"Châu lục thứ 7" - Lưu giữ khoảnh khắc buổi đầu gặp gỡ

(ICTPress) - “Châu lục thứ 7” - tập truyện ngắn mới nhất dành cho tuổi teen của Văn Thành Lê đã nắm bắt và lưu giữ lại một cách tinh tế những luyến lưu - khoảnh khắc đẹp nhất trong buổi đầu gặp gỡ.

“Châu lục thứ 7” có một cấu trúc lạ, là tập truyện ngắn, nhưng lại giống như những chương đặt cạnh nhau của một truyện dài. Cuốn sách được tạo thành từ nhiều truyện ngắn nối tiếp nhau, mỗi câu chuyện chỉ nằm vừa vặn trong vài trang sách, cũng có thể nói là đủ đầy, mà cũng không sai khi cho rằng chúng hẵng còn dang dở - giống như khi bạn đọc rất nhiều cuốn sách, nhưng mỗi cuốn sách chỉ đọc duy nhất chương bắt đầu.

Một cuộc gặp gỡ tình cờ dưới cơn mưa trong nhà chờ xe buýt, cú ngã giữa chợ rau lúc quá khuya về sáng, bài phóng sự tại trại hoa một ngày đầu xuân, hoặc chỉ đơn thuần là một cái chớp mắt của thời gian, khi chàng trai bỏ quên buổi chiều của mình trong bóng hình một cô gái… Những lát cắt nếu xét về mặt thời gian vật lý, thì sẽ chẳng là gì với cả đời người dài rộng, nhưng về mặt tình cảm lại có thể là bắt đầu của một hành trình hạnh phúc, hoặc điểm kết thúc của một cảm xúc mà nhân vật chính trong khung cảnh ấy sẽ lựa chọn mang theo suốt cả cuộc đời.

Văn Thành Lê viết một cuốn sách về tình yêu, nhưng anh không nói về con đường, anh nói về bước khởi đầu của những tình yêu ấy. Một cú hích nhẹ nhàng, như tia nắng đầu ngày nhuộm ửng làn mây mù trên mặt hồ mùa thu. Không thể nắm bắt, nhưng đủ khiến lòng người xuyến xao.

Đôi lúc, trong cuốn sách viết về những sự khởi đầu, Văn Thành Lê còn viết về cả những kết thúc, những dở dang của một mối tình thầm lặng. Tuy nhiên không phải vì dang dở mà những tình cảm ấy dễ dàng bị lãng quên. Sự dang dở mang lại cho tình yêu ấy những day dứt khôn nguôi, và vì day dứt, nên có lẽ nó sẽ có một vẻ đẹp bất hoại. Con người có lẽ dễ dàng chấp nhận sự nuối tiếc mãi không vẹn toàn hơn đối mặt với nỗi ê chề thất vọng vào phút sau cùng.

Nếu nói tập sách “Châu lục thứ 7” là một tập truyện ngắn, thì đó sẽ là tập truyện viết về những khoảnh khắc của tình yêu. Còn nếu ví nó như một truyện dài, thì đây là cuộc chạy bền của một người nghệ sĩ trong nỗ lực hoạ lại bức chân dung những người trẻ đang yêu. Điều này dễ dàng nhận ra khi đặt những mẩu truyện ngắn trong cuốn sách chồng lên nhau, và tô đậm những điểm trùng lặp. Trong mỗi câu chuyện của Văn Thành Lê, nhân vật chính đều là những người mới ngoài đôi mươi, hoặc vừa đặt chân đến một miền đất hoàn toàn mới lạ (mà trong sách thì là vùng “Baria” - Vũng Tàu) hoặc chính bản thân họ đang trở nên lạ lẫm với những đổi thay đang diễn ra xung quanh mình. Họ trẻ, họ có nhiều hoài bão, họ có những thở than và trăn trở về cuộc đời, nhưng không phải vì thế mà họ mất đi sự lạc quan, và trái tim hai mươi tràn nhựa sống. Những nhân vật ấy mang trong mình hai con người: một người trưởng thành đầy thực tế, và cả một gã mơ mộng si tình.

Giữa cuộc đời bộn bề lo toan, vẫn có một chàng trai trốn dưới tán cây giá tỵ ngắm nhìn một cô gái, vẫn có một chàng trai khác đi dưới hàng cây anh đào mà tưởng tượng được ra cả một câu chuyện tình… Bằng cái giọng kể bình thản, dịu dàng, Văn Thành Lê đã đưa người đọc đến một khung cảnh rất khác, nằm giấu mình đâu đó giữa hiện tại, nơi những người trẻ tuổi sống thật chậm, nghĩ thật sâu, và trao đi yêu thương không cần điều kiện.

Đôi lúc, giữa những trang sách của Văn Thành Lê, độc giả đôi lúc phải dừng lại đặt câu hỏi: chuyện gì sẽ xảy ra, nếu anh là một hoạ sĩ thay vì một nhà văn viết sách. Nếu xâu chuỗi tất cả những bối cảnh đã từng được anh miêu tả trong “Châu lục thứ 7”, ta sẽ thấy mình như đang được xem một bộ phim tài liệu – tình cảm (nếu thực sự thể loại này có tồn tại) tuyệt đẹp của thiên nhiên đất nước và con người. Từ một nhà chờ xe bus giữa cơn mưa bóng mây xối xả, mặt biển Baria lấp lánh trong ánh nắng tới một xứ Đạo vừa hư vừa thực, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết được ngăn cách bởi 15 phút đồng hồ, từ một khu chợ đầu mối ban đêm lấp loá ánh đèn cho tới một hòn đảo nổi ngoài biển xa, từ một buổi chiều dưới vòm hoa giá tỵ xanh biếc cho tới trại hoa rực rỡ của một ngày cuối đông... Mỗi khung cảnh là một bức tranh sinh động được xây dựng nên bằng những từ ngữ, tưởng như nằm yên trên trang giấy mà lại hoá rực rỡ âm thanh sắc màu. Và tan hoà vào khung cảnh ấy, là những câu chuyện tình chớm nở xanh xanh màu hi vọng, cũng đẹp tuyệt vời như chính phông nền phía sau.

Khiếu hài hước cũng là một nét duyên dáng không chỉ trong “Châu lục thứ 7” mà còn trong nhiều tác phẩm khác của Văn Thành Lê. Cái hài hước ấy không đến từ tình huống, nó đến một cách tự nhiên từ góc nhìn của nhân vật. Mỗi góc nhìn khác nhau sẽ mang đến một “hiện thực chủ quan” khác nhau. Chính vì vậy mà một điều “kinh thiên vĩ địa” với kẻ này lại chỉ là cơn gió thoảng qua với kẻ khác, cuộc gặp gỡ khiến lòng người này bâng khuâng xao xuyến có lẽ lại chẳng là gì trong ánh mắt của kẻ kia. Có lẽ để tránh cho nhân vật những sự bẽ bàng không đáng có ấy, Văn Thành Lê đã kết thúc câu chuyện ngay trước khi nó thực sự kịp bắt đầu. Góc nhìn hài hước về những tình huống trong đời sống hàng ngày được mô tả trong cuốn sách cũng tô đậm thêm hình ảnh một người trẻ lạc quan, yêu đời và giàu lòng nhân ái.

 Phan Hải Anh

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật