Chuyện dọc đường
Life & English: "Long Bien bridge"
Submitted by nqmhien on Wed, 07/05/2014 - 00:45A Hanoi view with some corners of Long Bien bridge.
A Hanoi view with some corners of Long Bien bridge.
Long Bien bridge. View from Long Bien district. |
Red river. |
A small floating village on Red river, under Long Bien bridge. |
Foreigners come and see Long Bien bridge. |
Long Bien bridge. View from the floating village. |
(Photos: Happy N.)
Triển lãm ảnh “Hà Nội - những mùa hoa”
Submitted by nqmhien on Tue, 06/05/2014 - 22:06Khoảnh khắc của bốn mùa được ghi lại qua 36 bức hình của những người bạn với mọi ngành nghề khác nhau nhưng cùng sống, sinh nơi đây và đam mê với nhiếp ảnh chỉ vì một tình yêu Hà Nội.
Hà Nội luôn vẫn thế, tự tâm là tụ nhau. Bóc cái lớp vẻ ngoài vội vàng náo nhiệt của đô thị là thấy ngay tâm hồn sâu lắng, yêu thương chia sẻ trong mỗi người.
Sau thành công của triển lãm Chăn ấm lần đầu tổ chức vào tháng 11/2013 với kết quả đã đem 1516 chăn đến cho các em bé vùng cao. Chăn ấm lại tiếp tục tổ chức triển lãm lần này với chủ đề “Hà Nội những mùa hoa” - Khoảnh khắc của bốn mùa đều được ghi lại qua 36 bức hình của những người bạn với mọi ngành nghề khác nhau nhưng cùng sống, sinh nơi đây và đam mê với nhiếp ảnh chỉ vì một tình yêu Hà Nội.
Triển lãm được tổ chức từ Thứ Sáu, ngày 9/5 đến hết Chủ nhật 11/5/2014 (từ 07h30 – 22h00) tại không gian quán cà phê Le Bon, sân Bảo tàng Lịch sử, số 01, phố Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm trong giai điệu của những bản nhạc về Hà Nội.
Mời các bạn đến dự và cùng chung tay đóng góp cho chương trình Chăn ấm vùng cao. Sự đồng lòng của những trái tim thiện nguyện sẽ là Sợi tơ Tình bền chắc, xen - mắc những mùa hoa, dệt chăn ấm chan hòa, tình người miền xuôi ngược. Chung tay cùng điều ước: Nhiều chăn ấm tặng Em.
BTC
Sách ảnh "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" song ngữ Việt - Anh tái bản
Submitted by nlphuong on Tue, 06/05/2014 - 17:40(ICTPress) - Cuốn sách được tái bản lần này mang đến cho bạn đọc những bức ảnh mới nhất về chân dung cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp...
(ICTPress) - Tên tuổi của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ, đã làm vang dội non sông, chấn động địa cầu.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014) và nhằm đáp ứng sự mong đợi của bạn đọc trong và ngoài nước, cuốn sách ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” đã được Cục Thông tin Đối ngoại cùng với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tái bản kịp thời ra mắt bạn đọc.
Cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” đã đến với bạn đọc nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng (năm 2011). Cuốn sách là một câu chuyện sống động về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng huyền thoại, Ngay sau khi ra đời, cuốn sách đã được đông đảo bạn đọc trân trọng và nhiệt thành đón nhận.
Cuốn sách được tái bản lần này mang đến cho bạn đọc những bức ảnh mới nhất về chân dung cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là những bức ảnh đầy xúc động ghi lại dấu ấn trang trọng của Lễ tang tiễn vị Tướng lỗi lạc về đất mẹ, để lại niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế dành cho Người.
Cuốn sách là tấm lòng thành kính của mỗi chúng ta dâng lên Người với niềm tự hào về một Con Người đã đi vào huyền thoại.
Lời tựu cuốn sách do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng viết: Với gần 300 bức ảnh chọn lọc, cuốn sách ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phác họa khá đầy đủ và chân thực bức chân dung sống động về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Nguyên Giáp - một vị tướng tài ba, một nhà cách mạng nổi tiếng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc, được nhân dân cả nước yêu mến và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.
Qua cuốn sách này, chúng ta càng hiểu thêm và càng tự hào về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, tên tuổi của Đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng tên tuổi của các bậc tiền bối, lão thành cách mạng đã trở thành biểu tượng cho cả một thế hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo, gây dựng, góp phần làm nên một thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Cuốn sách có giá trị không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với cả bạn bè quốc tế, không chi cho thế hệ hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau.
Minh Anh
Chuyện ít biết về người lính thông tin trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Submitted by nlphuong on Tue, 06/05/2014 - 12:15“Sư 312 chuẩn bị tấn công! Nhận được chỉ thị từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lính thông tin lại vác dây trên vai rồi cứ thế mà chạy đi truyền thông tin…”
“Sư 312 chuẩn bị tấn công! Nhận được chỉ thị từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lính thông tin lại vác dây trên vai rồi cứ thế mà chạy đi truyền thông tin…”
Biểu tượng chiến thắng luôn được người lính thông tin Vũ Lâm mang bên mình |
Đứng trước hầm tướng Đờ Cát, ông Vũ Lâm - người lính thông tin năm nào say sưa miêu tả lại cách truyền tải thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.Về với Điện Biên trong dịp kỷ niệm 60 năm, chúng tôi tình cờ gặp ông Vũ Lâm, nguyên là Tiểu đội trưởng phụ trách thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đã 81 tuổi đời, nhưng người lính Vũ Lâm vẫn rắn rỏi, khỏe mạnh, nhiệt huyết với giọng nói hào sảng. Mặc cho cái nắng oi bức giữa miền Tây Bắc, ông Lâm vẫn nhiệt tình đưa thế hệ con cháu - những du khách không hẹn mà gặp trở về với ký ức trong trận chiến lịch sử lừng lẫy năm châu.
Để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ phải kể đến vai trò không hề nhỏ của mạng lưới thông tin cùng những người lính đảm nhận nhiệm vụ này. Nổ súng ở đâu? Bao giờ? Đánh nhanh hay đánh chắc?… Tất cả các chỉ thị từ chỉ huy cũng như của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đều được những người lính thông tin truyền đi một cách nhay nhạy, kịp thời.Ông Vũ Lâm nhớ lại, trong chiến dịch Điện Biên Phủ thường có 3 loại thông tin. Nói về thông tin bằng bộ đàm, ông Lâm giơ ngón tay trước miệng rồi diễn tả: “Sông Hồng gọi sông Thao nghe rõ nói đi…”. Còn thông tin bằng dây kéo thì lính thông tin sẽ vác dây trên vai, chạy đi khắp nơi để truyền thông tin.Loại thứ ba, thông tin đánh bằng mật mã là “tạch tè, tạch tè, tạch tè…”.
Toàn bộ mạng lưới thông tin được tổ chức dày đặc trong toàn chiến dịch, sẵn sàng báo lệnh để các lực lượng triển khai chiến đấu.
Người lính thông tin Vũ Lâm và tấm hình chụp kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
“Ngày ấy tôi chỉ mới 20 tuổi đời, giàu nhiệt huyết lắm. Nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi là đi báo tin mời lên họp, báo lệnh cho nổ súng ở đâu, khi nào… Chẳng hạn bác Giáp phát lệnh Sư 312 chuẩn bị tấn công. Tôi có nhiệm vụ truyền thông tin đó đến các lực lượng tác chiến.Đánh thắng hay không là do các Sư, còn nhiệm vụ của tôi là chỉ huy bảo sao thì truyền tin như vậy. Lực lượng truyền tin lúc đó cũng hi sinh nhiều lắm, trong đó bị dính đạn đại bác là nhiều nhất”...
Như nhiễm “bệnh nghề nghiệp”, thỉnh thoảng ông Lâm lại nhắc lại câu: “thông tin nói ra thì phải chính xác”. Để dẫn chứng cho tính xác thực về sự hi sinh của lực lượng thông tin vừa kể, ông Lâm kể ra hàng loạt các tên tuổi lớn thời điểm đó: ông Hoàng Đạo Thúy là Cục trưởng Cục thông tin liên lạc, ông Trần Văn Quang là Cục trưởng Cục tác chiến, ông Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng, ông Trần Đăng Ninh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hậu cần… Bỗng trầm ngâm nét mặt, ông Lâm hướng mắt ra khu nghĩa trang liệt sĩ rồi thì thào: “Có được chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước chính là nhờ sự đấu tranh kiên cường, dũng cảm hi sinh không tiếc xương máu của quân đội ta. Những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện… đều là những tấm gương điển hình”.
Bên cạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc chiến này giành thắng lợi còn nhờ vào sự ủng hộ hết lòng của người dân. Cho rằng hậu cần là điều vô cùng quan trọng trong mỗi trận chiến, ông Lâm bảo: “Nếu không có dân chắc sẽ không thể đánh thắng được quân thù và chắc sẽ không có được ngày hôm nay”.
Thế hệ trẻ say sưa nghe ông Lâm kể về vai trò của người đưa tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
Người lính thông tin năm xưa nhớ lại, khó khăn lớn nhất và cũng là điểm mấu chốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là chiến thuật tác chiến.Lúc đầu chúng ta nghe theo lời khuyên của nước bạn, áp dụng chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”. Nhưng chiến thuật này không hiệu quả. Đau xót trước sự hi sinh của quân dân, mặc cho một số ý kiến phản đối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn quyết định chuyển chiến thuật, từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”.
“Bác Giáp là người giữ xương máu cho bộ đội rất nhiều. Không có bác Giáp thì bộ đội ta còn hi sinh nhiều nữa. Trong khi địch có hầm, còn quân đội ta từ ngoài đánh vào nên thương vong nhiều hơn…” –- ông Lâm nhận định.Cái nắng mỗi ngày một gay gắt, nhưng người lính thông tin năm nào vẫn ngồi đó, say sưa kể cho con cháu nghe những kỷ niệm hào hùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thành phố Điện Biên nay đã khác xưa, đẹp đẽ hơn. Những mỗi lần trở về thăm chiến trường xưa, người lính thông tin năm nào vẫn dâng trào một niềm cảm xúc. Mọi ký ức ông Lâm còn nhớ rõ, cứ như ngày hôm qua. Kỷ vật ông luôn mang theo mình là một cuốn sổ ghi chép đầy đủ, chi tiết về cuộc chiến năm xưa, và một hai tấm hình chụp lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí, đồng đội.
Thỉnh thoảng có mấy đoàn thăm quan nhã ý muốn chụp ảnh cùng, ông Lâm đều nhiệt tình tham gia. Vài du khách khi nhắc đến những “đồng nghiệp” nào đó, ông Vũ Lâm mừng rỡ lắm. Rồi ông không ngớt hỏi thông tin về gia đình, nơi sinh sống, về sức khỏe “đồng đội” giờ ra sao…
Nguyễn Hoài - Nguyễn Dũng
Infonet
Một giọt lệ cho những linh hồn vương vất
Submitted by nlphuong on Tue, 06/05/2014 - 10:30Có một nơi tưởng niệm những binh lính Pháp đã tử trận trong 56 ngày đêm ở nơi mà với họ là hỏa ngục. Nơi tưởng niệm đó ở chính ngay trong lòng Điện Biên Phủ.
Có một nơi tưởng niệm những binh lính Pháp đã tử trận trong 56 ngày đêm ở nơi mà với họ là hỏa ngục. Nơi tưởng niệm đó ở chính ngay trong lòng Điện Biên Phủ.
Trở lại nơi chiến trường xưa, Điện Biên nay đã là một thành phố trẻ đang thay đổi từng ngày. Cách đây vài chục năm, đứng ở những điểm cao, phóng tầm mắt ra xung quanh, có thể thấy những địa danh lịch sử nổi tiếng từng quen thuộc trong sách vở thì nay nhiều nơi đã bị che khuất bởi những ngôi nhà cao tầng, những con phố, những công trình xây dựng mới.
Sau gần một ngày đến với những địa danh đã đi vào lịch sử, còn chút ít thời gian của buổi chiều muộn, chúng tôi đến thăm một địa điểm không nằm trong danh sách di tích liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hỏi đường, không người nào biết đến - kể cả dân vốn thạo đường nhất là cánh lái taxi. Chúng tôi đành nhờ một nhà báo địa phương dẫn đường mà chính anh cũng chưa đặt chân đến, phải gọi điện về tòa soạn để được một thông tin ngắn gọn: nơi ấy cách hầm De Castries 300 mét ở phía tây nam thành phố.
Đó là nơi tưởng niệm những người lính Pháp đã ngã xuống trong 56 ngày đêm ở nơi mà với họ đã trở thành hỏa ngục.
Chúng tôi tìm đến khu tưởng niệm vào lúc xế chiều, trời đã bắt đầu chạng vạng. Qua hầm De Castries, chiếc taxi đi chậm lại. Nháo nhác nhìn quanh, cứ nghĩ sẽ thấy một khu tiêu điều các nấm mồ vô chủ "rầu rầu ngọn có nửa vàng nửa xanh" như cụ Nguyễn Du đã tả mà không gặp.
Anh lái xe đưa tay chỉ: không hiểu nó có thể là chỗ kia không. Một khu đất vuông vắn rộng chừng 1.200 mét vuông, có tường bao quanh, quét vôi trắng, nằm giữa khu dân cư trông tựa như một công viên.
Chúng tôi dừng xe bước lại gần. Cửa khóa. Không một tấm biển gắn ngoài cửa để biết đây là đâu. Nhìn qua những qua chấn song, thấy một chiếc tháp, nổi lên ở giữa vườn cây rất sạch có những vuông cỏ xanh mướt, bố trí khá đẹp.
Tấm biển đồng gắn trên tháp quá nhỏ và gỉ loang lổ, dùng ống kính máy ảnh chụp được ở khoảng cách lớn, zoom lên cũng không đọc nổi. Chúng tôi đang lúng túng thì có mấy em nhỏ nhà ở xung quanh tò mò, bước đến và cho hay đây chính là địa điểm tưởng niệm quân Pháp tử trận ở Điện Biên.
Thấy trong một góc của khuôn viên, ánh đèn vẫn sáng từ trong một phòng trực hắt ra, biết là có người chúng tôi gọi nhưng không ai trả lời. Người bảo vệ đi vắng. Chúng tôi lúng túng và rất sốt ruột đi vòng quanh hồi lâu, tìm cách vào thì may thay, người bảo vệ trở về. Anh vui vẻ mở cửa đón khách vào và tình nguyện làm người hướng dẫn cho đoàn.
Qua chiếc cổng sắt có chân song thưa, khi vào tận nơi, đập vào mắt là tấm biển đồng gắn trên đài "Dành cho các sĩ quan và binh sĩ quân đội Pháp tử trận tại Điện Biên Phủ", dưới ngay đó là một tâm bia đá trắng nằm nghiêng một góc chừng 15 độ.
Trời tối, dưới ánh sáng từ xa rọi vào đủ để chúng tôi vừa nhìn, vừa sờ vết khắc để đọc những dòng chữ, trên tiếng Pháp, dưới tiếng Việt: "Đài tưởng niệm này được dựng lên do sáng kiến của ông Rolf Roder - cựu chiến binh Pháp, trung sĩ chỉ huy đội biệt động xung kích, thuộc Đại đội 10, tiểu đoàn 4, trung đoàn 3 bộ binh lê dương đóng tại Hồng Cúm khánh thành ngày 7/5/1994 nhân dịp kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ với sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh quốc gia và Hội cựu chiến binh lê dương".
Phía trước bệ của tương đài là những tấm biển nhỏ của các đơn vị phiên chế những người đã khuất hoặc của thân nhân của họ gắn chặt trên tường với những lời tiếc thương, phía sau 5 bát hương.
Vậy là, Đài tưởng niệm đã tồn tại đúng 20 năm về trước. Chúng tôi hình dung ra ngày khánh thành trùng với ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên lần thứ 40 nên có lẽ cũng khá trang nghiêm.
Ngoài các quan chức Việt Nam, hẳn còn có mặt những nhân vật quan trọng trong Đại sứ quán Pháp và ít nhất có đại diện của các đơn vị từng tham gia chiến dịch cùng thân nhân của những người trong quân đội Liên hiệp Pháp đã bỏ mình ở Điện Biên.
Bằng chứng là những tấm biển đồng hoặc bia đá họ mang từ Pháp sang, gắn chắc bằng xi măng dưới chân tượng đài.
Anh Lò Ngọc Thuyên, một thanh niên người Thái rất nhanh nhẹn phụ trách việc bảo vệ Khu tưởng niệm đưa cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp ngày 8/5/2004 và cho biết: Cách đây 5 năm, một đoàn Pháp từ Hà Nội lên thăm viếng và đặt mấy vòng hoa tại đây.
Anh bảo, nếu anh không lầm, thì hôm ấy có Bộ trưởng Quốc phòng mà anh không nhớ tên từ Pháp sang cùng các nhân viên sứ quán Pháp và những sĩ quan cao cấp thuộc một số binh chủng mà anh nhận biết qua trang phục.
Anh cho biết thêm, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên luôn có những đoàn nước ngoài xa xôi ngàn dặm tới thăm - chủ yếu là người Pháp - và đặt hoa tưởng niệm.
Khách du lịch đôi khi có những người nước khác nữa đến viếng, có thể vì sự tò mò, xem lời đồn có thực hay không: một đài tưởng niệm dành cho đối phương đâu phải là chuyện thường gặp trên thế giới? Phải có tấm lòng bao dung đến thế nào mới có cách ứng xử độ lượng và nhân văn như vậy?
Thấy chúng tôi ngạc nhiên quan sát sự hiện diện của 5 chiếc bát hương với chân nhang còn mới, anh Thuyên giải thích: Trong phong tục dân gian của những người được tưởng niệm, chỉ có nến và hoa mà không có hương, nhưng bọn tôi thấy nếu thiếu mùi hương thơm ngát và những làn khói mờ ảo thì thiếu một cái gì đó trong đời sống tâm linh để "giao lưu" với những người ở thế giới bên kia.
Thế nên những ngày rằm, mồng một bọn tôi (các anh có 3 người, chia ngày để trực quanh năm) đều thắp cho họ những nén hương.
Anh nói đùa: Những buổi tối trăng thanh, thắp hương lên ngồi dưới bệ đá này, trong khung cảnh vắng vẻ, chúng tôi cảm thấy dù âm dương cách biệt, ngôn ngữ bất đồng nhưng vẫn có cảm giác "thấy hiu hiu gió là hay "họ" về (lẩy Kiều).
Một người trong đoàn châm mấy điếu thuốc, cắm xuống những chiếc chân nhang bảo: "Thứ này chắc hợp với "họ" hơn".
Trước khi về, chúng tôi cúi đầu mặc niệm trong bầu không khí thoang thoảng mùi thuốc là thơm. Hình như có "hiu hiu gió" thật.
Trong lòng chợt nghĩ, quá khứ đã khép lại. Các đoàn cựu chiến binh ở hai bên chiến tuyến vẫn thường xuyên có những cuộc hồ hởi gặp gỡ, bắt tay nhau, huống hồ với những người đã khuất.
Phong Doanh - Quốc Tín
VietnamNet
Ngược xuôi đến với Điện Biên Phủ dịp đặc biệt
Submitted by nlphuong on Tue, 06/05/2014 - 06:10(ICTPress) - Chúng tôi kịp ghi lại những hình ảnh cựu chiến binh, nhân dân cả nước đến với Điện Biên Phủ và những khoảnh khắc tưng bừng trong dịp lễ đặc biệt này.
(ICTPress) - Những ngày này, nhân dân cả nước đến và hướng về kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chúng tôi những nhà báo Thông tin và Truyền thông đã may mắn đến với Điện Biên Phủ vào những ngày đáng nhớ này và kịp ghi lại những hình ảnh đoàn đoàn cựu chiến binh, chiến sĩ trẻ, nhân dân cả nước đến với Điện Biên Phủ và những khoảnh khắc tưng bừng, nhộn nhịp của Điện Biên trong dịp lễ đặc biệt này:
Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316, hậu duệ của Đại đoàn 316, Đại đoàn đã góp công rất lớn đánh chiếm đồi A1 đến thăm Cụm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1... trong dịp kỷ niệm |
Lắng nghe thuyết minh về chiến tích của bộ đội ta trên đồi A1 |
Dòng người và cựu chiến binh đổ về thăm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng |
Chụp ảnh lưu niệm tại Trụ sở Chiến dịch Điện Biên Phủ |
50.000 liệt sĩ được ghi danh tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ |
Thắp hương viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Điện Biên Phủ |
Gặp cựu chiến sĩ thông tin liên lạc Điện Biên Phủ Vũ Lâm |
Pano kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và sắc tím trên Đường Võ Nguyên Giáp |
Cờ đỏ rực rỡ tất cả các con đường, ngõ phố Điện Biên Phủ |
Chuẩn bị cho buổi ghi hình trực tiếp giữa Điện Biên và TP. Hồ Chí Minh |
Những chiếc ô tô ngược xuôi chở các cựu chiến binh và nhân dân lên với Điện Biên Phủ |
Mua những món quà nhỏ từ Điện Biên Phủ tặng người thân |
Đức Huy - Xuân Phong - Lan Phương
Thưởng thức hòa nhạc cùng dàn nhạc Jazz trẻ tài năng Bavaria
Submitted by nlphuong on Tue, 06/05/2014 - 05:45(ICTPress) - Dàn nhạc không chỉ chơi Jazz cổ điển nmà còn chơi nhạc hiện đại như Bebop, Latinh, Funk và các tác phẩm tổng hợp khác.
(ICTPress) - Nhân kỷ niệm những ngày Châu Âu 9/5, viện Goethe và phái đoàn liên minh Châu Âu hợp tác cùng Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam trân trọng kính mời Quý vị và các bạn tới thưởng thức buổi hòa nhạc cùng Dàn nhạc Jazz trẻ Bavaria dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Harald Rüschenbaum.
Dàn nhạc không chỉ chơi Jazz cổ điển như Swing của các tên tuổi nổi tiếng như Count Basie hay Duke Ellington, mà còn chơi nhạc hiện đại như Bebop, Latinh, Funk và các tác phẩm tổng hợp khác. Bên cạnh đó họ cũng sẽ trình diễn các tác phẩm tự sáng tác hoặc tự phối thể hiện sự sáng tạo với nhạc Jazz.
Dàn nhạc Jazz trẻ Bavaria (LJJB) được coi là một trong những dàn nhạc Jazz trẻ tài năng nhất tại Đức. Qua mỗi cuộc thi “Tuổi trẻ chơi jazz“ (“Jugend jazzt“) họ lại tìm kiếm những tài năng mới và đưa vào dàn nhạc. Ban nhạc thế hệ đầu tiên thường xuyên có mặt trên các sân khấu trong nước và quốc tế như ở Châu Âu, Mỹ và Nga.
Harald Rüschenbaum, chỉ đạo nghệ thuật, là một nghệ sỹ chơi bộ gõ và chỉ huy dàn nhạc quốc tế nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó ông còn là giảng viên tại trường đại học sân khấu và âm nhạc ở Munic. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng về những cống hiến của mình trong việc hỗ trợ các nhạc công Jazz trẻ.
Trước hai buổi biểu diễn lớn tại Hà Nội, dàn nhạc sẽ có buổi chơi ngẫu hứng cùng các sinh viên nhạc Jazz của học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tại sân viện Goethe vào thứ 5, ngày 8/5/2014 lúc 19h. Những bạn yêu thích nhạc Jazz và chơi được nhạc cụ hoặc thích hát đều có thể tham gia chương trình.
Vé mời bắt đầu được phát từ 10h sáng, thứ Ba ngày 6/5/2014 tại Viện Goethe 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Bảo Ngọc
Gò Nổi - Vùng địa linh nhân kiệt
Submitted by nlphuong on Mon, 05/05/2014 - 06:30(ICTPress) - Trên một diện tích không rộng lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa.
(ICTPress) - Chúng tôi đến thăm vùng đất anh hùng Gò Nổi trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng lịch sử 30/4. Những con đường quê rợp bóng cờ đỏ như tô thắm lên vùng đất một thuở oai hùng đang xanh tươi một màu bất tận. Những gương mặt đôn hậu và nụ cười hiếu khách là lời chào của người dân Gò Nổi gởi đến du khách. Hai bên đường làng, mùi ngô khô thơm lựng hòa quyện trong hơi cay nồng của ớt. Dòng sông hiền hòa uốn lượn, vỗ về bên những đám dâu tằm sum sê xanh nghít.
Hai bên đường mùi ớt cay nồng |
Gò Nổi được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt của đất Quảng Nam, gồm 3 xã cù lao Điện Trung, Điện Phong, Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn. Trên một diện tích không rộng lớn nhưng dày đặc những tên người, tên đất in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa. Nói vùng địa linh nhân kiệt bởi nơi vùng đất cù lao nắng gió này đã sinh ra rất nhiều vị danh nhân, trong đó số người được đặt tên đường (mà tác giả biết) đã hơn con số 15. Lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng và lịch sử đấu tranh cách mạng Khu V cũng dành một phần không nhỏ để nói về Gò Nổi.
Cư dân Gò Nổi vốn đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIV do người Việt từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An vào khai cơ, lập nghiệp. Theo các cụ cao niên kể lại thì lúc đó, những người vâng lệnh triều đình trong quá trình Nam tiến đã vào nam bằng đường biển. Khi đến Cửa Đại (Hội An) họ nhận thấy đây là một cửa biển rộng lớn, nhìn về hướng tây là dòng sông Thu Bồn hiền hòa trải dài trên vùng đồng bằng phì nhiêu vào loại bậc nhất của miền Trung. Những cư dân này đã ngược chèo dòng Thu Bồn thì bắt gặp vùng Gò Nổi với tứ bề sông nước bao quanh một cù lao phù sa màu mỡ. Do vậy, họ quyết định dừng lại ở đây để khai cơ lập nghiệp. Từ đó, sinh sôi nảy nở ra những bậc hiền tài cho đất nước.
Gò Nổi là vùng được bao bọc bởi 3 con sông Thu Bồn, Chiêm Sơn và Bến Giá; cũng là nơi bắt đầu của sông Vĩnh Điện và sông Bà Rén nên bão lũ thường đe doạ, làm thiệt hại và gây nhiều khó khăn đến đời sống. Tuy nhiên, ở vùng đất có nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, trồng bông, dệt vải và nghề sản xuất đường bát nổi tiếng một thời này người dân vẫn có nghị lực phi thường để vượt qua hững hà khắc của thiên nhiên mà không ngừng vươn lên phát triển.
Di tích vụ thảm sát Lò Gạch Trừng Giang |
Không có con số thống kê cụ thể nhưng điều có thể dễ thấy là hiền tài đất Quảng Nam qua bao đời thì Điện Bàn chiếm phần lớn, nhưng nhiều nhất vẫn là vùng Gò Nổi. Dường như nơi đâu cũng bắt gặp dấu xưa của những nhân kiệt đã làm rạng danh xứ Quảng, tô thắm non sông đất Việt. Có thể kể ra đây một vài tấm gương tiêu biểu:
Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, vị Tổng đốc thành Hà Nội nêu gương trung liệt thề quyết sống chết giữ thành; Phạm Phú Thứ thông minh hiếu học, mới 23 tuổi đã đỗ Tiến sỹ; Chí sỹ Trần Cao Vân, với thuyết Trung Thiên Dịch nổi tiếng, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân vang động trong cả nước; Danh thần triều Nguyễn - Lê Đình Đỉnh, nhà ngoại giao tài ba và là thân sinh của y sỹ, liệt sỹ Lê Đình Dương cùng bác sỹ, cư sỹ Lê Đình Thám; Lê Đình Dương (1884 - 1916) là đảng viên Việt Nam Quang phục hội. Ông bị thực dân Pháp bắt, lưu đày ở Khánh Hoà rồi Buôn Mê Thuột và mất tại đây.
Nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ, nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc Phan Thanh. Ông là đại biểu lỗi lạc của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Viện Dân biểu Trung kỳ khoá III (1938-1939); Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công An) đầu tiên của Việt Nam; Nguyễn Thị Bình - nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002); Nữ Anh hùng Trần Thị Lý - người con gái Việt Nam; Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân; Nguyễn Trọng Nghĩa - một Phan Đình Giót của miền Nam; Hay Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà phê bình văn học nổi tiếng Lê Đình Kỵ; Giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Phê; các nhà toán học Hoàng Tụy, Hoàng Chúng... suốt đời tận tụy vì sự nghiệp trồng người cũng được sinh ra từ Gò Nổi.
Phạm Thâm là người đã nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở Điện Quang vào những năm trước 1930. Tháng 8/1930, đồng chí là Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam. Tháng 10/1930 Đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà lao Hội An. Sau khi ra tù đồng chí đã mất vào năm 1932; Trần Công Chương là người học cao, hiểu rộng. Ông là người có tinh thần yêu nước, yêu dân, được nhân dân kính trọng. Ông bị giặc Pháp bắt. Ba năm liền ông giả câm, giả điếc để giặc không sao mua chuộc được mà đã xử bắn ông ở đất Bình Định; Phan Thành Tài là một trong những nhân vật quan trọng của phong trào cải cách Duy Tân vào những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời là một nhân vật trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân ở Huế năm 1916.
Là chiến trường xưa, Gò Nổi còn ghi bao chiến công của quân và dân Quảng Nam thắng giặc xâm lăng; là hành lang và là chiếc nôi của cách mạng Khu V, nơi in bao dấu tích bi hùng của những vụ thảm sát: Kho Muối, Lò Gạch Trừng Giang mà giờ đây đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa. Người dân đất Quảng vẫn truyền tụng câu ca: “Nhất Củ Chi - Nhì Gò Nổi” để nói lên mức độ ác liệt của chiến tranh và phẩm chất anh hùng của những người con quyết “một tấc không đi, một li không rời”…
Giờ đây, du khách từ khắp muôn phương đến với Gò Nổi để được ngắm nhìn dòng sông Thu Bồn đã đi vào huyền thoại, ngắm hoàng hôn trên những cánh đồng lúa xanh tươi rợp trắng cánh cò; được nhìn thấy những nàng thôn nữ xinh đẹp sau chiếc xa quay óng ánh tơ vàng... Và sẽ được nghe và chứng kiến những di tích lịch sử về những bậc vĩ nhân, anh hùng của dân tộc đã được sinh ra trên quê hương Gò Nổi... Tất cả sẽ làm nên câu chuyện kể sinh động với du khách phương xa rằng Gò Nổi có một thời linh thiêng, một thuở oai hùng như thế.
Đền thờ Hùng Vương trên đất Gò Nổi |
Người dân Gò Nổi còn tự hào với công trình Đền thờ vua Hùng Vương, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm được tổ chức ngay trên chính quê hương mình. Đền thờ tọa lạc ở làng Trừng Giang (Điện Trung) trên khuôn viên gần 3.000m2, uy nghi, bề thế. Đền thờ là điểm hội tụ của những tấm lòng với triết lý văn hóa dân gian Việt Nam: nhà - làng - nước được thể hiện một cách rõ nét trong ý tưởng và cả trong không gian kiến trúc nơi đây. Đền thờ Quốc Tổ, Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiện là niềm tự hào của người dân Gò Nổi, nơi hội tụ sức mạnh và niềm tự hào của các dòng tộc trong vùng.
Trịnh Quang
Ôi thiêng liêng những mốc thời gian
Submitted by nlphuong on Sun, 04/05/2014 - 06:51Những gì tự mắt nhìn thấy tại Điện Biên Phủ và trong chuyến đi Việt Nam ấy đã giúp nhà văn, đại tá, phi công Jules Roy rút ra nhiều kết luận, tìm lời giải “Lỗi tại ai?”.
Chuyện trò với đồng nghiệp
Thời gian là dòng chảy đẩy mọi thứ lùi về quá khứ, những sự kiện động trời cũng như những vui buồn giận ghét đời thường rồi ngày càng mờ ảo và lặng lẽ hòa tan trong lãng quên. Tuy nhiên lịch sử các dân tộc và toàn nhân loại lại có những cái mốc sáng ngời như tinh tú, càng cao thẳm trên bầu trời đêm càng lấp lánh ngân hà. Đối với dân tộc Việt Nam ta, thế kỷ 20 có nhiều mốc như thế.
Cách đây mười năm, kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Fabienne Sintes làm việc tại Đài phát thanh quốc gia Pháp Radio France cùng một đồng nghiệp ở Tuần báo L’Express sang Việt Nam viết bài về thảm bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ. Được biết chị vừa từ mặt trận Irăc về. Sau khi lên Tây Bắc, qua các di tích và vật chứng ngược dòng thời gian tìm hiểu tại chỗ, trở lại Hà Nội chị Fabienne tìm gặp tôi trao đổi. Chị hỏi:
- Thời trẻ chắc ông có tham gia chiến đấu tại Điện Biên. Hồi đó ông mang quân hàm cấp bậc gì?
- Tôi không được vinh dự ấy. Tôi là dân sự. Tuy nhiên, tất cả những người Việt Nam thế hệ tôi ai cũng tự cho mình ít nhiều là chiến sĩ Điện Biên. Cả những người sinh ra sau ngày hòa bình lập lại, ai cũng tự hào lịch sử dân tộc mình có ba tiếng Điện Biên Phủ.
- Cụ thể hồi đó ông làm gì? Chị vẫn không chịu buông.
- Tôi cùng nghề với chị. Tôi làm phóng viên một tờ báo theo các đoàn dân công vận chuyển lương thực, vũ khí từ vùng hậu phương Liên khu 4 lên miền thượng du tỉnh Thanh Hóa qua tỉnh Hòa Bình tiếp tế cho mặt trận Tây Bắc bằng những chiếc xe đạp thồ. Những chiếc xe thồ ấy, một người đồng bào của chị, giáo sư, nhà báo Bernard Fall đã mô tả kỹ tại cuốn sách nổi tiếng của ông: Điện Biên Phủ, một góc địa ngục. Ông ta quả quyết mỗi chiếc xe thồ có thể chở 300kg lương thực hoặc đạn dược. Tôi không dám chắc, chỉ ước lượng thôi bởi còn tuỳ thuộc vào sức lực và phương tiện của từng người dân công. Loại xe thồ thời ấy ai cũng cho là tốt nhất là xe đạp mang nhãn hiệu Peugeot của Pháp. Nền công nghiệp Đông Dương trước 1945 chưa làm ra nổi một chiếc xe đạp, toàn nhập khẩu từ chính quốc sang.
Chị Fabienne lại hỏi:
- Ông nghĩ thế nào khi so sánh Điện Biên Phủ 1954 với Giải phóng Sài Gòn 1975?
Tôi cười:
- Hình như các bạn ở phương Tây thích so sánh ngang. Nhà văn, đại tá Jules Roy tác giả cuốn Trận Điện Biên Phủ mà chị đã biết, ví thất bại của các bạn ở cánh đồng Mường Thanh là nỗi kinh hoàng khủng khiếp; trận thảm bại của Napoléon tại Waterloo(1) năm 1815 trước liên quân Anh - Phổ không gây tiếng vang trên thế giới bằng. Nhà sử học Bernard Fall đi xa hơn, so sánh tầm vóc Điện Biên Phủ với trận Stalingrad năm 1942-1943. Tính về quân số của cả hai bên thì Điện Biên Phủ nhỏ hơn Stalingrad nhiều, dù vậy Điện Biên Phủ vẫn là trận đánh có tính chất quyết định ngang tầm trận Stalingrad và trận Midway trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
- Chúng tôi nghĩ theo chiều khác. Không có Cách mạng Tháng Tám 1945, chiến thắng Biên Giới 1950, không có Điện Biên Phủ. Không có Điện Biên Phủ 1954, Thành cổ Quảng Trị 1972, thiếu nhiệt tình của bạn bè thế giới ủng hộ chính nghĩa Việt Nam, chậm Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn 1975.
Chị Fabienne:
- Câu hỏi cuối cùng: ông đã đến Điện Biên Phủ?
- Có chứ. Và không chỉ đến một lần. Người Việt Nam chúng tôi ai có ít nhiều điều kiện đều ước ao đến Điện Biên Phủ ít nhất một lần trong đời để được nhìn thấy tận mắt những trang lịch sử oai hùng của dân tộc. Người Việt chúng tôi không có tục dâng hoa, nhưng ai đã có dịp đến Điện Biên Phủ đều tâm nguyện đốt một nén hương, ít nhất chắp tay vái mấy vái tưởng niệm các liệt sĩ, anh hùng.
Tôi ngồi xuống cạnh hầm Đờ Cát
Người viết bên Hầm Đờ Cát |
Vâng, tôi đã đến Điện Biên Phủ dù có hơi muộn màng.
Thời trẻ làm phóng viên báo, tôi đã nhiều lần lên Tây Bắc, thăm Mộc Châu, Sơn La, vượt đèo Pha Đin vào địa phận tỉnh Lai Châu nhưng do hoàn cảnh khó khăn thời ấy, phải đợi đến sau khi nước nhà thống nhất, điều kiện giao thông khá lên, Điện Biên Phủ thật sự trở thành một điểm đến, tôi mới có dịp tới chiến trường xưa. Như nhiều người từ các chốn khác đến đây, tôi đã thăm Bản Lạnh Mường Phăng(2) nơi đóng Tổng hành dinh Bộ chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ mật danh Trần Đình, xuống hầm sâu xem nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc. Tôi đã đến đồi A1 chắp tay vái Cây đa Cụt, thăm Bảo tàng Điện Biên... Và một nơi nhất thiết không thể không đến nữa là Hầm Đờ Cát, Tư lệnh quân Pháp trấn thủ lòng chảo Mường Thanh - cái nơi mà quân đội Pháp đặt cho một tên gọi thật cao sang thật oai hùng là Epervier - có nghĩa bồ cắt, loại chim chuyên từ đâu trên trời cao bất ngờ đâm bổ xuống bắt ăn thịt gà vịt và các loài bé nhỏ, nhưng đó lại chính là nơi tướng Đờ Cát cùng ban tham mưu của ông ra hàng “quân đội Việt Minh” 57 ngày sau. Tôi đã làm một việc đáng ra nghiêm cấm là trèo lên nóc cái hầm có mái cong cong ấy chụp một tấm hình mang về... khoe với bè bạn nước ngoài khi cần, rồi ngồi xuống một nơi sạch sẽ cạnh hầm nghỉ một chốc để lấy lại hơi và suy nghĩ miên man.
Nhiều người Pháp đã đến Điện Biên Phủ
Tổng thống Francois Mitterrand vốn là đối thủ của tướng De Gaulle trong hai cuộc đọ sức giành quyền lực bằng tổng tuyển cử - De Gaulle, ông tướng đã cố tình đưa quân Pháp trở lại Đông Dương với mưu đồ tái đô hộ Việt Nam, gây nên cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” và tự chuốc lấy thảm bại vào mình - Tổng thống Francois Mitterrand sau khi nắm quyền sang thăm chính thức Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã yêu cầu được đến nhìn tận mắt nơi họ gọi quen là “cái chảo lửa” nay là đồng lúa xanh ngút ngàn. Người lái chiếc trực thăng đưa vị nguyên thủ quốc gia lên Tây Bắc ngày hôm ấy là một nữ phi công xinh đẹp người Việt.
Đông nhất có lẽ là các cựu chiến binh tới viếng đồng đội đã cùng họ sống nhiều ngày địa ngục rồi bỏ xác tại đây trong khi họ có diễm hạnh từ các chiến hào lầy lội chui lên, ném vũ khỉ xuống chân, đưa hai tay lên trời xin đầu hàng các chiến binh tầm vóc nhỏ bé, họ trở lại đây chiêm ngưỡng cánh đồng lúa Mường Thanh xanh ngát thanh bình chứ không phải là những chiến hào bom đạn cày nát phủ một màu trắng hếu những chiếc dù máy bay Pháp thả từ trên trời xuống như hồi nào. “Điện Biên Phủ là bãi chiến trường đầu tiên ở đó người chết cũng như mặt đất được liệm toàn bằng lụa trắng” (Bernard Fall)(3). Nhà báo Trần Cư, phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân tại mặt trận ghi nhận một hình ảnh khác: “Ở Mường Thanh địch ra hàng như nước chảy” (4).
Người viết (phải) chuyện trò với cựu chiến binh Pháp trở lại chiến trường Điện Biên Phủ |
Một tên tuổi lớn của văn học Pháp đương đại sớm đến Điện Biên Phủ sau ngày hòa bình lập lại là nhà văn, đại tá Jules Roy. Ông vốn là sĩ quan trong quân đội Pháp từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, phục vụ nhiều năm trong Lục quân Pháp tại châu Phi trước khi chuyển sang Không quân làm phi công lập nhiều chiến tích đánh phát xít Đức. Ông đã “khước từ vinh dự cầm vũ khí”, xin ra khỏi quân đội Pháp năm 1953 khi hay tin sắp được thăng hàm cấp tướng, bởi “sau vài tuần ở Đông Dương, tôi đã hiểu chúng tôi đang phục vụ một cuộc chiến tranh phi nghĩa”. Quá chán ngán vì những lời nói dối nhân dân của những người đứng đầu chính phủ Pháp hồi bấy giờ cùng những giọng lưỡi đổi trắng thay đen của những viên tướng bại trận đứng đầu là Tổng tư lệnh tướng bốn sao Henri Navarre, năm 1963 Jules Roy đã bay sang Việt Nam, xin phép được lên Điện Biên để tự mình tìm hiểu tại chỗ do đâu quân đội Pháp đầy quang vinh mà ông từng là một sĩ quan phục vụ hết mình, thất bại nhục nhã tại thung lũng này.
Nhà văn Jules Roy có lẽ đã ngồi đúng vào chỗ tôi ngồi lấy lại hơi bên hầm Đờ Cát, bởi ông có viết cụ thể trong “cuốn sách cay đắng” của ông sau chuyến thăm trở về: “Sau khi thăm viếng khắp chiến trường cũ, tôi kẻ chiến bại cô đơn và thầm lặng giữa những người chiến thắng đang ân cần chăm sóc, tôi ngồi xuống bên cạnh cái hố gần như bị lấp đầy bởi những trận mưa dông, nơi Đờ Cát từng chơi bài brit với các sĩ quan phụ tá để giải buồn, tôi ngồi xuống đó mà ghi chép” (5).
Ngồi xuống bên cạnh hầm Đờ Cát, nhà văn Jules Roy ghi những cảm tưởng đầu tiên: “Sau mấy tiếng đồng hồ trên chiếc xe hơi dã chiến chạy ngoằn ngoèo theo đường núi, tầm nhìn bỗng mở rộng và tôi hiểu mình đã tới nơi. Những đàn bò về chuồng theo tiếng lục lạc, thung lũng ngập tràn ánh sáng, những mỏm đồi xanh tươi, những người nông dân sau ngày làm việc đang trò chuyện với binh lính trước mái nhà tranh - đó là khung cảnh nơi phương Tây từng chịu thảm bại vào loại lớn nhất trong lịch sử... Tâm trí tôi thư giãn, bình yên khác thường, đến mức làm tôi lấy làm xấu hổ”.
Lỗi tại ai?
Những gì tự mắt nhìn thấy tại Điện Biên Phủ và trong chuyến đi Việt Nam ấy đã giúp nhà văn, đại tá, phi công Jules Roy rút ra nhiều kết luận, tìm lời giải “Lỗi tại ai?”.
Theo ông, “trước hết tại chất lượng cao của những đối thủ, và sau đó, tại các vị chỉ huy cao cấp của ta quá tồi”. Quân đội nhân dân Việt Nam - mà cho đến tận ngày thảm bại ở Điện Biên Phủ, nhiều chính khách và báo chí cánh hữu Pháp vẫn cao ngạo gọi là “quân đội Việt Minh” cũng như gọi Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam là “Đài Việt Minh(6) - gồm những chiến sĩ khó phân biệt họ là cấp tướng hay binh nhì, ngoài tuổi tác và màu chiếc ngôi sao đính ở mép cổ áo”. Không như quân đội Pháp, các vị chỉ huy quân đội Việt Minh “không có những cô thư ký xinh đẹp, không có những khẩu phần ăn đặc biệt, không có xe ô tô riêng, không có cờ hiệu phấp phới trong gió, nhưng trời đất ơi, họ lại có chiến thắng”. Và ông cảnh báo luôn người Mỹ: Một ngày nào đó, nếu các vị “có trách nhiệm bảo vệ phương Tây” phải đối đầu những đối thủ như Việt Minh, xin các vị chớ trông cậy vào các nguyên lý chiến lược hay là hỏa lực tên lửa của các vị, như tướng Navarre từng trông cậy ở pháo binh Pháp.
Là một sĩ quan lâu năm, quá am hiểu nội tình quân đội Pháp, Jules Roy rất cay cú chuyện này. Các tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương không chỉ tồi về sự non kém chiến lược, chiến thuật, họ đều tự cao tự đại, chẳng ai tin ai, đánh giá thấp đối phương, họ không hiểu chút gì đối thủ của mình chỉ trông cậy vào vũ khí, họ tồi vì thiếu phẩm chất của người chỉ huy. Trong khi các tiểu đoàn trưởng Pháp mỗi lần ra trận bắt người phu khuân theo thùng rượu mạnh để trước khi lâm trận uống vào cho... bớt sợ, thì ở phía bên kia bất chấp hàng tấn, hàng tấn bom đạt trút xuống các tuyến giao thông, con đường tiếp đạn của quân đội nhân dân Việt Nam không bao giờ bị cắt. Không phải viện trợ nước ngoài đã giúp Việt Nam đánh bại Pháp tại Điện Biên Phủ như một số người nào đó cố tình rêu rao, mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200-300kg hàng, đẩy bằng sức người dân công... đã chiến thắng. “Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương” - Jules Roy viết.
Ấy thế mà trong nhật lệnh của mình và tại báo cáo gửi về Quốc hội - thiết chế nếu chưa hẳn đại diện thì ít nhất cũng là biểu trưng của nhân dân Pháp - tướng Henri Navarre dám muối mặt ngụy biện khi khẳng định rằng đạo quân xâm lược bị đánh tả tơi ở lòng chảo Điện Biên đã ghi “một trang sử thi tiếp theo những trang sử thi vinh quang nhất trong lịch sử quân đội Pháp” (!).
Tướng Đờ Cát và Bộ tham mưu Pháp ra hàng (07.05.1954) |
Tướng Đờ Cát, bộ tham mưu của ông ta và mười mấy ngàn binh sĩ đạo quân viễn chinh gồm rất nhiều quân Pháp và một số lính đánh thuê thuộc 17 quốc tịch khác nhau ra hàng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày thứ sáu 07.05.1954, nhằm mùng năm tháng Tư năm Giáp Ngọ, cách năm con ngựa này của chúng ta tròn vận hội sáu mươi năm. Hai ngày sau, chủ nhật 09.05.1954, quân Pháp ở Hà Nội tổ chức diễu hành tưởng niệm những tên chết trận. Tại Nhà thờ lớn, một linh mục tuyên úy Pháp ca ngợi “sự hy sinh” của những người lính chết cho phi nghĩa. Tuy nhiên không có sự dối trá nào che đậy nổi sự thật. Nhật báo Pháp Le Monde số ra ngày hôm sau, thứ hai 10.05.1954, đưa tin trên lại không quên kèm chi tiết: “Trong thánh đường cũng như tại nơi diễn ra diễu hành ngày chủ nhật, hầu như chỉ có giới quân nhân tham dự”, trong khi “tối hôm trước, thứ bảy 08.05.1954, các hộp đêm Hà Nội vẫn đầy nghẹt người”. Mọi người đọc báo đều nhìn ra sự thật là người dân Hà Nội những ngày đêm ấy đang vui như mở cờ trong bụng, ngày đoàn tụ sắp tới gần rồi.
Nói như Henri Navarre, “quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã hoàn thành sứ mệnh được giao”, “đã viết nên những trang sử thi oai hùng”, vậy thì tại sao tại Paris chiều 07.05.1954(7) thủ tướng Pháp Jean Laniel đóng bộ đồ đen tang tóc chỉ dùng những lúc đưa đám ma mà xuất hiện trước Quốc hội Pháp và nghẹn ngào báo cáo hỡi ôi, Điện Biên Phủ thất thủ mất rồi! Điện Biên Phủ thất thủ đúng một hôm trước ngày khai mạc Hội nghị Genève bàn về Việt Nam. Thực tế cả một bầu không khí tang tóc đột nhiên trùm xuống thủ đô nước Pháp giữa lúc đang chuẩn bị kỷ niệm mừng chiến thắng phát xít Đức 09.05.1945. Hồng y Giáo chủ Tổng Giám mục Paris mở lễ nguyện cầu tại Nhà thờ Đức Bà. Nhà hát lớn Paris bãi bỏ chương trình vũ ba lê của Nhà hát Moscou sang trình diễn lần đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Truyền hình quốc gia Pháp thay tất cả các chương trình vui chơi, giải trí cuối tuần bằng những nhạc khúc tưởng niệm âu sầu! Nhật báo Le Parisien libéré chạy tít đậm suốt chiều ngang trang 1: ĐIỆN BIÊN PHỦ THẤT THỦ. Quân đội Việt Nam xung phong đánh chiếm các chiến hào liên tục 20 giờ không một lúc ngừng - “Họ còn cách chúng tôi có mấy mét. Họ đã lọt vào tất cả mọi nơi…”, đấy là thông điệp cuối cùng của tướng De Castries.
Nhật báo Le Parisien libéré (Người Paris giải phóng) số ra ngày thứ bảy 8 và chủ nhật 09.05.1954 đưa tin: ĐIỆN BIÊN PHỦ THẤT THỦ |
“Quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã hoàn thành sứ mệnh được giao”, vậy hà cớ một ngày trước Tổng tư lệnh Pháp Navarre vội vã rời Hà Nội bay vào Sài Gòn, và tại châu Âu ngoại trưởng Mỹ Dulles bỏ Hội nghị Genève về nước ngay trước ngày hội nghị bàn vấn đề Việt Nam, để cho nhật báo Pravda (Liên Xô) có cớ đưa tin: “Ngoại trưởng Dulles đã trốn khỏi Genève”, trong khi đó tại Washington bộ trưởng quốc phòng Mỹ Wilson tuyên bố: “Chúng ta không thể một mình nhận lấy trách nhiệm bảo vệ phương Tây”, giúp nhật báo Washington Post (Mỹ) có cơ sở lập luận: “Hoa Kỳ đã thất bại nhục nhã ở Việt Nam”.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngồi bên hầm Đờ Cát chín năm sau ngày 07.05.1954 lịch sử, nhà văn đại tá Jules Roy khẳng định: “Điện Biên Phủ thất thủ gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thảm bại lớn nhất của phương Tây, báo trước sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa(8). Tiếng súng Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn vang vọng”.
Nhà văn Pháp Jules Roy qua đời ngày 15.06.2000, thọ 97 tuổi. Ngày hôm sau 16.06.2000, nhật báo Libération đăng bài tưởng niệm có lời của cây đại thụ vừa ngã xuống: “Chúng ta hà tất phải phí bao công sức làm chiến tranh chống phát xít, để rồi tự mình trở thành những tên phát xít tại Đông Dương(9)”. Nhà báo Pháp Jacques Servan-Schreiber, người sáng lập và chủ nhiệm tuần báo L’Express, cho biết tại Hồi ký của ông: Năm 1963 sang Washington, ông có tặng tổng thống Mỹ John Kennedy cuốn Trận Điện Biên Phủ của Jules Roy. Tổng thống Mỹ nhờ vợ là bà Jacqueline một người thông thạo tiếng Pháp dịch và tóm tắt sang tiếng Anh luôn. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc Namara và bộ trưởng tư pháp Robert Kennedy em trai tổng thống đều tìm mua cuốn La bataille de Dien Bien Phu chưa kịp phát hành bản dịch tiếng Anh.
Tổng thống Mỹ John Kennedy bị ám sát cuối năm 1963. Ngày nay không có cứ liệu để đánh giá cuốn sách của Jules Roy có góp phần tác động hay không vào ý đồ mới chớm của John Kennedy tìm cách đưa các lực lượng vũ trang Mỹ rút khỏi bãi lầy Việt Nam.
Thắng Pháp về quân sự, thắng Mỹ về chính trị
Một tên tuổi tỏa sáng khác cũng đã sớm đến lòng chảo Điên Biên gần như cùng thời với Jules Roy: Giáo sư quan hệ quốc tế, nhà sử học, nhà báo Bernard Fall(10). Nhà văn Hữu Mai người thể hiện bộ Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Chiến thắng Điện Biên Phủ, là một trong số người Việt Nam đọc nhiều sách nhất của các tác gia nước ngoài viết về Điện Biên Phủ và Đông Dương, đã nói về Bernard Fall như sau: “Một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do, đã ngã xuống chiến trường như một chiến sĩ, mà chúng ta chỉ biết tới một cách muộn màng, đó là nhà báo, nhà sử học, người anh hùng Bernard Fall” (11). Trong khi các cơ quan truyền thông lớn ở phương Tây như nhật báo Washington Post, đài phát thanh - truyền hình CBS (Mỹ) báo Le Monde (Pháp) đều tôn vinh Bernard Fall là một học giả - sử gia lớn, chuyên gia số 1 phương Tây về Việt Nam.
Nhà báo từ lâu đã đi vào huyền thoại ấy đã lên thăm Điện Biên Phủ. Chắc hẳn ông đã đến hầm Đờ Cát, đã ngồi xuống nghỉ chân ở chỗ tương đối sạch sẽ hơn cả tại nơi này, để tìm hiểu để suy ngẫm rồi viết ra một công trình nghiên cứu nổi tiếng về chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và thảm bại của các lực lượng viễn chinh Pháp: Điện Biên Phủ, một góc địa ngục. Một cuốn sách được Roger Lévy, Tổng thư ký các Ủy ban nghiên cứu về vấn đề Thái Bình Dương, đánh giá là “xét về thời gian thì chính xác đến từng phút một”, đó là “một tổng hợp những nhận xét quân sự, kỹ thuật và chính trị”, “một tiếng nói không bao giờ tắt vì nó là sự thật”.
Bernard Fall đã đến Việt Nam, đã lên Điện Biên Phủ, đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều chứng nhân. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Pierre Messmer đích thân cho phép ông tiếp cận các hồ sơ quân sự tuyệt mật của Pháp. Ông đã trao đổi với nhiều chính khách, nhà quân sự, những người am tường thông tin nhất về Việt Nam ở Mỹ. Ông đã đọc hầu hết những cuốn viết về Điện Biên Phủ, về Việt Nam đã xuất bản cho đến lúc bấy giờ (một số cuốn còn đang dạng bản thảo) để rồi vào lúc các bác sĩ phát hiện ông mang trọng bệnh trong người, vẫn cùng với vợ là bà Dorothy “sống ba năm với các bóng ma Điện Biên Phủ” chỉ nhằm mục đích “vạch trần những giọng điệu tuyên truyền và những lời dối trá của phương Tây”, từ đó đưa “một lời cảnh tỉnh Mỹ chớ có lún sâu hơn nữa can thiệp vào nội tình Đông Dương”.
Làm xong cuốn Điện Biên Phủ, một góc địa ngục, Bernard Fall lại tìm cách sang Việt Nam, kiếm thêm tư liệu viết một công trình khác cảnh báo nhân dân Mỹ chớ tin theo các luận điệu dối trá của nhà cầm quyền họ, bởi qua bài học Điện Biên Phủ trước sau rồi Mỹ cũng sẽ thất bại ở Việt Nam thôi. Lúc này đã có mặt gần nửa triệu quân Mỹ ở miền Nam nước ta(12). Bernard Fall không may chết vì dẫm phải mìn khi đang theo cuộc hành quân càn quét của một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ gần “Con đường không vui” tỉnh Quảng Trị tháng 2 năm 1967 - cái chết mà nhà văn Hữu Mai ta sẽ gọi là “ngã xuống chiến trường như một chiến sĩ vì tự do”.
Giáo sư, nhà sử học, nhà báo Bernard Fall đã rút ra những kết luận như thế nào về trận Điện Biên Phủ năm 1953-1954?
Tôi nghĩ không gì bằng chúng ta xông luôn vào những trang cuối của công trình dày hơn 800 trang sách, chương Lời Bạt. Rốt cuộc, nói theo lời Giáo sư Roger Lévy: “Quần chúng không biết hoặc không quan tâm đến những ngày tháng năm lịch sử. Chỉ một số người còn nhớ tới. Tuy nhiên ba tiếng Điện Biên Phủ còn vang mãi trên tất cả các lục địa”.
Sau ba năm sống với các bóng ma Điện Biên Phủ, vào lúc biết mình đang mang trọng bệnh, và rồi trời chỉ cho ông tại thế hai năm nữa thôi để miệt mài theo đuổi cuộc trường chinh tìm sự thật, Bernard Fall hạ bút: Trong quá trình phi thực dân hóa trên thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trước những làn sóng dâng như những đợt triều cường của phong trào nhân dân các nước bị đô hộ, bị lệ thuộc đứng lên đấu tranh đòi lại quyền độc lập tự do, nhiều quốc gia thực dân đã từ bỏ thuộc địa của mình cho những lực lượng bảo vệ chúng, như Hà Lan ở Inđônêxia, Anh tại Ấn Độ, và nhiều nước khác trong đó có Pháp ở Algérie và Anh ở Chypre rốt cuộc đã phải rút khỏi thuộc địa sau những cuộc chiến tranh kéo dài, đẫm máu và giằng co, thì “duy nhất chỉ có ở Điện Biên Phủ, một cường quốc thuộc địa lần đầu tiên bị đánh bại tại chiến trường”.
Tác giả khẳng định: “Điện Biên Phủ là một chiến thắng tại đó Việt Nam thắng Pháp về quân sự và thắng Mỹ về chính trị”, “Điện Biên Phủ không chỉ là một thất bại riêng của Pháp mà còn là một thất bại của Mỹ”.
Còn hơn Jules Roy ngồi suy ngẫm bên hầm Đờ Cát cảnh báo “những vị có trách nhiệm bảo vệ phương Tây”, Bernard Fall nói toạc ra: “Vào những năm 1953-1954, người Pháp hoàn toàn tin cậy vào các ông thầy Mỹ. Họ đã phải trả giá sai lầm đó bằng 48 máy bay bị bắn rơi tại trận, 14 chiếc bị phá huỷ dưới đất ở Sân bay Mường Thanh và 167 chiếc bị hư hại trên bầu trời thung lũng”. Một thất bại hết sức nặng nề, bởi hồi đó không quân Pháp không bao giờ có thể huy động nổi 115 máy bay vận tải, trinh sát và 65 máy bay chiến đấu. Cuối cùng Mỹ bỏ của chạy lấy người, không thể và không dám tiếp tục dấn thân giúp nước đồng minh của mình nhiều hơn nữa, để mặc cho Pháp thua trận thảm hại, cho tướng De Gaulle một lần nữa chua cay khẳng định: không bao giờ có thể trông cậy vào Mỹ trong cuộc khủng hoảng không trực tiếp liên quan đến họ.
Hệ quả thứ ba của Điện Biên Phủ, theo Bernard Fall, là “Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Lẽ đương nhiên vị giáo sư sử học không phải không biết ngày khai sinh của Quân đội ta là ngày 22.12.1944. Dưới con mắt của các chính khách, học giả nặng đầu óc nước lớn và báo chí phương Tây kênh kiệu vào thời gian trước Điện Biên Phủ, quân đội Việt Nam chỉ là “quân Việt Minh” - hàm ý một đội quân du kích chân trần lội bộ, vai khoác khẩu súng trường bắn từng phát một, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta họ gọi là “Bộ Tư lệnh Việt Minh”, Đài phát thanh quốc gia ta là “Đài Việt Minh”. Chắc không ít người trong họ vẫn nuôi ảo tưởng cuối cùng rồi đối phương sẽ thất bại. “Ngay trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ dựng lên một hệ thống phòng ngự mạnh như tại Điện Biên” (13) Điện Biên Phủ thất thủ làm họ ngã ngửa ra: những người vừa chiến thắng họ là “những đối thủ chất lượng cao”, một đạo quân hùng mạnh - quân đội của nhân dân, vì nhân dân đang tiến lên chính quy, hiện đại.
Biểu trưng của thời đại
Là một nhà khoa học trung hậu, Bernard Fall hiểu dù đã cố gắng hết sức mình, ông vẫn còn nhiều bất cập. Tại Lời tác giả in ở đầu cuốn sách, ông viết: “Nói đúng ra chỉ có tướng Võ Nguyên Giáp là có đủ thẩm quyền viết cuốn sách về Điện Biên Phủ. Nhưng do bận nhiều công việc, cho đến nay ông chỉ công bố được vài bài nghiên cứu về đề tài này” (14).
May thay, với sự cộng tác của một số cơ quan, tổ chức và người cộng sự đủ thẩm quyền đầy tài năng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành bộ Hồi ức có giá trị về Điện Biên Phủ(15) nhiều năm trước khi ra đi về cạnh Bác Hồ. Lẽ dĩ nhiên, Đại tướng cùng những người cộng tác đã đọc, đã tham khảo nhiều sách của các tác giả nước ngoài trong số đó có Jules Roy, Bernard Fall..., cũng như những lời biện bạch của tướng Henri Navarre và một số tướng lĩnh, chính khách Pháp về trận thảm bại của họ, để nắm thêm một số tư liệu chỉ những người phía bên kia mới có điều kiện tiếp cận, tuy nhiên với cái nhìn và theo một logic hoàn toàn khác.
Tròn hai mươi năm về trước, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Sau ngày 7 tháng 5 năm 1954, xuất hiện một cụm từ như là biểu trưng của thời đại: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ.
Việt Nam là đất nước anh hùng, là con người sáng tạo. Hồ Chí Minh là đường lối đúng đắn. Điện Biên Phủ là thắng lợi vẻ vang. Ý nghĩ cụm từ ấy càng sâu sắc bốn chục năm sau, đẹp thêm bởi cành nguyệt quế mùa Xuân 1975 toàn thắng và những thành tựu Đổi Mới đang làm cho đất nước ta chuyển biến từng ngày” (16).
Từ những ý tưởng trên của Đại tướng hai mươi năm về trước, phải chăng ngày nay chúng ta được phép trình bày những cái mốc thiêng liêng theo trình tự thời gian gần một thế kỷ qua đại thể như sau: Việt Nam - Cách mạng Tháng Tám 1945 - Điện Biên Phủ 1954 - Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 - Đổi Mới 1986 - và...
Những cái mốc thiêng liêng còn nối tiếp và ngày càng ngời sáng với độ lùi của thời gian.
(1) Trận Waterloo (1815) là trận thất bại của Napoléon trước Liên quân Anh - Phổ dẫn tới sự sụp đổ đế chế Napoléon. Trận Stalingrad (1942-1943) là nơi 33 vạn quân Đức bị Hồng quân Liên Xô bao vây tiêu diệt, tạo bước ngoặt quyết định cho quân Đồng minh chiến thắng tại châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trận hải chiến ở Midway (1942) là nơi hải quân Mỹ đánh tan tác hải quân Nhật, tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh thắng Nhật tại mặt trận Thái Bình Dương.
(2) Tiếng Thái Mường Phăng có nghĩa là
Bản Lạnh.
(3) Dựa vào tư liệu lưu trữ của bộ quốc phòng Pháp, Bernard Fall cung cấp con số cụ thể. Quân đội Pháp và những phi công Mỹ mặc thường phục năm 1954 đã thả xuống Điện Biên Phủ 79.166 chiếc dù, trong đó 3.763 dù cỡ lớn, rộng mỗi chiếc 500m2. Tinh riêng số dù lớn này đã đủ phủ kín gần 2 hecta đất.
(4) Đầu đề bài đăng báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ, số 122 ngày 11.05.1954.
(5) Jules Roy, La Bataille de Dien Bien Phu.
(6) Nhật báo France Soir số ra ngày 10.5.1954 đăng “tin đặc biệt” của phóng viên báo ấy tại Hồng Kông, đã rút tít: “Trích thông báo của Bộ Tư lệnh Việt Minh về Điện Biên Phủ phát trên Đài Việt Minh”.
(7) Do chênh lệch múi giờ, Paris nhận được tin Điện Biên Phủ thất thủ vào trưa cùng ngày 7.5.1954 (theo giờ Paris).
(8) Nền Cộng hòa thứ tư trong lịch sử nước Pháp.
(9) Về Jules Roy xin xem thêm bài Một nhà văn rắc rối, tạp chí Kiến thức ngày nay, tháng 8.2000, in lại trong sách Những người tôi quý mến (2002) và Cho đến khi giã từ trần thế (2011).
(10) Về Bernard Fall, xin xem tạp chí Người Làm Báo và tạp chí Hồn Việt, bài Con đường không vui số tháng 7.2013, và Băng thu âm dang dở, số tháng 8/2013.
(11) Đề tựa bản tiếng Việt cuốn Điện Biên Phủ, một góc địa ngục của Bernard Fall,
Vũ Trấn Thủ dịch.
(12) Theo tư liệu của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert S. Mc Navara tại hồi ký Nhìn lại quá khứ của ông, con số chính xác tháng 12.1967 là 485.000 lính Mỹ.
(13) Robert Guillain, La fin des illusions (Tan tành mọi ảo tưởng).
(14) Cuốn sách của Bernard Fall xuất bản lần đầu năm 1965 bằng tiếng Anh: The Siege of Dien Bien Phu, sau đó mới dịch ra tiếng Pháp: Dien Bien Phu, un coin d’enfer, tiếng Việt: Điện Biên Phủ, một góc địa ngục.
(15) Gồm Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, NXB Quân đội nhân dân, 2000.
(16) Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, NXB Chính trị quốc gia, 1994.
Phan Quang
Nguồn: nguoilambao.vn
Life & English: “ A new area”
Submitted by nqmhien on Sun, 04/05/2014 - 00:49There is a new area in Saigon.
There is a new area in Saigon, closed off to motorbikes, where artists and creative minds from different disciplines as well as businesses come together. This is the idea sketched out so far behind the still developing 3A Station (Alternative Art Area), located in 3A Ton Duc Thang in District 1.
3A is a 2000 square meter space in which three abandoned warehouses are being refurbished and converted into ‘spaces’ for galleries, shopping areas, consignment warehouses and coffee shops. In addition, the courtyard as well as other units will be used to host art activities and performances for the community, ranging from live music to fashion shows.
(Source: Hanoi Grapevine)