Sống tích cực, để không hối tiếc về tương lai!

(ICTPress) - “Thái độ sống phải đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được, và tự thân rèn luyện."

Ảnh minh họa: Internet

Nếu có ai hỏi em? Tại sao em có được như ngày hôm nay...!

Em sẽ tự tin trả lời, đó là thái độ sống tích cực, tin tưởng vào ngày mai, chấp nhận hoàn cảnh, đấu tranh với sóng gió cuộc đời, không được gục ngã khi gặp khó khăn và được rèn luyện qua một quá trình, nó không phải là ngày một ngày hai mà có được.

Cuộc sống là một hành trình, cố gắng bước đi, trải nghiệm để dần lớn khôn từ đó mới thấm thía được mùi vị của cuộc đời. Ở đó đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ là mồ hôi, công sức mà tận sâu trong đáy lòng là thái độ đối mặt với cuộc sống, thất bại để rồi đứng lên, không dừng chân ở ngã ba cuộc đời, tự tìm cho mình một lối rẽ riêng, khi bạn sợ hãi một điều gì đó hãy đi xuyên qua nó, đừng từ bỏ, đừng chần chừ... Hãy quyết định hành động dựa trên thái độ tích cực kiên định.

Câu chuyện về người ăn xin mà em được đọc, đã để lại trong em nhiều bài học và một lần nữa giúp em nhìn rõ hơn con đường mà em đã và đang đi, cân nhắc suy nghĩ kỹ hơn về định hướng tương lai của bản thân mình.

Cảm ơn câu chuyện đầy ý nghĩa trên, câu chuyện là dịp em được lật lại từng trang nhật ký mà em đã trải qua có đắng cay, có vui buồn  lẫn lộn, vẫn còn ngự trị trong cuộc sống của em:

Còn nhớ hành trang đầu tiên của một cô bé thôn quê, nước da đen với giọng địa phương cùng với bốn mươi ngàn đồng mẹ gửi cho con đi đường uống nước, chỉ bấy nhiêu đó thôi em đã xa nhà, xa cuộc sống bình yên ở thôn quê, để bước vào cuộc sống náo nhiệt nơi Sài Thành.

Đất Sài Gòn lạ nước, lạ nhà, công việc đầu tiên của em là giúp việc nhà ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới của tuổi mười lăm. Gác lại chuyện học tập, gác lại sự hồn nhiên của con trẻ, thay vào đó, em vác trên mình gánh nặng gia đình, giúp Cha Mẹ kiếm tiền nuôi  hai em ở quê nhà heo hút, gió lào cát trắng, chan đầy nước mắt.

Cuộc sống của em lúc ấy làm bạn với công việc nhà, chợ búa, nội trợ cho Cô chủ để rồi niềm khao khát cháy bỏng được mặc bộ đồ học sinh đi học, là niềm ước ao khi chợt ngó nhìn các bạn cùng trang lứa được Bố Mẹ  đưa đón khi tan trường, chan chứa tình cảm! Thèm lắm cảm giác được đi học, được tung tăng cùng bạn bè rong ruổi  như ngày xưa còn ở với Cha mẹ, lòng chợt thắt lại, giọt nước mắt tủi hờn của cô bé tuổi mười lăm, đã xây dựng cho em quyết tâm, phải đi học lại .! Nhất định là thế...

Lòng rạo rực, suy nghĩ trong đầu là được trở lại trường học như ôm lấy em trong mấy tuần liền, để rồi mạnh dạn thưa với Cô Chủ cho em đi học lại, dù có phải làm việc nhiều đến đâu em cũng  xin chấp nhận hết. Đáp lại là sự hờ hững, lơ đi của người lớn khiến con trẻ đau thắt lại. Trong đầu em lúc ấy tự tra vấn với bản thân mình “ Không...! mình sẽ làm được, mình sẽ đi học lại, chỉ có con đường học vấn mới giúp được Cha Mẹ”.

Với bao nhiêu sự quyết tâm, sự dứt khoát trong suy nghĩ, em đã vượt qua nỗi sợ hãi và đối diện với ước vọng của em với Cô Chủ, rồi kết quả cũng được đáp trả lại “ Em được đi học”. Niềm vui vỡ òa trong em. Dù rằng việc học của em lúc ấy còn ràng buộc với những  điều kiện vô hình  khác nữa, công việc nhà hàng ngày của em lúc ấy bắt đầu làm từ 5h sáng tới 10h đêm mới hết việc, giờ đây lại thêm việc học nữa, quả là khó khăn.

Khi mọi người chìm vào giấc ngủ thật sâu, xa xa trong màn đêm là ánh đèn nhỏ nhoi dưới gác xếp ấy lẻ loi với từng con chữ đầu tiên sau một năm trời không được đi học, một ngôi trường mới dù rằng không có tiếng như mọi người thường khoe với nhau trường chuyên, trường năng khiếu, trường làng. Lúc ấy ngôi trường em học với tên gọi là Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Quận 3 và hàng ngày vẫn chiếc xe đạp cũ bị bỏ quên trong nhà kho, được em sử dụng đi học mỗi ngày. Cảm giác của em lúc ấy thật hạnh phúc khi được đi học ...! Ngập tràn hạnh phúc...

Một chặng đường dài, những con dốc đầu tiên em đã vượt qua cùng với sự miệt mài, phải đối mặt với thử thách, không đầu hàng trước con sóng cuộc đời .

Bước qua bốn năm tại ngôi trường đời, ba năm ở ngôi trường kiến thức là kết quả mà em gặt hái được. Nhưng đằng sau đó là chuỗi ngày cặm cụi tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi giặt quần áo, ủi đồ, khi quét nhà, đi chợ cũng giấu quyển sách dưới đống rau, dưới đống quần áo len lén nuốt từng con chữ cho ngày mai... Có những hôm đi học, quyển tập vẫn còn lem mực vì rơi vào chậu quần áo có khi rơi vào bồn rửa chén khi lén học bài, để rồi niềm vui được đền đáp khi em được đi học, chỉ cần vậy thôi là em vui rồi.

Mùa tốt nghiệp cấp ba đã tới, khi tất cả mọi người háo hức nộp hồ sơ thi đại học, với bao ước mơ làm Bác Sỹ, Công An, Giáo viên... Em ngồi đó lặng tờ và câm nín khi nghe người lớn nhắn nhủ em “Học bổ túc, thì làm sao đậu đại học được, thi đại học khó lắm”. Đắng ngắt ở cổ họng, nước mắt ướt hết quyển tập còn cầm trên tay, khi nhớ như in câu nói ấy, em như nuốt từng con chữ. Có người nghĩ em sẽ buông xuôi...! Có người nghĩ em chỉ học tới đây thôi.

Ánh  mặt của mẹ, nụ cười phúc  hậu của cha là động lực lớn để con bước đi và tạo động lực cho con đứng lên và đi tiếp. Đứng dậy rồi đi, rồi mò mẫm những bài báo về những tấm gương nhà nghèo học giỏi cắt dính chúng vào một cuốn sổ tay nhỏ với những dòng nhật ký vẫn còn y nguyên “Không thể để ai khác sống thay chính cuộc đời mình được, cuộc sống của mình chỉ do bản thân quyết định, ai cũng chỉ có một lần để sống...! Hãy làm hết sức mình”

Động lực trỗi dậy, thái độ sẵn sàng đương đầu với thử thách mới, người thua cuộc là người bỏ ngang chừng, còn nhớ từng khoảnh khắc khi còn là học sinh lớp 12 với những mẫu giấy nhỏ ghi đầy con chữ nhét vào túi quần, em đã quyết tâm giành được giải 2 cấp thành phố môn lịch sử, giờ đây khó khăn mới chỉ bắt đầu thôi, hãy cảm ơn khó khăn vì nhờ nó mà em thêm cứng cáp hơn.

Để rồi em cũng vượt qua vũ môn thi cử, cổng trường đại học đã dang rộng vòng tay chào đón em, sau những ngày tháng thức khuya dậy sớm cùng với những ly trà đặc và nụ cười hóm hỉnh khi nhớ lại những ngày ngủ vùi với con mèo ở xó bếp .

Tất cả ký ức gói trọn lại bằng hai chữ “Hạnh phúc”...!

Là con gái đầu, là chị lớn của một gia đình nông dân nghèo, em đã tự ý thức được cần giúp Cha Mẹ và em trai ở quê nhà, ngày ấy em đã tranh thủ làm thêm khi còn được giãn cách tiết học ở lớp, ban chiều lại đi làm giúp việc nhà để giành tiền trang trải học phí.

Một chữ tình nặng, sâu lắng ở tâm hồn của em lúc ấy là giúp em trai có một “chiếc chân” để đi lại như bao nhiêu đứa trẻ khác, để rồi lại một lần nữa con đường học vấn của em dang dở, em đã gác lại một năm học và đi làm thêm để thực hiện được ước mơ cho em trai. Có nhiều bạn bè nghĩ rằng em sẽ không quay lại trường học nữa.

Nhưng những ngày đi làm thêm, đi phát tờ rơi, dọn dẹp vệ sinh ở công ty lại rèn giũa được tính cách của em, khó khăn chỉ làm cho con người trưởng thành hơn và thái độ sống là kim chỉ nam định hướng cuộc đời.

Về lại mái trường Đại học sau một năm trời lặn lội đi làm thêm được đáp trả bằng nụ cười hạnh phúc khi nhìn thấy em mình có được “chiếc chân” để đi lại, được đến trường như bao bạn bè bình thường khác và ánh mắt long lanh hạnh phúc khi em trai đã đậu hai trường đại học.

Bài học từ người ăn xin và thái độ đối diện với cuộc sống đã  khơi dậy trong em nhiều ký ức về những ngày xưa. Nếu ngày đó em không có thái độ, niềm tin vào tương lai vào cuộc sống, dám chấp nhận khó khăn để học ở trường đời, học ở những người xung quanh thì em sẽ không có được như ngày hôm nay.

Ra trường....!

Với bộ hồ sơ xin việc trên tay, đây là một khó khăn mới mà em cần vượt qua, thật là gian nan để lọt vào mắt của nhà tuyển dụng, khi bề dày kinh nghiệm chưa có của một tân sinh viên. Thấm thía lắm, những lần đi phỏng vấn để rồi chờ đợi kết quả trong vô vọng, trong những lúc ấy em đã không cho phép mình được bỏ cuộc, đường đi dài bắt đầu từ một bước đi, đừng nản chí, người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn. Chính trong lúc đó em hoàn thiện mình hơn, tự xem lại bản thân mình đã đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng chưa? Với những bước nhỏ đầu tiên của bộ mặt hồ sơ xin việc, kỹ năng sống và  đặc biệt là mục đích nghề nghiệp hướng tới của bản thân, nhà tuyển dụng đánh giá cao khả năng tiếng anh trong xu thế hội nhập như hiện nay, với em tiếng anh đã bị bỏ ngõ trong thời học cấp ba vì chương trình bổ túc không học tiếng Anh, em đã kiên trì học hỏi, tự rèn luyện, khi nhìn người khác làm được, bản thân mình cũng sẽ làm được, để  rồi em cũng có được một công việc như mong muốn.

Ngày hôm nay em đã tốt nghiệp và có một công việc đúng theo chuyên môn của mình, có được thành quả ấy em được nhận tình thương của những tấm lòng vàng, đó cũng chính là động lực  dìu dắt em đi. Nếu em không biết quý trọng và xác định đúng đắn con đường em đang đi thì em sẽ bị lạc hướng. Cảm ơn tình yêu thương của Quỹ Học Bổng Sinh Viên Nghèo Học Giỏi Quảng Ngãi. Cảm ơn cuộc thi bài viết yêu thương, đã cho em sống lại những ngày tháng em đã trải qua với những màu sắc, dư vị cuộc sống, tạo động lực và quyết tâm  để em sải bước đi trên con đường tương lai thênh thang đang chờ em  phía trước.

Cuộc sống này thật diệu kỳ, chúng ta có quyền vẽ lên  những màu sắc cho cuộc đời mình, màu hồng cho suy nghĩ tươi sáng, thêm một chút xanh biển để ngước nhìn tương lai, pha lẫn màu xanh lá cây chút hy vọng nuôi dưỡng tâm hồn tươi sáng  hòa quyện vào màu đỏ của lòng quyết tâm,  xen lẫn màu vàng  nhiệt huyết tuổi trẻ. Bức tranh của cuộc sống đang chờ chúng ta đặt tên.

Hãy có thái độ sống tích cực, để không hối tiếc về tương lai!.

Trịnh Thị Lan

Thành viên Học bổng học sinh Quảng Ngãi

Tin nổi bật