Thách thức triển khai 4G LTE ở VN và giải pháp

(ICTPress) - 4G LTE đang là xu hướng phát triển chủ đạo của Viễn thông trên thế giới và dự kiến hết năm 2015 có 450 mạng 4G LTE được triển khai thương mại trên toàn cầu.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển của thế giới. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ cấp phép triển khai 4G trong năm 2016. Việt Nam đang có cơ hội lớn để triển khai 4G nhưng thách thức không phải là nhỏ.

Nắm bắt được yêu cầu này, các tập đoàn viễn thông đang tăng tốc trong công cuộc nghiên cứu các giải pháp để triển khai hiệu quả 4G LTE.

Những thách thức khi triển khai 4G LTE ở VN

Ông Rob Lerner, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của Viavi Solutions tại Hội thảo viễn thông “Tầm nhìn từ đầu cuối đến đầu cuối cho triển khai LTE - từ thành công đến đảm bảo chất lượng trải nghiệm” sáng nay 9/12 đã chia sẻ những thách thức về mặt kỹ thuật khi triển khai 4G LTE ở trên thế giới và Việt Nam.

Theo đó, ông Rob Lerner cho biết điều quan trọng đang dẫn dắt thị trường di động hiện nay tiếp tục là tăng vùng phủ và dung lượng tới những người dùng di động vì vậy nhà mạng phải cung cấp các dịch vụ thời gian thực, băng thông cao tới người dùng ở mọi nơi, mọi lúc, trong nhà cũng như ngoài trời trong khi phải giảm chi phí vận hành (OPEX) và có những nguồn doanh thu mới.

Chúng ta đang ở kỷ nguyên Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT) mà ở đó các dịch vụ được đưa vào tất cả những thứ có kết nối. Ví dụ, ở khu vực mạng truy cập vô tuyến (Radio Access Network - RAN). Dù nhiều người đang nói về Di động thế hệ thứ 5 (5th Genneration - 5G) nhưng LTE tiếp tục phát triển với các cộng nghệ mạng LTE-Advanced, eMBMS, LTE-U, MIMO, VoLTE và mạng tự tối ưu (Self-Optimization Network SON). Các cuộc cách mạng ở khu vực mạng truy cập vô tuyến hiện nay là Small Cells, DAS, HetNets, Cloud-RAN, các bộ thu phát vô tuyến từ xa. Tất cả những thay đổi này sẽ làm tăng sự phức tạp của mạng di động trong khi các nhà mạng vẫn cần phải giải quyết các vấn đề về vùng phủ và yêu cầu dung lượng ngày càng tăng, ông Rob Lerner cho biết thêm.

Châu Á đang dẫn đầu thế giới về công nghệ di động và LTE. Tất cả các nước trong khu vực đều đang triển khai LTE. Việt Nam đã và đang có kế hoạch triển khai LTE và điều này dẫn đến sự phức tạp khi tiếp tục phải đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dùng di động trong khi vẫn phải đưa lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn nữa. Trong sự phát triển LTE có sự phát triển của các trạm gốc: Small Cells, Hệ thống Antena phân tán (Distribute Antenna System), Cloud RAN, v.v... Nhu cầu thông tin có giá trị về vị trí thuê bao (Location Intelligence) chưa bao giờ lớn như hiện nay. Điều này cho phép các nhà mạng khai thác thông tin vị trí để mang lại các giá trị kinh doanh mới, ông Rob Lerner cho hay.

Và giải pháp

Trước những thách thức đó, Viavi Solutions tại Hội thảo cũng đã giới thiệu giải pháp AriesoGEO định vị, lưu trữ và phân tích dữ liệu từ hàng tỉ sự kiện kế nối di động, mang lại cho nhà mạng nguồn thông tin rất có giá trị để giúp họ tăng đáng kể hiệu năng mạng và trải nghiệm khách hàng phong phú. Công nghệ thông tin vị trí thuê bao này làm biến đổi đáng kể hiệu quả tối ưu hiệu năng mạng, cho phép triển khai các mạng tự tối ưu dựa trên thông tin khách hàng, giúp nhà mạng thực sự hiểu trải nghiệm của khách hàng. Các giải pháp cho nhà mạng viễn thông của AriesoGeo có khả năng mở rộng và tính linh hoạt rất cao.

Các chuyên gia của COMIT đang giới thiệu các giải pháp đo kiểm cho 4G LTE

Theo ông Rob Lerner, các giải pháp của Viavi hiện nay được gắn kết trên nền tảng điện toán đám mây để nhà mạng theo dõi nhất quán đầu cuối-tới-đầu cuối để có giải pháp xây dựng mạng phù hợp, giám sát, xử lý hiệu năng, toàn trình và cung cấp giải pháp đo kiểm thời gian thực. Các nhà mạng chuyển sang mạng LTE sẽ có những phức tạp, các giải pháp của Viavi đáp ứng việc phản ứng nhanh, tìm ý nghĩa thực của thông tin… từ đó có được thông tin hữu ích phục vụ khách hàng.

Trong khi đó, Giám đốc dòng sản phẩm di động của Viavi Solutions, Sung Jae Lee cho biết tại Hàn Quốc đã triển khai 4G LTE và việc đo kiểm là cần thiết. Đo kiểm để cung cấp dịch vụ, phục vụ thuê bao tốt hơn cũng như giữ chân thuê bao.

Tại Hội thảo này, Tổng giám đốc Công ty COMIT Lê Hồng Sơn cho biết Bộ TT&TT đang thực hiện công bố kết quả đo kiểm hàng quý để tăng cường cam kết chất lượng của nhà mạng. Đây là phương thức duy nhất để đánh giá, đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ.

Để cung cấp giải pháp đo kiểm và đánh giá mạng, ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết thêm trong những năm gần đây, COMIT đồng hành với các nhà mạng, nhà sản xuất tại VN cung cấp các giải pháp đo kiểm tối ưu mạng viễn thông triển khai thiết bị, công nghệ mới từ công nghệ truyền dẫn các dịch vụ chuyển từ 2G sang 3G và tương lai là 4G. Trong hơn 10 năm qua, COMIT chiếm hơn 40% thị trường thiết bị đo kiểm tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, COMIT không chỉ cung cấp các giải pháp đo kiểm mà còn các giải pháp tối ưu hóa mạng lưới cho nhà mạng, nhà sản xuất và các giải pháp hỗ trợ điều hành kinh doanh của các nhà mạng. COMIT là một số ít trong các nhà cung cấp giải pháp trong khu vực Đông Nam Á cung cấp giải pháp tổng thể về thiết bị đo, dụng cụ đo có mặt trực tiếp tại Việt Nam, Myanmar, Philipines và gián tiếp thông qua các đội dự án tại Lào, Campuchia và Đông Timor và cùng với Viettel thực hiện đo kiểm mạng tại Peru, Mozambique.

“COMIT đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng tận tình và đây là tầm nhìn, văn hóa và hành động cụ thể của công ty”, ông Lê Hồng Sơn khẳng định.

HM

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật