Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch

Nhân Ngày Việt Nam kết nối Internet (19/11/2015) và Ngày toàn cầu Vì Hòa bình và An ninh trên Internet (12/12/2015), Cổng TTĐT Chính phủ (chinhphu.vn) đã giới thiệu toàn văn bài viết “Vì một môi trường Internet tinh khiết và trong sạch” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng

Internet là một phát minh vĩ đại của nhân loại. Nhờ Internet, thế giới đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tích phi thường trên hầu hết các lĩnh vực đời sống, đưa thế giới vượt qua trình độ văn minh công nghiệp bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên toàn cầu hóa và phát triển kinh tế tri thức. 

Ngày 19 tháng 11 năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet toàn cầu. 

Gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã kiên trì, nhất quán chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Internet. Cho đến cuối năm 2014, Việt Nam có gần 45 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 49% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới (40,4%) và cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (32,4%). 

Mục tiêu phát triển của chúng ta trong thời gian tới là phải tăng tỷ lệ người sử dụng Internet lên mức 80-90% dân số, ngang bằng các nước phát triển hiện nay. Internet được mở rộng tới mọi người dân. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng Internet. Chính phủ quan tâm hỗ trợ đặc biệt cho học sinh, sinh viên và người dân ở nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo… được sử dụng Internet qua rất nhiều chương trình, dự án. Việt Nam mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty công nghệ thông tin và Internet trong nước và nước ngoài kinh doanh, phát triển. Những cái tên như Vietnamnet, Vnexpress, Dantri, Zingme, Google, Youtube, Facebook, Tweeter, Viber … đã trở nên quen thuộc với người sử dụng Internet ở Việt Nam.

Là một kho tàng kiến thức khổng lồ và môi trường kết nối toàn cầu, Internet đã làm tăng các cơ hội giáo dục cho mọi người dân, kinh doanh của doanh nghiệp và giao lưu giữa con người với con người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mà Internet mang lại thì các nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet hiện hữu và rất đa dạng.

Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng. Nguy cơ gián điệp mạng đã trở nên phức tạp, nguy hiểm. Tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang web là rất nghiêm trọng. Chúng ta cũng thấy hiển hiện nguy cơ sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại. Điều đáng tiếc là các thông tin này nhiều khi lại được đọc, chia sẻ và lan truyền, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt trong xã hội.

Tôi cho rằng Internet không chỉ là môi trường công nghệ, môi trường kinh doanh hay liên kết mà Internet còn là môi trường văn hóa, giáo dục rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách và góp phần định hình văn hóa nhân loại trong tương lai. Đây còn là một điều kiện quan trọng để tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm quyền dân chủ - tự do, quyền con người, quyền công dân trong một Nhà nước pháp quyền tiến bộ - tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Do đó, xây dựng môi trường Internet có văn hóa và giàu tính nhân văn là điều chúng ta phải cùng nhau hướng tới.

Tôi kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung. Hãy đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, có trách nhiệm và chia sẻ thông tin, hình ảnh, số liệu cũng với ý thức và trách nhiệm cao. Các “công dân mạng” hãy cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường Internet văn minh ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam hoan nghênh Ngày Toàn cầu vì Hòa bình và An ninh Internet với chủ đề Vì một môi trường Internet Tinh khiết và Trong sạch và đánh giá cao sáng kiến xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet do các chính khách, giáo sư của Diễn đàn Toàn cầu Boston khởi xướng.

Trong khi thế giới tiếp tục tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, xây dựng luật pháp quốc tế về an ninh Internet, thì Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet là rất cần thiết. Chúng ta - mọi người dân Việt Nam hãy cùng người dân thế giới chung tay xây dựng môi trườngInternet Tinh khiết và Trong sạch. Không truyền đưa, phát tán các thông tin độc hại, các thông tin chưa được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy; không dùng ngôn ngữ dung tục làm tầm thường hóa con người trong các bài viết, tranh ảnh, hay bình luận, trao đổi trên mạng. Các chuyên gia công nghệ thông tin cần nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho tội phạm công nghệ, không phát tán virus, không tham gia vào các hoạt động tấn công, khủng bố thông tin trên mạng… Chúng ta không chỉ nêu cao trách nhiệm, làm tốt ở trong nước mà cần tham gia vận động bạn bè thế giới qua kết nối Internet hưởng ứng sự kiện này.

Chính phủ Việt Nam khẳng định bảo vệ công dân, bảo vệ các tổ chức, các công ty, các thương hiệu của Việt Nam và của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trên Internet. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên mạng Internet; đồng thời sẵn sàng tham gia vào việc hình thành hệ thống pháp luật quốc tế về an ninh Internet, sử dụng các nguồn lực để tham gia ứng cứu quốc tế trên mạng khi cần thiết. Từ thực tiễn của mình, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cho việc hoàn thiện và áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức trên Internet.

Internet đang trở thành động lực phát triển nhưng Internet còn rất cần và phải trở thành môi trường Tinh khiết và Trong sạch.

NGUYỄN TẤN DŨNG

Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tin nổi bật