Thú vui đọc sách
Đố biết kỳ nghỉ Noel Tết Tây này có bao nhiêu người mua sách làm quà? Một câu hỏi quá khó nhưng có thể ước đoán được tỉ lệ. Mỗi cuốn sách in khoảng 1000 bản.
Cuốn sách "Mùa Giáng sinh diệu kỳ" của Nhà xuất bản Kim Đồng |
Một năm 10.000 đầu sách tức có 10.000.000 bản sách. Cứ cho là sách bán hết thì cứ 9 người dân có 1 người mua 1 cuốn sách trong 1 năm. Nếu mua một cuốn thì khó mà mang làm quà. Kết luận: Các nhà sách không nên kỳ vọng ở thị trường “tiềm năng” này và chính cô cũng đừng chờ có ai tặng sách. Bức tranh xám xịt và ảm đạm.
Chẳng nhẽ không còn “một mống” nào ưa đọc, có thú vui đọc sách nữa ư? Xin thưa: Nếu vào các hiệu sách sẽ thấy rất nhiều thanh thiếu niên ở lỳ trong phòng lạnh “đọc chùa” tranh chuyện, sách giáo khoa, tham khảo và tiểu thuyết, sách tranh, sách ảnh… Tức là bởi giá sách vẫn còn cao và dân nghèo nhà chật không có chỗ đọc. Lại còn có CLB sách chơi cả sách cũ/cổ lẫn giới thiệu sách mới. Các báo, tạp chí nhất loạt có mục điểm sách cuối tuần, thậm chí hàng ngày. Cà-phê sách, hội sách, phong trào tủ sách gia đình (như tủ thuốc!), tủ sách dòng họ (của các họ giàu truyền thống thi thư!), hội chợ sách, họp báo, ra mắt sách có tác giả ký tặng, v.v và v.v… các kiểu mọc lên như nấm. Người làm sách tất bật, vất vả, dấn thân từ các nhà sách, các Cty truyền thông dịch sách, lo bản thảo liên kết và vô số các “nhà” thơ/văn/báo và cả nội trợ lẫn hưu trí tự bỏ tiền in các trước tác của mình phát hành ngoài phố và trên mạng... Nhìn ở phía tích cực này chị em ta phải tin rằng dân Việt ta vẫn là người yêu sách.
Dù cái hiện thực mà cụ Tú Xương than thở: “Cô hàng bán sách lim dim ngủ - Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi” đang trở lại hiện thực hơn bao giờ hết, nhìn lại ta vẫn thấy thời ấy sách bổ ích và dân trí được nâng cấp khá nhiều (giao thời cựu học sang Tây học, bút lông sang bút chì). Phải chăng trong lòng thị trường sách và văn hóa đọc đang có biến đổi chuyển hướng tương tự về chất và cấp độ? Cái in nhiều, ế là cái người ta không muốn/cần đọc. Mỗi người yêu sách thuộc các nhóm nhỏ khác nhau chỉ tìm đọc cái mình cần/muốn? Người đọc phân hóa cao khiến các nhà sách, tủ sách, dòng sách, loại sách, chủ đề, khung giá bán… phân hóa cao theo là đáng mừng quá chứ! Lại có các dự án phi lợi nhuận như tìm người có giọng hay đọc sách mình cho là hay rồi ghi đĩa tặng cho các trường, cho vùng sâu/xa, cho người khuyết tật… để nhóm lên niềm vui đọc sách.
Cô hãy vào vài hiệu sách xịn ở thành phố lớn. So với thời ham chơi/học của chúng mình rồi thời chép thơ vào sổ tay, cùng cuốn “Bông hồng vàng” hay “Thép đã tôi..” vào balô ngày nhập ngũ thì quả là thiên đường trong mơ: Sách đẹp và nhiều hơn bao giờ hết. Sách tranh, sách ảnh, sách nói, sách in, sách bìa cứng bìa mềm, sách to, sách bỏ túi, sách dịch và sách tra cứu, sách giải trí và sách học làm người, làm giàu, chăm con, dạy trẻ, dưỡng da, tập thở, tập chơi golf và chơi ô-tô, xem tướng số và xem phong thủy… miên man bất tận, đi cả buổi mỏi gối chồn chân không hết các đại lộ sách lộng lẫy dưới ánh đèn êm dịu. Vậy mà chẳng ai mua sách tặng ai, “buồn vương cây ngô đồng”! Hai mặt trái/phải, tối/sáng của “văn hoá đọc” thời nay quá mâu thuẫn.
Hãy tắt tivi đi, cả dàn âm thanh nữa, khép cửa vào nếu ngoài đường ồn quá, hãy dẹp mấy cuốn tạp chí chân dài hở ngực hở đùi, tóc vàng hàng hiệu… đi. Hãy ngồi bên cửa sổ mùa thu gió hây hây, gác chân lên một cái ghế nữa càng tốt, hoặc gieo mình lọt thỏm xuống sô-pha êm gót chân cao bằng vai, hoặc nằm duỗi dài toàn thân, kê thêm một cái gối lên bụng, hoặc vào toilet cho thật riêng tư, hoặc chui vào chăn, trùm kín đầu rọi một cái đèn sáng đủ độ, hoặc ra vườn đung đưa trên võng dưới bóng cây bên một tách trà, ly càphê dự trữ, hoặc ngồi nghiêm vào bàn học/làm việc, thẳng người thẳng lưng cùng một cuốn sổ ghi chép và bút chờ sẵn… và mở sách ra!
Cái thú nhất trần đời “cuộn chăn đọc Tam Quốc” ngang cái thú “sống ở trên đời ăn một miếng dồi chó” thời xưa chắc chắn vẫn còn trong mỗi người hôm nay đó cô ơi. Củi than còn đây, không khí có thừa sao không nhen nổi ngọn lửa vui đọc sách?
Đố biết phải nhen ngọn lửa vui này bằng cái gì? Bằng sự độc lập, nghĩa đen là sự một mình. Biết/dám/thích/có cái sự một mình thì thú vui đọc sách sẽ sinh sôi.
Rõ là bà chị tự mâu thuẫn, bởi chính nó - sự độc lập/một mình là thứ quý hiếm/khó kiếm nhất thời nay.
Nguyễn Bỉnh Quân
Báo Lao động Cuối tuần