Doanh nghiệp CNTT TP. HCM kiến nghị nhiều đề xuất phát triển trong năm 2013

(ICTPress) - Nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ 2013, ngày 19/2/2013 Đoàn đại biểu của TP.Hồ Chí Minh do TS. Lê Mạnh Hà, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM dẫn đầu đã tới thăm và chúc tết một số doanh nghiệp (DN) CNTT.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Mạnh Hà thăm công ty HPT

Cùng đi có ông Lê Thái Hỷ-Thành ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT; Chủ tịch Hội tin học TP.HCM (HCA) - ông Chu Tiến Dũng và các Phó Chủ tịch (HCA); đông đảo phóng viên các báo, đài… trong câu lạc bộ phóng viên CNTT-TT. 

Đoàn đã đi thăm 4 công ty có yếu tố nước ngoài như: KMS; IVC/ISB; TMA; Global Cyber Soft và hai công ty Việt Nam là FPT Soft Ware (Fsoft - TP.HCM); HPT và 2 đơn vị quản lý: Ban quản lý Khu công nghệ Etown và Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM - Quận 9 (SHTP).

Theo ông Lê Mạnh Hà, đây là chuyến thăm các đơn vị CNTT đầu tiên của Lãnh đạo thành phố năm mới 2013 nhằm chúc tết, thăm hỏi, động viên CBCNV… vững tin, vượt qua những thử thách, để gặt hái được thành công mới. Ở mỗi nơi Đoàn tới, đại diện lãnh đạo các đơn vị đều báo cáo tóm tắt những nét lớn trong năm 2012 vừa qua và một số định hướng sẽ làm trong năm 2013.

Theo đó, năm 2012 các DN nói chung, trong đó hầu hết các DN CNTT nói riêng đều bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế trong và ngoài nước. Riêng chỉ  một số công ty có yếu tố nước ngoài, có mối quan hệ với thị trường quốc tế được xây dựng từ nhiều năm nay có phần tương đối ổn định và có những triển vọng tốt trong thời gian tới, một khi nền kinh tế dần được hồi phục.

Trong số đơn vị có công ty KMS 100% vốn nước ngoài, chuyên gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, hai năm liên tiếp (2011 và 2012) được bình chọn danh hiệu dịch vụ xuất sắc, riêng 2012 thêm danh hiệu sản phẩm phần mềm tiềm năng (4 sao) cho sản phẩm qTrace. Đứng thứ 5 trong top 50 công ty tăng trưởng hàng đầu tại Atinata - tiểu bang Georgia, Mỹ. KMS được thành lập tháng 1/2009, nay đã có 340 nhân viên, trong 3 đến 5 năm tới sẽ phấn đấu đạt 1.000 nhân viên. Một trong ba kiến nghị của KMS thời gian tới là, cơ quan hành pháp đẩy mạnh việc thực thi bảo vệ bản quyền phần mềm.

Tại công ty IBS, Nhật Bản, lãnh đạo công ty đã nêu một số kiến nghị, trong đó vấn đề thủ tục thuế quan còn phức tạp, gây khó hiểu cho các DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng là trăn trở chung của cộng động người Nhật tại TP. HCM.

Trong khi đó, công ty TMA mặc dù vào thị trường Việt Nam khá lâu, xong thời gian qua cũng gặp nhiều gian nan, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT cho biết công ty này hiện có 1.200 kỹ sư có 11 văn phòng giao dịch và khách hàng ở khắp 25 nước, trong đó khách hàng và thị trường truyền thống ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, nhưng công ty đã và đang phát triển sang thị trưởng mới: Úc, châu Á. Tốc độ tăng trường cố gắng duy trì mức 20%. Đặc biệt 2012, cho ra một số sản phẩm mới như: cung cấp miễn phí ứng dụng trên điện thoại di động một số dịch vụ về giao thông tại TP.HCM, ứng dụng CNTT về giải pháp sách giáo khoa tương tác trên máy tính bảng…

Hiện trong khu vực đang nổi lên một số thị trường có sự cạnh tranh mới rất gay gắt như: Malaysia; Indonesia; Philippins và ngay các doanh nghiệp ở TP.HCM cũng phải đối đầu cạnh tranh với các địa phương khác: Hà Nội và Đà Nẵng-ông Lệ cho biết thêm và đề xuất cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao. Việc xuất bản sách trắng hàng năm cũng phải cập nhật mới hơn, chi tiết rõ hơn, phát hành rộng rãi hơn…

Thăm công ty Fsoft (TP. HCM), tại đây Lãnh đạo đơn vị cho biết, nhân sự hiện có khoảng 1.000 đến 1.200 người, dự kiến năm 2013 sẽ tăng lên khoảng 5.000 người. Doanh thu phấn đấu đạt 100.000.000 USD, cố gắng giữ vững thị trường Nhật, Mỹ và Đức.

Còn tại HPT, nét nổi bật năm qua là đã hoàn thành việc chuyển đổi địa điểm làm việc để “an cư” - đó là việc lớn rất đáng ghi nhận. Mặc dù HPT có bề dày truyền thống hơn 18 năm, song năm 2012 cũng rất lao đao, mặc dù lợi nhuận có suy giảm (lãi ròng -42% so với 2011) nhưng HĐQT đã năng động nhạy bén điều hành các hoạt động của công ty không bị lỗ, người lao động có công việc đều đều, doanh thu đạt 702 tỷ đồng, năm 2013 phấn đấu đạt 800 tỷ đồng.

HPT sẽ vươn sang thị trường Campuchia, qua Đông-Ti-Mo và Mozambique, ông Ngô Vy Đồng (Chủ tịch HĐQT) cho biết thêm: ở vị trí CEO CNTT lúc này rất khó khăn, phải chịu nhiều sức ép, từ việc tìm kiếm hợp đồng, lo doanh thu, lo việc làm cho người lao động. Thêm vào đó, là Cty cổ phần còn phải lo về lợi tức của các cổ đông.

Trong suốt ngày 19/2/3013 -mồng 10 tháng Giêng Quý Tỵ - như dân gian thường nói ngày của thần tài. Tuy Đoàn chỉ tới một số DN CNTT tiêu biểu cho hàng trăm DN ở TP.HCM, nhưng đều ghi nhận và thấy rõ không khí làm việc của người lao động ở những nơi này hết sức tập trung và khẩn trương, mọi người đều nhận thấy được 2013 còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng như các thành viên trong Đoàn đều chia sẻ với đơn vị. Những kiến nghị, đề xuất của DN đều được ghi nhận. Ông Lê Mạnh Hà, cũng đề nghị các DN những kiến nghị, đề xuất cần phải chi tiết bằng văn bản cụ thể để các cơ quan chức năng trình Lãnh đạo xem xét có hướng cùng tháo gỡ.

Ông Hà cũng giao cho Sở TT&TT và HCA làm đầu mối tổng hợp. Bên cạnh đó, theo chủ trương của thành phố và Bộ TT&TT trong thời gian tới cần khẩn trương chuẩn bị hạ tầng và có những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các DN phát triển tốt nhất. Hy vọng một “Công viên Phần mềm Quang Trung 2” sẽ được hình thành và đi vào hoạt động trong nay mai, dù đó là ở tại TP. HCM hay ở các tỉnh khác. Hoạt động lĩnh vực CNTT cần có sự “đột phá” bởi “Việt Nam không thể tiến lên mạnh mẽ được, không thể đi tắt đón đầu được, và nếu như không phát triển ngành công nghiệp có chất xám cao là CNTT thì rất khó cho nền kinh tế nói chung”.

Riêng với TP.HCM đã đặt CNTT là một trong những ngành mũi nhọn của năm 2013. Các DN CNTT và Lãnh đạo TP.HCM cũng nhưng các đơn vị chức năng cần sớm ngồi lại với nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất, khả thi nhất để phát triển, mở rộng ngành CNTT Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, ông Hà mong muốn.

Nguyên Trí

Tin nổi bật