Thương nhớ Tết Hà Nội
(ICTPress) - Khi trời bắt đầu rét đậm xen lẫn những hạt mưa lất phất ấy là báo hiệu một cái Tết đang đến gần. Không khí rạo rực khắp nơi, màu sắc tràn ra phố của hoa - cây cảnh, của bánh mứt kẹo, của đồ trang trí, của ánh đèn nhấp nháy khắp các cửa hiệu - nhà hàng, của phục trang người đi đường…
Khoảnh khắc đó năm nào ta cũng gặp mà vẫn thấy bâng khuâng, khó tả. Nó gợi nhắc trong ta hương vị Tết đi cùng năm tháng, đi cùng ký ức để ta nhung nhớ, tìm về…
Ảnh: TTO |
Nhớ Tết Hà Nội “thời xa vắng” là nhớ hình ảnh đảm đang của mẹ lo toan cho một cái Tết thật tươm tất. Thực phẩm cho Tết chủ yếu là các thức hàng khô, như miến dong, mộc nhĩ… được mẹ túc tắc chuẩn bị trước cả tháng. Nếp cũ này ăn sâu như một thói quen khó bỏ của mẹ dù bây giờ chợ bán hàng cả trong Tết. Để có nồi bánh chưng, mẹ lo mua ống giang chẻ lạt từ cả tháng trước, những bó lạt trắng phau mềm óng để nhà gói bánh và đem biếu họ hàng là những hình ảnh của một thời chẳng dễ mà quên được. Mẹ là gái làng Ước Lễ, cái khéo là gói bánh chưng bằng tay chặt và vuông vức trăm cái như một, cái đảm là mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng đủ lệ bộ là bốn bát - sáu đĩa. Mẹ có hẳn một bộ bát đĩa cổ để bày cỗ mà giờ chẳng mấy khi dùng đến. Tết nay đã giản tiện đi nhiều phần cho hợp với nếp sống mới của dâu, của rể - chơi Tết hơn là ăn Tết. Và Tết đến mẹ vẫn lôi chúng ra, lau sạch sẽ như lần giở kỷ niệm gia đình. Mình đã từng ao ước sẽ có lúc gói được những chiếc bánh chưng đẹp đẽ, xếp đĩa thịt gà hình bát úp, bó giò xào chặt tay như mẹ. Nhưng từng ấy năm trôi qua, đi học - đi làm - lấy chồng - sinh con mình vẫn chỉ biết chạy ra siêu thị khoắng vèo một cái là lo đủ cho Tết…
Ảnh: afamily |
Nhớ Tết Hà Nội là nhớ cái thời Hà Nội còn thênh thang những nẻo đường đê Yên Phụ chạy qua Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân với những vườn quất vàng óng, vườn đào thắm sắc uốn lượn quanh Hồ Tây. Đường xưa không rộng nhưng vẫn nườm nượp xe cộ chở quất, đào, hoa cây cảnh đón Tết đổ từ các ngả vào thành phố chứ không ùn tắc, chen lấn trong khói bụi như bây giờ. Đến sáng tinh sương ngày 30 Tết, rủ con bạn thân gần nhà đi chợ hoa Nghi Tàm. Chợ chỉ là khu đất trống và họp từ tờ mờ sáng. Chợ hoa của hơn 10 năm về trước chưa có nhiều hoa Đà Lạt, hoa Sapa, hoa Trung Quốc, chủ yếu là các loại hoa đặc trưng của Tết Hà Nội, là thược dược, vạn thọ, violet, xu-xi, bươm bướm, lay-ơn, đồng tiền, …thường chỉ rộ vào dịp Tết Nguyên Đán. Những loại hoa bền sắc trong cái giá lạnh của Hà Nội như phong lan, đỗ quyên, tu-lip, lys của Đà Lạt không có được vẻ đẹp mong manh, khiêm nhường như thế. Lọ hoa ngày Tết vì thế rực rỡ mà sâu lắng.
Ảnh: tin247 |
Nhớ Tết Hà Nội còn là nhớ những chiều giáp Tết cả khu tập thể chộn rộn bắc củi, những âm thanh lép bép - tí tách của than củi luộc bánh chưng. Nhà nào cũng làm nồi bánh chưng thật lớn để ăn qua rằm. Đôi khi là mấy nhà luộc chung một nồi to bằng thùng phuy, các nhà thay nhau canh lửa đủ 12 tiếng. Hồi nhỏ hai anh em đứa học sáng, đứa học chiều được mẹ phân công canh bánh, dặn dò tỉ mỉ khi nào đổ thêm nước, khi nào đút thêm củi. Và quà cho cái công đó là chiếc bánh chưng con vớt vội, củ khoai, bắp ngô nướng vùi trong lúc ngồi trông. Góc khác nơi bể nước chung của khu là các chị, các mẹ đang tỉ mẩn rửa lá rong, đãi gạo, đãi đỗ ríu rít chuyện trò. Trong những gian bếp, xực lên mùi mứt gừng, mứt táo hay nem rán, măng khô ninh, thịt thủ xào để bó giò. Ở sân khu tập thể, thong thả nhất vẫn là đám thanh niên tự tay cuốn pháo đùng chơi Tết, những quả pháo to bằng bắp chân người lớn mà mỗi khi nổ bay lả tả những mảnh giấy báo, giấy vở cũ. Đây đó là tiếng pháo râm ran càng làm cho không khí ngày Xuân đủ đầy với âm thanh, mùi vị.
Nhớ Tết Hà Nội là nhớ ngày 30 cả nhà bận rộn từ sáng tới đêm, mỗi người một việc để lúc giao thừa là ăn vận đâu ra đấy, quây quần bên mâm cỗ ăn nhẹ với rượu sâm-panh. Vẫn là những câu chuyện năm cũ - năm mới xen lẫn, vẫn những lời chúc yên vui - mạnh khỏe mà sao thiêng liêng đến vậy. Xa nữa, đêm 30 là tiếng pháo đì đùng khắp nơi mà đối với đứa bé con là mình khi ấy thì khiếp hãi vô cùng, chỉ biết nằm im chùm kín chăn. Những năm mới bỏ pháo, Tết như thiếu hẳn sinh khí và buồn đi nhiều.
Rồi qua sáng 1, ngỡ ngàng trước sân nhà nhuộm hồng xác pháo hòa lẫn trong làn sương mỏng và mưa phùn lất phất. Pháo làm cho Hà Nội đẹp như bức họa mùa xuân đầy chất thơ. Mùi pháo, mùi hương trầm đủ làm người ta nao lòng. Cũng sáng 1 khi người xông đất chưa đến, tụi trẻ con không được phép đi ra khỏi cửa. Đường phố vắng lặng, không một bóng người. Thời gian chờ đợi thật lê thê trong cái bồn chồn của con trẻ. Cái khu tập thể nhà mình, thế hệ bố mẹ vốn gắn bó với nhau từ thời chiến, tối lửa tắt đèn có nhau đã lập ra quy ước sáng mùng 1 họp mặt cánh đàn ông ở sân chung thành đoàn đi xông nhà khắp khu - chẳng còn ngại chuyện hợp đất hay không. Chờ đến lượt nhà mình xong, là đám trẻ con túa ra, túm năm tụm ba khoe quần áo mới. Ngày mùng 1 yên ắng thoáng chốc mà trôi đi.
Ngày mùng 2, cả nhà mới đi chúc Tết họ hàng, vào phố du xuân. Mùng 3 là Tết đã vãn, trên các con phố bắt đầu bập bùng lửa hóa vàng. Ở nhà thì mình giúp mẹ làm bún thang, nem cuốn - hai món mình chờ đợi nhất trong ngày Tết cho cỗ hóa vàng. Mùng 4, mùng 5 là đi với bạn cấp 3, đại học, công ty… Thường là đi chùa cầu may, vào Văn Miếu, lên Phủ, lượn Hồ Gươm rồi qua nhà các bạn bù khú.
…Những ngày Tết rồi cũng vèo qua. Cuộc sống hối hả lại cuốn ta vào những guồng quay vô tận để rồi lại mong được xum họp vào năm mới, để được ôn lại những ký ức tuổi thơ thật đẹp và ngọt ngào, những ký ức nuôi ta lớn lên, trưởng thành.
Thùy Minh