Báo chí tác nghiệp tại vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng): Có những niềm vui bật thành tiếng khóc…

Từng có 15 năm làm thợ lò, gần 8 năm là phóng viên gắn bó với người thợ trên các khai trường, dưới hầm mỏ… đây không phải là lần đầu tiên nhà báo Hùng Hải - Trưởng phòng phóng viên tạp chí Than Khoáng sản Việt Nam- tham gia tác nghiệp về những buổi cứu hộ trong các vụ sập lò. Tuy nhiên, những ngày “bám” sự kiện sập hầm Thủy điện Đạ Dâng, Ða Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng) vừa qua - đã để lại trong cây bút này những trải nghiệm khó quên.

Niềm vui của những người thợ đã giải cứu được 12 công nhân

Lá thư và chiếc bóng điện đỏ…

Nhận lệnh của Tổng biên tập Lệ Huyền, ngay lập tức Hùng Hải lên đường vào Lâm Đồng cùng đội thợ lò tinh nhuệ được tuyển từ các mỏ thuộc tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã có mặt tại hiện trường giải cứu 12 công nhân. Hùng Hải chia sẻ rằng: Khi đặt chân đến Lâm Đồng là bắt đầu bước vào một không khí khẩn trương và làm việc liên tục không nghỉ. Cùng với việc đào hai con đường máu song song với hầm lò xảy ra sự cố, đội cứu hộ còn mở một đường cung cấp khí sạch, sữa...vào tận khu vực mà 12 nạn nhân đang bị mắc kẹt. Đáng chú ý và để lại ấn tượng đối với nhà báo Hùng Hải là hình ảnh ông Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng viết một lá thư tay cùng một chiếc bóng điện chuyển qua đường ống gửi vào cho những người gặp nạn. Bức thư với lời nhắn nhủ, mong họ bình tĩnh, cố gắng và yên tâm chờ đợi, những người bên ngoài đang nỗ lực không nghỉ, tìm cách cứu hộ. Chiếc bóng đèn với biểu tượng của ánh sáng và niềm tin, hy vọng trấn an tâm lý và tiếp thêm sức mạnh cho những người đang đứng giữa sự sống và cái chết…

Người lính cứu hộ khẩn trương làm công tác cứu người

Với những người thợ, những người công nhân trực tiếp cứu nạn là những giờ phút căng thẳng, lo lắng và quyết tâm cao; còn với những người làm báo như các anh thì là sự chờ đợi, cập nhật thông tin từng giây từng phút… Lực lượng phóng viên có mặt tại hiện trường đến từ rất nhiều tờ báo nhưng do tính chất nguy hiểm trong hầm lò, cùng với nhiều quy tắc tác nghiệp trong điều kiện đặc biệt nên các nhà báo chủ yếu hoạt động ở xung quanh hiện trường. Hùng Hải có một lợi thế trong chuyến tác nghiệp này so với nhiều nhà báo khác, anh là phóng viên duy nhất cùng với nhóm thợ cứu hộ được tạo điều kiện vào con đường máu trong hầm để cứu người. Một phần là vì anh vốn là người thợ lò đã có nhiều năm kinh nghiệm, phần nữa lại là phóng viên trực chiến của tạp chí ngành. Có lẽ vì thế mà những thông tin, hình ảnh anh thu thập được nhiều hơn, kịp thời hơn so với đồng nghiệp.

Tác nghiệp độc lập trong điều kiện không dễ dàng bởi bước chân vào hầm, người phóng viên dạn dày kinh nghiệm cũng khá lo lắng trước thiết kế hầm lò không đúng quy chuẩn ở đây. Theo quan sát của người có nghề, Hùng Hải bảo rằng, hầm lò xây dựng trong điều kiện đá vách mềm yếu, rất nguy hiểm, đúng như cảnh báo của các chuyên gia và lãnh đạo tập đoàn TKV: việc sập lò có thể lặp lại ngay tại con đường máu nếu việc đào hầm không thuận lợi!

Vậy thì nguy hiểm quá, anh vẫn quyết tâm bám sự kiện? - Tôi hỏi

Tất nhiên rồi, nếu bạn chứng kiến tinh thần của những người thợ mỏ lúc ấy, bạn sẽ hiểu rằng, những người làm báo chúng ta cũng không thể chùn bước. Lúc đó, mình chỉ nghĩ đến việc làm sao cứu được những người thợ bị mắc kẹt trong hầm, đồng thời thu thập và quan sát, chụp được nhiều hình ảnh nhất… để cung cấp cho độc giả đang mong ngóng tin tức từng giây từng phút.

Tác nghiệp trong hầm là những khoảnh khắc đáng nhớ của người cầm bút nhưng cũng có rất nhiều những quy tắc mà không phải người phóng viên nào cũng biết được. Nhà báo Hùng Hải chia sẻ rằng, trong hầm chủ yếu quan sát và chụp ảnh, tốt nhất là im lặng để tránh gây ra sự mất tập trung cho người công nhân cứu hộ. Đây không phải là lúc có thể phỏng vấn hay thắc mắc quá nhiều, sẽ gián tiếp làm ảnh hưởng đến tinh thần, sự khẩn trương của những người làm nhiệm vụ. Đây là điều mà đôi khi người làm báo “ngoại đạo” dễ mắc phải.

Lặng lẽ đi bên cạnh người dẫn đường, nhìn những người thợ lò quên đi mệt mỏi, nguy hiểm, thoăn thoắt đào hầm, người phóng viên đã từng kinh qua nghề thợ này vẫn đầy cảm xúc vừa gần gũi, thân quen, vừa mới mẻ. Anh bảo, cứ như cái ngày tháng xưa kia của nghề thợ ùa về, cứ như muốn ghi lại không sót một gương mặt nào, ánh mắt nào lúc đó… Nỗi sợ hãi có thoáng qua bởi đây là vụ sập lò thứ 4 mà anh tham gia tác nghiệp trực tiếp khi theo nghiệp phóng viên. Các vụ sập lò lần trước đều ám ảnh anh. Bởi lẽ, dù cứu hộ đã nỗ lực hết sức nhưng hầu hết đều không có được niềm vui trọn vẹn, có những người công nhân đã không thể trở về vì thời gian cứu hộ kéo dài và điều kiện khách quan không thuận lợi…

Những dòng tin chạm vào xúc cảm…

“Thật may mắn, trong sự kiện này, cảm xúc của tôi đã khác hơn những lần trước. Mọi lo sợ như tan biến, chỉ còn đó là niềm hạnh phúc khi người công nhân được trở về nhà bên gia đình, chứng kiến niềm vui của người thợ TKV, cứu được đồng nghiệp trong tích tắc…” – nhà báo Hùng Hải nhấn mạnh.

Trên trang Facebook của nhà báo Hùng Hải, trang web của tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam và hàng loạt các tờ báo khác được cập nhật liên tục những hình ảnh quý giá từ trong hầm lò đến những khoảnh khắc giải cứu thành công 12 người công nhân… giúp độc giả hình dung một cách đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến sự kiện. Trở lại ngày giải cứu được nạn nhân, Hùng Hải cho biết: Cuộc cứu hộ thành công nhờ phương án chính xác của những bậc thầy về hầm lò, sự quyết tâm đồng lòng của những người thợ cứu hộ và sự thuận lợi của thời tiết…Niềm vui như vỡ òa khi 12 công nhân được đưa ra ngoài an toàn sau 4 ngày mắc kẹt trong lòng đất. Hình ảnh ấn tượng nhất lúc đó không chỉ là tiếng cười vang của người chiến thắng mà còn là những giọt nước mắt của những người thợ, những người thân chờ đợi từ bên ngoài. Hình ảnh người đàn ông khóc như mưa chẳng khác gì một đứa trẻ, khóc vì sau nhiều ngày lo lắng, căng thẳng và hy vọng thì người thân, người bạn của mình đã thoát chết trong gang tấc… Hay hình ảnh người chồng của nữ công nhân duy nhất trong 12 nạn nhân ấy cứ không thôi ám ảnh nhà báo Hùng Hải đến bây giờ. Nhìn thấy vợ được giải cứu mà người chồng như không tin nổi vào điều kì diệu sau những giờ phút tuyệt vọng, cứ ngồi thẫn thờ trước cửa lò, không đứng lên nổi… Thế mới hiểu, những điều mắt thấy tai nghe đối với những người làm báo, đôi khi chỉ là những điều rất đỗi bình thường nhưng lại có sức nặng chạm vào xúc cảm của người đọc, mà có lẽ không đi, không bám sát sự kiện, không tinh tế hẳn là không “chớp” được.

Kết thúc câu chuyện, Hùng Hải bật mí rằng trong số báo tết Ất Mùi này anh sẽ ghi chép lại một cách chi tiết hơn về sự kiện ở một bài viết khác. Với người làm báo, ngoài những niềm vui chung, vẫn có những góc nhỏ là được trải lòng về chuyến tác nghiệp đáng nhớ.

Nguồn: Hà Vân (ghi)/congluan.vn

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật