Đặc sắc đồ trang sức tráng men Ấn Độ

(ICTPress) - Đất nước Ấn Độ có nền mỹ nghệ kim hoàn vô cùng phát triển. Điều ấy đã được chứng minh bằng các phát hiện kim hoàn tại nhiều địa điểm khảo cổ trên nước này dọc theo các dòng sông, đặc biệt là thung lũng Indus cách đây hàng nghìn năm.

Nhiều thành phố của Ấn Độ đã từng là trung tâm buôn bán đồ trang sức, vàng, bạc, đá quý trong khu vực với những xưởng sản xuất và phân phối quy mô trong đó Banares, bang Uttar Pradesh là một trung tâm như vậy. Nơi đây có nghề chế tác những đồ men sứ hồng áp dụng vào việc làm đẹp, trang điểm.

Nghiên cứu thấy rằng, Banares là một thành phố lâu đời nhất Ấn Độ, đã từng là thủ phủ của ngành dệt miền bắc nước này trước khi có đạo Phật du nhập và là điểm ngừng chân của những đoàn người Hindu hành hương nghỉ ngơi, cầu cúng bên bờ sông Hằng.

Tuyệt vời nữa là thành phố vẫn còn bảo tồn được nhiều kiến trúc cổ là những lâu đài - havelis và nhà nghỉ - dharamshalas cùng nghề truyền thống tạo tác đồ trang sức dựa trên men hồng - gulabi minakari. Gulabi nghĩa là màu hồng. Gulab cũng có nghĩa là bông hồng, trước đây những ông tổ của nghề kim hoàn Banares đã từng trộn dầu hồng (và nay là dầu đàn hương) vào men bóng cho sản phẩm thêm hấp dẫn. Tuy vậy, loài hoa biểu tượng làm nên mô típ đặc trưng trên lớp men hồng ở đây lại là hoa sen. Nếu hoa hồng chỉ dùng để trang trí một số vòng tay - bazuband và hộp đựng trang sức hoặc trầu cau thì hoa sen được dùng cho mọi đồ trang sức của cả nam lẫn nữ ở Benares. Hoa sen gắn liền với nữ thần thịnh vượng Lakshmi và cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết, cao quý của phụ nữ.

Kỹ nghệ gulabi minakari đã ra đời từ cách làm men Ba Tư và từ thủ phủ Jaipur của bang Rajasthan. Vào thế kỷ 18, thương nhân đã đem đồ trang sức cũng như cách khảm men tới thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh. Bị hấp dẫn bởi vẻ thanh nhã, chính quyền (nawab) Avadhi và các quý tộc ở đây đã cho áp dụng giữa cách thức truyền thống Ấn Độ và ngoại nhập tạo nên loại men hồng độc đáo.

Để làm một đồ trang sức tráng men, phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là thợ kim hoàn sẽ vẽ mẫu hình dáng của vật này, sau đó chuyển nó tới thợ khắc gọt, một lần nữa lại đưa đến thợ khảm men và cuối cùng là thợ gắn đá quý. Trong khâu của thợ khảm men, để tạo màu men, họ sẽ tán thủy tinh thành bột, rửa sạch rồi nhào với nước thành hỗn hợp. Kế đó, khắc những cái rãnh tinh vi trên bề mặt kim loại của đồ trang sức và dùng một cái xẻng - takwa nhỏ xúc bột thủy tinh vào bít đầy các rãnh đã khắc rồi đưa vào lò nấu chảy màu. Họ hâm nóng nhiều lần cho đến khi lớp men này ăn vào bề mặt kim loại. Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, họ cũng điều chỉnh lửa nhiều lần trong đó để tạo nên mầu đỏ phải canh lửa nhiều nhất.

Công đoạn làm nguội rất quan trọng vì nếu không nguội đều lớp men sẽ rạn nứt. Vì thế, người ta phải dùng một cái ống thổi mát từ từ, và tiến hành nung và làm nguội nhiều lần cho lớp men trong suốt. Sau mỗi lần nung, đều đánh bóng bề mặt men bằng que khoáng corundum và vécni để tẩy bỏ hạt không khí. Sau khoảng năm lần như vậy sẽ đạt lớp men ưng ý. Ở lần thứ tư, họ phủ thêm một lớp men màu trắng giống như mộp lớp sơn dầu trên lớp men cũ. Bấy giờ mới dùng bút lông để sơn vẽ hình ảnh cần thiết hoặc những điểm còn thiếu sót. Mô típ cơ bản trên đồ trang sức là hoa sen và chim câu đã cách điệu. Màu cơ bản là màu hồng, đỏ, xanh lơ hoặc vàng.

Ở thời thịnh trị nhất của nghệ thuật này, phần lớn nghệ nhân ở Benares đều xuất phát từ một phường hội - gharana - do ông cha nghệ nhân Ustad Mulchand và ba gia đình sáng lập. Một số khác là nghệ nhân theo kỹ nghệ Ấn Độ cổ đại thời kỳ hoàng đế Mughal Jehangir dời đô từ Jaipur tới ở Benares vào thế kỷ 17.

Nhờ có những dòng người hành hương, thương nhân và tu sĩ trong thành phố thường xuyên đặt hàng, nghề kim hoàn tráng men ở Benares đã được duy trì và lớn mạnh. Hôm nay, vào các dịp lễ hội như ngày lễ Janmastami - kỷ niệm ngày sinh của thần Krisna, người dân thành phố lại trang điểm tượng thần Balgopal tức là thần Krisna hồi nhỏ và trang hoàng nhà cửa, trang sức cho bản thân bằng những trang sức lộng lẫy đi dạo phố.

Hiện tại, có khá nhiều bạn trẻ học gulabi minakari. Du khách cũng thường tìm thăm các xưởng sản xuất, mua một số đồ trang sức về làm quà cho bạn bè, người thân và giới thiệu sản phẩm của Benares đi khắp thế giới, đưa nơi đây trở thành một địa chỉ đỏ trong danh sách du lịch của mọi công ty du lịch Ấn Độ.

C.M.C

Phụ nữ Bưu điện

Tin nổi bật