Uy tín quốc tế của 2/3 doanh nghiệp tăng đáng kể sau khi đạt CMMi

(ICTPress) - CMMI (Capability Muturity Intergration Model) là chuẩn đánh giá về quy trình sản xuất phần mềm do Viện Công nghiệp Phần mềm Mỹ phát triển và hiện đang được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới.

Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT Nguyễn Trọng Đường giới thiệu về các nội dung hỗ trợ DN CNTT trong giai đoạn tiếp theo

Theo Quyết định số 50/2009/QĐ-TTg, Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMI” được triển khai trong vòng 3 năm (từ 2010 đến 2012) với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phần mềm và nội dung số trong nước triển khai chuẩn CMMI. Các DN tham gia Dự án này được hỗ trợ đào tạo về quy trình sản xuất phần mềm theo chuẩn CMMI, được tư vấn xây dựng và áp dụng chuẩn, và được hỗ trợ kinh phí thi lấy chứng chỉ CMMI.

Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã triển khai được 12 khóa đào tạo về CMMI cho gần 400 lượt học viên đến từ trên 100 DN, tổ chức PM&NDS. 22 DN triển khai CMMI, trong đó: 1 DN đạt CMMI mức 5; 14 DN đạt CMMI mức 3; 2 DN đã hoàn thành SCAMPIA cho CMMI mức 3; 2 DN đang tiếp tục triển khai. Chỉ có 3 DN do những khó khăn nội tại đã xin rút khỏi Dự án.

Theo khảo sát, điều tra, đánh giá của Công ty tư vấn ECCI Group, những đơn vị tham gia Dự án đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao uy tín DN và tăng trưởng doanh thu. Có khoảng 2/3 DN cho biết uy tín quốc tế của họ tăng lên đáng kể sau khi đạt chứng chỉ CMMi.

Dự án đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn về thị trường. Về đào tạo, đã có hàng nghìn lượt cán bộ của các DN được thụ hưởng từ Dự án đào tạo các khóa ngắn hạn. Theo các các đơn vị tham gia, hình thức hỗ trợ này là cách làm ngắn nhất, hiệu quả nhất để giải quyết bài toán nhân lực trước mắt.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT, cho biết dự án này sẽ được tiếp tục triển khai trong năm 2013 - 2014. Đối tượng được hỗ trợ là các DN, tổ chức phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT. Việc mở rộng khung thời gian hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNTT một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số

Các nội dung triển khai của Dự án đến năm 2014 bao gồm: Tổ chức 18 khóa đào tạo về CMMI và kỹ năng sản xuất phần mềm cho các tổ chức, DN; Tiếp tục hỗ trợ thêm 11 DN triển khai CMMI. Nội dung hỗ trợ sẽ ưu tiên các DN xây dựng mới các hệ thống chuẩn hoặc có chứng chỉ trên 6 năm tính đến thời điểm tham gia Dự án, đồng thời hỗ trợ tái đánh giá đối với các DN đã có chứng chỉ trong vòng 6 năm kể từ thời điểm tham gia Dự án.

Theo Đề án ”Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT”, Dự án lần này có nội dung đánh giá thực trạng về an ninh thông tin (ATTT) của các DN nói chung và DN phần mềm-nội dung số nói riêng. Đây cũng là một phần trong chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN CNTT.

Dự án sẽ giới thiệu về Tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống Quản lý An toàn Thông tin ISO/IEC 27001:2005, giúp các tổ chức, DN nhận thức rõ tầm quan trọng của ATTT, các kiến thức kỹ thuật hỗ trợ triển khai ANTT, giám sát triển khai và cải tiến hệ thống ATTT và xác định các rủi ro và các chính sách về ATTT.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ tổ chức 18 khóa đào tạo về ISO 27001 và các nội dung về ATTT cho các doanh nghiệp, tổ chức; Hỗ trợ 30 DN xây dựng, áp dụng quy trình theo ISO 27001; Hỗ trợ 40 DN đánh giá, lấy chứng chỉ ISO 27001.

Các tổ chức, DN tham gia Dự án sẽ được hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức và triển khai cho nguồn nhân lực phụ trách về ATTT và quản lý chất lượng của DN. Từ đó, các đơn vị có thể nắm được các bước để thiết lập, triển khai, vận hành, xem   xét, cải   tiến   Hệ thống ATTT ISO/IEC 27001:2005 tại DN.

Những đơn vị tham gia sau quá trình đánh giá, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp chứng chỉ quốc tế Lead Auditor của IRCA hoặc chứng chỉ hoàn thành khóa học của Bộ TT&TT. Song, quan trọng hơn cả, đối tượng tham gia có cơ hội học tập và chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực ATTT và giao lưu học hỏi với các đơn vị DN cùng ngành nghề khác, từ đó, nâng cao được chất lượng và hiệu quả công việc cho cá nhân và tổ chức

Mạnh Vỹ

Tin nổi bật