Cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp làm về ATTT
(ICTPress) - Cần khuyến khích các doanh nghiệp (DN), đơn vị làm về an toàn thông tin (ATTT) tạo lập được thị trường trong nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban điều hành 898 đã nhấn mạnh tại Hội nghị về sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và đánh giá tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại tại Việt Nam.
Thời gian gần đây, tình hình ATTT trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô lớn. Tình hình ATTT mạng Việt Nam cũng ngày càng có những diễn biến phức tạp với sự tăng mạnh về quy mô, số lượng, mức độ tinh vi và tính chuyên nghiệp trong các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mạng vào hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, các tổ chức và DN lớn trong nền kinh tế.
Để tăng cường công tác bảo đảm ATTT, ngày 27/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 898/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm ATTT giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng nội địa và nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại là những nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên thực hiện.
Ban điều hành 898 được thành lập do Bộ TT&TT chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, nhằm mục đích đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn công tác bảo đảm ATTT mạng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết tình hình mất ATTT ngày càng gia tăng do xu thế tấn công mạng ngày càng quyết liệt, hình thức, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày rộng hơn. Qua thống kê từ năm 2014 - 2016, lây nhiễm mã độc ở máy tính của chúng ta trên 63%.
Theo đó, Thứ trưởng mong muốn DN, đơn vị làm về ATTT tham gia đánh giá, bóc gỡ mã độc. Mặt khác cũng cần lập được thị trường các sản phẩm, dịch vụ ATTT nội địa có vị trí và vai trò. Nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt là rất lớn bởi sẽ mang lại sự yên tâm hơn mà các sản phẩm nước ngoài nhiều khi cũng chưa chắc có thể đáp ứng theo thực tiễn của Việt Nam.
“Bộ TTTT tạo mọi điều kiện để DN trong nước có cơ hội tham gia thị trường, hỗ trợ xây dựng các phương án tạo ra các sản phẩm dịch vụ bảo đảm ATTT trong nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
|
Các đại biểu tọa đàm tại Hội nghị |
Cũng tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), ông Nguyễn Trí Thành, Chánh Văn phòng VNISA đã thông tin về thực trạng của DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ATTT.
Ông Thành cho biết ngoài một số DN lớn như VNPT, Viettel, Bkav, CMC, các DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng, phần lớn là các DN vừa và nhỏ, còn rất non trẻ, quy mô nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động còn hạn chế. Sau hơn một năm kể từ khi Luật ATTT mạng chính thức có hiệu lực và Nghị định 108/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng được ban hành, số lượng DN đã được Bộ TTT cấp phép cung cấp sản phẩm, dịch vụ ATTT đến 5/7/2017 là 7 DN, một con số rất khiêm tốn so với số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT.
Các DN cung cấp sản phẩm ATTT phần lớn là nhà phân phối hoặc đại lý cho các công ty nước ngoài. Điều này có thể nhận thấy qua số lượng các sản phẩm ATTT do DN tự nghiên cứu, sản xuất được đăng ký bình chọn danh hiệu sản phẩm ATT chất lượng cao của năm còn rất khiêm tốn.
Ngày 25/11/2014 Thủ tướng CP đã quyết định 66/2014/QĐ-TTg phê duyệt danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, trong đó có “công nghệ đảm bảo an ninh, ATTT mạng và bảo mật thông tin ở mức độ cao”. Ngày 2/5/2016, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam, trong đó có các hoạt động quản lý an toàn hệ thống thông tin.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cho các DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT.
Để phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm ATTT, ông Thành kiến nghị Cục ATTT quan tâm chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc trong việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT. Nhà nước cần quan tâm giành được một nguồn vốn đầu tư nghiên cứu phát triển, sản phẩm ATTT cho các DN trong nước, nhất là các DN khởi nghiệp nhằm tự tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của đất nước bởi chúng ta không thể chỉ dựa vào sản phẩm dịch vụ của nước ngoài để bảo vệ tài nguyên của mình.
Về chính sách hỗ trợ tạo lập, mở rộng thị trường trong nước, vị đại diện của VINISA, đề nghị chính phủ có các hỗ trợ thiết thực và hiệu quả để các DN từng bước chiếm được thị trường trong nước
Ngoài ra, đại diện VINISA cũng kiến nghị cần có kế hoạch định kỳ tổ chức các đợt bình chọn sản phẩm dịch vụ ATTT có chất lượng nhằm kịp thời phát hiện, tôn vinh các DN có sản phẩm dịch vụ ATTT có chất lượng và quảng bá các sản phẩm của họ đến với các tổ chức, DN và người tiêu dùng trong nước; Có chính sách khuyến khích các tổ chức, DN trong nước sử dụng các sản phẩm ATTT nội địa có chất lượng tốt. Đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nội địa có chất lượng trong các dự án của các tổ chức, cơ quan nhà nước.
Về chính sách hỗ trợ tạo lập, mở rộng thị trường nước ngoài, rất cần thiết hỗ trợ vật lực và tài lực cho các DN trong nước tham gia các giải thưởng khu vực và thế giới như giải thưởng ASEAN ICT Awards để giúp DN quảng bá sản phẩm dịch vụ ra thị trường nước ngoài; Có chính sách hỗ trợ các DN tiếp tục đưa sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường nước ngoài
Về chính sách ưu đãi thuế với DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT, ông Thành mong muốn cần sớm ban hành các chính sách thuế ưu đãi cụ thể cho các DN hoạt động trong lĩnh vực ATTT.
Theo ông Thành, CNTT nói chung và ATTT nói riêng là những lĩnh vực phát triển rất nhanh, nên chính sách quản lý của Nhà nước cần phát triển theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Cần quy định rõ những việc không được làm thay vì quy định những việc được làm để hạn chế rào cản đối với các DN, nhất là với DN khởi nghiệp.
Cho biết ý kiến về phát triển sản phẩm dịch vụ ATTT, ông Hoàng Mạnh Thắng, Cục ATTT, Bộ TTTT cho biết trong bối cảnh nguồn nhân lực cho việc bảo đảm ATTT rất hạn hẹp, cần ưu tiên đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Ưu tiên hỗ trợ các DN đã có các giải pháp bảo đảm ATTT thiết yếu do mình làm chủ công nghệ.
Phần lớn các sản phẩm đã hoàn thiện đang đưa vào sử dụng phổ biến được phát triển bằng nguồn lực của DN. Để một sản phẩm thành công cần tuân theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, ông Thắng cho biết cần tập trung hỗ trợ DN nội địa thông qua việc định hướng đầu ra của các sản phẩm, dịch vụ.
HM