Địa phương Bắc Bộ cần chủ động chọn giải pháp phát sóng truyền hình số

(ICTPress) - Vào ngày 1/7/2017, 7 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh và Thái Nguyên sẽ chuyển sang phát sóng truyền hình số theo chuẩn DVB-T2.

Ảnh minh họa

Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền hình Việt Nam được thực hiện theo 4 giai đoạn. Việc triển khai Đề án hiện đã hoàn thành giai đoạn I và 8 tỉnh thuộc giai đoạn II. Các địa bàn đã thực hiện số hóa xong bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Tại khu vực Bắc Bộ, giai đoạn II của Đề án số hóa truyền hình được tiếp tục thực hiện đối với 7 địa phương bao gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên. Theo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tại Phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo, các Đài PTTH tỉnh có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng (DN TDPS) và đưa các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền (thiết yếu) của địa phương phát sóng không khóa mã trên hạ tầng TDPS truyền hình số mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng analog là 1/7/2017.

Hiện nay, tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ có 4 đơn vị, DN TDPS truyền hình số mặt đất, bao gồm 3 đơn vị, doanh nghiệp TDPS toàn quốc (VTV, VTC, AVG) và 1 DN TDPS khu vực (RTB). Trong thời gian vừa qua, các đơn vị TDPS và các Đài PTTH địa phương đã bắt đầu phối hợp triển khai phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương lên sóng truyền hình số mặt đất.

Tuy nhiên, quá trình này đang nảy sinh một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là đơn vị TDPS truyền hình số mặt đất phạm vi toàn quốc nhưng Trung tâm TDPS VTV không phải là DN TDPS nên chưa được phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các Đài địa phương. Theo báo cáo của Trung tâm TDPS VTV, VTV đang truyền miễn phí một số kênh truyền hình địa phương như đã nêu ở trên.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai mạng đơn tần (SFN) của VTV ảnh hưởng rất lớn đến việc truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình của địa phương. VTV được ưu tiên phân bổ 03 kênh tần số để triển khai mạng TDPS truyền hình số mặt đất truyền tải các kênh chương trình của VTV và cung cấp dịch vụ TDPS. Trong đó, theo quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 về quy hoạch sử dụng kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806)MHz đến năm 2020, VTV có trách nhiệm triển khai phát sóng mạng đơn tần tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, trong quá trình chuyển đổi, VTV đang tạm thời thiết lập mạng phát sóng đa tần, chưa thực hiện đơn tần tại khu vực này.

Theo báo cáo của VTV, do hiện nay đang thiết lập mạng đa tần nên VTV có thể tạm thời TDPS một số kênh chương trình thiết yếu của địa phương có độ phân giải tiêu chuẩn (SDTV) tại một số máy phát số mà không ảnh hưởng nhiều đến dung lượng của toàn mạng. Tuy nhiên, sau khi thiết lập mạng đơn tần, việc VTV có thể bố trí được dung lượng để truyền tải miễn phí các kênh chương trình truyền hình thiết yếu của địa phương trên toàn khu vực là không rõ ràng. Về lâu dài, không có nhiều khả năng VTV truyền dẫn phát sóng miễn phí kênh chương trình của địa phương có độ phân giải cao HDTV trên mạng đơn tần khu vực vì chi phí lớn.

Tại Hội nghị TDPS các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương trên hạ tầng truyền hình số mặt đất khu vực Bắc Bộ ngày 23/2, đại diện UBND, Sở TT&TT và Đài PTTH của các tỉnh Bắc Bộ thuộc giai đoạn II đều khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành tắt sóng analog và phát sóng số các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương theo đúng lộ trình đã đề ra. Tuy nhiên, các địa phương cũng đã nêu khả năng, hiệu quả, giá cả, chất lượng dịch vụ số hóa truyền hình mặt đất do các DN TDPS khu vực cung cấp. Các đài PTTH địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí.

Trước những băn khoăn về hiệu quả phát sóng, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục  Tần số Vô tuyến điện, hiệu quả của việc chuyển sang phát sóng số đã được nêu trong Quyết định 2451/QĐ-TTg. Việc phát sóng theo phương thức cũ trên mạng đa tần sẽ tốn tài nguyên tần số rất lớn. Phải cố gắng triển khai mạng đơn tần để lâu dài việc TDPS sẽ hiệu quả hơn. Nhiều nước trên thế giới đều đã đấu giá băng tần tương tự như ở Việt Nam và giá trị đấu giá rất lớn như Peru với dân số ít hơn Việt Nam rất nhiều đã đấu giá băng tần đạt giá trị 1 tỷ USD, Mỹ là 19,2 tỷ USD, Anh là 2,3 tỷ bảng…  

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam Phan Tâm cho rằng, dù còn nhiều khó khăn thách thức, với quyết tâm, các địa phương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, từ nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thiết yếu đến nhiệm vụ số hóa truyền hình được giao như Quyết định 2451/QĐ-TTg.

Các tỉnh cần chủ động lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về giải pháp phát sóng số các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương, để có thể ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) theo đúng lộ trình của Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2451.

Giai đoạn đầu triển khai nhiệm vụ số hóa truyền hình mặt đất, lĩnh vực PTTH của các địa phương có thể gặp một số khó khăn, thua thiệt nhưng như Cục Tần số VTĐ đã phân tích, chúng ta sẽ được hưởng nhiều lợi ích tổng thể cho cộng đồng, quốc gia.

“Một khi đã dành sự quan tâm, quyết tâm thì chúng ta sẽ tìm được giải pháp phù hợp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để hoàn thành mục tiêu tắt sóng truyền hình analog trước 1/7, Thứ trưởng Phan Tâm yêu cầu các Sở TT&TT có trách nhiệm nghiên cứu để tham mưu cho các UBND tỉnh có quyết định lựa chọn đơn vị truyền dẫn phát sóng trước 30/3/2017, chậm nhất là đến 30/5/2017 là phải hoàn thành xong hợp đồng kinh tế để đảm bảo các kênh thiết yếu của địa phương lên hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 trước ngày tắt sóng ít nhất là 1 tháng, tức là ngày 30/5/2017.

Cục PTTH&TTĐT chủ trì, phối hợp với Cục Tấn số VTĐ và Vụ Kế hoạch tài chính cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các địa phương về năng lực TDPS của các đơn vị, DN cũng như các quy định pháp lý liên quan đến việc tổ chức TDPS các kênh thiết yếu và tổ chức thị trường TDPS nói chung để các sở TT&TT có đầy đủ thông tin tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.

Các đơn vị, DN TDPS tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư TDPS của mình để không những đảm bảo vùng phủ theo đúng tiến độ quy định trong Quyết định 2451, giấy phép viễn thông đã được cấp cũng như các quy định pháp luật và chuẩn bị tốt hơn cho việc cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu TDPS riêng của các địa phương.

Năm 2017, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tập trung triển khai các nhiệm vụ phủ sóng số theo chuẩn DVB-T2, đảm bảo tiến độ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) tại 15 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ thuộc nhóm II (Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang) trước ngày 01/7/2017 và 6 tỉnh nhóm III thuộc đồng bằng Nam Bộ (Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Cà Mau). 

HM 

Tin nổi bật