Quốc hội thông qua Luật An toàn thông tin mạng
Với 424 đại biểu tán thành (chiếm 85,83% tổng số đại biểu), sáng 19/11, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng.
Trước đó, vào sáng ngày 29/10, tại phiên thảo luận ở hội trường, đã có 12 đại biểu phát biểu ý kiến. Trước ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm những nội dung liên quan đến thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng vào nội dung Chương II dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bảo vệ thông tin riêng cũng như thông tin cá nhân là vấn đề thời sự không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Vì thế, nhiều quốc gia có các đạo luật riêng về vấn đề này.
Trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật An toàn thông tin mạng trình Quốc hội chỉ quy định các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nhằm đảm bảo thông tin truyền đưa trên mạng được nguyên vẹn, không bị gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại, được bảo mật tốt. Tuy trong dự thảo Luật không điều chỉnh vấn đề liên quan đến nội dung thông tin và thông tin riêng nhưng tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Điều 18 “cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân” đã được chỉnh sửa và quy định rõ tại các khoản của Điều này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội cần thiết lập kênh thông tin trực tuyến, xử lý các phản ánh của người dân về các vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, nội dung này đã được bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ thông tin cá nhân: “Thiết lập kênh thông tin trực tuyến để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân về vấn đề liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân”.
Về “Kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng” , có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin mạng không rõ ràng, khó hiểu và đề nghị chỉ có một loại giấy phép cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm an toàn thông tin; với mỗi loại dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin cần có điều kiện kinh doanh phù hợp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ quy định về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; gộp quy định về các giấy phép, giấy chứng nhận đối với các loại sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng để chỉ còn lại 1 loại giấy phép là Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng (Điều 40). Các quy định về Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đã được xóa bỏ, nội dung các quy định này đã được đối chiếu, lồng ghép vào các điều quy định về giấy phép. Như vậy, vấn đề cấp phép đã được đơn giản hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi chỉnh sửa, Luật an toàn thông tin mạng còn 8 chương 54 điều. Thông qua biểu quyết, có 424 đại biểu tán thành (chiếm 85,83% tổng số đại biểu), đồng ý thông qua Luật.
Nguồn: Bảo Hân/Báo Hànộimới