“Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ - tác giả nữ”
(ICTPress) - Đó là tên gọi của cuộc triển lãm khai mạc chiều nay 6/3 và là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2017.
Lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam và đại diện các cơ quan cắt băng khai mạc Triển lãm |
Đây là một triển lãm tổ chức nhằm kỷ niệm 100 năm Nữ Tổng Biên tập đầu tiên và 99 năm tờ báo nữ đầu tiên của chúng ta gia nhập làng báo.
Triễn lãm sẽ trưng bày các sưu tập hiện vật, hình ảnh, tư liệu về các tờ báo nữ, chân dung một số nữ nhà báo tiêu biểu, các bài báo về các vấn đề nữ, tác giả nữ trước thời kỳ 1945, giai đoạn 1945 – 1975 và 1975 đến nay.
Báo chí Việt Nam bắt đầu từ năm 1865 khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên được xuất bản. 52 năm sau, tức là vào năm 1917, một phụ nữ được mời làm chủ bút của một tờ báo nữ mang tên “Nữ giới chung” - bà là Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Theo bà Trần Kim Hoa, Giám đốc quản lý các dự án bảo tàng báo chí Việt Nam, qua nghiên cứu, chuẩn bị và tiếp cận lịch sử báo chí các giai đoạn và tham khảo qua các công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ, thạc sĩ, sách đã xuất bản… có nội dung liên quan đến chủ đề của Triển lãm, trên cơ sở tài liệu hiện vật có trong tay, Ban Tổ chức Triển lãm đã nhận thấy đề tài nữ trên báo chí đã xuất hiện sớm hơn trên báo chí tiếng Việt, vào khoảng những năm 1882 - 1884. Điều này, giúp chúng tôi tin hơn rằng vấn đề phụ nữ không thể bị bỏ quên trên báo chí cho đến đầu thế kỷ XX, khác với một số nhận định đã có. Mong rằng tới đây các nhà nghiên cứu sẽ giúp chúng tôi làm rõ hơn vấn đề thú vị và có ý nghĩa khoa học.
Chưa có một nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng, chuyên sâu về báo chí đề tài nữ và tác giả nữ Việt Nam trong 3 thời kỳ, kể cả báo cchí về phụ nữ và tác giả nữ của các dòng báo chí khác. Triển lãm mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu, tập hợp bước đầu, có tính chất gợi mở.
Một số đề tài như nhà báo nữ với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; sức trẻ và bút lực của các cây bút nữ trẻ hôm nay; những khó khăn thách thức mang tính thời cuộc với các nhà báo nữ thời hội nhập… là những vấn đề mà triển lãm chưa có điều kiện đề cập mà mới chỉ dự kiến vào trong kế hoạch tương lai.
Được biết có khoảng trên 500 hiện vật, tư liệu giới hạn theo chủ đề chính của Triển lãm đã được huy động để nghiên cứu, khai thác, trưng bày. Do diện tích khiêm tốn dành cho Triển lãm được phân bổ trong khuôn khổ Hội báo 2017, nên Ban Tổ chức đã cố gắng khai thác hết các hình thức trưng bày có thể có nhằm làm phong phú hơn các nội dung; hình ảnh về Đề tài nữ và tác giả nữ các thời kỳ: Gồm khoảng 80m2 vách trưng bày; trên 100 hình ảnh, tư liệu được giới thiệu trên các cánh của 5 trục xoay; khoảng 200 đầu báo đặt trong 12 tủ trưng bày, chưa kể một số tư liệu, hình ảnh, chương trình PTTH lưu và phát qua màn hình máy tính, ti vi…
Đặc biệt, Triển lãm đã nhận được một món quà vô giá của nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài PTTH Đồng Nai, gửi tặng bức tượng gốm bán thân chân dung nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh. Một bức tượng rất đẹp, màu nâu ánh vàng đồng, cao 65cm. Theo Ban Tổ chức, đây có lẽ đây là bức tượng đầu tiên về bà.
Bức tượng gốm bán thân chân dung nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh |
Triển lãm diễn ra tại tầng 2, tòa nhà Hội nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội.
Minh Anh