PTT Nguyễn Thiện Nhân: TT&TT đóng góp xuất sắc cho kinh tế - xã hội 2011

(ICTPress) - Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có tốc độ tăng trưởng cao cả về quy mô, doanh số, thị trường và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chúc mừng và đánh giá cao các đơn vị trong ngành TT&TT đóng góp xuất sắc vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2011 thể hiện qua tốc độ phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế và là một trong những ngành hiện đại hóa nhanh tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2012 của Bộ TT&TT sáng nay 6/1 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tặng cờ của Chính phủ cho các đơn vị TT&TT đứng đầu phong trào thi đua 2011

Những con số ấn tượng của năm 2011

Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ về hệ thống mạng quang và trạm thu phát sóng thông tin di động. Tính đến hết năm 2010, tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 605.622 Gbit/s và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế lên tới 487,2 Gbit/s với các tuyến cáp quang biển, đất liền sử dụng công nghệ truyền dẫn tiên tiến. Nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 tuyến cáp quang mới là tuyến AAG (80Gbit/s) và tuyến IA (50Gbit/s). Tổng lưu lượng trao đổi qua trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX) từ ngày thành lập (08/11/2003) đến 31/10/2011 đạt 99.002.042 Gbytes. Hệ thống IPv6 hoạt động ổn định, sẵn sàng cho các doanh nghiệp kết nối. Độ phủ cáp quang đến cấp xã/phường trên cả nước đạt trên 90%. Hệ thống chuyển mạch tiếp tục được trang bị, đầu tư, mở rộng dung lượng.

Sau 3 năm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng mạng thông tin di động thế hệ 3G (3G), tổng số trạm BTS node B 3G các doanh nghiệp đã triển khai trên phạm vi toàn quốc cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu cam kết với 33.700 trạm BTS, vùng phủ sóng 3G theo dân số và theo diện tích lãnh thổ của các doanh nghiệp trung bình đạt 91,5%. Các doanh nghiệp sử dụng lại 100% hạ tầng trạm BTS 2G có sẵn đẻ triển khai trạm node B 3G. Tổng số thuê bao 3G đạt 12,8 triệu, tốc độ trung bình truy cập dịch vụ đạt từ 2,5 Mbit/s đến 3,072 Mbit/s.

Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet trong nước, quốc tế thông tin hàng hải và truyền báo luôn đảm bảo an toàn thông tin trong hoàn cảnh khó khăn, lũ lụt, thiên tai. Thông tin luôn được thông suốt, phục vụ tốt các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước.

Tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn mạng hiện có là 130,5 triệu, trong đó di động chiếm 90,4%. Toàn quốc có trên 31 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 35%. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt 9 triệu thuê bao, đạt mật độ 10,2%.

Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, cạnh tranh gay gắt, song các doanh nghiệp ICT đã đạt doanh thu trên 250 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt doanh thu trên 100.000 tỷ USD.

Cụ thể, tổng doanh thu toàn VNPT ước đạt 120.800 tỷ đồng, tăng 18,26% so với năm 2010. Trong đó, dịch vụ Bưu chính, Viễn thông và CNTT đạt 103.864 tỷ đồng, tăng 24,98% so với năm 2010, nộp ngân sách nhà nước 7.880 đồng, bằng 90,27% so với năm 2010.

Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng cho biết doanh thu ước thực hiện của Viettel là 116.012 tỷ đồng, trong đó tổng doanh thu phát sinh trong nước là 105.432 tỷ đồng, tổng doanh thu phát sinh ở 5 thị trường ngoài nước là 10.580 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9.453 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khác như VTC đạt doanh thu 10.300 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Dịch vụ BCVT Sài Gòn 786 tỷ đồng, FPT Telecom và FPT IS 3.500 tỷ đồng và 4.200 tỷ đồng, Vishipel 215 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội 9000 tỷ đồng, Đông Dương Telecom 16 tỷ đồng, Gtel Mobile 336,86 tỷ đồng, Viễn thông CMC 70 tỷ đồng, công ty Cổ phần Misa 175 tỷ đồng.

Lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển với năng suất và hiệu quả cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế doanh thu xuất khẩu các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện điện tử ước đạt 9 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng lên, Việt Nam hiện đã có nhiều doanh nghiệp CNTT đạt quy mô trên 1000 người với tổng số lao động ước khoảng 250.000 người.

Lĩnh vực báo chí tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Tính đến nay, toàn quốc có 728 cơ quan báo chí in với hơn 900 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 76 báo, 431 tạp chí; địa phương có 103 báo, 118 tạp chí. Mạng lưới phát thanh truyền hình (PTTH) có 67 đài PTTH trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng toàn quốc, gồm Đài Tiếng nói việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 Đài PTTH địa phương gồm 62 Đài PTTH của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, riêng TP. HCM có 2 đài. Hiện tại, Việt Nam có 180 kênh chương trình phát thanh và quảng bá, gồm 109 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 71 kênh chương trình phát thanh quảng bá. Nhiều chương trình PTTH quốc gia và một số chương trình PTTH quảng bá khác được phát sóng trên Internet đến các khu vực và các nước trên thế giới phục vụ thông tin đối ngoại.

Ngoài truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ta phát triển mạnh trong thời gian qua bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ tinh, số mặt đất và đang bước đầu áp dụng công nghệ IPTV. Cả nước có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 09 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện có 75 kênh truyền hình nước ngoài phục vụ gần 2,5 triệu thuê bao trên toàn quốc. Cả nước có 46 báo điện tử, 7 tạp chí điện tử và 260 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.

Ngành Xuất bản vẫn duy trì được mức tăng trưởng cả về quy mô sản lượng, chát lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Ngành đã xuất bản được 18.161 cuốn sách, với 194.204.394 bản, đạt 98,2% về số lượng cuốn, 103% về số lượng bản so với cùng kỳ năm 2010, xuất bản 1.109 loại văn hóa phẩm, với 25.538.000 bản.

Ngành In dự kiến đạt 900 tỷ trang in 13x19, tăng 10% so với năm 2010, tổng doanh thu tăng khoảng 7%, nộp ngân sách nhà nước tăng 2%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 23,8 triệu USD đạt 110% so với năm 2010. Trong đó nhập khẩu 35.764.978 bản sách, 7.840.000 tờ báo, tạp chí, kim ngạch nhập khẩu đạt 19,9 triệu USD tăng 130% so với năm 2010; Xuất khẩu: 308.000 bản sách, 5.900.000 tờ báo, tạp chí kim ngạch xuất khẩu 3,9 triệu USD, đạt hơn 108% so với năm 2010.

Tổng số sách phát hành là 346,8 triệu bản, đạt 109% so với năm 2010; Tổng số văn hóa phẩm phát hành là 97,6 triệu bản, đạt 103,5 so với năm 2010; Tổng doanh thu đạt 1.940,2 tỷ đồng, đạt 109% so với năm 2010.

Hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động TT&TT

Ngay từ đầu năm 2011, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ đã nhanh chóng triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoảng cho hoạt động TT&TT phát triển, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế.

Bộ TT&TT đã hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 văn bản, với 15 văn bản quy phạm pháp luật, quy định hướng dẫn thi hành các Luật Tần số vô tuyến điện, Bưu chính, Viễn thông; chuyên ngành CNTT, báo chí, xuất bản. Trong đó có 10 Nghị định của Chính phủ và 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường ngày càng tăng, nhất là khi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện đã mở rộng theo hướng cho phép tất cả các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ và thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Các đề án tổ chức thi tuyển, đấu giá, chuyển quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet và đền bù trong trường hợp Nhà nước thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet; Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 về chống thư rác; Xây dựng Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đã được xây dựng và hoàn thiện.

Ngoài các văn bản trên, Bộ phối hợp với Văn phòng Chính phủ bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các Nghị định: Hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về dịch vụ CNTT; Quy định về khu CNTT tập trung. Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về: quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến; Đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Bộ đang tích cực triển khai xây dựng Luật Xuất bản sửa đổi và sẽ trình Quốc hội vào tháng 5/2012.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đánh giá năm 2011 Bộ TT&TT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được nhiều văn bản quan trọng để tăng cường công tác quản lý, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động TT&TT, các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao công tác xây dựng văn bản của Bộ TT&TT đã có nhiều tiến bộ. Bộ TT&TT đã tiên phong trong việc xây dựng các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý.

Linh Hoàng

Tin nổi bật