Bộ trưởng Bộ TT&TT: Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động sâu sắc đến xã hội

Trong các nghị quyết của Đảng ở nhiều mức độ cũng đề cập đến tất cả các lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cuộc cách mạng nhằm tạo ra giá trị hoàn toàn mới, có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực đời sống xã hội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Ưu tiên phát triển CNTT&TT

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Trong đó, nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Thủ tướng đề nghị phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.

Nêu rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định: Đây là cuộc cách mạng nhằm tạo ra giá trị hoàn toàn mới, có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Cuộc cách mạng này cơ hội đem đến cho chúng ta rất lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Hiện nay thế giới đang quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dù có thể dùng các tên gọi khác nhau. Bộ Chính trị, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Trong các nghị quyết của Đảng ở nhiều mức độ cũng đề cập đến tất cả các lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Nhiệm vụ đặt ra hiện nay, làm thế nào để chúng ta tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở đảm bảo tính kế thừa và tận dụng các  thành tựu kết quả đã có, phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển trong các lĩnh vực. Trong đó phải ưu tiên CNTT&TT, coi đây là hạ tầng của hạ tầng trong công cuộc phát triển cách mạng này để kết hợp với những đột phát nhằm phát triển những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

 
 

Cần tuyên truyền cho người dân biết

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chỉ ra những nhiệm vụ phải thực hiện, đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý khai thác vận  hành kết cấu hạ tầng kinh tế của toàn bộ nền kinh tế và coi ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH- HĐH trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Theo đó, phát triển công nghiệp CNTT&TT có giá trị gia tăng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới. Vì vậy, điều cần làm là rà soát điều chỉnh chiến lược quy hoạch, phát triển hạ tầng và ứng dụng thông tin vào CNH - HĐH trong phạm vi cả nước, đảm bảo tính đồng bộ, sự kết nối liên ngành và liên vùng. Xây dựng các cơ chế chính sách, các giải pháp có tính đột phá để khai thác và huy động tối đa nguồn lực cho phát triển xây dựng hạ tầng trong đó đề xuất chính sách, cơ chế tài chính đặc thù để huy động vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng để đảm bảo  tính khả thi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, cần sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách để đảm bảo tạo môi  trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng, đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ  để sản xuất các sản phẩm trọng điểm về công nghệ, ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, ưu tiên cho việc mua hoặc chuyển giao công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm mới mang thương hiệu Việt  có khả năng cạnh tranh. Nâng cao năng lực, hiệu quả và quản lý sử dụng hệ thống hạ tầng và nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm vụ quan trọng không kém đó là thông tin tuyên truyền đến đông đảo người dân. “Hôm nay, Thủ tướng  cũng nhấn mạnh các cơ quan báo chí cần tuyên truyền mạnh mẽ nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng giao Bộ KHCN là đầu mối chủ trì phối hợp với Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT xây dựng kế  hoạch triển khai cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam. Từ nay đến cuối năm các bộ sẽ có báo cáo đánh giá việc triển khai từ tháng 4 hết năm 2017” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

N.Huyền/Infonet

Tin nổi bật