Nhâm Thìn 2012 - đi sắm Tết … "phi vật thể"
(ICTPress)… Tiết trời Hà Nội năm nay cuối đông mà cứ như mới chớm thu, không khí Tết lúc này đã có phần lắng lại… Dọc đường Trần Hưng Đạo đến chợ tem, tôi chợt gặp một bác lớn tuổi. Thấy bác lững thững tôi dừng lại chào và hỏi xem bác đi đâu?. "Sắm nốt cái Tết!" - bác bảo.
"Sát ngày rồi mà bác vẫn chưa xong à? Sao không ngồi nhà điện thoại hoặc vào mạng nhấp chuột có đỡ vất vả hơn không?!". - "Ồi dào mấy cái món "vật thể" đó thì nói làm gì. Tôi là tôi muốn sắm những cái "phi vật thể" cơ !. Chỉ có tự tìm thì mới đúng ý được". Chưa kịp hiểu thì bác đã giải thích: "Có 7 món mà trong nhà chưa có là tôi xem như chưa …Tết". "Này nhé, Hoa Tết, Tranh Tết, Câu đối Tết, Lịch Tết, Báo Tết, Thiếp chúc Tết và… À mà thôi, tạt về nhà tôi làm chén nước cái đã!... ". Thoáng nhẩm tôi mới thấy có 6 khoản… ?!.
… Khi mùi cà phê đã tràn ngập căn phòng nhỏ chật cứng những tủ và sách, tôi hỏi: Thế "thất vị Nguyên Đán phi vật thể" của bác sao em mới thấy có "lục vị" [1] ? …"Thôi được, chờ một chút rồi tôi sẽ cho anh xem!".
"Đọc"… tem ngày Tết
Cánh chơi tem bọn mình thì Tết nào cũng háo hức đi tìm Tem Tết. Cùng một đề tài mà tem mỗi nước lại thể hiện khác nhau. Nhiều kiểu, nhiều dáng vẻ phong phú lắm, cứ đa dạng như là những… lời chúc mừng năm mới vậy. Chúng vừa phải nói lên được cái ước vọng chung của mọi người đối với năm mới mà còn phải mang tính truyền thống, tính ước lệ, tượng trưng cao… Đặt chúng cạnh nhau, ngắm nghía, suy nghĩ, bình phẩm rồi thì mỗi lúc lại tìm thấy được thêm một điểm mới, một ý hay…Thú lắm! cứ như đi giữa chợ hoa vậy…
Tết âm lịch hàng năm bây giờ kể có đến cả vài ba chục nước và vùng lãnh thổ đua nhau phát hành tem [2]. Những nước có nguồn gốc âm lịch và còn giữ ngày tết truyền thống như kiểu Việt Nam mình mà ra tem thì đã đi một nhẽ. Một số nước có đông người của các nước kể trên đến cư trú cũng đã đành… Nhưng cũng có không ít nước ra tem Tết Âm lịch chỉ là… để ăn theo do thấy có nhiều người thích thú và tìm kiếm. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý là "Tem Tết" phải có những đặc điểm nhất định khác với tem thông thường (ordinary stamp) và tem kỷ niệm (commemorative stamp). Vì vậy đừng thấy những con tem có hình ảnh ngày tết và phát hành vào dịp tết đã vội xếp vào loại này.
Năm nay "tem Tết" ra sớm nhất là Nhật Bản (11/11/2011), tiếp đến là Liechtestein (14/11/2011). Bước sang tháng 12/2011 cả một loạt nước dồn dập phát hành: ngày 1/12 thì có Việt Nam, Đài Loan, Macao, Singapore, Hàn Quốc... Trung Quốc ngày 5/12, Pháp ngày 6/12… Còn một số nơi để sang năm 2012 mớí cho ra mắt như Hong Kong 14/1, Anh 20/1, Mỹ 23/1/2012…
Bộ tem Tết năm Rồng của Việt Nam |
Bộ tem năm Rồng 2012 của Hàn Quốc |
Tem năm Rồng của Pháp |
Nhưng đó mới chỉ là những con tem đã có thông báo chính thức, đã trông thấy tem và còn có cả một số thông tin cụ thể chi tiết nữa… Chứ nhiều con tem giờ đây tuy mặt mũi đã tường mà trong lòng vẫn cứ bán tín bán nghi. Người đưa cho xem cũng bảo trước: "Anh xem thì cứ xem, nhưng thật giả lúc này chưa biết được. Kẻo sau đây thấy UPU thông báo đó là "tem ma" thì lại trách em". "Ôi cái thời đồ thật, đồ giả, hàng cóc, hàng nhái đầy chợ này thì anh em mình cứ phải là "người tiêu dùng thông minh" anh ạ!".
Một số nước và vùng châu Á có truyền thống ra tem Tết Âm lịch thì năm nay vẫn giữ được thông lệ.
Nhật Bản ra 2 bộ tem mừng năm mới như họ vẫn thường làm từ năm 2004 đến nay. Bộ 1 thể hiện 2 loại đồ chơi truyền thống mang hình đầu rồng nhưng nhìn từ 2 phía khác nhau nên vẽ thành 4 mẫu trông khá ngộ nghĩnh vui tươi. Hai mẫu giá mặt 50, 80¥ thì dùng cho mục đích bưu chính thông thường. Còn 2 mẫu cỡ kích lớn hơn có dãy số phía dưới và phụ thu 3¥ thì để dự mở số trúng thưởng. Phải nói đây là một nét độc đáo của bưu chính Nhật đã có từ năm 1989. Còn gì thú bằng đầu xuân có thiếp chúc mừng mà lại còn… trúng thưởng?! Bộ này lại phát hành đúng ngày 11/11/2011 - ngày mà phải cứ 100 năm mới xuất hiện 1 lần nên chắc có nhiều người mua gửi thiếp để lấy dấu. Bộ thứ 2 phát hành sau 10 ngày gồm 10 tem có tên là “Can chi văn tự thiết thủ” nghĩa là bộ chữ viết tay về can chi. Trong đó 9 tem mang chữ “Thìn” và 1 tem là chữ “Long” theo chữ Nhật cổ. Một ông bạn thư pháp cũng thuộc bậc cao thâm vậy mà khi mới trông thấy các chữ viết này phải thốt lên “Đẹp tuyệt!”. Trên mạng giờ đây chào bán tờ 10 tem này với giá ban đầu là 15 USD tức là gần gấp rưỡi giá mặt rồi.
Bộ tem năm Rồng của Nhật Bản |
Đài Loan ra 2 tem và 1 bloc. Thoạt trông 3 con rồng màu xanh lẫn với đen mờ nhạt chẳng bắt mắt chút nào. Nhưng soi kỹ và ngẫm thấy cũng hay. Hình vẽ thì vẫn theo cung cách tranh thủy mặc như năm ngoái. Tem 1 vẽ một đôi giao long với ý tưởng “luôn là của nhau” mang ý nghĩa “mọi ước mong đều thành sự thật”. Tem 2 vẽ một con rồng đang ngẩng cao đầu chào đón mùa xuân. Hình Rồng biểu hiện sự “kiêu hãnh tự hào”, tượng trưng cho sự “vui vẻ khỏe mạnh” và “mong sao được vậy”. Tem 3 thì là hình rồng đang hướng lên trời cao thể hiện sự “vươn tới” và “thành công”. Trên tờ tem kỷ niệm (bloc) này lại không phải là dành chỗ cho con tem có giá mặt cao nhất, chắc có mang một ý đồ thương mại nào đó.
Còn lại Ma Cao với 5 tem và 1 bloc, Singapore 3 tem, Trung Quốc 2 tem hình rồng vờn cầu lửa trông khá dữ dội,… Hong Kong cũng vẫn 4 tem + 2 bloc trong đó bloc “tiễn năm cũ đón năm mới” có mạ bạc ròng và vàng 14 cà rá hẳn hoi. Tuy nhiên cũng chưa sang bằng đảo Christmas của Australia. Giữa thời buổi giá vàng như diều đứt dây này mà dám ra hẳn 1 bản sao 2 con tem Nhâm Thìn của họ bằng vàng 4 con 9!...
Bộ tem Rồng và bloc của Ma Cao |
3 con tem năm Rồng của Singapore |
Bộ tem Rồng của Hong Kong |
Hai con tem Rồng vờn cầu lửa của Trung Quốc |
Nhìn sang phía Tây, ngoài các nước như Mỹ, Canada, Anh, Pháp v.v…như ta vẫn thường biết thì năm nay còn có một nước nữa cũng phát hành tem Nhâm Thìn 2012 là Công quốc Liechtenstein. Họ ra con tem này vừa để kỷ niệm 100 năm có con tem đầu tiên, vừa thể hiện mối tình giao hảo giữa họ - một vùng đất chỉ rộng 160 km2 với khoảng 3,5 vạn dân ở giữa lòng châu Âu - với Trung Quốc ngay từ những năm 1950 đến nay. Tem của họ cũng thường được các họa sỹ Trung Quốc giúp… Lần này, tem Tết Nhâm Thìn là một con tem mầu đỏ rực, trong có hình rồng theo nghệ thuật dân gian cổ ở Trung Quốc. Tờ tem kỷ niệm gồm 4 tem chung quanh có 4 chữ Hán “Phúc, Thọ, Hỷ , Lộc”… Họa sỹ thiết kế Stefan Erne thì nói rằng chọn màu đỏ như vậy vì ở Trung Quốc mầu đỏ tượng trưng cho may mắn. Điều đặc sắc ở đây là người ta đã dùng công nghệ laser hiện đại nhất để khắc trổ và tạo nên các con tem mà hình bên trong là hình rỗng. Những phần dập nổi của tem đều được mạ bằng vàng lá.
Tem Rồng và bloc của Công quốc Liechtenstein |
Và những con tem chưa rõ thực hư
“Đây tôi đưa anh xem, còn khoảng trên chục con tem nữa cũng vẽ rồng bay, rồng cuốn, có tên nước, có giá tiền cụ thể nhưng chưa tìm được thông báo chính thức của cơ quan phát hành nên chưa dám khẳng định đó có phải là tem Tết Nhâm Thìn thật không? Nhìn chúng thấy cứ hao hao giống nhau. Có con tem trông có tên là của Côte d’ Ivoire (Bờ Biển Ngà) nhưng lại mang hình ông Đặng Tiểu Bình nên chẳng hiểu ra sao!...
Block tem của Bờ Biển Ngà |
…“Thôi cuối năm rồi. Ngày Tết nhà ai cũng bận tôi không giữ anh. Kể ra ngày xưa thì đến giờ gia đình nào cũng đã vớt bánh chưng rồi đây. Và khi anh đứng dậy ra về thì ít nhất tôi cũng gửi biếu được cặp bánh…".
…Thôi, nhưng đến giờ tôi mới thấy nhẹ cả người. Lúc nãy đi về hỏi nốt được mấy cái thông tin về các con tem Tết mà thấy cứ… như vừa xong cái nồi bánh chưng!… À mà cũng giống cái nồi bánh chưng thật nhỉ. Suốt từ đầu năm đã phải đeo đẳng tìm kiếm theo dõi các chương trình phát hành tem. Cuối năm lại đôn đáo tìm kiếm, liên hệ, hỏi han, trao đổi… đến giờ mới xong. Có được nếm miếng nào đâu mà vẫn thấy đậm đà hương vị. Con người ta cũng lạ thật. Có những nhu cầu hưởng thụ “phi vật thể” như vậy đấy! Mà thế là từ sáng đến giờ tôi cũng đã biếu được anh cặp bánh “phi vật thể” rồi có phải không nhỉ? Khỏi phải băn khoăn…”. “Vâng, bác bảo thì em phải vâng. Nhưng nhân đây cũng xin bác cho phép nếu thấy bạn bè họ quí là em bóc ra cùng chia sẻ với họ luôn. Chia sẻ trên Tạp chí Tem đấy có được không ạ?
Nhìn bác vui hẳn lên khi thấy có kẻ đồng cảm với mình, hiểu được giá trị “công trình” của mình. Vẻ “âm lịch” từ sáng đến giờ chợt biến đâu mất và bác vung tay một cách “rất Tây”… “Ok!”!!!...
Hà Nội, Xuân Nhâm Thìn 2012
MC (Tạp chí Tem)
[1]. "thất vị": bảy món; "lục vị": sáu món
[2]. theo tác giả Nguyễn Hiếu Tín đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật năm 2005 thì thế giới đã có hơn 70 quốc gia phát hành tem Tết âm lịch với hơn 1.000 mẫu tem con giáp (?!)