Chuyên gia nước ngoài tư vấn “mẹo” cổ phần hóa DN viễn thông
(ICTPress) - Nhiều kinh nghiệm về cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông đã được các chuyên gia từ Tập đoàn Axiata Berhard Malaysia, edotco, Công ty tư vấn Winsor chia sẻ tại “Hội thảo cổ phần hóa doanh nghiệp Viễn thông nhà nước: Bài học kinh nghiệm từ Malaysia và ASEAN” vừa được Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/7.
Tại Hội thảo ông Annis Sheikh Mahamed, Giám đốc phát triển Tập đoàn Axiata Berhard Malaysia cho biết khái niệm cổ phần hóa gồm một quá trình, có thể gọi là cổ phần hóa, tư nhân hóa hay chương trình đối tác công tư (PPP) nhưng mục tiêu chính vẫn là tạo cách thức để cung cấp dịch vụ công tốt hơn qua quá trình hợp tác công tư.
Trong quá trình cổ phần hóa có sự chuyển đổi rủi ro từ nhà nước sang tư nhân, để khu vực tư nhân nhận sự chuyển đổi này cần có sự khuyến khích bằng doanh lợi thu được, mục tiêu có cân đối rủi ro và nguồn lợi có được, khuyến khích có được dịch vụ xứng đáng “đồng tiền bát gạo”, phù hợp với tiêu chí ban đầu, ông Mahamed bắt đầu trình bày các chia sẻ mà ông cho hay là các "mẹo" cổ phần hóa.
Quá trình cổ phần hóa không dễ dàng, bởi theo ông Mahamed, dịch vụ công thực tế đã đối lập lợi ích thương mại nên khi quản lý dịch vụ công Nhà nước muốn duy trì sở hữu, kiểm soát, và đảm bảo lợi ích công với kế hoạch thương mại. Việc nhà nước luôn luôn kiểm soát dịch vụ công đôi khi xóa nhà lợi ích thương mại nên khu vực tư nhân gặp khó khi nhận rủi ro trong tiến trình cổ phần hóa.
Để đạt lợi ích của hai bên khi tham gia cổ phần hóa, ông Mahamed cho hay đối với khu vực tư nhân thì cần phải có cơ chế cho khu vực này hiểu được dịch vụ công được cung cấp vẫn chịu sự sở hữu và kiểm soát của Nhà nước và đổi lại khu vực này phải nhận được giá trị doanh thu nào đó và vẫn tạo ra giá trị về mặt dịch vụ công nhà nước mong đợi. Về phía chính phủ, chính phủ cũng phải đảm bảo rằng để có dịch vụ công tốt hơn thì cần có một giao kèo hoán đổi vì đã trao rủi ro cho khu vực tư nhân, có thể theo hình thức hợp đồng. Cần có một điểm cân bằng không chỉ về mặt tài chính, rủi ro, nguồn lợi thu được mà còn cân bằng về cơ chế chính sách, điều hành doanh nghiệp, tức là cho phép doanh nghiệp sau cổ phần hóa có được mức độ linh hoạt để tiến hành những quyết định về mặt thương mại phù hợp với mục đích ban đầu ban đầu đặt ra đó là tạo ra thị trường cạnh tranh, hiệu quả.
Thành công về cổ phần hóa cần có sự cân bằng về nhận thức giữa khu vực tư nhân và khu vực công, mục tiêu của cả hai bên, ông Mahamed nhấn mạnh.
Theo đó, ông Mahamed đã phân tích rõ cần có chính sách tập trung đạt sự minh bạch, ổn định về chính sách cho khu vực tư nhân - “luật chơi” phải được đưa ra từ ban đầu và có tính ổn định. Ví dụ như kiểm soát ngoại hối, hay chính sách chuyển thuế lợi nhuận ra nước ngoài, giảm thiểu sự thay đổi đột ngột, cạnh tranh cần sự cân bằng xem tiếp nhận của thị trường có tiếp nhận được không, mức độ cạnh tranh là bao nhiêu, điều này liên quan đến chính sách, địa điểm nhà máy…, số lượng giấy phép. Chẳng hạn về giấy phép nhiều quốc gia khi thấy thị trường viễn thông thu lại tiền nhanh chóng và cấp nhiều giấy phép khác nhau dẫn tới cạnh tranh khốc liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển của Ngành. Do vậy, cần có độ linh hoạt, cân bằng giữa các lợi ích liên quan đến chất lượng dịch vụ, mức độ phủ sóng, lượng tiền đầu tư…, giữa khu vực công và tư nhân.
Công việc tiếp theo, ông Mahamed cho rằng cần xác định vai trò của các đối tác, cụ thể nhà đầu tư chiến lược. Có rất nhiều cách xác định vai trò nhà đầu tư như xác định qua sở hữu, qua quản lý, hoặc kết hợp cả hai hình thức này. Từ đó, các nhà đầu tư chiến lược có thể biết vai trò để tham gia vào quá trình ra quyết định, đường hướng phát triển của doanh nghiệp mà mục tiêu là đạt tính hiệu quả của thị trường.
Khu vực tư nhân cũng phải hiểu được có vai trò của mình trong cung cấp dịch vụ công. Chính phủ muốn bảo vệ lợi ích công thì không chỉ tiến hành qua nắm giữ lượng cổ đông đa số mà còn tiến hành qua một loạt bước khác nhau. Mục đích của Chính phủ muốn giảm dần vốn góp của Chính phủ nhưng vẫn muốn đảm bảo cung dịch vụ tốt thì vẫn phải nắm giữ một phần kiểm soát thông qua việc có những người đại diện, thành viên giám sát của của Chính phủ tại công ty được cổ phần hóa với cổ phiếu đóng chi phối là 49 - 50%. Việc vận hành doanh nghiệp được giao cho Tổng giám đốc, đội ngũ chuyên nghiệp tập trung vào quản lý. “Đây là mô hình hoạt động chưa dám khẳng định là tốt nhất nhưng hoạt động hiệu quả ở Malaysia”, ông Mahamed cho biết.
"Điều quan trọng là có được sự thấu hiểu khu vực công và tư nhân, sự cân bằng mục tiêu giữa các bên, sự linh hoạt trong quá trình thực thi cổ phần hóa mà vẫn thương mại hóa hoạt động doanh nghiệp", ông Mahamed nhắc lại và nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết về cổ phần hóa, ông Scott W Minehane, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Winsor nêu rõ cơ quan quản lý có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cạnh tranh và minh bạch hóa thị trường viễn thông và ông đưa ra một câu trích dẫn mô tả về cổ phần hóa như là: “cuộc “hôn nhân”, kết quả để làm thế nào để có những đứa con. Đó thực sự là quá trình thay đổi cuộc sống của mình”.
Để thực hiện cổ phần hóa, ông Scott W Minehane cho rằng phải có kế hoạch mà kế hoạch được phản ánh qua câu trích dẫn: “chất lượng cổ phần hóa không phải ngẫu nhiên mà cần sự tập trung cao độ, nỗ lực chân thành, các định hướng thông minh không ngoan, thực thi khéo léo, sự lựa chọn các đáp án khác nhau”.
Chia sẻ về hiệu quả cổ phần hóa ở Malaysia, bà Rema Devi Nair, Chuyên gia tư vấn của Giám đốc điều hành Tập đoàn edotco đã cho biết từ ngày 7 - 9/8/2015, Malaysia sẽ tổ chức tổng kết 10 năm tiến hành tổng kết quá trình 10 cổ phần hóa của 20 công ty nhà nước. Thông tin ban đầu về kết quả của quá trình cổ phần hóa này theo bà Rema là khả quan. Vốn hóa thị trường tăng gấp 3 lần, 133,8 tỷ Ringgit vào tháng 5/2004 và tăng tới 431 tỷ Ringgit cho tới tháng 4/2014. Trong 10 năm qua, 20 công ty này tham gia đầu tư ở 42 quốc gia.
Theo bà Rema nhìn lại bài học của quá trình cổ phần hóa ở Malaysia có 3 thông điệp là: quá trình cổ phần hóa không phải là quá trình tự thân mà là sự chuyển biến của hệ thống, cần có khung thể chế để hỗ trợ các công ty, ngành và đây là quá trình biến đổi tạo làn gió mới một cách thường xuyên liên tục trong quá trình sáng tạo và tự sáng tạo diễn ra một cách liên tục. Đây là những yếu tố đảm bảo lợi ích tối đa thu được từ quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa
Tại Việt Nam, chính phủ đang rất quyết liệt trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu của giai đoạn này là cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước, riêng trong năm 2015 sẽ cổ phần hóa hơn 200 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông. Mặc dù bị áp lực về thời gian, tuy nhiên, Bộ TT&TT chủ trương không cổ phần hóa bằng mọi cách, mà mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp Viễn thông vẫn là tìm được các nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo việc tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp đúng với Quy hoạch phát triển viễn thông của Việt Nam đến năm 2020, hình thành được 3 - 4 Tập đoàn, Tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa… từng bước làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.
HM