SOPA - Thảm họa mới của thế giới Internet?

SOPA, viết tắt của chữ Stop Online Piracy Act, là một dự luật đang bị tranh cãi ở Mỹ có thể khiến cho rất nhiều người dân và doanh nghiệp nước này phải nổi giận nếu nó được thông qua.

Chức năng của SOPA là chống lại nạn vi phạm bản quyền nội dung số như âm nhạc, phim ảnh hay trò chơi. "Động cơ" và nguồn gốc của dự luật này là Điều này hoàn toàn tốt nhưng cách mà SOPA hoạt động có lẽ không mấy "đẹp" chút nào bởi vì nó cho phép chính phủ Mỹ có quyền làm cho các website vi phạm bản quyền phải "biến mất" gần như hoàn toàn trong thế giới Internet, bất kể đó là website của quốc gia nào.

SOPA là gì?

SOPA là một trong hai dự luật về chống nạn vi phạm bản quyền đang được Quốc hội Hoa kỳ xem xét thông qua, tuy nhiên nó đang vấp phải rất nhiều lời tranh cãi cũng như phản đối từ các công ty công nghệ nổi tiếng như Google, Facebook, Twitter, Zynga, eBay, Mozilla, Yahoo, AOL và LinkedIn. Cách hoạt động của SOPA đó là: nếu phát hiện một website nước ngoài (có server đặt bên ngoài nước Mỹ) chứa hay có liên quan đến các nội dung vi phạm bản quyền thì vị Tổng chưởng lý (Bộ trưởng Bộ tư pháp - Attorney General) của Mỹ có quyền đệ đơn lên tòa án Mỹ để "xóa sổ" trang web đó. Xóa sổ ở đây có nghĩa là họ sẽ ngăn mọi truy cập của người dân Mỹ đến website vi phạm đồng thời loại bỏ những tài khoản thanh toán trực tuyến, tài khoản quảng cáo của website trên.

SOPA có thể làm gì?

Tóm lại, nếu như SOPA được thông qua thì bạn có thể nghĩ đến một viễn cảnh như thế này, đây là những điều mà chính phủ Mỹ có thể làm đối với các website vi phạm bản quyền:

- Ra lệnh cho các ISP thay đổi DNS để người dân không thể truy cập đến website đó: Website sẽ bị mất toàn bộ Traffic từ Mỹ.

- Ra lệnh cho Google thay đổi kết quả tìm kiếm, loại bỏ những kết quả dẫn đến website trên: Website sẽ trở nên "tàng hình" trên Internet. Không ai có thể biết đến website này thông qua bộ máy tìm kiếm.

- Ra lệnh cho cho các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán như PayPal phải vô hiệu hóa tài khoản giao dịch: Website sẽ gần như không thể giao dịch trên mạng, không thể có doanh thu.

- Ra lệnh các cho dịch vụ quảng cáo ví dụ như Google AdSense từ chối làm ăn với website trên.

Nếu SOPA được thông qua thì các dịch vụ như PayPal hay Google AdSenSe buộc phải tuân thủ theo các điều trên, họ phải khóa tài khoản của những website vi phạm trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được thư báo, trừ khi website đó phản hồi và hứa sẽ có mặt tại tòa án Mỹ.

Ai phản đối SOPA?

Chỉ có ngành dịch vụ phần mềm máy tính và dịch vụ điện toán trực tuyến ủng hộ dự luật SOPA mà Quốc hội Mỹ đang xem xét.

Bởi vì những hành động này của SOPA quá cứng rắn nên nó vấp phải những lời phản đối từ nhiều phía. Điển hình nhất là vụ một loạt các công ty công nghệ như Google, Facebook, Twitter, Zynga, eBay, Mozilla, Yahoo, AOL và LinkedIn cùng ký tên vào một lá thư gửi đến các thành viên chủ chốt của Thượng viện và Hạ viện Mỹ phản đối dự luật SOPA. Một đoạn trong đó nói rằng:

"Chúng tôi ủng hộ mục đích cuối cùng mà SOPA nhắm tới đó là nhằm ngăn chặn các website có hành vi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, bản dự thảo này sẽ đặt các công ty công nghệ và Internet tuân thủ Pháp luật của Mỹ vào những tình thế hành động khó khăn, không chắc chắn. Thêm vào đó nó còn gây rủi ro nghiêm trọng đến lộ trình phát triển của giới công nghệ, công ăn việc làm cũng như gây rủi ro cho cả nền an ninh mạng của toàn quốc gia".

Trong khi đó, Nghị viện Châu Âu thì lại có cách giải thích dễ hiểu và "toàn dân" hơn: "Chúng ta cần thiết phải bảo vệ tính toàn vẹn của nền Internet toàn cầu, bảo vệ quyền tự do Internet và tự do truyền thông". Còn theo như lời của Nghị sĩ Nancy Pelosi, người đứng đầu Hạ viện Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ, nói trên Twitter thì: "Chúng ta cần phải tìm một giải pháp khác tốt hơn SOPA".

SOPA có thể bị lạm dụng

Bên cạnh những phiền toái mang tính toàn cầu mà nó gây ra, SOPA còn có thể bị lạm dụng như là một công cụ để cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty. Ví dụ như ở mục 104 của SOPA có ghi rằng các ISP được quyền tự mình khóa các website có chứa nội dung vi phạm bản quyền mà không cần chính phủ phải thông báo.

Đọc đến đây có lẽ bạn đã phần nào hiểu được mấu chốt của một vấn đề đang tiềm ẩn. Lấy ví dụ như Comcast, một công ty ISP lớn của Mỹ và là chủ sở hữu của NBC, một website mạng truyền hình thương mại ở Hoa Kỳ. Nếu SOPA được thông qua thì không gì có thể ngăn được việc Comcast có quyền khóa các website chia sẻ video khác nằm ở nước ngoài đang cạnh tranh với NBC, bằng cách viện lý do website đó đang vi phạm bản quyền. Được biết, Comcast là một trong những công ty đang ủng hộ dự luật SOPA.

Tuy nhiên, ta cũng có thể thấy SOPA là một vũ khí lợi hại của các nhà cầm quyền Mỹ. Khi mà những người nắm giữ bản quyền nội dung không thể lôi các website nước ngoài đến tận tòa án Mỹ thì SOPA sẽ giúp họ "xóa sổ" website đó trên mạng Internet, ngăn các truy cập cũng như cấm cửa nhiều con đường làm ăn họ.

Tình hình hiện nay của SOPA

Cách đây 2 tuần, một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp đã được mở ra để các bên có thể tranh luận về những sửa đổi trong dự luật, đây cũng là nơi ủy ban sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định xem có đưa SOPA đến Hạ Viện hay không. Vào thời điểm đó, có vẻ như ngài Chủ tịch hội đồng, ông Lamar Smith có thể sẽ tiến hành một buổi bỏ phiếu êm thắm nhưng đại diện các bên phản đối SOPA đã lên tiếng yêu cầu ủy ban phải mời những chuyên gia công nghệ đến để họ đánh giá mức độ ảnh hưởng của SOPA đến nền Internet toàn cầu. Còn hiện tại thì ủy ban mới chỉ nghe những lời lẽ từ các đại diện của ngành công nghiệp mà thôi. Buổi điều trần đã diễn ra gần 12 giờ đồng hồ vào thứ 5 tuần rồi và kéo dài thêm nhiều giờ nữa vào thứ 6 hôm sau trước khi nó đột ngột bị hoãn lại và ông Smith hứa sẽ mở một cuộc điều trần thứ hai vào thời gian sớm nhất. Có thể nó sẽ diễn ra vào đầu tháng 1 năm sau.

Trong lúc đó, một Nghị sĩ khác là Darrell Issa, người đứng về phía phản đối SOPA sẽ nhân cơ hội này để đẩy mạnh một đạo luật chống đối SOPA có tên là OPEN. Đạo luật này sẽ phản đối việc chính quyền yêu cầu các ISP phải thay đổi DNS để ngăn không cho người dân truy cập đến các website vi phạm. Tuy nhiên, không phải OPEN ủng hộ việc vi phạm bản quyền bởi vì nó vẫn muốn chính quyền cắt đứt mọi phương tiện thanh toán của website vi phạm trên.

T.T

Theo Infonet/CNet, BusinessInsider, TheVerge

Tin nổi bật