Viettel cần quyết liệt triển khai IPv6 để đảm bảo ATTT, phát triển Internet
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 đã nhấn mạnh, Viettel cần quyết liệt, quyết tâm trong triển khai IPv6 trong thời gian tới.
Ngày 06/12/2017, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 đã có buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp Viettel về việc thúc đẩy IPv6 trong năm 2017. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, Trưởng Ban công tác đã chủ trì buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải chủ trì buổi làm việc |
Theo báo cáo của Viettel, trong năm 2017, Viettel tập trung hoàn thiện hạ tầng mạng lưới, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ IPv6 như: kênh truyền, Internet băng rộng cố định, 3G, 4G, nội dung số, hosting IDC. Hạ tầng mạng lõi Internet cố định băng rộng và mạng lõi di động đã được triển khai hỗ trợ IPv6. Hiện tại, Viettel có khoảng 150 khách hàng Internet FTTH được kích hoạt IPv6, lũy kế tới cuối năm 2017, Viettel sẽ có khoảng 5.150 thuê bao Internet FTTH và 100 thuê bao di động 4G nội bộ được kích hoạt IPv6. Trong năm 2017, Viettel IDC có thêm 35 khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ IPv6, lũy kế toàn mạng đến tháng 12/2017, Viettel IDC có 41 khách hàng sử dụng dịch vụ IPv6.
Tổng dung lượng kết nối IPv4 và IPv6 trong nước là 300 Gbps; Tổng dung lượng kết nối IPv4 và IPv6 quốc tế là 700 Gbps. Lưu lượng IPv6 thực tế kết nối qua VNIX là 15 Mb/s, lưu lượng IPv6 thực tế kế nối Peering với các đối tác trong nước là 30 Mb/s. Lưu lượng IPv6 thực tế kết nối peering với các đối tác quốc tế là 100 Mb/s.
Trong năm 2017, Viettel IDC đã hoàn thành kích hoạt IPv6 cho 6 website. Trong năm 2018, Viettel IDC có kế hoạch hoàn thành các thủ tục dán nhãn IPv6 Ready Logo cho website chính thức của công ty.
Về triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G LTE, Viettel đã phê duyệt kế hoạch triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 trên mạng lưới Viettel cho 1,5 triệu thuê bao Internet cố định băng rộng và 1 triệu thuê bao di động. Tháng 12/2017, hoàn thành kích hoạt IPv6 trên hệ thống mạng lõi di động, hệ thống mạng data di động cho PS Core, hệ thống VAS-CP và… triển khai thí điểm cấp phát IPv6 cho tập thuê bao 4G nội bộ vào ngày 15/10/2017…
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng đại diện Ban Kỹ thuật Viettel cũng cho biết, việc triển khai IPv6 của Viettel còn chậm. Viettel đã nhận thức được lợi ích rất lớn của việc chuyển đổi IPv6, như việc chuyển đổ sẽ tăng cường được khả năng an ninh mạng, phân tích hoạt động của khách hàng để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng… mà IPv4 không thể đáp ứng. Hiện nay, Viettel đang chuẩn bị hạ tầng, kế hoạch chuyển đổi sang IPv6. Từ nay đến cuối năm triển khai IPv6 cho 1,5 triệu và năm 2018 cho 3 triệu thuê bao băng rộng cố định FTTH. Năm 2018, sẽ triển khai thử nghiệm IPv6 cho một số thuê bao di động.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó Trưởng Ban công tác, cho biết: Cái được lớn nhất của năm nay so với năm ngoái là nhận thức, quyết tâm triển khai IPv6. Ông Tân cũng lưu ý năm 2018, nếu Viettel thử nghiệm triển khai IPv6 cho các thuê bao tốt thì nên triển khai đồng loạt cho khàng hàng. Viettel cũng cần quan tâm triển khai IPv6 cho khối các cơ quan Đảng, Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng CNTT.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, cho biết: Bộ TTTT vừa ban hành Thông tư số 32 ngày 15/11/2017 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến yêu cầu các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến bắt buộc phải triển khai IPv6. Do đó, Viettel cần lưu ý vì nhà mạng này là đối tác của nhiều địa phương trong xây dựng cổng dịch vụ công trực tuyến.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Theo Ban công tác, tại Việt Nam, hiện nay FPT Telecom và VNPT đã triển khai IPv6 khá mạnh mẽ. FPT đã có hơn 1 triệu thuê bao IPv6, lưu lượng đạt trên 500 Gbps, trong đó 300 Gbps dành cho Google, Facebook, 200 Gbps dành cho trong nước. Trên thế giới, các nhà mạng ở Mỹ và Australia trên 80% lưu lượng là IPv6. Các nhà mạng Hàn Quốc triển khai IPv6 trên di động trước sau đó mới làm đến cố định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá, Viettel đã nỗ lực trong triển khai một số nội dung phát triển IPv6 tuy rằng vẫn còn hơi chậm. Trên thực tế, Viettel đã chậm hơn so với VNPT và FPT Telecom, mới có hơn 3.000 khách hàng (0,02%) so với mức trung bình 9% về tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam. Viettel cần đề xuất kế hoạch tốt hơn so với kế hoạch đưa ra hôm nay.
Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, Vietel cần bám sát Kế hoạch hành động IPv6 quốc gia. IPv6 là một xu hướng không thể đảo ngược, do đó cần quyết liệt triển khai ứng dụng IPv6 trong nội bộ Tập đoàn từ mạng WiFi, hệ thống CNTT, website…. Doanh nghiệp viễn thông đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy IPv6. Cần phải thuyết phục, tuyên truyền, hỗ trợ người sử dụng nếu không sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chung về IPv6 của quốc gia. Ở đây vai trò của Viettel rất quan trọng.
Cũng theo Thứ trưởng, việc triển khai cung cấp dịch vụ băng rộng cố định FTTH cũng nên mặc định IPv6. Đối với 4G LTE, Viettel nên nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới, thực tế khách hàng và chiến lược. Từ góc độ của Ban chỉ đạo, đề nghị Viettel mặc định IPv6 cho mạng 4G LTE vì điều này mang lại lợi ích cho khách hàng và có ích cho quốc gia trong dài hạn.
“Viettel là Tập đoàn lớn về quy mô doanh nghiệp, thị phần các dịch vụ, phạm vi cung cấp dịch vụ rất lớn, việc sử dụng IPv6 cho chính mạng nội bộ và cho hoạt động cung cấp dịch vụ tới khách hàng của Tập đoàn sẽ góp phần đáng kể cho kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam, Internet tại Việt Nam”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị VNNIC tổ chức hội thảo nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai IPv6 cho doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm giúp doanh nghiệp vững tin, tích cực hơn trong ứng dụng IPv6 thay vì khổ sở với IPv4.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cam kết, Viettel sẽ lập kế hoạch triển khai IPv6 bám sát các chỉ đạo của Thứ trưởng và góp ý của các thành viên Ban công tác, trong quá trình làm sẽ tham vấn các ý kiến để quá trình chuyển đổi được nhanh hơn. Viettel cam kết có đầy đủ nguồn lực để chuyển đổi và sẽ thực hiện đến cùng kế hoạch này để sang năm sẽ báo cáo Thứ trưởng kết quả tốt hơn.
Lan Phương/ictvietnam