Chuyển động ngành
Tại sao Ericsson không trình diễn công nghệ tại Vietnam Comm 2011
Submitted by nlphuong on Thu, 17/11/2011 - 02:41Hiện nay tại Việt Nam, 70% dân số sống ở vùng sâu, xa và họ có những nhu cầu cho những dịch vụ xã hội cơ bản |
(ICTPress) - Với những gì đã khẳng định về công nghệ, Ericsson mong muốn hiện thực hóa lợi ích trên nền tảng công nghệ, tối ưu hóa lợi ích của CNTT trong lĩnh vực trọng yếu để đáp ứng thiết thực cuộc sống.
Chính vì vậy, tại Triển lãm và hội nghị chuyên đề Vietnam Comm 2011 lần này Ericsson đã không trình diễn công nghệ mà giới thiệu một sáng kiến giúp “Kết nối Việt Nam” (A networked society for Vietnam) rất đáng chú ý vào chiều qua 16/11, tại Hà Nội.
Một nghiên cứu do Ericsson thực hiện cùng với D.Arthur Little cho thấy lợi ích và vai trò của CNTT đối với GDP và việc làm của quốc gia. Cứ tăng trưởng 10% tỉ lệ băng rộng, sẽ tạo ra 1% GDP; tăng trưởng thêm 1.000 người sử dụng băng rộng sẽ tạo ra thêm 80 việc làm và khi tốc độ băng rộng tăng gấp đôi sẽ tác động tăng 0,3% GDP.
Ercicsson tại Vietnam Comm 2011 thông báo một trọng tâm hiện thực hóa Xã Hội Kết Nối của Ericsson tại Việt Nam trong thời gian qua là sự hợp tác với Bệnh viện Tràng An thử nghiệm khám chữa bệnh từ xa và việc thử nghiệm này kết thúc vào 30/9 vừa qua.
Ông Denis Brunetti, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ericsson Việt Nam cho biết: "Giải pháp y tế từ xa là một xã hội mà những đối tượng vốn thừa hưởng lợi ích từ kết nối giờ sẽ được kết nối trực tiếp với nhau. Đây chính là lợi ích của công nghệ di động trong việc giải quyết hiệu quả những thách thức mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang đối diện, thể hiện rõ tiềm năng của công nghệ trong việc mang lại lợi ích tốt hơn cho cuộc sống.”
Video sáng kiến “Kết nối Việt Nam” (Connecting Vietnam) và Giải pháp sử dụng băng rộng hiệu quả hóa dịch vụ y tế mà Ericsson hợp tác với bệnh viện Tràng An đã nhận được nhiều quan tâm tại Hội nghị chuyên đề Vietnam Comm 2011. ICTPress xin chia sẻ với bạn đọc video này do Ericsson cung cấp:
Nên giao Bộ Thông tin & Truyền thông quản lý quảng cáo
Submitted by nadung on Wed, 16/11/2011 - 10:59Cơ quan nào quản lý nhà nước về quảng cáo, quy định về quảng cáo trên báo điện tử sao cho khả thi là những vấn đề được các đại biểu quan tâm khi thảo luận về dự án Luật Quảng cáo.
Bộ nào quản lý?
Điều 6 Dự thảo Luật quy định giao cho Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo. Về điều này, hiện còn có ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến vẫn đề nghị giao Bộ VHTT&DL chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo vì mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Mỗi sản phẩm quảng cáo, ngoài việc đảm bảo thông tin chính xác, còn cần phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta.
Hơn nữa, hiện nay Chính phủ đang giao Bộ VHTT&DL quản lý nhà nước về quảng cáo, nên Bộ này đã có kinh nghiệm và có sẵn bộ máy quản lý lĩnh vực này, giao cho Bộ tiếp tục quản lý đỡ phải xáo trộn bộ máy.
Phần lớn thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giao Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) quản lý nhà nước về quảng cáo vì khoảng 80% thị phần quảng cáo hiện nay được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo in, hệ thống đài phát thanh, đài truyền hình, internet, các phương tiện truyền dẫn phát sóng, xuất bản phẩm...; trong khi đó, ngành VHTT&DL chỉ trực tiếp quản lý quảng cáo ngoài trời (quảng cáo trên bảng, biển, pano, băng rôn).
Cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động quảng cáo chủ yếu nhằm mục đích thương mại, vì vậy cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quảng cáo phải là Bộ Công Thương mới hợp lý.
Hạn chế quảng cáo trên báo điện tử: khó khả thi
Nhiều đại biểu cho rằng một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử vẫn cần được hoàn chỉnh thêm, cụ thể như: Khoản 2 Điều 27 quy định: "Vùng quảng cáo không được tràn vào vùng nội dung tin và có diện tích không quá 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình".
Một số ý kiến cho rằng, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử như trong Dự thảo Luật là khó khả thi do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể thay đổi bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình.
Thêm vào đó, công nghệ hiện nay cho phép tích hợp thông tin đa phương tiện, cùng một thông tin có thể truyền tải trên nhiều loại phương tiện như máy tính, tivi, điện thoại di động có cấu hình khác nhau. Vì vậy, các quy định về quảng cáo trên báo điện tử cũng phải tính đến yếu tố này.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử,... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam.
Các đại biểu đề nghị cân nhắc tính đặc thù của các loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng cần làm rõ các khái niệm vùng quảng cáo, vùng nội dung tin, quảng cáo không cố định vì đây là những khái niệm cơ bản về báo điện tử.
Trung Kiên
Theo Báo Công lý
Các “đại gia” ICT trình bày gì tại Hội thảo Vietnam Comm 2011
Submitted by nlphuong on Wed, 16/11/2011 - 06:21(ICTPress) - Đầu giờ chiều nay 16/11/2011, tâm điểm của Vietnam Comm 2011 là các phiên hội thảo chuyên đề Viễn thông và CNTT với sự tham gia của hơn 20 bài phát biểu của các chuyên gia đến từ các tổ chức chính phủ và các tập đoàn công nghệ hàng đầu nhằm chia sẻ xu hướng mới nhất về phát triển Viễn thông - CNTT tại Việt Nam.
Hội thảo khai mạc bằng buổi thảo luận với chủ đề “Hiện trạng, tiềm năng và các cơ hội hợp tác của ngành Viễn thông, CNTT Việt Nam. Ứng dụng dịch vụ Viễn thông, CNTT vào Chính phủ điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng.” Ngày hội thảo thứ hai, phiên sáng sẽ thảo luận chủ đề “Internet, dịch vụ vệ tinh và dịch vụ trên nền băng thông rộng; Thực trạng thị trường 3G cũng như cơ hội, thách thức đối với mạng 4G tại Việt Nam”... Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng sẽ tham dự Hội thảo.
Tham gia trình bày tại Hội thảo lần này, Ericsson cho biết thay vì trình diễn công nghệ, Ericsson trình bày những lợi ích giá trị công nghệ mang lại cho mọi người và xã hội qua giải pháp và sáng kiến giúp Kết nối Việt Nam (A networked society for Vietnam).
Phó Chủ tịch Ericsson Việt Nam Denis Brunetti cho biết, Xã hội kết nối là bước phát triển kế tiếp của xã hội thông tin trong đó những yếu tố vốn thừa hưởng lợi ích từ sự kết nối sẽ trực tiếp được kết nối với nhau. Điều này tạo nên số lượng 50 tỉ thiết bị kết nối vào năm 2020.
Ba yếu tố hình thành Xã hội kết nối, theo ông Denis Brunetti là di động, băng rộng và điện toán đám mây. Di động mang lại sự tự do kết nối liên lạc bất cứ ở đâu; Băng rộng thể hiện rõ sức mạnh của khả năng truy cập từ bất cứ nơi nào và Điện toán đám mây cho thấy sự độc lập giữa các thiết bị, các loại nội dung.
Xã Hội Kết Nối thay đổi hoàn toàn cách mọi người tương tác với nhau, trong đó công nghệ chỉ là yếu tố đầu vào chứ không phải là kết quả. ICT sẽ mang lại sự tác động lớn đối với lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường.
Orange France Telecom sẽ tham dự Hội thảo với chia sẻ của ông Bruno Bourgin, Giám đốc bộ phận phát triển quốc tế, khu vực Á, Phi và Trung Đông về những thông tin cập nhật nhất về kinh nghiệm của Orange France Telecom trong việc phát triển dịch vụ di động băng thông rộng của Tập đoàn trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh tới những yếu tố quyết định thành công của việc triển khai và ứng dụng di động băng thông rộng.
Ngoài ra, Hội thảo còn có những bài trình bày đáng chú ý khác như Cisco trình bày nội dung “Điện toán đám mây và hiệu quả ứng dụng trong doanh nghiệp”, Huawei trình bày “Tầm nhìn và chiến lược mới của Huawei: từ CT đến ICT”, Yahoo Việt Nam trình bày “Cool New Stuff - Thay đổi hình thái của thế giới kết nối”…
Tại Hội thảo, các chuyên gia ICT trong và ngoài nước cũng sẽ thảo luận chủ đề "Đánh giá thị trường tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong phát triển mạng 4G".
Chương trình chi tiết bạn đọc có thể tải tại đây.
TM
Sim di động 9X
Submitted by nadung on Wed, 16/11/2011 - 00:00Cùng với cuộc đua teen hóa thuê bao của nhà mạng, giới kinh doanh sim thẻ cũng đua nhau quy hoạch năm sinh cho giới trẻ để rao bán với số tiền lên tới cả triệu đồng.
Giới kinh doanh có nhiều chiêu để 'thổi' giá các loại sim thẻ. Ảnh minh họa. |
"Vừa câu được em 9X, chân dài, hàng tuyển miễn chê, bác nào có nhu cầu ới em nhé, giá rất hạt dẻ, giao hàng tận nơi"... Mới nghe lời rao bán này, nhiều người ngỡ tưởng anh chàng hungrau trên diễn đàn sim số quảng bá dịch vụ nào đó có người đẹp đi cùng. Thực tế, người bán đang chào hàng một cặp sim có đuôi 1996 với các số liền kề là nhiều dãy khác nhau phù hợp với ai có nhu cầu tậu một dải số giống như ngày tháng năm sinh của mình.
Cũng vì lời rao khá sốc như vậy, nên một chiếc sim bình thường có giá bán chỉ 45.000-50.000 đồng bỗng bị đẩy lên gần 2 triệu đồng. Giới sành dế từ đó cũng rỉ tai nhau câu nói: "Hãy cho tôi biết số điện thoại của bạn, tôi sẽ biết, tuổi của bạn bao nhiêu và sở thích cá nhân của bạn thế nào". Câu nói này hàm ý, việc sử dụng sim theo lứa tuổi, thể hiện quan điểm sống và phong cách cá tính của từng người.
Anh Hà, một chủ kinh doanh sim số đường Kim Mã, Hà Nội cho hay thời gian qua, ngoài các dải số đẹp, VIP như lục quý, tứ quý hay ngũ quý, sim di động cũng được quy hoạch theo độ tuổi để phục vụ cho khách có nhu cầu mua sim theo ngày tháng năm sinh của mình. Chẳng hạn, một chiếc sim đầu số 0167 loại 11 số bình thường có giá bán chỉ 45.000 đồng thế nhưng khi nó gắn với 4 số cuối 020290, hoặc 011293..., giá được niêm yết lên gần 300.000 đồng. Có dải số đẹp như 300393, hay dải 10 số có đuôi 15031993, giá lên tới vài triệu đồng. Lý do là các dải số này có đuôi 9X, gắn với ngày sinh của chủ thuê bao.
"Rất nhiều người đã bỏ tiền ra để mua sim tặng bạn gái nhân ngày sinh nhật. Có cặp đôi yêu nhau lại chọn sim có đuôi giống nhau để sử dụng. Đối tượng này phổ biến là các cô cậu 9X. Tất nhiên, sim bán chạy có giá phổ biến từ 150.000-300.000 đồng, còn những dải số có giá lên tới vài triệu đồng không phải khách nào cũng chịu chơi mà bỏ tiền ra mua", anh Hà nói.
Chị Lan, một người có kinh nghiệm buôn sim thẻ 6 năm cũng chia sẻ, vài năm trước, các loại sim 7X hoặc 8X bán rất chạy. Thay vì sở hữu một sim VIP có giá lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng, nhiều người chọn lựa hình thức chọn sim theo phong thủy, tiến, lặp, kẹp đôi. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là sim theo độ tuổi, năm sinh. Nhiều người quan niệm "vợ chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn" nên sim họ cũng dùng dải số có đuôi giống nhau.
"Có cặp vợ chồng cùng sinh năm 79 đã bỏ hẳn số tiền 25 triệu đồng để tậu một cặp sim có cùng đuôi 1979, còn các số liền kề là ngày tháng sinh của vợ hoặc chồng", chị Lan kể.
Theo chị, những người thuộc thế hệ 7X hoặc 8X hầu hết đều sử dụng điện thoại ít nhất vài năm. Số khách hàng hòa mạng mới hiện chủ yếu là giới trẻ trong độ tuổi teen. Do vậy, dòng sim 9X (đuôi theo năm sinh) đang được nhiều người lựa chọn.
Bên cạnh đó, việc các hãng viễn thông ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi dành riêng cho giới học sinh, sinh viên... cũng khiến cho dòng sim thuộc dòng 9X hút khách. Để kích thích tiêu dùng, nhiều đại lý sim thẻ ngoài việc phân loại các lô sim theo ngày tháng, năm sinh, họ còn gắn thêm các cách diễn giải ý nghĩa của con số như "vô địch học đường", "bé hạt tiêu học siêu phải biết", "ngang trái vì xinh gái", "học siêu không yêu" hay "mất ngủ vì không có đối thủ" .
Hồng Anh
Theo VnExpress
Giảm tới 41,6% chi phí khi sử dụng giải pháp Maxcell
Submitted by nlphuong on Tue, 15/11/2011 - 15:09(ICTPress) - Theo tính toán cụ thể của Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh, chi phí chung cho việc thả 1 sợi quang theo giải pháp cũ dùng subduct HDPE là 114.552.380 đồng, với giải pháp sử dụng MaxCell chi phí chung cho việc thả 1 sợi quang chỉ còn 68.073.095 đồng.
Dễ dàng luồn cáp vào các tuyến cống nghẽn nhờ giải pháp Maxcell ở TP. HCM |
Giảm chi phí tới 41,6% so với giải pháp giải pháp truyền thống là dùng ống subduct HDPE, giải pháp MaxCell (subduct mềm) được xem là một giải pháp tối ưu dùng trong các hệ thống thi công cáp ngầm viễn thông và điện lực là phân tích hiệu quả đầu tư được ông Bùi Duy Giao, Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh cho biết tại Hội thảo giới thiệu Maxcell, giải pháp tối ưu hoàng mạng cáp ngầm viễn thông do công ty Công ty Công nghệ Viễn thông Việt Nhất và đối tác giải pháp Nexwave, hãng Milliken Mỹ tổ chức tại Hà Nội sáng nay 15/11.
Theo tính toán cụ thể của Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh, chi phí chung cho việc thả 01 sợi quang theo giải pháp cũ dùng subduct HDPE là 114.552.380 đồng, với giải pháp sử dụng MaxCell chi phí chung cho việc thả 1 sợi quang chỉ còn 68.073.095 đồng.
Chuyên gia của Milliken trao đổi giải pháp Maxcell với các cán bộ viễn thông của VNPT |
Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thử nghiệm và ứng dụng nhỏ, lẻ giải pháp Maxcell từ năm 2009 và ứng dụng đại trà từ năm 2010 cho dự án FTTx GPO của VNPT TP. Hồ Chí Minh. Qua thả ngầm hơn 3000 km cáp quang sử dụng giải pháp Maxcell, Công ty thấy việc thi công rất dễ dàng, không cần sử dụng dụng cụ thi công chuyên biệt; thời gian thi công giảm đáng kể chỉ còn 12 tháng gồm cả nghiệm thu so với 14 đến 24 tháng khi triển khai HDPE và chi phí nhân công cũng giảm đến 2/3. Đặc biệt, giải pháp Maxcell giúp thi công đưa cáp quang vào các tuyến cống nghẽn mà không phải đào đường, phải đi xin giấy phép giúp việc ngầm hóa các tuyến cáp, cáp treo dễ dàng hơn để làm đẹp mỹ quan đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ông Hồ Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Công ty Điện thoại Tây TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Ngoài ra, MaxCell còn có các tính năng vượt trội khác như: Chỉ bằng một nửa trọng lượng của loại ống HDPE, không bị cuộn hoặc soắn lại như các loại ống PVC, HDPE truyền thống, nhiệt độ nóng chảy ở 215 độ (gấp đôi độ nóng chảy của loại ống HDPE), Chịu được lực kéo khoảng 2.250 kg, và sử dụng hơn 35 năm trong môi trường axit, với môi trường khô ráo, tuổi thọ đạt 100 năm.
Mai Anh
Dấu ấn 20 năm sự kiện chuyển mạng viễn thông ở TP. HCM
Submitted by nadung on Tue, 15/11/2011 - 12:53Trong suy nghĩ của lớp trẻ 8X và 9X bây giờ, chắc chắn không có khái niệm "đăng ký cuộc gọi", nhưng với những người lớn hơn, cái "sự chờ" để có được một cuộc điện thoại là một ký ức khó phai mờ...
Hẳn nhiều người còn nhớ những năm 1990 về trước, mỗi khi cần liên lạc với ai hoặc cơ quan nào đó, không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được. Ngay lãnh đạo của các cơ quan Chính phủ và địa phương, để kết nối được một cuộc điện thoại vẫn phải "xếp hàng" và chờ - cho dù là đối tượng ưu tiên.
20 năm về trước
Tòa nhà Bưu điện Tp.HCM ngày nay |
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Ty Bưu điện Tp.HCM (nay là Viễn thông Tp.HCM và Bưu điện Tp.HCM) là đơn vị tiếp quản mạng lưới thông tin do chế độ cũ để lại. Đặc trưng của hệ thống thông tin lúc đó là các tổng đài cơ khí ngang dọc, từng nấc và các máy vi ba sóng ngắn, vi ba siêu cao tần... phục vụ cho việc liên lạc điện thoại, điện báo (moóc, teletip, telex) trong nước và quốc tế. Tổng dung lượng các tổng đài cơ lúc đó ước khoảng 30.000 số với gần 25.000 thuê bao hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, và gần như toàn bộ khâu truyền dẫn liên đài nội thị là bằng cáp đồng (loại cáp đường kính sợi lớn) cùng mạng cáp thuê bao giống như hiện thời.
Với khoảng 25.000 máy điện thoại, phục vụ chủ yếu cho các cơ quan, các cấp chính quyền và các tổ chức hợp tác xã, bến xe, bến cảng... thì ngoại trừ hộ gia đình của một số cán bộ cấp cao, rất hiếm hộ dân có được máy điện thoại nên mỗi khi có nhu cầu liên lạc, người dân vẫn phải đến các giao dịch Bưu điện để đăng ký cuộc gọi. Không ít trường hợp người đăng ký cuộc gọi đi quốc tế phải chờ hàng tuần (chờ tại nhà), để khi cuộc gọi sắp được tiếp thông, người đăng ký cuộc gọi ấy sẽ được Bưu điện gửi giấy thông báo và đến bưu cục (đã đăng ký) để chờ được nói chuyện với bên kia. Ngay máy điện thoại của các cơ quan cũng vậy, mỗi khi cần phải liên lạc và trao đổi với một máy điện thoại (cơ quan) khác ở ngoài tỉnh thì động tác quay số 16 để đăng ký cuộc gọi luôn là "ưu tiên số 1" vào ngay đầu giờ làm việc, giống như ta "nhanh chân xếp hàng" vậy.
Do các thiết bị tổng đài, vi ba các loại và hệ thống truyền dẫn cáp đồng đã cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng lại không có vật tư, thiết bị thay thế nên công tác bảo đảm thông tin phục vụ cho các cấp chính quyền và người dân vô cùng khó khăn. Mạng điện thoại chỉ hoạt động cầm chừng, tổng đài thường xuyên bị hư hỏng, trong khi nhu cầu thông tin của các cấp chính quyền và người dân ngày càng tăng cao, tạo áp lực và đòi hỏi phải đổi mới, phát triển.
Gỡ rối
Với mạng lưới và thiết bị viễn thông "ọp ẹp" như thế, nhiều giải pháp, sáng kiến của lực lượng kỹ thuật và các CBCNV Bưu điện Tp.HCM đề xuất đã được lãnh đạo chấp thuận, cho áp dụng và mang lại hiệu quả khả quan. Có thể liệt kê ra những giải pháp, sáng kiến điển hình lúc bấy giờ như: chiến dịch phát huy nội lực, nhằm giải cứu mạng cáp thành phố đang bị hư hỏng nặng với tên gọi "Công trình 784"; hay như "Chiến dịch 688" nhằm nâng cấp đường truyền viễn thông liên tỉnh; rồi đề tài nghiên cứu khoa học "Ứng dụng tổng đài điện tử dung lượng nhỏ cho vùng nông thôn"...
Và chính việc ứng dụng tổng đài điện tử dung lượng nhỏ cho vùng nông thôn trong đề tài khoa học nói trên đã tạo được sự thành công nhất định cho Bưu điện Tp.HCM, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư ở Thành phố. Việc hòa mạng tổng đài điện tử kỹ thuật số dung lượng nhỏ 2.000 số với hệ thống mạng tổng đài cơ điện còn giúp đội ngũ kỹ thuật và quản lý mạng lưới của Bưu điện Tp.HCM trưởng thành và lớn lên, tạo đà cho việc vươn cao và bay xa hơn sau này.
Đến sự bứt phá táo bạo: Chuyển hẳn từ Analog sang Digital
Xuất phát từ chủ trương "đi tắt đón đầu", với quyết định mua tổng đài Starex của Hàn Quốc để tăng dung lượng và tự động hóa mạng thông tin cho 2 thành phố lớn của Tổng cục Bưu điện vào cuối những năm 80; kế đến là việc đầu tư lắp đặt thiết bị tổng đài điện tử kỹ thuật số dung lượng lớn của Alcatel và Siemens cho 2 thành phố lớn và mở rộng dần ra các tỉnh... kết quả là cuộc cách mạng kỹ thuật số tại Việt Nam đã được bắt đầu. Năm 1990-1991, bằng việc lắp đặt 2 tổng đài điện thoại điện tử 45.000 số do Alcatel và Siemens sản xuất cho Hà Nội và Tp.HCM, để rồi sau đó không chỉ 2 thành phố này mà Bưu điện các tỉnh cũng cùng mở rộng và hoà chung vào mạng lưới điện thoại đường dài liên tỉnh của đất nước.
Đêm 29/12/1991 - cái đêm lịch sử của Bưu điện Tp.HCM khi chuyển đổi thành công hệ thống tổng đài cơ khí (công nghệ Analog) sang hệ thống tổng đài kỹ thuật số (công nghệ Digital). Đó là việc thay thế toàn bộ các tổng đài cơ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố bằng 2 tổng đài điện thoại điện tử số, dung lượng 45.000 số. Cùng với sự chuyển mạng của Bưu điện Hà Nội trước đó, điểm mốc quan trọng này đã đánh dấu sự "sang trang", mở màn cho sự phát triển vượt bậc về công nghệ viễn thông của Việt Nam, sánh bước cùng công nghệ hiện đại của thế giới.
Đúng 0 giờ ngày 29/12/1991, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó chủ tịch UBND Tp.HCM và ông Nguyễn Bá - Giám đốc Bưu điện Tp.HCM lúc bấy giờ chính thức ra lệnh chuyển mạng. Các tín hiệu chớp lên, các thành viên trong Ban chỉ đạo chuyển mạng (cùng các ông: Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT; Phan Mạnh Quang - nguyên Trưởng Ban Viễn thông; các lãnh đạo và anh chị em kỹ sư đầu đàn của Bưu điện Thành phố) căng thẳng xen lẫn lo âu, chờ đợi việc chuyển từ hệ thống các tổng đài nhân công và tự động bằng cơ khí sang hệ thống tổng đài điện tử số đang diễn ra.
Liền sau đó, các cuộc gọi thử từ Tp.HCM đi Hà Nội và đi khắp các tỉnh lần lượt được thực hiện. Tín hiệu thông suốt, chất lượng thoại to và rõ ràng. Mọi người bắt tay và ôm lấy nhau vui mừng. Ngay sau khi chuyển mạng thành công, một cuộc gọi báo cáo đầy xúc động của ông Mai Liêm Trực với nguyên Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải đã được thực hiện. Phó Thủ tướng hết sức vui và chúc mừng ngành Bưu điện đã hoàn thành sứ mệnh mới trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Không thể so sánh về chất lượng giữa 2 hệ Analog - Digital
Quả thực, sẽ quá khập khiễng nếu đem so sánh giữa việc một người dân phải ra tận các bưu điện để đăng ký và chờ đợi để được kết nối một cuộc gọi (khi cần) - với việc họ ngồi ngay tại nhà để bấm số cần gọi và được nối thông ngay lập tức, dù máy điện thoại đầu bên kia ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Không những thế, giữa một bên là "nghe từ đoán ý" (vì nghe câu được câu mất do cuộc gọi được tiếp nhân công - qua bàn điện thoại viên đường dài) với nghe người ở xa nói mà cứ như đang nói chuyện trực tiếp với nhau trước mặt. Đó chính là sự khác biệt về chất lượng cuộc gọi giữa hệ thống thông tin Analog với hệ thống thông tin Digital. Và điều này, chỉ có những người đã từng kinh qua cả 2 thời kỳ mới có thể hiểu cặn kẽ được.
Chẳng những thế, hệ thống thông tin Digital còn đáp ứng cho chúng ta hàng trăm dịch vụ tiện ích khác ngoài điện thoại cố định, chẳng hạn như: điện thoại di động; Internet; kênh thuê riêng; truyền số liệu; thông tin giải trí; các dịch vụ trên nền IP như MyTV, hội nghị truyền hình... đó chính là thành quả, là sự "bứt phá ngoạn mục" của ngành Bưu chính Viễn thông nói chung và VNPT nói riêng. Và nhờ đó, viễn thông Việt Nam, trong đó có Viễn hông Tp.HCM đã thực sự góp phần quan trọng vào sự phát triển và tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Đến nay mạng Viễn thông Tp.HCM đã có 26 tổng đài và 170 trạm vệ tinh, quản lý hoạt động của khoảng 500.000 cổng cho thuê bao MegaVNN và 300 đài trạm viễn thông các loại. Hiện Viễn thông Tp.HCM đã phát triển được trên 10.000 thuê bao cáp quang FTTx, tham gia phục vụ hơn 9 triệu thuê bao di động, phát triển trên 1,3 triệu thuê bao điện thoại cố định, chiếm 90% thị phần điện thoại cố định trên toàn Thành phố./.
Thi công tuyến cáp đồng ngày XƯA, và cáp quang ngầm trên đường phố ngày NAY |
Trực tổng đài đăng ký gọi đường dài ngày XƯA, và giải đáp thông tin 108 ngày NAY |
Thời điểm chuyển mạng đêm 29/12/1991 - trực điều hành và thực thi tác vụ tại tổng đài |
Thanh Trà
(VNPT)
VNPT "không ngại" EVN Telecom về tay Viettel
Submitted by nadung on Mon, 14/11/2011 - 15:09Phó Tổng Giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức khẳng định VNPT không hề lo ngại, vì trong hoạt động kinh doanh, các tập đoàn, doanh nghiệp bao giờ cũng phải có những giải pháp trước một tình thế mới.
Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng Giám đốc VNPT. Ảnh: VTC. |
Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) đang lo ngại nếu sáp nhập EVN Telecom vào Viettel, sẽ tạo điều kiện để Viettel quay trở lại như thời kỳ độc quyền cũ hoặc dạng biến tướng của hình thức độc quyền mới.
Theo phân tích của Hanoi Telecom, khi sáp nhập EVN Telecom vào Viettel, nghĩa là nhà nước đã tập trung kinh tế quá mức và dồn mọi nguồn lực của EVN Telecom cho Viettel, lúc đó, Viettel sẽ sở hữu tới trên 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia và "được" tạo điều kiện để quay trở lại thời kỳ độc quyền.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Phó Tổng Giám đốc Phan Hoàng Đức lại khẳng định bên lề Tuần lễ VNPT sáng 14/11 rằng, VNPT không hề lo ngại, vì trong hoạt động kinh doanh, các tập đoàn, doanh nghiệp bao giờ cũng phải có những giải pháp trước một tình thế mới.
"Các nước trên thế giới cũng vậy, quá trình cạnh tranh cũng giống như quá trình sắp xếp lại", ông Đức nói. Và theo ông, đây là bài học để các doanh nghiệp phải tổ chức lại để hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, những đơn vị nào đủ lực thì sẽ tồn tại trên thị trường.
Trước câu hỏi việc sáp nhập EVN Telecom vào Viettel có tạo ra sự độc quyền trên thị trường viễn thông di động như một số đơn vị lo ngại hay không, ông Đức khẳng định sẽ không có sự độc quyền, bởi đó cũng là thực tiễn của thế giới.
Ông lập luận, ngay như thị trường Trung Quốc lớn gấp trên 20 lần Việt Nam nhưng cũng chỉ có 3 nhà khai thác, trong khi Việt Nam hiện có 7 nhà khai thác, vì vậy cần thiết phải sắp xếp lại các doanh nghiệp viễn thông để tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự.
Ngoài ra, theo ông Đức, giả sử Viettel tiếp nhận EVN Telecom thì đây cũng là cơ hội tốt cho phát triển chung về lĩnh vực viễn thông quốc gia, vì các dịch vụ hiện nay là tích hợp và cơ sở hạ tầng rất quan trọng. "Ngay cả VNPT cũng vậy, phải có sự thay đổi để tạo nên được sức mạnh mới. Đây là mục tiêu mà tất cả doanh nghiệp cùng quan tâm hướng tới", ông Đức nói.
Vị lãnh đạo này cho biết, những chiến lược mà VNPT đang tính tới, trước hết là về tổ chức mạng lưới sao cho hợp lý nhất, trên quan điểm phải dùng chung hạ tầng để giảm đầu tư, tăng cường hiệu quả; bước thứ hai sẽ tính đến là về tổ chức, thương hiệu và đây là quá trình tái cấu trúc của VNPT.
Liên quan tới kế hoạch thoái vốn của VNPT tại một trong hai doanh nghiệp viễn thông là VinaPhone và MobiFone, ông Đức cho biết, tập đoàn này đang xem xét để trình lên Chính phủ một giải pháp tốt nhất đem lại hiệu quả cho vốn chủ sở hữu mà VNPT đang quản lý.
Mạnh Chung
Theo TBKTVN
Rầm rộ các hoạt động tri ân khách hàng của VNPT
Submitted by nlphuong on Mon, 14/11/2011 - 12:06(ICTPress) - Với thông điệp “VNPT – Trao nụ cười, nhận niềm tin”, Tuần lễ VNPT 2011 (VNPT Week 2011) do VNPT phát động sẽ đồng loạt diễn ra trên toàn quốc từ ngày hôm nay 14/11 đến ngày 20/11/2011.
Các sự kiện nằm trong VNPT Week 2011 được tổ chức thống nhất, gắn kết với các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ Tập đoàn tới các đơn vị chủ dịch vụ với các đơn vị thành viên VNPT nhằm tạo nên sự cộng hưởng lớn cho chiến dịch chăm sóc khách hàng của VNPT trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc và đánh giá cao ý tưởng tổ chức Tuần lễ VNPT |
Qua tuần Tuần lễ VNPT 2011, VNPT mong muốn thể hiện cam kết của VNPT là không ngừng mang đến cho khách hàng và xã hội những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, tiện ích và phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Thông điệp của chương trình này cũng gắn liền với chương trình “Nụ cười VNPT” đã được VNPT phát động và đẩy mạnh thực hiện trong suốt thời gian qua nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của VNPT.
Ngay trong ngày đầu tiên này, Vinaphone, đơn vị thành viên của VNPT đã trao thưởng Chương trình triệu phú SMS cho 11 khách hàng, trị giá 30 triệu đồng/người và giải đặc biệt ví điện tử Momo 100 triệu đồng cho khách hàng Nguyễn Duy Linh.
Vinaphone trao thưởng cho 11 khách hàng trúng thưởng Chương trình triệu phú SMS |
Phó Tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức cho biết hoạt động tri ân, chăm sóc khách hàng của VNPT được diễn ra trong suốt năm nhưng tuần lễ VNPT là dịp để VNPT nói rộng hơn sự quan tâm, chăm sóc khách hàng sử dụng các dịch vụ của VNPT.
Ngoài lễ khai mạc và Triển lãm ảnh các tác phẩm tiêu biểu của Cuộc thi “Thông tin và cuộc sống” được tổ chức sáng nay 14/11, các hoạt động và chương trình sôi động sẽ được VNPT tổ chức trong tuần gồm:
Hội thảo “Phát triển ứng dụng dịch vụ VT-CNTT với ngành Y tế” được tổ chức qua cầu truyền hình vào ngày 15/11 tại các điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nghệ An, Khánh Hòa, Điện Biên và Đăk Lăk. Hội thảo sẽ giới thiệu các dịch vụ Viễn thông - CNTT ứng dụng trong hoạt động quản lý, khám chữa bệnh, an sinh xã hội... của ngành Y tế như: giải pháp Hội nghị truyền hình, giải pháp khám chữa bệnh từ xa, dịch vụ Data Center, dịch vụ cho thuê đặt máy chủ, giải pháp “Ứng dụng dịch vụ MyTV đối với các Bệnh viện và Phòng điều trị tự nguyện”...
Triển lãm và Hội thảo Vietnam Comm 2011 diễn ra từ 16-19/11 tại Hà Nội, đây là một trong những sự kiện lớn về VT-CNTT và Công nghiệp điện tử tại Việt Nam. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 160 đơn vị trong và ngoài nước, với sự có mặt của các tên tuổi lớn như Orange France Telecom, Ericsson, Hitachi Cable, Huawei, Rosenberger, ZTE... Các nội dung được chú trọng giới thiệu tại Triển lãm gồm: Dịch vụ Quản lý, Giải pháp Doanh nghiệp, Marketing, Quảng cáo số và Bảo mật Thông tin… Bên cạnh các gian trưng bày tại Triển lãm, Hội thảo được tổ chức đồng thời sẽ là diễn đàn trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm giữa các nhà quàn lý và chuyên gia Viễn thông - CNTT với các chủ đề như: “Thực trạng phát triển của ICT trong các cơ quan Chính phủ, Giáo dục, Y tế và Dịch vụ cộng đồng”, “Cơ hội và Thách thức cho Mạng 4G tại Việt Nam”, “Ứng dụng ICT cho Doanh nghiệp”, “Các tình huống thực tế về Mạng Xã hội và Dich vụ giá trị gia tăng”... Vietnam Comm 2011 còn là dịp để các doanh nghiệp VT-CNTT và Điện tử gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp và Tổng giám đốc VNPT Vũ Tuấn Hùng tham quan Triển lãm ảnh các tác phẩm tiêu biểu của Cuộc thi "Thông tin và Cuộc sống" được trưng bày tại trụ sở VNPT |
Lễ trao giải Cuộc thi Thông tin và Cuộc sống được tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội. Đây là năm thứ ba Cuộc thi được VNPT tổ chức với mong muốn thông qua các tác phẩm dự thi (dưới dạng bài viết, ảnh, video clip) tạo nên một môi trường giao lưu, phản ánh một cách sinh động những cảm nhận, suy nghĩ của khách hàng đối với các sản phẩm, dich vụ của ngành Bưu chính Viễn thông - CNTT nói chung và VNPT nói riêng, có nhiều các tác phẩm nêu bật được vai trò của Bưu chính Viễn thông - CNTT đối với an ninh quốc phòng tại các vùng sâu vùng xa, nơi biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
“VNPT vì cộng đồng” được tổ chức vào ngày 19/11 tại trụ sở VNPT tại Hà Nội nhằm nhìn lại kết quả của các hoạt động an sinh xã hội vì cộng đồng của VNPT trong năm 2011. Trong Chương trình này, VNPT sẽ trao tiền đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo Trung ương và Quỹ Vì Trường Sa thân yêu; tặng thẻ bảo hiểm cho Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, Quảng Ngãi và phát động phong trào tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội năm 2012.
Chương trình “Thanh niên VNPT xung kích vì khách hàng”: Hưởng ứng “Năm Thanh niên” 2011, Đoàn Thanh niên VNPT phát động chương trình xung kích vì khách hàng trong thời gian diễn ra VNPT Week 2011. Chương trình nhằm thể hiện vai trò năng động, sáng tạo của Thanh niên VNPT trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với chương trình này, Thanh niên VNPT sẽ tổ chức các hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng... và đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ phát động.
Lễ trao giải Nhân tài đất Việt được tổ chức vào ngày 20/11 tại Hà Nội. Năm nay, ngoài hệ thống giải thưởng cho 2 loại sản phẩm là: sản phẩm đã có ứng dụng rộng rãi trong thực tế và sản phẩm có tiềm năng ứng dụng, Ban Tổ chức còn mở thêm cơ hội để các sản phẩm được giới thiệu tới các nhà đầu tư. Năm nay, Nhân tài đất Việt đã thu hút sự tham dự của 204 sản phẩm trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 65 sản phẩm đã ứng dụng vào thực tế, 139 sản phẩm có tiềm năng ứng dụng.
Cùng trong Tuần lễ VNPT 2011, các đơn vị thành viên VNPT trên cả nước sẽ đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu dịch vụ, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng... và hoạt động cộng đồng.
Minh Anh - Ảnh: Ngọc Ninh
Đã đến thời triển khai giải pháp truyền hình H264 SVC?
Submitted by nlphuong on Fri, 11/11/2011 - 17:08(ICTPress) - Đại diện NewTecspro cho biết thời điểm này Việt Nam đã có đủ điều kiện để triển khai giải pháp truyền hình này nhờ có hạ tầng mạng NGN phát triển.
Sơ đồ kết nối hệ thống phòng họp NewTecs-HD60 và 40 |
Nền tảng công nghệ H264 SVC (Scalable Video Coding), giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới trong truyền hình ảnh và âm thanh qua mạng IP là lõi của giải pháp hội nghị truyền hình NewTecs-Video Conferencing do Công ty NewTecsPro phát triển để các tổ chức, cá nhân thực hiện các cuộc liên lạc bằng hình ảnh chất lượng cao.
Với giải pháp này, các cuộc gọi có thể được thực hiện từ bất kỳ một máy tính cá nhân nào, bởi NewTecs-Video Conferencing biến bất cứ máy tính nối mạng nào trở thành một thiết bị đầu cuối của hội nghị truyền hình.
Trong quá trình thực hiện hội nghị, một điểm cầu bị ảnh hưởng thì các điểm cầu còn lại không hề bị ảnh hưởng do đường tải xuống vẫn đảm bảo. Người điều khiển hội nghị truyền hình có thể chủ động chọn điểm cầu lên hình.
NewTecsPro giới thiệu hai giải pháp hệ thống phòng họp NewTecs-HD60 và HD40. Toàn bộ hệ thống chạy trên hạ tầng IP (WAN hoặc Internet), để đạt được chất lượng HD cao nhất thì mạng IP phải đáp ứng tốt các yêu cầu về truyền tín hiệu video/voice như: độ trễ, rung pha (jitter), băng thông… Khi đi vào yêu cầu cụ thể các kỹ sư hệ thống sẽ có tư vấn và khảo sát cụ thể.
Hệ thống hai phòng họp này cho chất lượng hình ảnh độ nét cao Full HD. Kỹ thuật xử lý ảnh mới nhất cho ra chất lượng hình ảnh chân thực giúp cho cuộc họp trực tuyến video conference trở nên gần gũi giống như họp trực tuyến.
Các thành phần của hai hệ thống này ngoài màn hình hiển thị, bộ codec chuẩn HD dùng chuẩn nén H.264, Camera quay chuẩn HD, Hệ thống âm thanh tích hợp microphone chuyên dụng, chất lượng cao nhất hiện có trên thị trường, hệ thống cần server MCU NewTecs-HD-MCU. Giải pháp MCU sử dụng công nghệ mới nên có thể xử lý lên tới 1000 điểm hội nghị truyền hình.
Đại diện NewTecspro cho biết thời điểm này Việt Nam đã có đủ điều kiện để triển khai giải pháp truyền hình này nhờ có hạ tầng mạng NGN phát triển, cáp quang sẽ được triển khai xuống tận xã vào cuối năm nay và chi phí đường truyền FTTH rất hợp lý.
NewTecspro cũng cam kết chất lượng của sản phẩm là tốt, sử dụng tích cực, thời gian chuẩn bị chỉ mất 5 phút và đặc biệt là chi phí giảm rất nhiều.
Tiến Minh
Hơn 50 triệu USD để nâng cao truy nhập Internet cho người nghèo
Submitted by nlphuong on Thu, 10/11/2011 - 20:39(ICTPress) - 50.568.362 USD là tổng kinh phí của dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án mở rộng) được thông báo tại cuộc họp báo khởi động dự án được tổ chức chiều nay 10/11 tại Hà Nội.
Hàng vạn nông dân được tiếp cận Internet nhờ Dự án (Ảnh: Internet) |
Dự án này do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ và được Thủ tướng chính phủ đồng ý cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiếp nhận theo văn bản số 1138/TTg-HTQT ngày 12/7/2011.
Dự án sẽ được Bộ TT&TT chủ trì và phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân 40 tỉnh, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) và các đơn vị liên quan triển khai tại 400 điểm thư viện công cộng ở cấp tỉnh, huyện và 1.500 điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX) và thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Trong số 50.568.362 USD, Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ không hoàn lại 29.998.220 USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft là 3.639.000 USD và 16.931.142 USD vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án mở rộng này được Quỹ Bill & Melinda Gates tiếp tục tài trợ từ sự thành công của dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích, Bộ TT&TT thực hiện từ 2008 - 2011 tại 99 điểm công cộng, bao gồm các BĐ-VHX, thư viện cấp tỉnh, huyện và thư viện của các trường học, bệnh viện tại 3 tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên và Trà Vinh. Việc thí điểm tại 3 tỉnh được đánh giá là thành công và hiệu quả, không những đạt được các mục tiêu đề ra mà còn tạo nên một môi trường thân thiện, hữu ích cho người sử dụng dịch vụ máy tính và truy nhập Internet công cộng tại các điểm truy nhập của dự án
Đầu tháng 8/2011, dự án thí điểm này đã được Viện nghiên cứu khoa học, Phát triển và Truyền thông CSDMS và Bộ CNTT và Truyền thông Ấn Độ trao “Giải nhất giải thưởng quốc tế dành cho dự án quản trị nông thông” tại New Dehli, Ấn Độ trong số hơn 150 dự án trên thế giới gửi về tham gia giải.
“Góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm BĐ-VHX với tầm nhìn mới, tập trung hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặt biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với CNTT và được hưởng những lợi ích về kinh tế và xã hội mà việc tiếp cận với CNTT mang lại, từ đó cải thiện được cuộc sống cá nhân, đồng thời đóng góp cho gia đình, cộng đồng và cho xã hội” là mục tiêu lâu dài của Dự án này.
Trả lời nhiều câu hỏi quan tâm của báo chí về việc tại sao Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á được chọn triển khai dự án, Giám đốc Chương trình Thư viện toàn của BMGF, bà Deborah Jacobs cho biết các điểm nổi bật là Việt Nam có các thư viện, các BĐ-VHX rộng khắp, có sự phối hợp ngay từ đầu của hai bộ, Bộ TT&TT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số vốn đối ứng của Việt Nam… Thông qua dự án thí điểm, BMGF đã thấy thông tin và công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể cho cuộc sống của người dân Việt Nam.
Giám đốc Dự án, ông Phan Hữu Phong cho biết, Dự án sẽ thực hiện trong 5 năm từ 2011 đến 2016, chia làm 3 giai đoạn cho 40 tỉnh được lựa chọn theo các tiêu chí của Nghị quyết 30a/NQ-CP, các xã ở vùng công ích và các xã phải có hạ tầng đảm bảo triển khai dự án thành công. Một điểm đặc biệt của dự án này tại Việt Nam là dành một phần kinh phí không nhỏ để làm các nội dung tiếng Việt hữu ích, thiết thực phù hợp, dễ hiểu cho nông dân, học sinh, các đối tượng ở các vùng miền.
Dự án sẽ cung cấp, lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và các thiết bị phụ trợ cho 1900 điểm thư viện công cộng và BĐ-VHX (chiếm 97% số lượng thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện và khoảng 30% số xã của 40 tỉnh dự án). Người dân sẽ được miễn phí 100% khi đến sử dụng Internet tại các điểm thư viện và được giảm 50% giá cước truy nhập Internet tại các BĐ-VHX. 1.572 nhân viên BĐ-VHX và thư viện sẽ được đào tạo kỹ năng để nâng cao chất lượng phục vụ. Dự kiến trong giai đoạn 5 năm, sẽ có thêm khoảng 760.000 người ở nông thôn được sử dụng máy tính và Internet.
Sáng mai 11/11, Lễ khởi động Dự án sẽ được tổ chức tại trụ sở Bộ TT&TT.
HM