“Biển của mỗi người” - Tản văn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư
(ICTPress) - “Biển của mỗi người” là tập tản văn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được Nhà Xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Với quan sát tỉ mẩn, tinh tế, 21 tản văn trong cuốn sách là những lời thủ thỉ, những trăn trở suy tư của Nguyễn Ngọc Tư về cuộc đời, về thế sự và về nghiệp viết.
Văn của Nguyễn Ngọc Tư buồn. Không buồn sao được khi tâm hồn chị quá ư nhạy cảm. Một lọn tóc rơi cũng khiến chị nghĩ về “cái cách người ứng xử với người”, để ngộ ra “cách yêu thương những gì thuộc về mình” (Tóc nào hãy còn xanh).
Hai người bạn vong niên chơi với nhau dù chẳng cùng chung sở thích nào cả, hai ông bạn già thân quý nhau bởi giống nhau duy nhất ở điểm, họ đều “sợ hãi cái không khí Tết, khi mà sự gặp gỡ, sự trở về của mỗi người đều soi chiếu, nhắc nhớ tới sự cô đơn”. Một dịp Tết, anh bạn trẻ khuyên ông bạn già đến nhà ông bạn già kia chơi, nhưng ông bạn già ấy lại về quê, hết Tết mới ra. Ông già không biết tìm bạn ở nơi nào, bởi không biết quê quán của bạn ở đâu. Hóa ra, mỗi người đều có một vùng không gian thăm thẳm, chẳng ai chạm thấu, mỗi người đều “sống với biển của mình của mình, lâu tới mức, lúc cần tìm người, họ hoàn toàn mất dấu tích của nhau”.
Câu chuyện giản dị mà Nguyễn Ngọc Tư kể trong “Biển của mỗi người” gợi lên trong lòng người đọc một nỗi buồn se sắt. Trong cuộc đời quá xô bồ này, “khi mà cuộc sống ngày càng khắc nghiệt và lạnh lẽo, vô chừng”, con người ta dường lạc mất nhau, không chỉ vì xa xôi cách trở đường đất, mà còn vì chúng ta luôn nghi ngờ lòng tốt của một người dưng, vì khoảng cách giữa hai tâm hồn (tưởng chừng thân thiết) dường như quá lớn…
“Buồn” dường như là cái “tông” cố hữu của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng trong “Biển của mỗi người”, ta còn thấy một Nguyễn Ngọc Tư hóm hỉnh đầy chất “u-mua”. Ai có thể không bật cười (để rồi sau đó là cảm giác xót xa) khi chị nói về chương trình quà tặng âm nhạc trên radio: “…suốt chương trình, là những lời nhắn mang nhiều sắc thái khác nhau, tình cảm như “em vẫn yêu anh” với bài hát “Em đi bỏ mặc con đường” (?!); thắm thiết như “cảm ơn anh đi cùng và che chở cho mẹ con em” với bài hát “Hẩm hiu một mình”(?!); hồn nhiên như “mong được làm quen với các bạn yêu nhạc gần xa, các bạn có cùng sở thích nghe nhạc buồn, yêu màu tím về số điện thoại 09xxxx”, ngay sau đó radio vang lên đoạn nhạc dạo “Mắt nai cha cha cha”(?!).”
Văn của Nguyễn Ngọc Tư buồn, nhưng không phải là cái buồn ủy mị, ủ dột mà là cái buồn đầy nhân văn, vị tha “bởi nghệ sĩ chẳng bao giờ lại nhẫn tâm gây đau cho đồng loại của mình”. Cái buồn đánh thức “chất người”, khiến ta biết để lòng quan tâm hơn tới những người thân, và cả những mảnh đời bất hạnh xung quanh. “Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình. Như sau tàn tro, là vẻ đẹp lộng lẫy của đá.” – Nguyễn Ngọc Tư đã tâm sự như thế trong “Sỏi đá buồn tênh”.
Trong muôn vàn nỗi buồn về nhân tình thế thái, đôi khi ta cũng thấy lấp lánh niềm vui, về “sự thân ái, yêu thương, đồng đẳng giữa người và người”. Chỉ cần ta mở lòng, không e ngại kết nối với thế giới bên ngoài, giống như bà mẹ có đứa con thiểu năng trí tuệ trong “Những thiên thần mắc đọa” đã vượt qua mặc cảm, lòng kiêu hãnh, chủ động để đứa trẻ giao tiếp với mọi người, thế giới của hai mẹ con chợt bừng sáng, rạng rỡ như mặt trời buổi sớm mai.
Là người ưa xê dịch, Nguyễn Ngọc Tư chịu khó đi, chịu khó ghi chép, nghiền ngẫm. Đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, ta bắt gặp những cảm xúc trong trẻo vô ngần của một người “biết khao khát, tìm kiếm và trải nghiệm” những vẻ đẹp bình thường, quen thuộc. Để rồi, người đọc phải tự nhắc nhở mình, hãy luôn trong “trạng-thái-sống” để hòa nhịp được với “cảm giác tan đi dưới dàn đồng ca rền rĩ, buốt nhức của những con ve mùa hạ, lẫn trong nó là cái âm thanh trong lẻo thanh thoát của dòng nước chảy lỏn lẻn qua khe đá. Và gió và nắng, chúng lung linh, sống động đến nỗi, ở trong nó người ta không bắt kịp bằng tất cả các giác quan của mình.” (Khúc hát lên đường).
Bảo Ngọc