Năm phụ nữ Việt trên báo New York Times

Tờ báo danh tiếng nước Mỹ - New York Times vừa đăng bài về 5 người phụ nữ từng cầm súng. Tác giả Elizabeth Herman nhận định họ đã chiến đấu vì Việt Nam.

Lê Thị Mỹ Lệ

Tôi sinh năm 1946, bên dòng sông Nhật Lệ, nơi cách Huế 150 km. Đó là lý do tôi tên là Mỹ Lệ.

Bà Lê Thị Mỹ Lệ

Tháng 7/1965, tôi đọc lời kêu gọi của Chính phủ cần thêm tình nguyện viên vì chiến tranh ngày càng khốc liệt. Tôi rất muốn làm thanh niên xung phong nên đăng ký. Họ nhận dù tôi còn trẻ.

Lữ đoàn của tôi có khoảng 200 người, 2/3 trong số đó là nữ. Tôi quản lý một tổ 10 người, chỉ có tôi là nữ. Khi ngừng chiến vào năm 1968, tôi lập gia đình. Sau đó, quay lại chiến trường.

Tôi có con đầu năm 1971. Có con thời chiến rất vất vả - tôi có nhiều thay đổi sau khi có con gái. Trước khi làm mẹ, tôi không sợ gì nhưng khi có con, tôi sợ chết. Tôi có thêm hai cháu: con trai năm 1973 và một cháu nữa năm 1975. Khi sinh cháu bé nhất, tôi nói với chồng, "cần chấm dứt chiến tranh bây giờ, anh yêu, anh sẽ không chết", và tôi đặt con là Đại Thắng. Chồng tôi là sĩ quan chuyên nghiệp nên đóng quân ở Cồn Cỏ sau chiến tranh và sống xa nhà đến khi nghỉ hưu vào năm 1988.

Nuôi con một mình thực sự cực và tôi không thể nói nó khó như thế nào. Khi đánh nhau, ai cũng bị nguy hiểm và có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng nuôi con một mình còn khó hơn. Đôi khi tôi ngồi xuống và khóc.

Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy chiến tranh. Tôi mơ bom nổ và lệnh đồng đội nằm xuống. Tôi thấy mọi thứ, thấy 8/10 người trong đội bị thương hoặc chết ngay lập tức. Chiến tranh thật tàn nhẫn. Khi có chiến tranh, con người và gia đình ly tán - giữa chồng và vợ, bố mẹ và con. Tôi ước không có chiến tranh trên thế giới, chúng ta có thể giúp nhau thay vì đánh nhau. Đó là thông điệp của tôi. Tôi muốn hòa bình.

Nguyễn Thị Hoa

Chiến tranh khủng khiếp - đặc biệt khi đế quốc Mỹ tàn độc. Chẳng hạn, khi họ vào làng và thấy một phụ nữ có bầu mà họ nghĩ có quan hệ với bộ đội. Họ đổ chất tẩy và tương ớt vào miệng, đứng lên bụng cô cho đến khi đứa bé ra.

Bà Nguyễn Thị Hoa

Khi đó, tôi mới 15 tuổi. Tôi biết chiến tranh chẳng có nghĩa gì với người phụ nữ và đứa bé đó. Khi tôi nghe chuyện và chứng kiến sự độc ác, tôi căm thù chúng. Vì tôi độc thân và mới 15 tuổi, tôi nghĩ: "Nếu hi sinh, nếu tôi chết, mọi thứ dễ dàng hơn khi tôi kết hôn và có con". Vì vậy, tôi vào bộ đội.

Sự hi sinh của một người phụ nữ không có nghĩa gì - giống như hạt cát. Nhưng nhiều phụ nữ, nhiều hạt cát, có thể góp rất nhiều và những đóng góp đó có thể giúp Tổ quốc. Theo truyền thống văn hóa Việt, phụ nữ phụ thuộc ba bên. Đầu tiên, vào bố. Sau khi kết hôn, vào gia đình chồng. Dù nhà chồng nói gì, họ cũng phải theo, đôi khi họ bị đối xử tàn tệ và bị đánh. Nếu chồng chết, họ phụ thuộc vào các con trai. Một người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào những người khác.

Khi còn trẻ, tôi biết phải tìm cách thoát khỏi sự đè nén đó. Và cách duy nhất là theo cách mạng. Chiến tranh đã thay đổi vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, đất nước xây dựng tiêu chuẩn mới cho phụ nữ. Chúng tôi gọi đó là Phụ nữ Thời đại mới, họ thủy chung với gia đình, nhưng cũng có cơ hội học và thành công. Bây giờ, chúng tôi có thể góp sức xây dựng xã hội và chăm con. Chiến tranh làm tôi thành người mẹ tốt hơn, dạy tôi cách mới để nuôi con - như một phụ nữ độc lập.

Ngô Thị Thương

Tôi là một du kích miền Bắc, đó là công việc quan trọng. Chúng tôi tải gạo, vũ khí và đạn dược cho bộ đội miền Nam. Vào một ngày tháng 6/1968, khi đang tải hàng, ba máy bay Mỹ phát hiện ra chúng tôi và bắt đầu bắn. Chúng tôi lấy súng bắn. Phát thứ nhất không trúng máy bay. Vì vậy, tôi nằm xuống, đặt súng lên cây và ngắm bắn.

Bà Ngô Thị Thương

Khi thấy có vật rơi xuống từ trên trời, tôi nghĩ đó là bom nhưng thực ra là phi công nhảy dù. Thế là tôi chạy theo dù. Khi phi công tiếp đất, anh ta chưa tháo hết một bên dù. Tôi đến và đặt súng lên bên phải cổ anh ta và nói: "Đứng yên". Anh ta giơ tay, tôi bảo đồng đội cắt dây dù và chúng tôi có dây để trói anh ta.

36 năm sau, một cán bộ trung ương gọi cho tôi: "Bà đã làm gì trong chiến tranh, có đạt thành tích nào không?". Sau khi tôi kể chuyện, ông ấy nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm tôi 36 năm. Khi tôi gặp Đại tướng, ông hỏi: "Sao chị giỏi vậy?". Tôi trả lời: "Đó là may mắn, cháu chỉ theo hướng dẫn đã dạy thôi".

Dĩ nhiên không ai muốn chiến tranh. Sinh mệnh con người là bất khả xâm phạm. Không ai muốn chiến tranh, không ai muốn chiến đấu nhưng khi quân thù đến, không ai có lựa chọn. Chúng ta phải bảo vệ đất nước, phải bảo vệ cuộc sống của mọi người.

Hoàng Thị Nở

Tôi sinh năm 1949 ở ngoại thành Huế cùng ba mẹ. Tôi tham gia chiến tranh khi 15 tuổi. Ở tuổi đó, tôi có thể hiểu, có thể thấy người Mỹ đến và cố gắng kiểm soát nước tôi. Lúc đó, nam hay nữ đều tham chiến, vì vậy, tôi cũng muốn.

Bà Hoàng Thị Nở

Ban đầu, tôi gia nhập đội tình báo. Chúng tôi đi lòng vòng, xem người Mỹ làm gì và gửi tin cho lãnh đạo. Sau đó, tôi tham gia đội nữ thanh niên xung phong. Chúng tôi đều rất trẻ và không biết chiến tranh là gì và kế hoạch đánh nhau. Chúng tôi tin vào Chính phủ, tin mọi thứ đều ổn. Nếu chúng tôi có vấn đề gì, thậm chí chúng tôi không biết kế hoạch tổng thể hay các bước tiếp, chúng tôi luôn hạnh phúc chiến đấu cho đất nước. Chúng tôi sẵn sàng chết.

Có nhiều khó khăn. Mọi người đều nghèo nhưng yêu thương và tin nhau. Bây giờ chúng tôi có tự do, cuộc sống dễ hơn nhưng tiền kiểm soát nhiều thứ. Vì vậy, khi tôi nói với các con gái về chiến tranh, tôi kể cho các cháu thế nào là tình yêu và tin người khác. Tôi kể về việc mọi người theo luật và các qui định của Chính phủ như thế nào.

Nguyễn Thị Hiệp

Tôi lớn lên ở Huế. Bố mẹ tôi qua đời khi tôi 3 tuổi, tôi sống cùng ông bà. Lúc đó, gia đình tôi ở nông thôn và rất nghèo. Bố mẹ tôi ốm nặng mà không có thuốc chữa.

Bà Nguyễn Thị Hiệp

Năm 1946, khi chiến tranh với thực dân Pháp bắt đầu, tôi sống ở làng. Nhiều người trong làng muốn đi bộ đội, vì vậy, tôi cũng đi. Tôi 14 tuổi. Tôi không đến trường nhưng khi tôi vào bộ đội, họ dạy tôi học tối. Cuộc sống rất khó khăn khi Pháp ở đó và chính quyền Việt Nam lúc ấy rất tệ, mọi người rất nghèo. Nhiều người mất con.

Tôi chế tạo mìn và đặt mìn. Sau đó, tôi giúp những người phụ nữ khác tham chiến. Phụ nữ giận dữ, có tự trọng, có sức khỏe và muốn tham chiến cùng bộ đội.

Khi 19 tuổi, tôi lập gia đình và có con trai. Khi tôi 20 tuổi, con trai tôi 6 tháng tuổi thì chồng tôi mất. Khi con trai tôi 15 tuổi, cháu đánh Mỹ cùng tôi. Một ngày, khi bộ đội mang súng rời khỏi Huế, lính Mỹ bao vây con tôi và bắn cháu. Tôi mất con trai. Chồng tôi đã mất. Những người tôi yêu đều ra đi.

Nhiều người tham chiến không bao giờ có thể tha thứ cho nước Mỹ. Nhưng khi vào trận, tôi biết mọi thứ đều có hai mặt. Và bên nào cũng tổn thương. Ở Việt Nam, có thể chúng tôi mất nước, mất nhà và nhiều người chết, nhưng ở Mỹ, cũng vậy. Những người lính là con của bố mẹ và họ cũng mất con. Mọi thứ đều như nhau, đều đau.

Kinh nghiệm của những người phụ nữ này định hình phần đời còn lại của họ và con họ - những người con được quan tâm và nuôi dưỡng để trở thành thế hệ kế tiếp, những người định hình đất nước sau chiến tranh.

Qua câu chuyện của những người phụ nữ, có thể thấy đất nước chịu ảnh hưởng của xung đột trong nhiều thập kỷ đã tái xây dựng. Qua đó, để hiểu về hồi ức của những người đã làm việc để nuôi dưỡng đất nước và bản thân họ để thành một khối thống nhất.

(Elizabeth Herman, nhiếp ảnh gia tự do)

Theo hanoitv.vn

Tin nổi bật