Syndicate content

Chuyển động ngành

Steve Jobs - nhà tiên tri công nghệ

(ICTPress) - Steve Jobs không phải lúc nào cũng đúng nhưng khả năng tiên đoán những sáng tạo thì phi thường. Sau đây là một số trong những dự báo đáng kinh ngạc của ông về công nghệ.

Ảnh: John G. Mabanglo / AFP-Getty Images

1985 - Một thế giới Internet

Hiện nay khi máy tính đã trở nên phổ thông với tất cả mọi người, thì nhớ lại Jobs đã từng dự báo một tương lai mà mỗi máy tính sẽ “buộc” vào mạng kết nối ở mỗi quốc gia. “Chúng ta mới đang ở vào những giai đoạn đầu tiên của cái gọi là đột phá thực sự lớn cho tất cả mọi người – có thể nói đột phá tương đương như là có điện thoại”, Jobs cho biết. Trong một cuộc phỏng vấn tương tự, Jobs dường như dự báo việc ông ra đi khỏi Apple, “Tôi sẽ luôn giữ liên hệ với Apple. Có thể vài năm tôi không ở Apple, nhưng tôi sẽ quay trở lại”.

2001 - Chứng nghiện YouTube

4 năm trước khi phát minh ra YouTube, Jobs đã dự báo rằng mặc dù nhiều người dùng truyền thông trực tuyến, và nhanh chóng họ cũng sẽ là những người tạo ra nội dung. “Một trong những vấn đề của chúng tôi như xã hội đang tiến lên là những đứa trẻ nghiện công nghệ sẽ thể hiện mình trong phương tiện truyền thông thế hệ mới”, Jobs đã trả lời phỏng vấn Newsweek như vậy. “Phương tiện của thời đại chúng ta là video và hình ảnh, nhưng phần lớn chúng ta vẫn là những khách hàng cho tới khi trở thành những tác giả”, Jobs cho biết.

1995 - Cuộc cách mạng công nghệ mới

Đầu thời kỳ bong bóng dot.com cuối những năm 1990, Jobs đã tiên đoán một trật tự kinh tế mới đó là các hãng công nghệ còn non yếu sẽ thách thức các “gã khổng lồ” của thế giới đã có chỗ đứng. “Sắp đến lúc phá hủy các lớp to lớn của nền kinh tế và đến lúc hiện diện trên thị trường các công ty rất nhỏ, nhưng ngang bằng với các công ty rất lớn”, Jobs nói tại Viện Smithsonian.

1995 – Mọi thứ được cá thể hóa

Rất lâu trước khi thương mại điện tử (e-commerce) cất cánh, Jobs đã biết Web đã chín muồi cho tiếp thị sáng tạo, cá thể hóa. “Web cuối cùng sẽ là kênh phân phối trực tiếp tới khách hàng”, ông cho Newsweek biết vào năm 1995. “Bạn không thể xem xét trang Web mà 3.000 người khác đang xem. Bạn đang xem một thứ mà chính xác là cái bạn muốn xem, dù thông tin trên trang Chrysler Neon mới mà bạn muốn mua hay dù nó là Merrill Lynch cho bạn biết những thông tin chứng khoán của bạn”.

1984 - Người bạn số

Ảnh: thenextweb

Đã qua một thập kỷ trước khi xuất hiện chiếc điện thoại thông minh đầu tiên, Jobs đã dự báo những chiếc máy tính sẽ giúp bạn cảm nhận cuộc đời. “Sẽ xuất hiện một người nhỏ bên trong “cái hộp” đó, người bắt đầu đoán trước bạn cần gì”, ông cho Newsweek biết. “Hơn cả việc giúp bạn, chiếc máy này sẽ bắt đầu hướng dẫn bạn thông qua một lượng thông tin khổng lồ. Nó sẽ hoàn toàn giống bạn khi bạn có một người bạn nhỏ bên trong chiếc hộp”, Apple công bố Siri, một ứng dụng hỗ trợ cá nhân giống như con người có thể hiểu giọng nói vào ngày 4/10/2011 - chỉ một ngày trước khi Jobs mất.

Linh Hoàng

Theo Newsweek

Ấn tượng những bộ tem bưu chính được phát hành năm 2012

(ICTPress) - 1 bộ tem phổ thông, 7 bộ tem kỷ niệm và 5 bộ tem chuyên đề là số lượng các bộ tem sẽ được Bưu chính Việt Nam phát hành trong năm 2012.

Các thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính đóng góp ý kiến cho các mẫu tem sẽ được phát hành vào năm 2012

Bộ tem phổ thông duy nhất trong chương trình phát hành tem năm 2012 là bộ tem về kiến trúc, phong cảnh Việt Nam. Công ty Tem Việt Nam cho biết đây là bộ tem duy nhất được thiết kế bằng phương pháp vẽ nét, một phương pháp thiết kế khác với các bộ tem về phong cảnh, kiến trúc đã phát hành trước đây. Phương pháp thiết kế mới này sẽ tạo ra sự khác biệt, mới lạ cho tem Bưu chính Việt Nam và Công ty Tem đã mời các họa sỹ người Việt Nam có nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài như ở Đức, Nga… mới có thể thực hiện được. Bộ tem này sẽ được phát hành ngày 16/1/2012.

Trong số 7 bộ tem kỷ niệm năm 2012 sẽ có 5 bộ tem kỷ niệm nhân 100 năm ngày sinh các nhà cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng và bác sỹ Tôn Thất Tùng. Các bộ tem đều thể hiện chân dung các nhà cách mạng, nhà văn và bác sỹ và hình lá cờ đảng, các tác phẩm văn học và công trình gắn với tên tuổi của họ. Các bộ tem này được phát hành đúng vào ngày sinh nhật của các nhà cách mạng, các nhà văn và bác sỹ.

Hai bộ tem còn lại trong chủ đề tem kỷ niệm là bộ tem kỷ niệm 50 năm Liên minh Bưu chính châu Á - Thái Bình Dương (APPU) phát hành ngày 14/2012 và bộ tem "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" thể hiện phần chính của tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng với nguyên mẫu là chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ được phát hành vào ngày 27/7/2012.

Các bộ tem chuyên đề cho năm 2012 rất đáng chú ý gồm:

Bộ tem "Áo dài phụ nữ Việt Nam" sẽ được phát hành nhân ngày quốc tế Phụ nữ Việt Nam 8/3/2012 được xem là đề tài hấp dẫn cho người sưu tập với 4 mẫu áo dài đổi vai đổi vạt, áo dài cổ hở, áo cài cổ cao và áo dài hiện đại. Dự kiến năm 2014 và năm 2016, Công ty Tem sẽ tiếp tục phát hành các bộ tem với chủ đề này nhưng với các nội dung áo dài khác nữa.

Bộ tem "Gấu" thể hiện hình ảnh 2 loài gấu chỉ có ở Việt Nam là gấu ngựa và gấu chó theo phong cách tả thực trên nền môi sinh đặc trưng của loài gấu ở Việt Nam. Bộ tem này sẽ có 1 bloc và sẽ có logo của tổ chức Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã WAE (WAR-Wildlife at Risk). Bộ tem được phát hành ngày 1/4/2012.

Bộ tem "Hoa đại" được phát hành ngày 15/5/2012. Hoa đại là loài hoa phổ biến ở Việt Nam và có hai loại hoa đại đỏ và đại trắng. Hoa đại cũng còn được gọi là bông sức, chăm pa. Bộ tem hoa đại được phát hành năm 2012 thể hiện hoa đại đỏ theo phong cách đồ họa, màu sắc rõ ràng và mạnh mẽ.

Bộ tem thứ 4 trong chuyên đề này là bộ tem về Thế vận hội mùa hè lần thứ 30 được tổ chức tại London được phát hành ngày 1/6/2012, thể hiện 4 môn thể thao là cử tạ, taekwondo, bơi và nhảy cao. Các mẫu tem trong bộ tem này được thể hiện theo phong cách tả thực, dựa theo tư liệu ảnh chụp, đảm bảo chính xác, khoa học là những hình ảnh đẹp và điển hình với màu sắc nóng, nổi bật.

Bộ tem cuối cùng trong chuyên đề này là “Cầu mái ngói”. Cầu mái ngói hay còn gọi là “Thượng Gia Hạ Kiều” ("trên là nhà, dưới là cầu”), là một nét đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam. Các kiến trúc này được các họa sỹ vẽ tem tìm hiểu tại Huế, Nam Định, Ninh Bình và Chùa Thầy. Đây được đánh giá là bộ tem hấp dẫn đông đảo người sưu tập.

Giám đốc công ty Tem Việt Nam Nguyễn Ngọc Vỹ và Tổng Biên tập Tạp chí tem Việt Nam Vũ Văn Tỵ cho biết để có được những mẫu thiết kế tem cho Chương trình phát hành Tem 2012, Công ty Tem Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế và làm việc với nhiều đơn vị liên quan để có được những bản phác họa tem sống động. Ví dụ như bộ tem "Gấu", Công ty Tem Việt Nam cùng với các họa sỹ đã đi thực tế ở Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai, bộ tem "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" đi thực tế tại Quảng Nam, bộ tem "Kiến trúc, phong cảnh Việt Nam" đi thực tế tại Hội An, Huế…, làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Olympics quốc gia, Viện mẫu Thời trang FADIN...

Minh Anh

FPT Software thay đồng thời Chủ tịch và Tổng Giám đốc

(ICTPress) - Hôm qua (25/10), FPT vừa có quyết định miễn nhiệm, bổ nhiệm các nhân sự ở cấp cao nhất tại Công ty Phần mềm FPT (FPT Software).

Theo đó, ông Hoàng Nam Tiến, hiện là Ủy viên HĐQT FPT sẽ thay thế ông Nguyễn Thành Nam ở vị trí Chủ tịch FPT Software. Phó Tổng Giám đốc FPT Software Nguyễn Thành Lâm cũng sẽ đảm nhận cương vị Tổng Giám đốc thay bà Bùi Thị Hồng Liên.

Ngoài ra, ông Trần Xuân Khôi, hiện là Phó Giám đốc FPT Nhật Bản sẽ thay ông Ogawa Takeo nắm giữ vị trí Giám đốc FPT Nhật Bản.

Ông Hoàng Nam Tiến (phải) sẽ thay ông Nguyễn Thành Nam (trái) giữ vị trí Chủ tịch FPT Software.

Có thể thấy ê kíp lãnh đạo mới của FPT Software đều được chọn từ những gương mặt kì cựu của FPT. Các ông Thành Lâm (sinh năm 1971) và Xuân Khôi (1975) đều nằm trong số những người gia nhập FPT Software từ ngày đầu thành lập.

Ông Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969 là "chiến tướng" từng đảm trách nhiều cương vị quan trọng của Tập đoàn FPT, với đỉnh cao là giai đoạn 2003-2008 khi Công ty Phân phối FPT do ông làm Tổng Giám đốc đã nhanh chóng phát triển được mạng lưới phân phối lớn nhất tại Việt Nam và liên tục đem lại doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất trong các mảng kinh doanh của Tập đoàn FPT.

FPT cho biết các quyết định nhân sự này nhằm luân chuyển lãnh đạo hiện thời của FPT Software sang đảm nhận cương vị mới nhằm thực hiện chiến lược Toàn cầu hóa toàn diện các lĩnh vực cốt lõi của FPT.

Cụ thể, ông Thành Nam sẽ giữ vị trí Giám đốc Dự án Phát triển thị trường Nigeria nhằm khai phá và phát triển thị trường châu Phi. Trong khi đó, bà Liên và ông Ogawa lần lượt đảm nhận cương vị Trợ lý và Cố vấn của Chủ tịch Tập đoàn FPT với nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các đối tác Nhật Bản ở cấp Tập đoàn.

Theo FPT, các quyết định nhân sự này là "nằm trong lộ trình chiến lược", song nếu nhìn vào những "xáo trộn" liên tục ở các vị trí cấp cao của FPT thời gian gần đây có thể thấy Tập đoàn này chưa có được chiến lược nhân sự ổn định và dài hơi, cũng như một lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo hợp lý.

Trước đó, hồi tháng 2/2011, ông Thành Nam đã xin từ chức Tổng Giám đốc để chuyển giao cho ông Trương Đình Anh sau chưa đầy hai năm nắm giữ vị trí này. Ngay sau đó, Ban Giám đốc FPT đã được tổ chức lại với việc bổ nhiệm 02 Phó Tổng Giám đốc mới thay cho cơ cấu 04 Phó Tổng Giám đốc trước đó.

Ông Thành Nam cũng từng thay ông Nam Tiến tại vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại FPT (FPT Trading) vào tháng 4/2010, song ông cũng chỉ ở cương vị này chưa đầy một năm và chuyển giao cho người khác không lâu sau khi thôi chức Tổng Giám đốc FPT.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2011, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đạt kết quả tương đối khả quan với doanh thu trên 945 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm 2010 và hoàn thành 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận công ty đạt gần 242 tỷ đồng, tăng trưởng 39% và đạt 81% kế hoạch năm.

An Du

Viettel lên kế hoạch tiếp nhận EVN Telecom

Viettel khẳng định đang hoàn tất phương án tiếp nhận EVN Telecom và sẽ xin với Chính phủ tiếp nhận toàn bộ chứ không nhượng mảng 3G cho hãng khác.

Cuối tuần qua, Viettel ra Nghị quyết số 413 triển khai việc tiếp nhận Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, EVN Telecom sẽ được chuyển về Viettel nguyên trạng, các nguồn vốn, toàn bộ tài sản, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin.

Viettel khẳng định, việc tiếp nhận EVN Telecom là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho tập đoàn. Vì vậy, các công việc sẽ được tiến hành nhanh gọn, rõ ràng, dứt điểm nhưng vẫn giữ được mối quan hệ hợp tác giữa 2 doanh nghiệp Nhà nước và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

Phía Tập đoàn Viettel và công ty mẹ EVN đang tiếp tục đàm phán các thỏa thuận để đề xuất với Chính phủ một số cơ chế ưu đãi, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để Viettel tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom.

Viettel đã thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận chuyển giao EVN Telecom do Tổng giám đốc Hoàng Anh Xuân làm trưởng ban. Ban chỉ đạo này sẽ giám sát việc tiếp nhận toàn bộ tài sản, nguồn lực, đất đai, nhà trạm, đồng thời đánh giá các khoản tiền mà EVN Telecom đang nợ các đối tác khác.

Theo kế hoạch cuối tháng 10 này, Viettel và EVN sẽ báo cáo Chính phủ phương án tiếp nhận EVN Telecom. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, công việc bàn giao sẽ hoàn tất trong tháng 11/2011.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo cấp cao của Viettel cho biết phương án sáp nhập EVN Telecom về với tập đoàn đang gấp rút hoàn thành. "Đây là vấn đề phức tạp nên chúng tôi đang đi từng bước rất thận trọng", vị lãnh đạo này nói.

Về việc Hãng viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) đang đề nghị mua lại cổ phần của EVN Telecom vị lãnh đạo Viettel cho rằng điều này khó có thể xảy ra. "Hanoi Telecom với lý do cùng trong liên danh 3G nên xin mua lại phần 'ngon nhất' là toàn bộ mạng lưới 3G. Phần còn lại khá xương là các khoản nợ, nhân sự... họ muốn chuyển giao cho doanh nghiệp khác. Viettel sẽ không chấp nhận điều này", ông nói.

Vị lãnh đạo này cho rằng việc chuyển giao vốn Nhà nước từ EVN Telecom sang, Chính phủ cần phải tính toán thận trọng. "Nếu mảng 3G chuyển giao cho Hanoi Telecom còn phần xương còn lại chuyển giao cho Viettel, chúng tôi sẽ không nhận", ông này nói.

Kế hoạch bán cổ phần cho đối tác bên ngoài được tập đoàn mẹ EVN đưa ra hồi đầu năm khi công ty con - EVN Telecom kinh doanh ngày càng thua lỗ và ngập sâu trong nợ nần. Tại thời điểm đó, Tập đoàn FPT đã đặt vấn đề mua lại EVN Telecom với khoản đặt cọc lên tới hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật có thay đổi nên thương vụ không được tiến hành.

Hồng Anh

Theo Vnexpress

Hanoi Telecom muốn mua lại toàn bộ EVN Telecom

(ICTPress) - Hanoi Telecom vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và EVN Telecom xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.

Trang tin ICTNews của Báo Bưu điện Việt Nam vừa cho biết, theo nguồn tin riêng của báo này, Hanoi Telecom đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ và EVN Telecom "ngỏ ý" muốn mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom.

Nguồn tin này cho hay, nếu được Chính phủ đồng ý, Hanoi Telecom sẽ mua lại toàn bộ EVN Telecom với giá cả và điều kiện đúng như hợp đồng đã ký giữa EVN Telecom và VTC trước đó.

Hanoi Telecom hiện đang sử dụng chung giấy phép băng tần 3G cùng EVN Telecom, trong đó mỗi bên được sử dụng 1/2 băng tần.

Trước đó, trung tuần tháng 2/2009, Hanoi Telecom đã khiến tất cả các mạng di động ngỡ ngàng khi bất ngờ ký thỏa thuận liên danh với EVN Telecom thi tuyển 3G đúng 1 ngày trước hạn nộp hồ sơ.

Theo đó, liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom cam kết cung cấp dịch vụ 3G sau 9 tháng kể từ ngày nhận giấy phép, đồng thời sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng trong 3 năm đầu tiên, đảm bảo phủ sóng tới 50% dân cư khi cung cấp dịch vụ.

Đến ngày 19/6/2009, Hanoi Telecom tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với EVN Telecom trong vòng 10 năm, trong đó có cam kết cùng hợp tác tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng sau 9 tháng nhận giấy phép theo đúng cam kết.

Song cho đến nay, chỉ mình EVN Telecom "đơn thương độc mã" triển khai 3G theo đúng cam kết khi thi tuyển, còn Hanoi Telecom vẫn hoàn toàn im hơi lặng tiếng.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai 3G do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hồi tháng 7/2011, một lãnh đạo EVN Telecom cho biết mạng này đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai 3G, song vốn tự có của doanh nghiệp chỉ có 600 tỷ đồng – chiếm 20%, còn lại tới 2.400 tỷ đồng là đi vay.

Gần đây liên tục có các thông tin về việc EVN Telecom đang phải gánh các khoản nợ lớn và có khả năng sẽ được sáp nhập vào một mạng di động lớn của nhà nước. Mới đây nhất, ngày 14/10/2011, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, đánh giá việc đầu tư ngoài ngành của EVN vào EVNTelecom và các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.

Lê Nguyên

FPT chưa thu hồi được 700 tỷ, muốn mua lại PCWorld

Ông Trương Đình Anh - TGĐ của FPT trả lời về thương vụ EVN Telecom, mua lại PC World, và kế hoạch kinh doanh thời gian tới...

Ngày 20/10/2011, FPT đã có buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh quý 3, tình hình hoạt động kinh doanh và những vấn đề nổi cộm của FPT.

Ông Trương Đình Anh - TGĐ của FPT đã trả lời phỏng vấn của báo chí xung quanh những vấn đề liên quan, trong đó những vấn đề nổi bật nhất là thương vụ EVN Telecom, mua lại PC World, và kế hoạch kinh doanh thời gian tới...

Ông Trương Đình Anh - TGĐ FPT. Ảnh: FPT.

Xin ông cho biết thông tin về thương vụ EVN Telecom hiện nay đến đâu rồi?

Tính đến thời điểm hiện nay, thương vụ EVN đã kéo dài đến một năm và cũng là bài toán nhức đầu đối với toàn bộ ban lãnh đạo FPT. Chúng tôi cũng hi vọng là Chính phủ có những quyết sách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cho EVN có một tương lai phát triển mới. Còn đối với mô hình hiện nay thì cũng rất khó. Gần đây phương tiện truyền thông có đưa tin có thể Chính phủ sẽ giao EVN Telecom về cho Viettel quản lý. Chúng tôi cũng hy vọng là việc này sớm xảy ra, bởi vì khi nó xảy ra thì chúng tôi cũng nhanh chóng thu hồi được khoản 708 tỷ đồng tiền đặt cọc.

Hy vọng có thể sớm thu hồi được khoản tiền đặt cọc, và kết thúc thương vụ này một cách êm đẹp trên cơ sở đảm bảo được quyền lợi của các bên.

Nếu như EVN Telecom được sáp nhập vào Viettel mà đối tác không muốn trả khoản đặt cọc bằng tiền mặt mà tìm kiếm phương án hợp tác thì FPT sẽ xử lý như thế nào?

Trước hết, phải khẳng định rằng FPT và Viettel không có một thỏa thuận nào. Thỏa thuận ở đây là giữa FPT và EVN, trong trường hợp Nhà nước chuyển giao EVN Telecom cho Viettel thì thương vụ giữa FPT và EVN không hoàn tất. Thông qua đó thì FPT sẽ thu hồi lại tiền đặt cọc. Theo như báo chí đăng tải tuần qua, thì Nhà nước không có chủ trương cổ phần hóa EVN Telecom nữa mà chuyển giao cho một đơn vị thứ 3 có đủ khả năng để vận hành những hạ tầng viễn thông sẵn có, và gánh vác những khoản nợ của EVN Telecom đã có.

Chính phủ vừa rồi có công bố danh sách các doanh nghiệp viễn thông nhà nước nắm cổ phần chỉ phối, chỉ có 5 đơn vị. Hiện FPT chỉ đang sở hữu 43% cổ phần FPT Telecom, vậy FPT có tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom thời gian tới không, thưa ông?

Việc Chính phủ có ban hành danh sách các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, thì điều này cũng phù hợp với luật viễn thông mới ngày 1/7/2010. Theo chính sách One FPT mà FPT đã đề ra vào đầu năm 2011, hy vọng rằng với chính sách mới này khi Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối nữa tại FPT Telecom, FPT có kiến nghị với Bộ Tài chính và SCIC mong muốn hợp nhất FPT telecom vào FPT như với 3 Công ty vào đầu năm là FPT IS, FPT Solfware và FPT Trading.

FPT đang có những thương thảo đầu tiên với Bộ Tài chính và SCIC để hợp nhất FPT Telecom vào FPT qua hình thức như trả hoán đổi bằng cổ phiếu để có thể đạt được tỷ lệ sở hữu 100% tại FPT Telecom.

Với tình hình đến hết tháng 9 năm nay, dự báo năm 2012 kinh tế vẫn khó khăn vậy FPT đạt ra mức tăng trưởng như thế nào cho năm 2012?

Hết 9 tháng năm 2011 kết quả kinh doanh khá khả quan, doanh thu tăng trưởng 23%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 21% và FPT tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2011 với doanh thu khoảng 26600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 2.600 tỷ đồng.

Trong các đơn vị kinh daonh có tính chất thời vụ như FPT hệ thống thông tin thì kết quả thường dơi vào quý 4, do đó mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm nay là hoàn thành nằm trong tầm tay.

Đến cuối tháng 11/2011 thì các đơn vị của FPT sẽ có kế hoạch cho năm 2012. Tuy nhiên, hiện sơ bộ kế hoạch tăng trưởng cho năm 2012 là từ 30-35%. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng FPT cũng đang đa dạng hóa kinh doanh, tiếp cận nhiều thị trường bên ngoài Việt Nam để đảm bảo kinh tế trong nước không ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, FPT cũng siết chặt chi phí, siết chặt nhân sự. Nhìn vào con số của 9 tháng 2011, doanh thu tăng 23% nhưng nhân sự của toàn tập đoạn giảm 1,57%, một số đơn vị doanh thu tăng cao như FPT Telecom tăng 47% nhưng số nhân viên chỉ tăng 6%, về Head Office thì 9 tháng cũng cắt giảm 25% nhân lực. FPT quản lý hữu hiệu nguồn nhân lực để đạt được kết quả kinh doanh tốt trong các năm tới.

Kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt như thế nào, thưa ông?

Việc chia cổ tức trong những năm qua FPT luôn hoàn thành cam kết với cổ đông, còn chia bao nhiêu do cổ đông quyết định, cổ tức năm 2011 do ĐHCĐ họp vào quý 1 năm 2012 quết định. Tuy nhiên, vấn đề chia nhiều hay ít cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng là vấn đề nhạy cảm. Bởi vì còn liên quan đến nguồn lực tài chính của FPT để đầu tư hay không? FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 30-35% thì cũng cần phải có nguồn lực để phát triển trong 2 đến 3 năm.

Hiện FPT đang đàm phán với Bộ Tài chính và SCIC về việc hợp nhất FPT Telecom, với chủ trương của ban lãnh đạo và đề xuất là trả một nửa bằng tiền và một nửa bằng hoán đổi cổ phiếu trong vụ sáp nhập FPT Telecom. Nếu thương thảo hoàn tất thì FPT cũng phải có một nguồn lực tài chính để thực hiện giao dịch này. Cho nên, việc chia cổ tức nhiều bằng tiền mặt hay không còn phụ thuộc vào cơ hội mà FPT có trong một hai quý tới.

Hợp tác với PC World như thế nào?

FPT luôn luôn có định hướng đẩy mạnh kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số. Trong thời gian 10 năm gần đây, FPT đã phát triển tích cực báo điện tử VnExpress, tạo ra thị phần đáng kể. Năm 2011, kế hoạch doanh thu quảng cáo từ VnExpress khoảng 240 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng đạt 167 tỷ đồng doanh thu. Năm 2010 doanh thu của quảng cáo đạt 160 tỷ đồng, năm 2009 đạt khoảng 107 tỷ đồng.

Mặc dù khó khăn, lĩnh vực quảng cáo đi xuống nhưng trong 3 năm gần đây thì doanh thu từ quảng cáo của VnExpress và các trang tin FPT có đều tăng trưởng hơn 60%. FPT nhận thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng.

Do đó, FPT cũng đang tìm kiếm cơ hội và hiện đang thương lượng với PC World, hy vọng trong thời gian sớm nhất FPT sẽ công bố chính thức những nội dung quan trọng về sự hợp tác của FPT với Tạp chí PC World. Hiện nay thương thảo vẫn chưa đi đến bước cuối cùng nên chưa thể công bố nội dung chi tiết.

Xin cám ơn ông.

Phạm An

Theo CafeF/TTVN

Microsoft cam kết phối hợp phát triển CNTT ở Việt Nam

(ICTPress) - “Microsoft cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường phát triển ngành CNTT”.

Nâng cao nguồn lực nhân viên của chính phủ có trình độ chuyên môn Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT), triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử thông qua các dự án tại Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Quốc hội, Hiệp hội CNTT và các dự án CNTT&TT khác tại 17 địa phương Việt Nam là những nội dung của Thỏa thuận hợp tác phát triển Công nghệ thông tin lần thứ 3 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Công ty Microsoft Việt Nam chiều nay 19/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng và TGĐ Microsoft Việt Nam Jamie Harper và các đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT chứng kiến Lễ ký

Các dự án này góp phần phát triển ngành CNTT&TT của Việt Nam, tiếp cận các công nghệ mới nhất cũng như thúc đẩy tính cạnh tranh cao của Việt Nam trong khu vực cũng như trên toàn cầu

Kể từ khi Thỏa thuận Đối tác chiến lược nhà nước - doanh nghiệp giai đoạn 2007 - 2010 (PPP) được ký kết ngày 21/5/2007, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Giám đốc Tập đoàn Microsoft Steve Ballmer, Bộ TT&TT thành lập một tổ công tác với nhiệm vụ chủ trì triển khai chương trình. Năm nội dung chính của thỏa thuận bao gồm: Đào tạo cán bộ CNTT các cơ quan nhà nước; Đào tạo và cấp học bổng thực tập cho sinh viên; Phát triển doanh nghiệp phần mềm vừa và nhỏ; Tư vấn khung kết nối Chính phủ điện tử và Quỹ hỗ trợ phát triển CNTT Việt Nam.

Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TT&TT Triệu Minh Long tại Lễ ký kết này cho biết: Các nội dung hợp tác trong Thoả thuận này đã mang lại hiệu quả và có tác động tích cực tới sự phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác này, Quỹ Microsoft về hỗ trợ phát triển CNTT Việt Nam đã tài trợ cho 30 dự án của 19 địa phương và các đơn vị thuộc Bộ TT&TT nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các địa phương và đơn vị thuộc Bộ về ứng dụng CNTT.

Phát biểu tại Lễ ký, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam Jamie Harper  cho biết: “Microsoft cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để phối hợp với chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường phát triển ngành CNTT”.

Năm nội dung hợp tác của Thỏa thuận Đối tác chiến lược nhà nước - doanh nghiệp (PPP) giai đoạn 2007 – 2010:
- Đào tạo 200 cán bộ CNTT trong các cơ quan nhà nước, chia làm 3 giai đoạn: tháng 7/2007 – 7/2008: 40 cán bộ; tháng 7/2008 – 7/2009: 90 cán bộ; tháng 7/2009 - 7/2010: 70 cán bộ.

- Đào tạo và cấp học bổng CNTT cho 300 sinh viên, chia đều trong 3 năm, mỗi năm 100 sinh viên. 

- Hỗ trợ 20 DN phần mềm vừa và nhỏ trong nước bằng việc cung cấp các chương trình đào tạo, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tài chính của Microsoft. 

- Tư vấn thiết kế khung kết nối CPĐT cho Việt Nam theo mô hình Connected Government Framework (CGF), để tham khảo cho các cơ quan chính phủ, trước mắt triển khai tại Bộ TT-TT. CGF sẽ cung cấp một mô hình lõi cho các thành phần của hệ thống chính phủ điện tử thông qua 5 mức: Cơ sở hạ tầng và mạng, Truy cập dữ liệu, Dịch vụ và các cấu thành, An ninh bảo mật, Quản trị. 

- Xây dựng được quỹ hỗ trợ phát triển CNTT Việt Nam bằng việc nâng cao khả năng ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT.

Mai Vân

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc EVN đầu tư ngoài ngành vào EVNTelecom

(ICTPress) - Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, đánh giá việc đầu tư ngoài ngành của EVN vào EVNTelecom và các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.

Việc EVN rút lui khỏi thị trường viễn thông đã rõ ràng. Ảnh minh họa.

Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng về việc xử lý kết quả thanh tra tài chính tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt.

Báo cáo của Đảng ủy khối Trung ương cho biết, 8 tháng đầu năm 2011 EVN đã đầu tư ra ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, tương đương 2,8% vốn điều lệ.

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 6 năm nay, EVN chỉ được đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực khách sạn, du lịch kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, đầu tư và cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp.

Như vậy, việc EVN sẽ rút lui khỏi thị trường viễn thông đã hoàn toàn rõ ràng, tuy thế cho đến nay vẫn chưa có một "kịch bản" chuyển nhượng, sáp nhập nào được đề cập tới một cách chính thức.

Gần đây có thông tin cho rằng EVNTelecom sẽ được sáp nhập vào một mạng di động lớn của nhà nước, song với những khoản nợ chồng chất của EVNTelecom, điều này nếu có xảy ra thì cũng không thể trong một sớm một chiều.

Lê Nguyên

Ban hành danh mục 5 DN viễn thông Nhà nước nắm cổ phần chi phối

Hạ tầng mạng viễn thông Việt Nam đã phát triển mạnh trong 10 năm qua (Ảnh minh họa)

(ICTPress) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 55/2011/QĐ-TTg ban hành Danh mục các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần trên 50% vốn điều lệ hoặc có phần vốn góp trên 50% vốn điều lệ.

Theo Quyết định này, Nhà nước sẽ nắm cổ phần, vốn góp chi phối đối với 5 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng, bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel); Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu (Gtel); và Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom).

Căn cứ tình hình cụ thể của từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các doanh nghiệp thuộc Danh mục này.

Quyết định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2011.

HH

Thủ thướng phê duyệt Ban Chỉ đạo quốc gia phát triển công nghệ cao

(ICTPress) - Danh sách Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định phê duyệt.

Thực hiện thí nghiệm qua kính hiển vi điện tử tại phòng thí nghiệm công nghệ nano - Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Theo Quyết định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Văn phòng Chính phủ là ủy viên Ban Chỉ đạo.

Trưởng Ban Chỉ đạo sẽ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Văn phòng Chương trình là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng Chương trình.

Ngày 31/12/2010, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2457/QĐ-TTg.

Mục tiêu đến năm 2015, các công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, trong đó có các công nghệ bảo đảm cho việc sản xuất, cung ứng được ít nhất 10 sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao đạt trình độ quốc tế được nghiên cứu, làm chủ, phát triển; Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị công nghiệp...; Hình thành và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao...

Đến năm 2020, tạo ra được ít nhất 10 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; Hình thành và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao…

HH