Biên niên sử toàn diện về thế chiến thứ hai
Các sử gia đã không ngừng trở đi trở lại với Thế chiến thứ hai: có lẽ đó là một thời khắc hệ trọng mà chúng ta sẽ phải mãi quay lại để tìm kiếm sự thật về những gì đã xảy ra, nhưng hơn hết, là sự thật về chính mình trong tất cả những điều đã xảy ra…
Thế kỷ XX nhân loại trải qua một cuộc chiến thảm khốc mà đến nay vết thương của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai hay Thế chiến thứ hai bắt đầu từ năm 1939 và kết thúc năm 1945 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia. Các quốc gia tham chiến đã dồn toàn bộ nguồn lực kinh tế, quân sự, khoa học, công nghiệp trong mọi nỗ lực tham chiến. Những vụ thảm sát kinh hoàng, những cuộc tấn công đẫm máu…
Và rồi hậu quả của nó là khôn lường khi theo nhiều nguồn thống kê số người thiệt mạng lên tới 70 - 80 triệu người, hàng trăm triệu người dân bị mất nhà cửa. Nền kinh tế các quốc gia sụp đổ, phần lớn các hạ tầng công nghiệp bị phá hủy. Sau tất cả, nỗi đau chiến tranh vẫn còn nhức nhối trong nhiều thế hệ ở nhiều quốc gia.
Antony Beevor là một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới về Thế chiến thứ hai với các đầu sách đoạt nhiều giải thưởng là Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945). Với tác phẩm The Second World War (Thế chiến thứ hai), ông tập trung vào một sự kiện đẫm máu và bi thảm nhất của thế kỷ XX: toàn bộ cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai.
Thế chiến thứ hai được đánh giá là biên niên sử toàn diện về cuộc xung đột tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Tác phẩm đầy nhức nhối này đưa chúng ta vào một đoạn thời gian đẫm máu, khốc liệt và để lại nhiều hệ lụy nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler vào ngày 1/9/1939 đến ngày V-J tức ngày 14/8/1945 và hậu quả mà toàn bộ cuộc đại chiến này để lại. Qua những trang sách, Beevor mô tả cuộc xung đột và phạm vi toàn cầu của nó: ở mọi ngóc ngách trên thế giới, mọi diễn biến, tình hình và nước đi chiến lược của các bên.
Là một người lính đã từng từng tham gia phục vụ quân đội Anh và Đức, Antony Beevor đã tái hiện dựng tương đối toàn cảnh về bức tranh Chiến tranh thế giới thứ hai qua cuốn sách Thế chiến thứ hai. Như một phóng viên chiến trường, những cảnh quay về cuộc chiến từ tất cả các bên tham chiến được ông khắc họa chân thực đến khốc liệt, đau thương và ám ảnh.
Điểm đặc biệt của Beevor là ngòi bút của ông hướng vào những con người, những câu chuyện cụ thể đã cấu thành cuộc chiến đó; bằng sự đồ sộ, chi tiết và khách quan, đa chiều của tư liệu, bao gồm tư liệu lưu trữ cùng các phỏng vấn, ghi chép lời, câu chuyện của những chứng nhân… và để chính cho tư liệu đó lên tiếng; cho độc giả có cái nhìn toàn diện, chi tiết và dễ hình dung về cuộc chiến này.
Được viết một cách ly kỳ và được nghiên cứu một cách xuất sắc, Thế chiến thứ hai như một bản tường thuật vĩ đại và đầy khiêu khích của Antony Beevor. Tác phẩm này cũng vô tình khẳng định thêm lần nữa rằng tác giả của nó thực sự là một trong những nhà sử học quân sự hạng nhất.
Cuốn sách hơn 1000 trang (ấn bản tiếng Việt) bắt đầu bằng lá thư từ biệt vợ của Georgii Zhukov vào tháng 6/1939, và kết thúc bằng câu chuyện về vợ một nông dân Đức, có quan hệ với một tù binh Pháp được chỉ định đến làm việc tại một nông trại Đức trong khi chồng cô đang ở mặt trận phía Đông, câu chuyện được ghi trong một báo cáo của cảnh sát Pháp vào tháng 6/1945 khi họ bắt được cô đang đi chui trên xe lửa để gặp người yêu.
“Chỉ vài dòng mà gợi lên nhiều câu hỏi. Liệu chuyến đi khó khăn của cô có là vô ích, ngay cả dù cô không bị cảnh sát bắt đi nữa? Liệu người yêu của cô có cho cô địa chỉ thật hay không vì biết đâu anh ta đã có gia đình? Và biết đâu anh ta về nhà, một việc chỉ có ít người làm được, để biết rằng vợ anh đã có con với một lính Đức trong lúc anh đi vắng? Tất nhiên đó chỉ là một bi kịch rất nhỏ so với mọi thứ khác xảy ra ở xa hơn về phía đông…”
Cuốn sách phơi bày những câu chuyện cụ thể tàn khốc về Thế chiến thứ hai, dựa trên những gì còn lại mà ta gọi là tư liệu, và cả những chứng nhân mà tác giả tiếp cận được.
Và hơn hết, một cuốn sách chân thực và thảm khốc về chiến tranh, chính là lời đặt vấn đề khẩn thiết nhất cho hòa bình!
Antony Beevor là sử gia, nhà văn người Anh nổi tiếng, đã từng có thời gian khá dài phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, Beevor bắt đầu viết sách, chủ yếu là các tác phẩm nghiên cứu có giá trị về các cuộc chiến nổi tiếng trong lịch sử hiện đại. Ông là giáo sư thỉnh giảng gạo cội của các bộ môn lịch sử, văn học Hy-La cổ đại và khảo cổ học tại các trường đại học ở Anh. Các tác phẩm viết về các cuộc chiến lớn trong lịch sử loài người đã đưa tên tuổi ông về Việt Nam như: Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), 1998; Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945), 2002; The Battle for Spain: The Spainish Civil War 1936-39 (Trận chiến cho Tây Ban Nha: Cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939), 2006; The Second World War (Thế chiến thứ hai), 2012 |