FPT Online đạt 852 tỷ đồng doanh thu, bằng 3,4 lần mức 255 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 154% từ 52,2 tỷ lên 132,9 tỷ đồng.

Như vậy, tính riêng quý 3 năm nay, FPT Online đã đạt doanh thu và lợi nhuận cao hơn kết quả 9 tháng đầu năm 2010.

FPT Online tiền thân là bộ phận kinh doanh Nội dung số thuộc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, hiện tập trung vào các mảng quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ SMS.

Thương mại điện tử và thanh toán điện tử cũng là hướng quan trọng mà FPT Online đang chú trọng phát triển và có nhiều lợi thế, song dường như công ty này chưa tìm được mô hình triển khai phù hợp.

Mới đây nhất, TGĐ FPT Trương Đình Anh cho biết kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông - báo chí sẽ là một trong những định hướng chiến lược của Tập đoàn FPT trong giai đoạn phát triển mới. FPT Online với kinh nghiệm về hoạt động quảng cáo và dịch vụ trực tuyến sẽ là đơn vị thích hợp để thực thi định hướng này.

Ngày hôm qua (8/11), FPT Online đã chính thức công bố hợp tác chiến lược với Tạp chí Thế giới Vi tính (PC World Vietnam), theo đó, PC World Vietnam sẽ tập trung nguồn lực vào nghiệp vụ báo chí, sản xuất nội dung, còn FPT Online sẽ đảm nhận hoạt động kinh doanh và cung cấp nguồn lực cho các hoạt động của tạp chí.

Được biết, trong năm 2011, FPT Online đặt kế hoạch doanh thu đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỷ đồng. Tại thời điểm công bố kế hoạch kinh doanh, Chủ tịch HĐQT FPT Online Thang Đức Thắng nói kế hoạch này là một thách thức rất lớn của FPT Online trong tình hình kinh tế đầy biến động như hiện nay.

Lê Nguyên

Metfone của Viettel là nhà cung cấp tốt nhất tại thị trường đang phát triển

(ICTPress) - Hôm qua (7/11), tại lễ trao giải thưởng Truyền thông Thế giới 2011 (World Communications Awards 2011) tổ chức tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh, thương hiệu của Viettel tại Campuchia - Metfone đã được nhận giải "nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất tại thị trường đang phát triển".

Metfone đã vượt qua các doanh nghiệp viễn thông từ Pháp (Orange), Indonesia (Axis), Cộng Hòa Cape Verde (CVTelecom) để giành giải thưởng.

Giải "Nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất thị trường đang phát triển" xem xét trao cho nhà cung cấp có các giải pháp sáng tạo và độc đáo, vượt qua các khó khăn đặc thù của thị trường đang phát triển để mang lại các giá trị cho xã hội, cộng đồng, khách hàng và phát triển kinh doanh của chính doanh nghiệp. Giải thưởng năm 2012 là sự ghi nhận của thế giới về những giải pháp sáng tạo và nhất quán đã trực tiếp góp phần vào sự phát triển vượt bậc của ngành viễn thông Campuchia.

Với quan niệm viễn thông là bình dân (mọi lúc, mọi nơi, cho mọi người với giá tốt), Metfone đã mở rộng vùng phủ hạ tầng mạng lưới tới từng gia đình, từng ngôi làng - kể cả vùng sâu vùng xa, với hơn 5500 trạm BTS và 16000 km cáp quang, đóng góp tới 80% số km cáp quang và 45% số trạm BTS cho toàn đất nước Campuchia.

Chỉ trong vòng hai năm 2009-2011, mật độ di động của Campuchia đã tăng hơn 6 lần từ 15% lên 100%, điện thoại cố định tăng 10 lần từ 2% lên 20%, Internet băng rộng tăng 8 lần từ 0,5% lên 4%. Vùng phủ sóng di động và cố định đã tới 100% dân, hạ tầng cáp quang tới 90% xã, sẵn sàng đảm bảo triển khai "Chính phủ điện tử", Internet miễn phí tới trường học và băng rộng đến mọi hộ gia đình. Mật độ hạ tầng tăng lên mức 830 trạm và 1600km cáp/1 triệu dân (cao hơn mức trung bình của thế giới là 200 trạm và 1000km cáp/1 triệu dân).

WCA đã trao cho Metfone giải thưởng này với điểm số tối đa vì "Đã thích nghi với những đặc thù của thị trường, có chiến lược thâm nhập hợp lý giúp làm thay đổi bức tranh ngành viễn thông Campuchia với những con số tăng trưởng ấn tượng cũng như việc phủ sóng đến cả các khu vực nông thôn".

Năm 2009. Viettel đã giành được giải thưởng này. Như vậy, với 2 lần trao thưởng cho cùng một cách làm, thế giới đã ghi nhận khái niệm viễn thông bình dân mà Viettel đưa ra là một giải pháp tối ưu tại các thị trường đang phát triển.

Chính thức khai trương năm 2009, Metfone hiện là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất tại Campuchia với 48% thị phần và hơn 7 triệu thuê bao trong tổng số 8 nhà khai thác.

Năm 2010, Metfone cũng đã được tổ chức Frost&Sullivan trao giải "nhà cung cấp dịch vụ triển vọng nhất trong năm".

Lê Nguyên

FPT đã hoàn tất hợp tác đầu tư vào PC World

(ICTPress) - FPT đã hoàn tất thỏa thuận hợp tác, đầu tư vào PC World. Hiện toàn bộ nhân sự của tờ báo này đã được chuyển sang làm việc tại trụ sở của FPT Online - một công ty thành viên của tập đoàn FPT.

e++: một ấn phẩm của PC World Vietnam. Ảnh minh họa.

Trả lời trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Trương Đình Anh - Tổng Giám đốc FPT cho biết do luật pháp Việt Nam không cho phép công ty sở hữu báo nên FPT và PC World sẽ hợp tác dưới hình thức PC World đảm nhiệm nội dung, còn FPT phụ trách hoạt động kinh doanh của tờ báo như quảng cáo, phát hành...

Trước đó, tại buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh quý 3 của FPT ngày 20/10 vừa qua, ông Trương Đình Anh tiết lộ FPT đang đàm phán để hợp tác lâu dài với Tạp chí Thế giới vi tính - PC World. Theo ông, đây là tạp chí công nghệ thông tin hàng đầu tại Việt Nam và phù hợp với mảng kinh doanh cốt lõi của FPT.

PCWorld Vietnam là tạp chí trực thuộc sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, hiện bao gồm 4 ấn phẩm giấy: Thế giới Vi tính - Công nghệ máy tính và mạng; Thế giới Vi tính B - Giải pháp kinh doanh hiệu quả; Thế giới Game - Game và giải trí; e++ - Thông tin, tư vấn các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao và 2 website: www.pcworld.com.vn và www.thegioigame.vn.

Trước PC World, FPT cũng đã tham gia đầu tư phát triển kinh doanh vào tờ báo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là VnExpress - báo điện tử có lượng truy cập cũng như doanh thu hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Theo ông Trương Đình Anh, mặc dù khó khăn, lĩnh vực quảng cáo đi xuống nhưng doanh thu từ quảng cáo của VnExpress và các trang tin FPT trong 3 năm gần đây đều tăng trưởng hơn 60%.

Riêng 9 tháng đầu năm 2011, doanh thu quảng cáo từ VnExpress đạt 167 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch cả năm là 240 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu quảng cáo của VnExpress đạt 160 tỷ đồng, năm 2009 đạt khoảng 107 tỷ đồng.

Ông Trương Đình Anh cũng cho biết FPT đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư, hợp tác với nhiều tạp chí khác với những quy mô phù hợp, nhằm thúc đẩy đối tác phát triển với những lợi thế hiện tại của FPT trong mảng quảng cáo.

Lê Nguyên

VNPT bổ nhiệm Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế

(ICTPress) - Ngày 4/11, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) vừa tổ chức Lễ công bố Quyết định điều động và bổ nhiệm Giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI).

Chủ tịch HĐQT VNPT Phạm Long Trận (phải) trao quyết định bổ nhiệm cho ông Lâm Quốc Cường. Ảnh: VNPT.

Theo đó, ông Lâm Quốc Cường, Trưởng Ban Kinh doanh - VNPT được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công ty VTI.

Trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Kinh doanh VNPT, ông Cường là Phó Giám đốc Công ty VTI.

VTI là doanh nghiệp thành viên trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, với hoạt động chính bao gồm vận hành, khai thác mạng viễn thông quốc tế và cung cấp các dịch vụ viễn thông quốc tế.

Lê Nguyên

Groupon hoàn tất vụ IPO lớn thứ hai trong lĩnh vực Internet

Số tiền thu về từ đợt IPO là 700 triệu USD, qua đó định giá Groupon ở mức 13 tỷ USD.

Ảnh minh họa.

Trang web "mua theo nhóm" Groupon vừa thực hiện vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thu về 700 triệu USD, đánh dấu vụ IPO lớn thứ nhì từ trước đến nay của các công ty Internet sau vụ phát hành trị giá 1,7 tỷ USD hồi năm 2004 của Google.

Theo hãng tin Reuters, Groupon - trang web hàng đầu thế giới về bán hàng "giá rẻ mỗi ngày" - hiện được định giá ở mức khoảng 13 tỷ USD. Groupon đã tăng lượng cổ phiếu phát hành thêm 5 triệu cổ phiếu lên 35 triệu cổ phiếu. Mức giá chào bán cũng được tăng lên 20 USD/cổ phiếu từ mức 16-18 USD/cổ phiếu như dự kiến ban đầu.

Mới thành lập được 3 năm và chuyên về bán trực tuyến các phiếu mua hàng cho mọi mặt hàng và dịch vụ, Groupon là một trong những công ty IPO được giới đầu tư chờ đợi nhất trong năm nay. Cổ phiếu của Groupon sẽ bắt đầu được giao dịch trên sàn Nasdaq từ thứ Sáu này.

Lượng cổ phiếu mà Groupon bán ra trong đợt IPO này rất nhỏ, chỉ chiếm 5% giá trị công ty, nên đã giúp kích thích nhu cầu và đẩy giá cổ phiếu của công ty tăng lên. Giới phân tích cho hay, trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, ít có công ty nào phát hành ít cổ phiếu như vậy trong IPO, nên giá cổ phiếu của Groupon có khả năng lên giá tốt khi đi vào giao dịch.

Tuy nhiên, trong dài hạn, Groupon có thể sẽ gặp thách thức từ năng lực cạnh tranh của những đối thủ dầm vốn như Google hay Amazon, sự cần thiết phải đầu tư liên tục để duy trì tăng trưởng số lượng người sử dụng, cũng như những nghi vấn về kế toán sau khi Groupon đã hai lần sửa hồ sơ IPO để điều chỉnh cách tính doanh thu.

"Groupon đang được định giá đắt. Mức giá trị vốn hóa 12,8 tỷ USD chỉ có thể đạt được bởi số lượng cổ phiếu phát hành thấp", ông Rob Romero, người đứng đầu mảng cổ phiếu công nghệ của quỹ đầu cơ Connective Capital Management, nhận xét.

Một công ty Internet khác là LinkedIn mới đây đã bán ra 8,3% cổ phần trong đợt IPO với mức giá 45 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi LinkedIn cổ bố bán thêm số cổ phiếu trị giá 500 triệu USD vào hôm qua, giá cổ phiếu của công ty này đã sụt 9% từ mức trên 45 USD/cổ phiếu. Giới phân tích nhận định, cách phản ứng của thị trường trước thông tin bán thêm cổ phiếu của LinkedIn cho thấy, sự hạn chế nguồn cung cổ phiếu khi IPO có thể bóp méo giá trị của doanh nghiệp phát hành.

Mức giá trị vốn hóa 12,8 tỷ USD của Groupon hiện nay cao gấp đôi so với mức giá mà Google trả khi đề nghị mua công ty này vào năm ngoái.

Giới phân tích dự báo, sau phiên giao dịch đầu tiên vào ngày thứ Sáu, giá cổ phiếu của Groupon có thể biến động mạnh do những lo ngại về khả năng sinh lợi dài hạn và tăng trưởng doanh thu của công ty, cộng thêm khả năng những nhà đầu tư hiện tại có thể bán ra cổ phiếu ở một thời điểm nào đó.

"Các nhà đầu tư mua cổ phiếu Groupon sau vụ IPO của công ty này sẽ phải chấp nhận rủi ro. Cổ phiếu Groupon có thể tốt cho một nhà đầu tư ngắn hạn, nhưng tôi không muốn nắm giữ cổ phiếu này trong dài hạn", chuyên gia Josef Schuster thuộc hãng nghiên cứu IPO mang tên IPOX Schuster nhận xét.

An Huy

Theo Vneconomy

Vượt Samsung và Apple, HTC trở thành hãng điện thoại thông minh lớn nhất Mỹ

Thị phần của HTC tại thị trường điện thoại thông minh Mỹ tăng lên 24% trong quý 3/2011 từ mức 14% cùng kỳ năm 2010.

Ảnh minh họa.

HTC đã trở thành hãng điện thoại thông minh lớn nhất Mỹ, vượt qua Samsung Electronics, Apple và RIM.

Thị phần của HTC tại thị trường điện thoại thông minh Mỹ tăng lên 24% trong quý 3/2011 từ mức 14% cùng kỳ năm 2010. Samsung đứng thứ 2 với 21% thị phần từ con số 14% quý trước đó.

Sự phổ biến của hệ điều hành Android do Google cung cấp đã giúp HTC và Samsung lên đứng đầu bãng xếp hạng. Thị phần của RIM còn 9% và ghi nhận mức giảm sâu nhất so với các hãng điện thoại thông minh khác.

Thị phần của Apple giảm xuống 20% từ mức 26% trước đó.

Việc thị phần của RIM sụt giảm mạnh khiến triển vọng kinh doanh của hãng này tại Mỹ trở nên u ám. Ông Tim Shepherd, chuyên gia phân tích tại Canalys, nhận định: "RIM cần phải nhanh chóng đưa ra thiết bị 4G với khả năng cạnh tranh cao vào đầu năm 2012 mới mong giữ được thị phần."

RIM đang cố gắng khôi phục niềm tin của khác hàng vào hệ thống điện thoại thông minh BlackBerry. Doanh số bán hàng của RIM hạ 50% trong quý 3/2011 bởi người tiêu dùng chê dòng điện thoại thông minh thế hệ cũ để chuyển sang dùng iPhone và thiết bị dùng Android.

Công ty giới thiệu hàng loạt mẫu sản phẩm mới với màn hình cảm ứng vào tháng 9/2011 để cố gắng thu hút khách hàng và giành lại thị phần.

Doanh số bán điện thoại của iPhone trong khi đó giảm bởi người tiêu dùng chờ thay điện thoại cũ bằng điện thoại iPhone 4S mới được bày bán vào tháng 10/2011.

Ngọc Diệp

Theo TTVN/Cafef

Ông Trương Gia Bình sắp không còn là cổ đông lớn nhất tại FPT?

(ICTPress) - Nếu hoàn tất giao dịch đã đăng ký, công ty Orchid Fund của Singapore sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại FPT.

Ông Trương Gia Bình đang là cổ đông lớn nhất của FPT. Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch giữa tuần qua, các nhà đầu tư chứng khoán chứng kiến 4 triệu cổ phiếu FPT được giao dịch thỏa thuận tại mức giá trần 50.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, FPT thông báo Công ty Orchid Fund Private Limited đã chi trên 216 tỷ đồng để mua hơn 4,3 triệu cổ phiếu FPT và trở thành cổ đông lớn.

Sau khi giao dịch, công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore này đang sở hữu 15.014.180 cổ phiếu, tương đương 6,94% số cổ phiếu đang lưu hành của FPT.

Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Hòa Bình và Cổng thông tin tài chính CafeF, Orchid Fund đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại FPT chỉ sau ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT. Ông Bình hiện sở hữu 15.634.856 cổ phiếu, tương đương 7,24% số cổ phiếu FPT đang lưu hành.

Theo nguồn tin mới nhất, Orchid Fund vừa đăng ký mua tiếp 6,37 triệu cổ phiếu FPT từ ngày 4/11 đến 4/1/2012, theo phương thức khớp lệnh nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 9,9%, tương đương 21,4 triệu cổ phiếu. Nếu hoàn tất giao dịch đã đăng ký, doanh nghiệp Singapore này sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của FPT.

Thời gian gần đây, theo quan sát của giới đầu tư và cũng là thông tin được nội bộ nhân viên FPT quan tâm, trong khi khối ngoại đang tích cực mua vào cổ phiếu FPT thì nhiều thành viên HĐQT Tập đoàn này lại thực hiện việc bán ra.

Trước thời điểm nhậm chức Tổng Giám đốc FPT hồi tháng 3 năm nay, ông Trương Đình Anh có cho biết một trong những cam kết của ông với HĐQT là sẽ giữ nguyên số lượng cổ phần đang sở hữu tại Tập đoàn này.

Lê Nguyên

Máy tính bảng của FPT sẽ được xuất khẩu sang châu Phi

(ICTPress) - Máy tính bảng vừa ra mắt của FPT sẽ sớm có mặt tại Nigeria theo thỏa thuận kinh doanh đã ký kết giữa FPT và đối tác tại quốc gia Tây Phi này.

Máy tính bảng FPT có giá dưới 5 triệu đồng. Ảnh: FPT.

Đây là thông tin được ông Lê Hoàng Hải - Phó TGĐ Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT tiết lộ sau lễ ra mắt sản phẩm máy tính bảng đầu tiên của FPT ngày 25/10 vừa qua.

Theo ông Hải, đây là sản phẩm đầu tiên của FPT hướng tới phân khúc cấp cao và yếu tố cốt lõi để FPT tự tin thâm nhập phân khúc này là giá trị gia tăng. Cụ thể, giá trị gia tăng của FPT Tablet bao gồm toàn bộ ứng dụng được Tập đoàn này phát triển và các ứng dụng được thực hiện thông qua mối quan hệ hợp tác giữa FPT và các đối tác khác.

Ông Hải cũng cho biết các sản phẩm của FPT sẽ có mặt tại thị trường Nigeria trong thời gian tới theo chiến lược chung của toàn Tập đoàn này.

Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, Đại học FPT cũng công bố sẽ "xuất khẩu giáo dục" sang Nigeria thông qua việc mở trường đại học quốc tế tại quốc gia Tây Phi này. Dự kiến đầu năm 2012, trường đại học tại Nigeria sẽ có giấy phép hoạt động và triển khai các công tác xây dựng, tuyển sinh ngay trong năm học 2012.

Được biết, FPT bắt đầu đặt quan hệ hợp tác với đối tác tại Nigeria là Tập đoàn 21st Century Technologies từ cuối tháng 6 năm nay. Đến giữa tháng 8/2011, ông Nguyễn Thành Nam - Ủy viên HĐQT FPT đã dẫn đầu đoàn FPT có chuyến khảo sát 4 ngày tại Nigeria và đưa ra ý tưởng "vẽ tương lai FPT ở châu Phi".

Mới đây nhất, ngày 25/10, FPT đã "rút" ông Nguyễn Thành Nam khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) để giao cho ông trọng trách Giám đốc Dự án Phát triển thị trường Nigeria, nhằm khai phá và phát triển thị trường châu Phi.

Lê Nguyên