Cần tăng cường giám sát thực thi pháp luật TT&TT tại địa phương

(ICTPress) - Nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Bộ TT&TT sáng nay (9/11) đã tổ chức gặp mặt cán bộ công chức, viên chức làm công tác pháp chế.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tặng lẵng hoa chúc mừng cho các cán bộ, viên chức làm công tác pháp chế của Bộ TT&TT nhân ngày Pháp luật Việt Nam 9/11/2015

Lực lượng làm công tác pháp chế chưa đảm bảo và phải kiêm nhiệm

Tại buổi gặp mặt, Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT đã báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế tại Bộ TT&TT, kết quả hoạt động công tác pháp chế năm 2015, và tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính trong 10 tháng năm 2015.

Ông Võ Thanh Lâm cho biết ngày 4/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định, với sự lãnh đạo của Bộ TT&TT, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các tổ chức pháp chế thuộc Bộ, và đội ngũ người làm công tác pháp chế, công tác pháp chế đã đạt được một số kết quả quan trọng trong phạm vi ngành TT&TT trên cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao một bước; tổ chức pháp chế từng bước được thành lập, củng cố, kiện toàn tại Bộ, Cục thuộc Bộ, Sở TT&TT và tại các doanh nghiệp nhà nước; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng được nâng cao; cơ chế phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các mặt công tác pháp chế giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, với địa phương và doanh nghiệp từng bước được xác lập…

Tuy đã có sự gia tăng về số lượng và chất lượng đội ngũ, nhưng ông Võ Thanh Lâm cũng thừa nhận năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, đặc biệt trong ngành TT&TT thì đòi hỏi ngoài kiến thức về pháp luật còn rất cần bổ sung kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực chuyên ngành TT&TT. Phân bổ chỉ tiêu và bố trí, cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách làm công tác pháp chế theo yêu cầu của Nghị định số 55 chưa đảm bảo và chủ yếu vẫn đang kiêm nhiệm.

Nêu một khía cạnh bất cập khác, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính VN (VNCERT) cho biết  một nhà cung cấp nội dung (CP) phải gõ cửa tới 3 nơi: Cục Viễn thông, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng như VNCERT khi muốn cung cấp một dịch vụ. "Với chủ trương của Chính phủ về thu gọn thủ tục hành chính, Vụ Pháp chế cần tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ tìm ra giải pháp khả thi, tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh".

Đẩy mạnh công tác phổ biến văn bản QPPL

Trao đổi tại Hội nghị này, các cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ cũng đã nhấn mạnh việc cần thiết đẩy mạnh công tác phổ biến văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Internet cho biết cần phải đẩy mạnh việc phổ biến các văn bản QPPL cho các chủ thể, người sử dụng có thể hiểu rõ các quy định bởi nếu các chủ thể hiểu không rõ thì giảm hiệu quả. Ví dụ như các cán bộ ở Sở TT&TT khi hiểu các văn bản đầy đủ thì mới có thể thực thi. Bà Hiền đề nghị Vụ Pháp chế trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Trung tâm và các đơn vị tổ chức Hội nghị để phổ biến chung các văn bản QPPL cho đúng đối tượng.

Trả lời về đề nghị này, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Vụ Pháp chế đã có kế hoạch tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản QPPL của Bộ trong năm 2016, sẽ tổ chức theo chuyên đề, như chuyên đề phổ biến các văn bản theo chuyên đề về CNTT, Viễn thông, Xuất bản, Báo chí… để các đối tượng cần phổ biến sẽ được mời tham dự thì sẽ có hiệu quả, và tác động nhiều hơn, tiết kiệm nhân lực và hiệu quả. Bà Hằng đề nghị các các đơn vị của Bộ gửi các nội dung QPPL muốn phổ biến sớm về Vụ Pháp chế.

Chia sẻ ý kiến đẩy mạnh phổ biến văn bản QPPL, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) cho biết đơn vị này có 8 trung tâm tần số VTĐ trên cả nước và các Trung tâm phối hợp chặc chẽ với các Sở TT&TT, thực hiện việc phổ biến QPPL tương đối chủ động, một năm từ 15 - 20 cuộc phố biến để cập nhật các văn bản mới để người sử dụng hiểu rõ các quy định QPPL.

Cục cũng đã tuyên truyền cho các đối tượng người nước ngoài quan tâm đến các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực do Cục quản lý qua email, hay trả lời câu hỏi của khách hàng gọi về Cục, duy trì trả lời trực tuyến. Hàng năm, Cục nhận được rất nhiều câu hỏi, các câu hỏi gửi đến các bộ phận liên quan, Cục trả lời ngay qua email, bà Hiền cho biết thêm.

Cho biết về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Vụ Pháp chế cho biết phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã tổ chức 40 Hội nghị phổ biến giáo dục, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các quy mô khác nhau, trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ như CNTT, viễn thông, bưu chính, tần số vô tuyến điện, xuất bản, chữ ký số và các văn bản pháp luật liên quan khác. Các cán bộ pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước chủ trì, phối hợp với các phòng ban chức năng của doanh nghiệp phổ biến, giáo dục pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho người lao động.

Tăng cường giám sát thực thi văn bản QPPL tại địa phương

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết các văn bản pháp luật cần phải hợp pháp, hợp hiến, nên Cục rất mong tiếp tục phối hợp với các Vụ, các Cục tham gia xây dựng các văn bản QPPL. Ngoài ra, cũng cần phải kiểm tra công tác thực thi văn bản QPPL tại địa phương, đào tạo tập huấn và cần phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TT&TT, Bộ Tư Pháp, Văn phòng Chính phủ.

Trong năm 2015, Vụ Pháp chế cho biết đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung của công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi pháp luật trong lĩnh vực TT&TT. Tuy nhiên, ông Võ Thanh Lâm cũng cho biết một bất cập của công tác pháp chế thời gian qua như xây dựng văn bản QPPL còn chậm, nhiều khi văn bản ra đời nhưng tính thời sự không còn, chậm hơn so với thực tế. Số lượng văn bản đăng ký hàng năm tăng nhưng hiệu quả và tỷ lệ hoàn thiện văn bản đúng hạn còn thấp. Công tác rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL chưa được công bố kết quả kịp thời, do đó gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi. Việc kiểm tra và xử lý các văn bản QPPL còn nhiều hạn chế như về kỹ năng kiểm tra và xử lý các văn bản có dấu hiệu trái phép luật, chưa có một hệ thống các CSDL về kiểm tra văn bản QPPL.

Ông Võ Thanh Lâm cho biết các ý kiến tại đề nghị sẽ được Vụ pháp chế quan tâm và đưa vào các kế hoạch công tác trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết những chia sẻ ý kiến thẳng thắn tại buổi gặp mặt này sẽ thúc đẩy công tác pháp chế của Bộ TT&TT tốt hơn trong thời gian tới, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Lãnh đạo Bộ TT&TT chia sẻ những khó khăn của các cán bộ làm công tác pháp chế của Ngành và sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để các cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ hoàn thành tốt công tác. Thứ trưởng cũng đề nghị các cán bộ chủ động chủ động đề xuất các kiến nghị liên quan và các khen thưởng để kịp thời động viên các cán bộ làm công tác pháp chế.

HM

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật