Mạng xã hội: Doanh nghiệp Việt đang quá thờ ơ
Hiện nay, Việt Nam đã có 20/28 loại hình mạng xã hội trên thế giới. Top 100 Mạng xã hội lớn nhất Việt Nam đều thuộc top 500 website lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường tiềm năng này lại chưa được các doanh nghiệp Việt thực sự coi trọng.
Theo một số liệu thống kê chưa chính thức, tính tới tháng 1-2012 Việt Nam đang có gần 3,8 triệu tài khoản Facebook, đứng thứ 40 trên thế giới. Tuy nhiên, số doanh nghiệp sử dụng Facebook theo một khảo sát vào tháng 6-2011 lại chỉ dừng ở mức 0,04%, trong khi đó, con số này ở Mỹ lên tới 70,3%. Như vậy, một thị trường tiềm năng lại đang bị chính các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ.
Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) đã diễn ra buổi hội thảo "Vai trò của mạng xã hội trong các doanh nghiệp". Phương tiện truyền thông xã hội đang tham gia tích cực vào cuộc sống của hàng trăm triệu người dân nhưng nó có vai trò gì với hoạt động của doanh nghiệp? Các mạng xã hội nào đang được khai thác, sử dụng và chúng có rủi ro gì? Đây là 2 vấn đề chính được bàn luận tại hội thảo.
Doanh nghiệp Việt đang quá thờ ơ
Mạng xã hội (social network) là một dịch vụ kết nối các thành viên có cùng sở thích lại với nhau trên mạng Internet, tạo dựng nên một không gian mang tính tập thể và thông thái, giúp người dùng có thể dễ dàng nói chuyện, cập nhật, chia sẻ, trao đổi thông tin, hình ảnh... một cách nhanh chóng.
Phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, mạng xã hội đang ngày càng trở thành một phần không thể thay thế trong cuộc sống thường nhật của hàng trăm triệu người dân trên toàn thế giới. Và vì thế, nó cũng trở thành một thị trường đầy tiềm năng để các doanh nghiệp hướng tới.
Có mặt tại hội thảo, TS. Marc Divine - Phó giáo sư IAF Paris đã đưa ra khẳng định chắc chắn rằng, trên phạm vi toàn cầu hiện nay các mạng xã hội chính là một công cụ vô cùng hữu hiệu cho các doanh nghiệp, là phương thức mới trong chiến lược marketing trong thời đại ngày nay.
Nếu như năm 2010, lượng quảng cáo qua tivi chiếm tới 45% thì năm 2011 giảm còn 35%, qua radio từ 16% giảm còn 10%, chỉ riêng qua Internet tăng từ 23% lên 34%. Và một trong những khác biệt lớn nhất, tạo lợi thế cho mạng xã hội chính là khả năng tương tác – đối thoại 2 chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng. Có tới 90% khách hàng từng bày tỏ ý kiến của mình trên Twitter, 50% khách hàng có thông tin phản hồi về sản phẩm trên Facebook.
Mua hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: TL |
"Các mạng xã hội là môi trường rất tốt để doanh nghiệp tham gia đồng thời cạnh tranh lẫn nhau. Những người tham gia mạng xã hội chính là lượng khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp. Vậy tại sao chúng ta không biết cách sử dụng và tạo lợi thế cho doanh nghiệp mình?" TS Marc Divine cũng đưa ra dẫn chứng, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã biết cách tận dụng các trang mạng xã hội và thu hút lượng lớn người quan tâm, chẳng hạn, nhãn hiệu Coca-Cola, Disney có tới 20 triệu người hâm mộ trên Facebook... Trong một khảo sát tiến hành với 200 công ty quốc tế thì có tới 54% công ty sử dụng mạng xã hội làm công cụ Marketing.
Còn tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 1-2012 số lượng người sử dụng Internet ước tính 33,4 triệu người, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Như vậy, thị trường Internet Việt Nam vẫn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo thêm đà phát triển cho các mạng xã hội.
Hiện nay, Việt Nam đã có 20/28 loại hình mạng xã hội trên thế giới. Top 100 Mạng xã hội lớn nhất Việt Nam do Vinalink (Công ty CP kết nối truyền thông Việt Nam) đưa ra đều thuộc top 500 website lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường tiềm năng này lại chưa được các doanh nghiệp Việt thực sự coi trọng.
Các doanh nghiệp cần tự định hướng
Mua sắm online từ lâu đã trở thành một thói quen của hàng triệu người tiêu dùng Việt. Với những cá nhân/hộ gia đình tổ chức bán hàng qua mạng, chỉ cần một căn phòng không quá lớn để sản phẩm cùng với một máy tính kết nối mạng Internet, một người đã có thể tạo dựng một shop online rất dễ dàng.
Chị Hà - một người kinh doanh qua mạng cho biết, không cần tới một trang web trả phí, chị vẫn có thể tạo dựng một shop bán hàng trên Facebook và thông qua bạn bè để bán hàng. "Việc kinh doanh qua mạng đã giúp tôi dễ dàng tương tác với khách hàng, có thể trả lời comment (phản hồi) của khách ở bất cứ đâu, lại thêm việc không mất tiền thuê địa điểm, nhân công nên giá bán rẻ hơn giá thị trường".
Còn theo ý kiến của một số doanh nghiệp, thành viên tham gia trên Facebook của họ còn gấp nhiều lần so với số thành viên mua thẻ chính thức. Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp Việt lại còn quá hờ hững với thị trường "màu mỡ" này?
Lý giải điều này, theo ông Hà Tuấn, nguyên nhân một phần thuộc về bản thân người lãnh đạo doanh nghiệp, do chưa tham gia mạng xã hội nên thiếu nhận thức về cách sử dụng kênh thông tin này. Thêm vào đó, tại Việt Nam cũng chưa có trường lớp hay trung tâm đào tạo chuyên về mạng xã hội nên người phụ trách chiến lược quảng cáo chưa có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này kèm theo những lo ngại về tính rủi ro cao.
Từ đây, ông Tuấn đã đưa ra 3 mô hình thể hiện phương pháp tiếp thị qua mạng xã hội dành cho 3 loại hình doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp lớn có độ phủ sản phẩm và dịch vụ rộng khắp, sử dụng Integrated marketing (tổng thể từ các chiến dịch offline và các kênh online); thứ hai dành cho các chiến dịch quảng cáo ngắn hạn và cuối cùng, dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhỏ và vừa hoặc ở các lĩnh vực hẹp có ngân sách thấp. Điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp cần tự định hướng, xác định rõ mục tiêu, đối tượng khách hàng của mình để lựa chọn mạng xã hội phù hợp thương hiệu.
Nguyễn Nga
(Theo Đại đoàn kết)