Tên miền ".vn" vẫn giữ ngôi đầu ASEAN
(ICTPress) - Nhân ngày Internet Việt Nam, hôm nay (19/11), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chính thức công bố Báo cáo tài nguyên Internet 2015.
Ấn phẩm Báo cáo tài nguyên Internet 2015 là bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của tài nguyên Internet Việt Nam năm 2015, cung cấp số liệu thông tin và phân tích về mức độ, tình hình đăng ký sử dụng tài nguyên Internet, qua đó phản ánh về hoạt động Internet và sự tăng trưởng của kinh tế Internet Việt Nam trên khía cạnh phát triển tài nguyên Internet.
Đây là lần thứ tư, VNNIC công bố Báo cáo tài nguyên Internet thường niên (kể từ Báo cáo tài nguyên Internet 2012). Tại ấn phẩm 2015, độc giả sẽ thấy sự tăng trưởng ổn định và bền vững của Internet Việt Nam qua các số liệu, chỉ số đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cũng như tên miền quốc tế sử dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó là các số liệu về địa chỉ IP/ASN và các chỉ số truy vấn, lưu lượng của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia, trạm trung chuyển lưu lượng quốc gia VNIX, thông tin hạ tầng kỹ thuật liên quan đượcthể hiện qua một số điểm nhấn quan trọng sau đây:
Đăng ký sử dụng tên miền “.vn” đứng đầu ASEAN
Tên miền “.vn” vẫn giữ vị trí đứng đầu khu vực Asean về số lượng đăng ký sử dụng và vị trí thứ 7 trong TOP 10 các quốc gia châu Á về số lượng tên miền cấp cao mã quốc gia. Không chỉ vậy, tên miền “.vn” tiếp tục có tỉ lệ tăng trưởng đăng ký sử dụng cao hơn tên miền quốc tế với khoảng cách ngày càng cách biệt.
Tính đến tháng 10/2015, Việt Nam có 335.794 tên miền không dấu và 926.065 tên miền tiếng Việt (TMTV).
Liên quan đến tên miền “.vn”, năm 2015 có một số sự kiện tiêu biểu như sau:
Ngày 18/8/2015, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, bao gồm: đăng ký, phân bổ, cấp, sử dụng, hoàn trả, tạm ngừng, thu hồi, giải quyết tranh chấp, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực Internet Việt Nam; quy định một số nguyên tắc mới trong quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
VNNIC triển khai chương trình thanh lọc các TMTV đã đăng ký nhiều năm mà không đưa vào sử dụng. Tính đến hết tháng 10/2015 tổng số TMTV đã bị thanh lọc trong diện này là hơn 187.000 tên miền, sự phát triển của TMTV đã dần đi vào thực chất hơn. Bên cạnh đó, tính năng tự gia hạn cũng được cung cấp cho chủ thể TMTV.
Đứng thứ 28 trên thế giới về nhiều địa chỉ IPv4
Với số lượng địa chỉ IPv4 là 15.758.080, Việt Nam giữ vị trí thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong khu vực Châu Á và đứng thứ 28 trong số các quốc gia có nhiều địa chỉ IPv4 nhất trên thế giới.
Đầu năm 2015, VNNIC chính thức triển khai chính sách cấp phát bổ sung IPv4 cho các tổ chức tại Việt Nam theo chính sách chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, trong giai đoạn cạn kiệt IPv4, mỗi tổ chức sẽ được xét cấp phát tối đa 2 khối /22, trong đó 01 khối địa chỉ IPv4 cấp phát từ khối 103/8 cuối cùng của APNIC và 01 khối xét cấp phát từ khối IPv4 do IANA tái phân bổ cho APNIC. Sau 6 tháng triển khai chính sách cấp phát bổ sung IPv4, VNNIC đã tiếp nhận và xử lý 52 yêu cầu cấp phát /22 từ khối địa chỉ do IANA tái phân bổ cho APNIC trong tổng số 89 đề nghị cấp IPv4.
Năm 2015 là năm kết thúc giai đoạn 2 (2013 - 2015) của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 với nhiều sự kiện diễn ra như hội thảo “Triển khai IPv6 cho mạng di động băng rộng” ;chương trình làm việc trực tiếp của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia với 07 doanh nghiệp/ đơn vị cung cấp dịch vụ trên 03 mảng di động, truy nhập Internet và nội dung số trên địa bàn thủ đô Hà Nội cũng như các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao về IPv6 cho cán bộ các cơ quan chuyên trách, ban ngành khối cơ quan trung ương và địa phương.
Bảo mật thông tin theo chuẩn quốc tế
Báo cáo tài nguyên Internet 2015 cũng phân tích các thông tin về Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) - hạ tầng kỹ thuật quan trọng hỗ trợ thúc đẩy phát triển Internet nói chung của Việt Nam với số lượng doanh nghiệp kết nối không ngừng tăng, số lượng cổng kết nối và lưu lượng trao đổi qua VNIX cũng tăng mạnh.
VNNIC đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý an toàn bảo mật thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001:2013 trong hoạt động quản lý vận hành trung tâm dữ liệu IDC và hệ thống DNS quốc gia “.VN” cũng như trong các hoạt động vận hành khai thác các hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ trọng yếu các quốc gia về Internet do VNNIC quản lý như hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, hệ thống đăng ký quản lý tên miền, cơ sở dữ liệu tên miền.
Trong năm 2015, VNNIC đã tiếp tục thực hiện các nội dung triển khai DNSSEC trên DNS quốc gia theo lộ trình Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) “.vn”. Song song với các công tác triển khai hệ thống thử nghiệm DNSSEC, phát triển các công cụ phần mềm hệ thống quản lý, cấp phát tên miền hỗ trợ DNSSEC cho hệ thống DNS quốc gia .VN; VNNIC cũng hoàn thành tổ chức 03 khóa đào tạo về DNSSEC cho các ISP, NĐK và các tổ chức, doanh nghiệp CNTT tại Hà Nội và TP. HCM nhằm hỗ trợ, xây dựng và chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, triển khai DNSSEC
Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức chuyên ngành
Năm 2015 là năm Việt Nam được nhiều thành công trong việc hợp tác về với các tổ chức quốc tế về Internet, VNNIC tăng cường thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp với một số tổ chức quốc tế chuyên ngành như Tổ chức quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia .RU của Nga, Trung tâm Thông tin mạng Nhật Bản (JPNIC), Trung tâm Thông tin mạng Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), Cơ quan Internet và An toàn mạng Hàn Quốc (KISA).
2015 cũng là năm đánh dấu chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của VNNIC. VNNIC đã từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu về cơ sở hạ tầng cũng như con người, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện xuất sắc công tác quản lý tài nguyên Internet, vận hành khai thác an toàn hệ thống máy chủ tên miền quốc gia – DNS, Internet, VNIX góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của Internet Việt Nam trong những năm qua.
Báo cáo tài nguyên Internet 2015 thực sự đã ghi dấu nhiều con số thống kê với các sự kiện quan trọng trong việc phát triển nguồn tài nguyên Internet tại Việt Nam trong năm 2015, đã đánh dấu quan trọng trong quá trình hội nhập công nghệ, ứng dụng tài nguyên Internet Việt Nam với thế giới song song với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một bước phát triển mới của Internet Việt Nam.
Minh Anh