Báo chí Pháp khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Báo chí Pháp, thời kỳ đó, không chỉ giới thiệu điều kiện địa lý tự nhiên Hoàng Sa, Trường Sa mà còn cung cấp những thông tin khẳng định chủ quyền “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Người Việt bên bia chủ quyền ở Hoàng Sa (ảnh Tư liệu)

Điển hình như những bài viết đăng trên báo dưới đây:

Ngày 27/01/1929, Henri Cucheroussset đăng tải bài viết của mình với nhan đề: Vấn đề quần đảo Hoàng Sa (La question des île Paracel).Bài báo đã đăng hai bức thư do bạn đọc gửi tới nhằm chứng minh nước An Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ rất lâu đời. Điều này được ghi lại trong các tư liệu quý của Việt Nam như: Đại Việt Địa Dư biên soạn năm Minh Mạng thứ 14, quyển 2, trang 11.

Trong đó nêu lên: vị trí địa lý, các loại sinh vật và hải sản trên quần đảo. Triều đình Nhà Nguyễn từng lập “đội Hoàng Sa” gồm 70 người lấy từ làng An Vĩnh, hàng năm một số người  trong đội dùng thuyền nhỏ đi tuần ở các đảo này trong vòng 6 tháng, đồng thời thu lượm sản vật và quay về nộp lại cho triều đình Phú Xuân.

Trong cuốn Đại Nam Nhất Thống chí thời vua Duy Tân, quyển 16, trang 18b và 19a phần “Đảo Hoàng Sa” ngoài các thông tin giống như trong Nam Việt Địa Dư, Đại Nam Nhất Thống chí có ghi năm Minh Mạng thứ 16 các quan mang đá ra đảo để xây chùa và dựng bia tưởng niệm các chuyến viễn du ra đảo. Ngoài ra bài báo còn kể ra một số tư liệu của Dubois de Jaucigny và Jean Louis Taberd. Các tư liệu này được lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ hay Văn khố Đông Dương. 

Ngày 03/2/1929, L’Eveil économique de l’Indochine đăng tải bài viết So sánh những sự việc xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa (Comparons aves ce qui s’est passé puor les les île Paracel). Nhân một bài viết trên Avenir du Tonkin trong mục Chez nos confrère (Từ đồng nghiệp của chúng tôi) về nước Anh đã công nhận chủ quyền của Nauy đối với đảo Bouvet, tòa soạn đã so sánh sự kiện đó với quần đảo Hoàng Sa và đề nghị toàn quyền Đông Dương Pasquier tích cực đòi lại quyền lợi của An Nam theo Luật quốc tế và chủ quyền quốc gia.

Ngày 19/5/1929, Henri Cucheroussset tiếp tục đăng bài viết Vấn đề quần đảo Hoàng Sa (La question des île Paracel).Bài báo có đăng kèm 5 ảnh đảo Boissée (phú Lâm) và đảo Robert (Hữu Nhật). Mở đầu, bài báo nêu ra yêu sách đòi chính quyền bảo hộ phải thực hiện ngay chủ quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Bài báo nhắc lại những tư liệu khẳng định chủ quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, như Đại Nam Nhất Thống chí, các tư liệu chép về việc triều đình An Nam từng cho người ra đảo dựng bia, lập đội tuần tra lấy người từ làng Vĩnh An hàng năm đi tuần quanh các đảo và kéo dài trong nhiều năm. Bài báo đề cập đến cuốn sách Mémoise sur la Cochinechine của Jean Baptiste Chaigneau năm 1920 cũng khẳng định lãnh thổ của Nam Kỳ bao gồm cả những hòn đảo nằm xã bờ biển và quần đảo Hoàng Sa bao gồm các đảo nhỏ, dãy đá ngầm và các tảng đá lớn không có người sinh sống. Ngoài ra bài báo còn nói về tầm quan trọng về kinh tế của quần đảo Hoàng Sa và sự cần thiết xây dựng hải đăng, trạm vô tuyến và quản lý hành chính trên quần đảo này.

Tiếp theo loạt bài Vấn đề quần đảo Hoàng Sa, ngày 23/6/1929, Henri Cucheroussset đã đăng bài viết Các quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và trách nhiệm của chính quyền bảo hộ (Les droits de l’Annam sur le île Paracel et les devoirs du gouvernêmnt prrotecteur).Bài báo nhấn mạnh chủ quyền của nước An Nam đối với quần đảo Hoàng sa và kêu gọi chính quyền bảo hộ phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của An Nam. Bài báo đã tập trung làm rõ các lợi ích về quân sự: căn cứ thủy phi cơ, tàu ngầm; an ninh: chống cướp biển, xây dựng hải đăng bảo đảm an toàn cho tàu bè; kinh tế: thu được tiền thuế để khai thác tài nguyên khoáng sản trên đảo; nghiên cứu khí tượng... Không những vậy, bài báo còn dịch lại từ tiếng Anh trích đoạn Hồi ký của Giám mục Taberd đăng trên Bullentin de la Sociéte Asiatique du Bengalen năm 1837 – 1838, trong đó có đoạn viết: Năm 1816, vua Gia Long đã chính thức tuyên bố sở hữu quần đảo này và không có ai phản đối.

Bài viết Các quyền của An Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và trách nhiệm của chính quyền bảo hộ (Les droits de l’Annam sur le île Paracel et les devoirs du gouvernêmnt prrotecteur) (ảnh: Tư liệu)

Ngày 14/6/1933, trong mục Les Paracel. A.force de persévérance (Quần đảo Hoàng Sa nỗ lực và kiên trì), Henri Cucherousset đã đăng tải bức thư của một nhân vật quan trọng tại Paris gửi cho ông thông báo việc quần đảo Hoàng Sa vẫn được Bộ Thuộc địa quan tâm.12

Ngoài tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương (L’Eveil économique de l’Indochine), nhiều báo của người Pháp ở Đông Dương cũng đăng tải những bài liên quan đến Hoàng Sa và chủ quyền của An Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp bảo hộ:

Revue Indochinoise Illustrée, số 38, 1929 (Sài g̣òn), P.A. La Picque đã dẫn nhiều tài liệu về chủ quyền của Việt Nam; đặc biệt là sự kiện Chính quyền Quảng Đông trả lời không chịu trách nhiệm về việc dân Hải Nam cướp trên các tàu bị đắm Le Bellona năm 1895 và Imezi Maru 1896 với lý do vì Hoàng Sa không thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Mémoire No 3 du Service Océanographique de L’Indochine (Sài gòn), 1930, J. de Lacour & Jabouillé kể chuyến đi khảo sát Hoàng Sa 21/7/1926 theo lời mời của M.A.Krempf. 

Avenir du Tonkin, số 10495 (17/04/1931), có bài viết khẳng định năm 1816, vua Gia Long long trọng cho dựng cờ trên đảo. Vì thế, cho nên dù năm 1909 Quảng Đông có muốn giành chủ quyền, Chính phủ Pháp phải lên tiếng xác nhận quyền bảo vệ các đảo ấy. Trong hoàn cảnh hiện nay, không ai có thể phủ nhận sự quan trọng có tính chiến lược của Hoàng Sa.

La Nature số 29165 (ngày 01/11/1933), có bài nêu trách nhiệm của chính quyền bảo hộ Pháp ở An Nam: Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam, mà những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ An Nam nên Pháp có quyền sở hữu và có trách nhiệm coi sóc với lãnh thổ mới này.

La Géographie, bộ LX (11/12/1933), A. Olivier Saix đưa ra những luận cứ theo đó Chính quyền bảo hộ của Pháp tại Việt Nam phải bảo vệ và duy trì chủ quyền cho Việt Nam vì: Hoàng Sa có vị trí rất cần thiết để lập hải đăng; Là vị trí thiết lập đài quan sát khí tượng và trạm vô tuyến kịp thời báo thời tiết bão cho tàu bè; Hoàng Sa có nhiều nguồn lợi kinh tế: quặng phốt phát, cá, rùa,...; Vị trí quân sự quan trọng của Hoàng Sa: phong tỏa Vịnh Bắc Việt, cảng Đà Nẵng, hải lộ quốc tế; Lịch sử xác lập chủ quyền: vua Gia Long đã cho hải đội Hoàng Sa đổ bộ lên đảo dựng cờ, lập cứ điểm từ năm 1816. Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề ngày 03/3/1925 nói rằng: “Các đảo đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An nam, không có gì tranh cãi trong vấn đề này”. 

Nguồn: Minh Dũng- HC/Infonet.vn

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật