Syndicate content

Chuyện dọc đường

Từ ngày 1-6/9, sẽ diễn ra Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê” tại Đắk Lắk

Chiều 25/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau 1 năm tạm hoãn vì dịch Covid-19, Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê” năm 2022 do Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp các đơn vị tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 1-6/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, nơi sẽ diễn ra Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê”.

Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê” năm 2022 gồm chuỗi sự kiện hấp dẫn, mới lạ tại thành phố Buôn Ma Thuột. Đó là: Liên hoan ẩm thực “Món ngon 3 miền”; triển lãm giới thiệu sản phẩm “Đặc sản vùng miền”; biểu diễn nghệ thuật hằng đêm với các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng… bắt đầu mở cửa từ 17 giờ ngày 1/9 đến 22 giờ ngày 6/9.

Đặc biệt, vào tối 2/9, Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê” được khai mạc với màn trình diễn nghệ thuật ánh sáng nhảy múa theo âm nhạc từ lúc 17 giờ và đồng loạt trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại như: rock, rap, dance sport, DJ, carnival đường phố…, kết hợp với biểu diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, giao lưu với các nghệ thuật truyền thống, nổi bật là nghệ thuật biểu diễn xiếc, múa rối của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam và nhạc Ngũ âm của đồng bào Khmer Nam Bộ tại Trà Vinh được giới thiệu, quảng bá với nhân dân và khách du lịch đến Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên nhân dịp Quốc khánh 2/9.

Ngoài ra, đến với Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê”, du khách được trải nghiệm hương vị đậm đà của cà-phê Buôn Ma Thuột, thưởng thức sự kết hợp hoàn hảo giữa “cặp đôi”: bánh mì thịt và cà-phê sữa đá Buôn Ma Thuột…

Chương trình là một trong những hoạt động văn hóa, nghệ thuật nổi bật chào mừng Quốc khánh 2/9 và thu hút du khách đến với Đắk Lắk.

Đến với Lễ hội “Đêm trắng Ban Mê”, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, độc đáo và ấn tượng đối với vùng đất hùng vĩ và con người thân thiện, mến khách.

Nguồn: Công Lý/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tu-ngay-1-69-se-dien-ra-le-hoi-dem-trang-ban-me-tai-dak-lak-post712157.html

Giải chạy “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ II năm 2022

Sáng 21/8, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã tổ chức giải chạy “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ II.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2022); 75 năm thành lập Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam (30/8/1947 - 30/8/2022); chào mừng thành công Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Các đại biểu cùng toàn thể các vận động viên tham gia nhảy khởi động

Giải chạy “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ hai được tổ chức tạo động lực cho hơn 5 vạn người Bưu điện trên toàn quốc, khuyến khích, thu hút đông đảo cán bộ công nhân viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng lao động trẻ ngành Bưu điện tích cực rèn luyện thân thể, nâng cao tinh thần, khát vọng cống hiến. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên và cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Tổng công ty giao lưu, học hỏi, nâng cao tinh thần đoàn kết, phối hợp nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Giải chạy "Bưu điện Việt Nam -Vì thế hệ trẻ" năm nay đã thu hút hơn 500 vận động viên là các đoàn viên, thanh niên và cán bộ công nhân viên, người lao động Tổng công ty, các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng đoàn thanh niên Trung ương Hội chữ thập đỏ tham gia với 2 nội dung cự ly 01 vòng hồ, tương đương: 1,7 km và cự ly 02 vòng hồ, tương đương: 3,4 km.

Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN nhấn mạnh, giải chạy marathon “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ II năm 2022 được tổ chức sẽ là cơ hội giao lưu, học hỏi, cọ xát bổ ích, ý nghĩa qua đó tăng thêm sự hiểu biết, gắn bó giữa các đơn vị, các vận động viên trong công việc và cuộc sống; đồng thời, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần vui vẻ, yêu ngành, yêu nghề phục vụ tốt công tác chuyên môn, nâng cao tinh thần, cùng xây dựng hình ảnh thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp Bưu điện Việt Nam thân thiện, hiện đại.

Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Chu Quang Hào trao các giải Nhất cho VĐV Tăng Tú Ngân (Trung tâm KD TMĐT Hà Nội) và VĐV Phạm Công Hưng (Công ty VCKV miền Bắc) là 2 nhà vô địch cự ly 3.4km

Trước đó, năm 2019, Tổng công ty BĐVN đã tổ chức thành công giải chạy việt dã “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ Nhất. Năm 2020, Bưu điện Việt Nam tổ chức Giải chạy trực tuyến “Vượt trên thách thức - Dẫn lối thành công” để phù hợp với xu thế mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và quy định về giãn cách xã hội vẫn còn được áp dụng ở nhiều nơi.

ND

Nhiều cảm xúc tại Triển lãm ảnh “Khoảnh khắc ấn tượng - Phòng, chống dịch COVID-19”

Ngày 16/8, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phối hợp Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật chủ đề “Khoảnh khắc ấn tượng - Phòng, chống dịch COVID-19”.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các bức ảnh tham gia triển lãm đã ghi nhận những khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên. Đây là những tư liệu quý, phản ánh hiện thực, giúp thế hệ sau có thể hình dung được thời điểm đáng nhớ của dân tộc.

Người dân tham quan khu vực triển lãm. Ảnh: Hà Giang

Theo nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Hoài Trung, các tác phẩm tham gia triển lãm có sự đa dạng, góc máy độc đáo, sáng tạo, phản ánh sâu sắc công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp và toàn dân thời gian qua.

Đồng thời, triển lãm còn là sự nhắc nhở mọi người không nên chủ quan, vì dịch bệnh đang tiếp diễn trở lại. Triển lãm trưng bày 100 tác phẩm, trong đó, có 50 tác phẩm được chọn từ Cuộc thi “Khoảnh khắc ấn tượng” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức.

Triển lãm ảnh “Khoảnh khắc ấn tượng - Phòng, chống dịch COVID-19” không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn mang ý nghĩa thời sự, giúp chúng ta nhớ lại những mất mát, đau thương do dịch bệnh.

Những hình ảnh không thể nào quên trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Tác giả Phúc Thịnh

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 21/8, như khẳng định một chân lý không thay đổi là sự đoàn kết tạo nên sức mạnh tiêu diệt kẻ thù, trong đó có dịch bệnh, viết tiếp lời ngợi ca lực lượng tuyến đầu trong những ngày tháng cả nước gồng mình chống dịch; đồng thời cũng là dịp tôn vinh các tác giả đã ghi lại khoảnh khắc đẹp, tạo nên những bức ảnh có giá trị.

Được biết, cuộc thi “Khoảnh khắc ấn tượng” được phát động trên quy mô toàn quốc từ ngày 15/10/2021-30/3/2022 nhằm ghi lại những câu chuyện tình người, tình nghĩa, tương thân tương ái chia sẻ khó khăn của nhân dân cả nước cùng với Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, tôn vinh lực lượng tuyến đầu như đội ngũ y bác sỹ, bộ đội, công an, tình nguyện viên hy sinh vì nhân dân.

Sau 6 tháng, Ban tổ chức nhận được trên 2.600 tác phẩm tham dự của 189 tác giả ở 43 tỉnh, thành phố. Từ cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn ra 120 tác phẩm để triển lãm tại Hà Nội và 10 tác phẩm xuất sắc để trao giải (gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích) vào tháng 5/2022.

Nguồn: Vũ Phong/congluan.vn

 https://www.congluan.vn/nhieu-cam-xuc-tai-trien-lam-anh-khoanh-khac-an-tuong--phong-chong-dich-covid-19-post209313.html

Lễ hội "Xin chào Việt Nam” kết nối Ấn Độ với người dân Việt Nam

Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang sẽ được tiếp cận gần nhất với đất nước Ấn Độ thông qua lễ hội "Xin chào Việt Nam” (Lễ hội “Namaste Việt Nam”). Lễ hội sẽ diễn ra trong 1 tháng, từ ngày 12/8-12/9/2022.

Ông Madan Mohan Sethi (giữa), Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại họp báo (Ảnh: VGP)

Tại cuộc họp báo chiều ngày 10/8, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi cho biết, lễ hội “Xin chào Việt Nam” là một phần trong chuỗi hoạt động của Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ cũng như Kỷ niệm 50 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Lễ hội do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Innovations India đồng tổ chức. Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma và Tổng Lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi sẽ chủ trì lễ hội kéo dài 1 tháng này. Bên cạnh đó, Đại úy Rahul Bali, người đã tổ chức thành công các lễ hội của Ấn Độ trên toàn cầu, sẽ là người phụ trách chỉ đạo chính của chuỗi sự kiện.

Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi chia sẻ, đây là sự kiện theo đúng tinh thần của thông báo gần đây do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra về việc nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.

Lễ hội gồm nhiều hoạt động từ hội nghị và họp mặt trong lĩnh vực văn hóa, thương mại, đầu tư, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và du lịch. Bên cạnh tái kết nối hoạt động kinh doanh sau đại dịch Covid -19, đây còn là dịp giúp người dân hiểu thêm về nền văn hóa đa dạng của Ấn Độ.

Lễ hội cũng là điểm giao thoa hội tụ của Văn hóa và Thương mại, được kỳ vọng trở thành một nền tảng kết nối tuyệt vời cho mối quan hệ song phương giữa hai nước nhằm thúc đẩy du lịch, thương mại, nghệ thuật, văn hóa, âm nhạc và phim ảnh.

Một phái đoàn lớn từ ngành Điện ảnh Ấn Độ do các nhà làm phim từng đoạt giải thưởng dẫn đầu sẽ tham dự lễ khai mạc Lễ hội vào tối 13/8 tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Dự kiến, diễn viên Avika Gor, người đóng vai Anandi trong bộ phim truyền hình vô cùng nổi tiếng của Ấn Độ tại Việt Nam mang tên Balika Vadhu - Cô dâu 8 tuổi cũng sẽ có mặt để giao lưu với người dân Việt Nam.

Từ ngày 13 đến 20/8, Lễ hội “Xin chào Việt Nam” sẽ diễn ra các hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh như: chương trình trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình chiếu các phim đặc sắc của Ấn Độ, hội nghị xúc tiến du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Gần đây, đặc biệt sau khi Việt Nam hoàn toàn mở lại hoạt động du lịch quốc tế, người dân và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Ngày 4/8, Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng đã diễn ra tại khách sạn Le Meridien ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Cùng ngày, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã có buổi tiếp đoàn doanh nghiệp, báo chí Ấn Độ nhân dịp đoàn đến Việt Nam khảo sát các sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ du khách Ấn Độ.

Tại Đà Nẵng, Famtrip “the Best of Vietnam” đưa các công ty lữ hành, báo chí hàng đầu Mumbai - trung tâm kinh tế lớn nhất Ấn Độ, khảo sát các điểm đến tiêu biểu của Việt Nam từ ngày 2-9/8, trong đó, Đoàn tiến hành khảo sát tại Đà Nẵng từ ngày 5-6/8.

Ấn Độ vốn là một trong những thị trường trao đổi khách tiềm năng của Việt Nam và là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Lượng khách Ấn Độ tới Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2019, tăng từ 85 nghìn lượt khách đến 169 nghìn lượt khách. Thị trường khách Ấn Độ vươn lên top 16 thị trường có khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất năm 2019. Với dân số 1,4 tỷ người, Ấn Độ là một thị trường rất lớn với lượng du khách có khả năng chi tiêu cao khi đi du lịch nước ngoài ngày càng gia tăng. Dự kiến đến hết 2022, lượng trao đổi khách hai chiều sẽ lên tới con số nửa triệu.

https://nhandan.vn/le-hoi-xin-chao-viet-nam-ket-noi-an-do-voi-nguoi-dan-viet-nam-post709915.html

Thác Bản Giốc ngày nắng đẹp

Thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được nhiều người ví von như “viên ngọc” trên chiếc “vương miện” du lịch Cao Bằng. Với cảnh vật nên thơ, nhưng hùng vĩ dòng thác nơi biên cương Tổ quốc mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. 

Thác chính của thác Bản Giốc rộng khoảng 50m và cao 35m.

Những ngày đầu tháng 8, sau cơn mưa tầm tã, chúng tôi đến thác Bản Giốc khi ánh nắng rực rỡ bừng lên, tô điểm cho cảnh đẹp nơi đây.

Dòng thác như dải lụa mềm, trắng xóa vắt qua sườn núi, ầm ào tuôn trào bọt nước trắng xóa và phong cảnh nên thơ, khiến du khách mê đắm.

Theo Ban quản lý Công viên địa chất UNESSCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc được xếp hạng danh thắng quốc gia theo Quyết định số 989, ngày 20/5/1998 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Bản Giốc còn được mệnh danh là thác lớn và đẹp thứ tư thế giới trong số các thác nước ở biên giới giữa các quốc gia, sau thác Iguazu giữa Brasil và Argentina, thác Victoria giữa Zambia và Zimbabue, và thác Niagara giữa Hoa Kỳ và Canada.

Thác Bản Giốc gồm thác chính và thác phụ, rộng tổng cộng khoảng 300m.

Thác chính nằm giữa biên giới Việt-Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m và gồm ba tầng.

Thác phụ, nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam, dài 150m gồm một tầng cao khoảng 30m.

Phía trên thác là vùng cảnh quan phong hóa karst từ trưởng thành đến già với địa hình dạng cụm đỉnh-lũng kết hợp với địa hình dạng tháp độc lập trên bề mặt san bằng 400-600m. Đây là đặc trưng của vùng miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn, tạo nên các hang động với các nhũ đá, măng đá, sông suối ngầm.

Phía dưới thác là thung lũng đứt gãy sông Quây Sơn kéo dài hàng km với các vách đứt gãy và cánh đồng karst. Rừng dày cả phía trên và dưới thác, cùng với dòng nước sạch tung bọt trắng xóa quanh năm và các hoạt động của người dân như mùa gặt lúa chín vàng bên chân thác... sẽ mang cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên.

Thác Bản Giốc là điểm đến không thể thiếu khi du khách đến Cao Bằng.

Du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp bên thác Bản Giốc.
Khách quốc tế tham quan thác Bản Giốc.
Khung cảnh nên thơ và hùng vĩ bên phía thác phụ của thác Bản Giốc.
Một người dân địa phương làm dịch vụ cho thuê cưỡi ngựa, chụp ảnh cho biết, phí mỗi lần 20 nghìn đồng. Bình quân, anh thu được vài trăm nghìn/ngày từ việc phục vụ du khách.
Cây cầu dẫn vào thác Bản Giốc.
Trải nghiệm cưỡi ngựa, chụp ảnh.
Ông Nông Kim Tướng (áo đen), nghệ nhân hát then, đàn tính tại địa phương, mang đàn ra phục vụ du khách cho biết: Sẵn sàng phục vụ du khách thưởng thức văn nghệ dân tộc.

Nguồn: Minh Tuấn/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thac-ban-gioc-ngay-nang-dep-post708762.html

Ông Park Hang Seo là Đại sứ du lịch toàn cầu của thành phố Seoul

Tối ngày 3/8, Thành phố Seoul (Hàn Quốc) và Tổ chức Du lịch Seoul đã tổ chức sự kiện kết nối du lịch “Soulful Seoul Night in Ho Chi Minh City” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại sự kiện, ông Park Hang Seo, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam chính thức được bổ nhiệm và ra mắt với vai trò Đại sứ Du lịch Toàn cầu của thành phố Seoul.

Ông Park Hang Seo, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam (bên phải) được bổ nhiệm và ra mắt với vai trò Đại sứ Du lịch Toàn cầu của thành phố Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Đây là sự kiện quảng bá về du lịch Seoul đầu tiên được tổ chức hậu Covid-19, với sự tham gia của các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch... tại Việt Nam.

Chia sẻ trong vai trò mới, Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Quốc gia Việt Nam Park Hang Seo bày tỏ sẽ nỗ lực để tiếp tục làm cầu nối văn hóa, du lịch giữa hai quốc gia.

Sự kiện gồm nhiều hoạt động giới thiệu về sức hấp dẫn, cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nổi bật của Seoul; thiết kế không gian làm cầu nối giữa các đơn vị du lịch hàng đầu tại Seoul (Hàn Quốc) và Việt Nam thông qua hoạt động B2B Travel Mart thuộc bốn nhóm ngành lữ hành, khách sạn, dịch vụ giải trí, giao thông vận tải. Các đơn vị này, giới thiệu, giao lưu, kết nối với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh để cùng trao đổi thông tin, xúc tiến kinh doanh, tiến tới hợp tác, phát triển gói sản phẩm du lịch Hàn Quốc...

Đại diện Ban tổ chức giới thiệu về sức hấp dẫn, cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nổi bật của Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ tại “Soulful Seoul Night in Ho Chi Minh City”, ông Oh Se Hoon, Thị trưởng Thành phố Seoul đã thể hiện sự ủng hộ lớn đối với những hoạt động giao lưu kết nối giữa hai Thành phố Hồ Chí Minh và Seoul; đồng thời, đánh giá đây là hoạt động nổi bật, góp phần gắn kết chặt chẽ hơn nữa về du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước. Bên cạnh đó, ông Oh Se Hoon hy vọng hoạt động hợp tác du lịch giữa hai thành phố sẽ ngày càng phát triển, mở rộng theo chiều hướng tích cực nhất.

Theo bà Lee Hye Jin, Trưởng phòng Marketing Toàn cầu của Tổ chức Du lịch Seoul, đơn vị này đã, đang nỗ lực không ngừng để nhanh chóng khôi phục đa dạng kênh hợp tác, phân phối sản phẩm du lịch giữa Hàn Quốc - Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển du lịch giữa hai nước sau đại dịch.

 

Sự kiện “Soulful Seoul Night in Ho Chi Minh City” lần này là một cột mốc quan trọng nhằm tăng khả năng kết nối, lan tỏa sức hấp dẫn của du lịch Seoul với các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung; từ đó, góp phần thể hiện kỳ vọng của Thành phố Seoul và Tổ chức Du lịch Seoul trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế, du lịch giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam, hướng đến việc chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á, xa hơn là thị trường du lịch toàn cầu.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Cơ quan du lịch Hàn Quốc (KTO) hồi tháng 5/2022, Đông Nam Á là thị trường tiềm năng của du lịch Hàn Quốc. Kết quả cho thấy có tỷ lệ mong muốn du lịch Hàn Quốc sau đại dịch ở mức cao, trong đó cao nhất là Philippines, tiếp đến là Singapore và Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Đối với Hàn Quốc, năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, số lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 554.000 lượt người, là thị trường có mức tăng trưởng số lượng khách ổn định của du lịch Hàn Quốc.

Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là một thị trường du lịch trọng điểm. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 4.290.800 lượt khách du lịch Hàn Quốc, tăng 23,1% so với năm trước, giữ vị trí thứ 2 trong top thị trường gửi khách lớn nhất của du lịch Việt Nam.

Sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trở lại, tính trong 7 tháng năm 2022, Hàn Quốc là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn nhất với 196,2 nghìn lượt khách, tăng 903,7% so với cùng kỳ.

https://nhandan.vn/ong-park-hang-seo-la-dai-su-du-lich-toan-cau-cua-thanh-pho-seoul-post708718.html

Ra mắt Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo

Nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2022, chiều 25/7, tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo (Tech Art) tổ chức lễ ra mắt làng và tổ chức chuỗi sự kiện trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại.

Hoạt động ký kết hợp tác tại lễ ra mắt Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo.

Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo là một trong 30 làng công nghệ của Techfest 2022. Làng hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá và đưa nghệ thuật cũng như các di sản văn hóa Việt Nam đến với thế giới.

Trong bối cảnh thời đại công nghệ số, Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo đẩy mạnh việc ứng dụng nền tảng công nghệ cho lĩnh vực nghệ thuật.

Làng hoạt động theo mô hình xã hội hóa, sử dụng nguồn lực cộng đồng, mạng lưới kết nối để thực hiện nhiệm vụ như: Cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa nghệ thuật, các tác phẩm nghệ thuật hội họa, âm nhạc, phim ảnh...; kết nối, tập hợp các công nghệ tiên tiến quốc tế về Việt Nam; tổ chức các cuộc thi Digital Art trên nền tảng công nghệ số...

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, trong khuôn khổ Lễ ra mắt, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo với Viện Mỹ thuật Ứng dụng Việt Nam; Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương;Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp; Công ty cổ phần STI. Bên cạnh đó, Trung Tâm Khởi Nghiệp Quốc gia ký kết với Công ty cổ phần STI.

 

Ông Lê Toàn Thắng, Thành viên Ban tổ chức Techfest, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cho biết: Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế-xã hội thế giới cũng như Việt Nam và ảnh hưởng mạnh tới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thế nhưng, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn thu hút lượng vốn đầu tư cao, với hơn 1,5 tỷ USD, minh chứng rõ ràng cho tiềm lực, năng lực trí tuệ của Việt Nam.

Làng công nghệ nghệ thuật sáng tạo ra đời góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức Phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Kỷ nguyên số với nghệ thuật đương đại”. Cuộc thi diễn ra từ ngày 25/7 đến 5/9/2022, nhằm tìm kiếm tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật.

https://nhandan.vn/ra-mat-lang-cong-nghe-nghe-thuat-sang-tao-post707221.html

"Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử"

Tiếp theo cuốn sách "Thế chiến thứ hai" của sử gia Antony Beevor; Omega+ hợp tác NXB Chính trị Quốc gia tái bản cuốn sách về sự kiện này, cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử".

Điều đặc biệt, cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết: GS. Văn Tạo và GS. Furuta Motoo, dựa trên lượng tư liệu đồ sộ và các phân tích khoa học - như một cử chỉ "bắt tay" trong hiện tại để cùng bình tĩnh nhìn lại quá khứ. Một quá khứ không giữ để hận thù nhưng cũng không thể cứ thế mà quên lãng.

Một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp- Đức, Người viết “Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” (Trích Hồ Chủ Tịch hô hào chống nạn đói năm 1945).

Cho đến nay, đã hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhân dân Việt Nam, nạn chết đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên. Ở đâu người ta cũng nhìn thấy xác người chết đói. Trong 70 năm qua, những hố chôn người tập thể vẫn là nỗi đau đớn, ám ảnh khôn nguôi của biết bao thế hệ. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn giữ lại hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người trên những phố Hà Nội buổi sáng sớm, hình ảnh người nằm chết la liệt ở khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…

Bức tranh lịch sử của Việt Nam ở thời điểm đen tối nhất này sẽ được phân tích rất rõ trong cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử". Đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra.

Các tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam; đã làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói; nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Tác phẩm nhằm cung cấp cho độc giả một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử.

Những câu chuyện xúc động trong sách

Theo con số ghi chép từ cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử" của GS. Văn Tạo và GS. Furuta Moto, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải- Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66 % số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ.

Về thảm trạng chết đói: Dưới đây là bức thư của Vespy tháng 4-1945, viết về cảnh chết đói mà ông được chứng kiến: "Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy, ngay cả đến những thiếu nữ đã đến tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thực lấy làm xấu hổ thay cho cái kiếp con người".

Còn về con số người chết đói ở các địa phương thì trong 50 năm qua có khá nhiều đến nỗi tới nay vẫn chưa tìm hết được. Người ta đọc được khá nhiều trên báo chí công khai thời đó. Đơn cử một lượng tin khá cập nhật bấy giờ mà nhiều người biết đến.

Trên báo Thanh Nghị số 110 ra ngày 25-5-1945, tác giả bài báo, ký tên là Phạm Gia Xích viết: "... Riêng một làng Thượng Cẩm, thuộc phủ Thái Ninh, tỉnh Nam Định, năm ngoái có 900 suất đinh thì tính đến hôm 29-5 năm nay, chết chỉ còn 400, và tính cả nam, phụ, lão, ấu thì trong làng ngót 4.000 người, chết đói mất 2.000 người..."

Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Công bố lần đầu vào năm 1995, đến nay đã gần 30 năm, cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử" vẫn còn nguyên giá trị.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và những hậu quả của nó có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lịch sử để tìm hiểu về hiện thực lịch sử đã diễn ra mà còn có tác dụng đối với việc lên án những tội ác của chủ nghĩa phátxít, sự tàn bạo của chiến tranh và tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Về tác giả

GS. VĂN TẠO: Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam từ năm 1980 đến năm 1989. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Văn Tạo đã để lại một sự nghiệp khoa học khá đồ sộ với gần một trăm cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên hay tham gia biên soạn, hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí, trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

GS. FURUTA MOTOO: Viện trưởng Viện Cao học Văn hóa tổng hợp kiêm Hiệu trưởng Trường ̣Đại cương, Đại học Tokyo; Phó Giám đốc Thường trực Đại học Tokyo; Giám đốc Thư viện, Đại học Tokyo; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt; Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á. Các giải thưởng mà ông nhận được gồm: Huy chương Hữu nghị (năm 1980); Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (năm 2012); Huân chương Hữu nghị (năm 2013)./.

Hội An thuộc 25 thành phố tốt nhất thế giới của Travel+Leisure

Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) tiếp tục tạo ấn tượng với du khách thế giới khi mới đây, tạp chí du lịch nổi tiếng Travel+Leisure của Mỹ vừa công bố Hội An trong top những thành phố tốt nhất thế giới năm 2022.

Đô thị cổ Hội An nằm trong danh sách 25 thành phố tốt nhất thế giới của Travel + Leisure (Ảnh: DUY HẬU)

 Với 88,9221/100 điểm, Hội An đứng thứ 20 trong danh sách 25 thành phố được du khách bình chọn nhiều nhất.

Danh sách 25 thành phố tốt nhất thế giới thuộc khuôn khổ giải thưởng thường niên World's Best Awards. Hàng năm, Travel+Leisure lấy ý kiến của hàng nghìn độc giả là các du khách về những chuyến đi của họ, từ đó đưa ra lựa chọn về danh sách 25 thành phố tốt nhất thế giới theo các tiêu chí: khách sạn, nhà hàng, sự phong phú của di sản văn hóa, điểm tham quan hấp dẫn, sự thân thiện mến khách, ẩm thực cũng như cách phòng chống Covid-19, các dịch vụ mua sắm, những giá trị tổng thể...

Năm nay, Đông Nam Á có 3 đại diện nằm trong danh sách này. Ngoài Hội An, thị trấn du lịch Ubud trên đảo Bali (Indonesia) nằm trong top 3 với điểm 91,73/100 điểm. Với 90,70/100 điểm, thành phố Chiềng Mai, Thái Lan là đại diện còn lại của khu vực nằm trong top 10 thành phố tốt nhất thế giới năm 2022.

Ấn Độ là quốc gia có nhiều thành phố tốt nhất trong top 10 là thành phố Jaipur (thứ 8) và Udaipur (thứ 10). Nhật Bản có một đại diện là thành phố Osaka ở vị trí thứ 9.

 

Đáng chú ý, thành phố Oaxaca (Mexico) đã nhảy vọt lên trở thành thành phố tốt nhất thế giới năm 2022 với 92,96/100 điểm, từ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng của tạp chí Travel+Leisure vào năm ngoái. Đây là thành phố trong mơ đối với khách du lịch quốc tế. Oaxaca chịu ảnh hưởng lớn nhất của văn hóa Zapotec bản địa, và sự ảnh hưởng thể hiện rõ trong nền ẩm thực của thành phố này. Nhiều độc giả cũng say mê kiến trúc từ thế kỷ 17 của Oaxaca, những ly cocktail hấp dẫn và chợ thủ công sôi động, cùng với lòng tốt của cư dân nơi đây.

Ở hạng mục top 25 hòn đảo tốt nhất thế giới năm nay, đảo ngọc Phú Quốc của Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách 25 hòn đảo tốt nhất thế giới. Việc xếp hạng dựa trên các tiêu chí các hoạt động giải trí, điểm tham quan, thiên nhiên, bãi biển, đồ ăn, sự thân thiện và giá trị tổng thể. 

Theo Travel+Leisure

https://nhandan.vn/hoi-an-thuoc-25-thanh-pho-tot-nhat-the-gioi-cua-travel-leisure-post706063.html

The Travel: Ẩm thực Việt Nam thuộc top ngon nhất thế giới

Ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực ngon nhất thế giới do độc giả của tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) bình chọn.

Ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực ngon nhất thế giới. (Ảnh: Internet)

Bài đăng trên tạp chí The Travel ngày 16/7 cho rằng, không có gì lạ khi mọi người đi du lịch chỉ để thưởng thức món ăn của một quốc gia khác. Trên thực tế, ẩm thực là một trong những lý do khiến nhiều người đi du lịch. Mặc dù mỗi quốc gia trên khắp thế giới đều có những món ăn độc đáo, nhưng ẩm thực của một số quốc gia khác lại nổi bật và thường được coi là ngon nhất. Thực tế, biết được món ăn của quốc gia nào là ngon nhất không phải là một việc dễ dàng. Đôi khi, việc xác định ẩm thực ngon nhất thế giới có thể không chính xác vì kết luận có thể đến từ một người duy nhất. Nhưng khi đến từ nhiều người, kết luận này có sức thuyết phục và lôi cuốn. Vì thế, dựa trên đánh giá của độc giả, The Travel đã lựa chọn được 10 quốc gia có nền ẩm thực ngon nhất thế giới. Trong đó, ẩm thực của Việt Nam đứng thứ 5 trên 10 trong danh sách này.

Bánh mỳ Việt Nam được du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích

Theo The Travel, là một quốc gia ven biển, có nhiều làng chài, hải sản là một thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Nhưng ẩm thực Việt Nam không chỉ toàn là hải sản. Trên thực tế, sự đa dạng của các món ăn của Việt Nam sẽ có thể khiến du khách bối rối. Giống như nhiều nước châu Á, món mỳ nước khá phổ biến ở Việt Nam, và sẽ thật tuyệt vời để khám phá ẩm thực của Việt Nam từ món nước nổi tiếng. Món nước nổi tiếng ở Việt Nam là phở (phở gà và phở bò). Ngoài phở, du khách nên thử các món ăn nổi tiếng khác như nem và bánh mỳ. Du khách khi đến Việt Nam cũng nên thử các loại cơm khác nhau khi ăn kèm với thịt gà, thịt bò hoặc thịt lợn.

Cùng với Việt Nam, độc giả của The Travel đã lựa chọn 9 nền ẩm thực ngon nhất thế giới khác là Italia, Thái Lan, Hy Lạp, Mexico, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Philippines, Đức và Mỹ.

Ẩm thực Mỹ rất phong phú, đa dạng

Độc giả của The Travel đánh giá ẩm thực của Mỹ đứng ở vị trí thứ nhất. Mỹ là một trong những quốc gia có sự đa dạng nhất trên thế giới và do vậy ẩm thực của Mỹ cũng vô cùng phong phú. Ẩm thực của mỗi vùng đất ở Mỹ mang đặc trưng của thực phẩm chủ yếu của vùng. Thí dụ, Texas nổi tiếng với thịt bò vì đây là nơi sản xuất thịt bò lớn trong khi ở Idaho, khoai tây là một thực phẩm chủ yếu. Một số nơi như Georgia và New Orleans có một bức tranh ẩm thực độc đáo được tạo ra từ sự kết hợp của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Một số điểm đến ẩm thực tốt nhất ở Mỹ bao gồm New Orleans, New York, Miami, Savannah và New York.

Món Sauerbraten nổi tiếng của Đức

Đứng thứ 2 trong danh sách này là ẩm thực của Đức. Bia không phải là thứ duy nhất khiến ẩm thực Đức nổi tiếng. Đất nước này cũng có một số món ăn ngon nhất thế giới. Ngoài sự phong phú của món xúc xích, ẩm thực Đức còn phong phú với các món từ thịt. Đầu tiên là Sauerbraten. Món này bao gồm thịt, giấm, rượu và các loại thảo mộc và thường được phục vụ với bắp cải tím và khoai tây nghiền. Đối với những người yêu thích đồ ăn nhẹ, có hàng chục món ăn nhanh ngon trên khắp các con phố khiến du khách không thể cầm lòng. Kartoffelpuffer - một loại bánh kếp chiên là một món ăn nhẹ tuyệt vời không thể bỏ qua khi tới Đức.

Silog có nhiều công thức chế biến khác nhau

Theo đánh giá của độc giả của The Travel, Philippines là quốc gia có nền ẩm thực ngon thứ 3 thế giới. Đồ ăn ở Philippines không chỉ ngon mà còn có giá cả phải chăng. Người ta có thể thưởng thức ẩm thực theo ý thích chỉ với một vài đô la. Ở Philippines, món silog là bữa sáng yêu thích của người dân nước này. Đây là một món ăn làm từ gạo chủ yếu bao gồm cơm rang, trứng rán và các loại thực phẩm khác tùy thuộc vào loại silog được chế biến.

Ấn Độ có nền ẩm thực độc đáo

Xếp thứ 4 theo đánh giá của độc giả The Travel, ẩm thực Ấn Độ là sự kết hợp phong cách ẩm thực của nhiều quốc gia lân cận để tạo ra một bức tranh ẩm thực không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thức ăn đường phố của Ấn Độ cũng khá hấp dẫn. Khi đi dạo qua một số con phố, hãy một lần thử món cà-ri vì đây là món ăn phổ biến nhất ở quốc gia này. Một điều cần lưu ý là đồ ăn Ấn Độ có rất nhiều gia vị, vì vậy hãy chuẩn bị làm quen với vị cay nóng của ẩm thực Ấn.

Theo The Travel/nhandan.vn
https://nhandan.vn/the-travel-am-thuc-viet-nam-thuoc-top-ngon-nhat-the-gioi-post705908.html