Tái hiện lịch sử thế giới từ thời sơ khai đến công nghệ phát triển qua 100 hiện vật
“Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” được viết bởi Neil MacGregor - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh là bản ghi chép từ chương trình trên đài BBC Radio 4, được phát thanh vào năm 2010, mang lại cho Bảo tàng Anh giải thưởng “Bảo tàng của năm”.
Cuốn sách gồm 20 phần, mỗi phần 5 chương, mỗi chương tương ứng với 1 hiện vật. Sách được trình bày nhóm năm hiện vật lại thành một mục, xoay quanh những địa điểm khác nhau trên địa cầu vào cùng thời điểm và quan sát năm lát cắt của thế giới thông qua các hiện vật ở niên đại cụ thể đó, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của loài người bằng một góc nhìn mới lạ, đó là qua việc kể những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, độc đáo xoay quanh các hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng Anh.
Bìa cuốn sách “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”. Ảnh: Omega+ |
Mỗi hiện vật được nêu ra trong cuốn sách đều đi kèm hình minh họa sống động. Phần phụ lục của cuốn sách cũng cung cấp thông tin về địa điểm tìm ra các hiện vật (có bản đồ đi kèm), kích thước hiện vật, và loạt 16 tranh in màu ở cuối sách về một số hiện vật nổi bật.
Khác với nhiều cuốn sách lịch sử thường thức khác, “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” không tập trung vào các sự kiện “ồn ào” trong tiến trình phát triển của loài người, mà sử dụng các hiện vật để kể chuyện về cuộc sống thường nhật và những thay đổi lớn đã xảy ra kể từ khi con người bắt đầu sử dụng công cụ.
Đồng thời, qua “Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật”, tác giả mang đến sức sống mới cho nhiều nền văn minh trên thế giới mà đến nay tàn tích của chúng còn lại không nhiều, chẳng hạn như nền văn minh Moche - một nền văn minh phát triển ở Peru từ năm 200 TCN đến năm 650 nhưng giờ đây không còn lại gì ngoài các di tích khảo cổ.
Hình ảnh những hiện vật đặc sắc được mô tả qua cuốn sách. Ảnh: Omega+ |
Ngoài ra, cuốn sách cũng mở rộng nội dung, hướng đến giai đoạn toàn cầu hóa với những hiện vật thể hiện sự phát triển thần tốc của xã hội loài người thời hiện đại như thẻ tín dụng hay đèn năng lượng mặt trời.
“Tận mục sở thị” những gì mà các nền văn minh kim cổ để lại, độc giả của cuốn sách sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người từ thuở sơ khai đến thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đây chỉ có thể là “một” lịch sử về thế giới, nhưng nó cố gắng tạo nên câu chuyện lịch sử mà cả thế giới đã tham gia trong chừng mực nào đó.
Cuốn sách có đoạn trích dẫn: “Sự tồn tại của loài người khởi nguồn ở châu Phi. Tại đó tổ tiên của chúng ta đã tạo ra những công cụ bằng đá đầu tiên để chặt thịt, bổ xương và xẻ gỗ. Chính mối lệ thuộc ngày càng tăng vào những vật dụng mà con người tự tạo nên đã khiến chúng ta trở nên khác biệt với tất cả các loài động vật còn lại. Năng lực chế tác đồ vật cho phép loài người thích ứng với vô số môi trường và từ châu Phi tỏa ra Trung Đông, châu Âu và châu Á”.
“Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật” phù hợp với mọi đối tượng độc giả, đặc biệt là những ai yêu thích tìm hiểu về lịch sử và khảo cổ học.
Tác giả Robert Neil MacGregor, 78 tuổi, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Anh. Ảnh: The New York Times. |
Tác giả của cuốn sách - ông Neil MacGregor là sử gia nghệ thuật, nguyên giám đốc Bảo tàng Anh. Ông từng là biên tập viên của Burlington Magazine (1981-1987), Giám đốc Phòng trưng bày Quốc gia London (1987-2002), Giám đốc Bảo tàng Anh (2003-2009) và giám đốc Diễn đàn Humboldt, Berlin (đến năm 2018).
Thu Trang