Phát hiện gần 100 vụ dùng thiết bị kích sóng di động trái phép
Tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý can nhiễu và yêu cầu dừng sử dụng thiết bị kích sóng di động đối với gần 100 trường hợp gây can nhiễu ở các khu vực Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Hàng Đào, Đặng Trần Côn…
Hiện có nhiều người sử dụng thiết bị kích sóng di động trái phép. Ảnh minh họa: Internet |
Báo cáo tại hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/5/2009 về việc tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn TP.Hà Nội vào sáng ngày 9/12/2014, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT&TT Hà Nội) cho biết, qua công tác kiểm tra, rà sóat tình hình thực hiện quy định quản lý về tần số vô tuyến điện đối với các doanh nghiệp tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên địa bàn đã phát hiện ra khá nhiều sai phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số.
Điển hình nhất là có nhiều đài truyền thanh không dây xã, phường thường vi phạm về thời gian gia hạn giấy phép sử dụng tần số, không sử dụng tần số theo đúng giấy phép, một số đài chưa thực hiện đăng ký sử dụng tần số hoặc sử dụng tần số không phép, ngoài dải tần quy hoạch. Nhiều đài truyền thanh không dây không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT ban hành, phát xạ giả quá mức cho phép, gây nguy cơ can nhiễu cho nghiệp vụ hàng không và điều hành bay.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp taxi, vận chuyển thường sử dụng tần số không đúng theo giấy phép, gây can nhiễu, chưa xử lý triệt để do phải có thiết bị chuyên ngành sâu mới phát hiện được. Ngoài ra, một số công ty taxi không thực hiện nghiêm túc các quy định, họat động theo kiểu đối phó.
Qua kiểm tra, cơ quan quản lý tần số cũng phát hiện một số nhà hàng, khách sạn, bảo vệ, công trường xây dựng sử dụng tần số không phép cho công tác điều hành nội bộ, gây mất an toàn. Do quy mô hoạt động trong phạm vi nhỏ, máy bộ đàm cầm tay lại dễ cất giấu, khó khăn trong công tác kiểm tra, xác định để xử phạt theo quy định. Nhiều đơn vị khi bị kiểm tra đã chống đối bằng cách giấu máy, không tiếp đoàn thanh tra hoặc không chấp hành nộp phạt. Riêng trong năm 2014, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực 1 xử lý 30 trường hợp vi phạm khi sử dụng bộ đàm điều hành công việc nhưng mới chỉ xử phạt hành chính được 6 trường hợp vi phạm sử dụng tần số bộ đàm.
Một hiện tượng nữa mới nổi lên là tại các tòa nhà cao tầng bị mất sóng di động cục bộ, nên nhiều người dân, tổ chức đã sử dụng thiết bị kích sóng di động không đạt chuẩn, sử dụng hàng trôi nổi chưa được chứng nhận hợp quy đã gây can nhiễu, mất an tòan thông tin. Từ năm 2011 đến nay, Sở TT&TT Hà Nội đã phối hợp với các nhà mạng xử lý can nhiễu và yêu cầu dừng sử dụng thiết bị kích sóng đối với gần 100 trường hợp gây can nhiễu ở các khu vực Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê, Hàng Đào, Đặng Trần Côn… Tuy nhiên có 1 số trường hợp bị phát hiện nhưng họ vẫn cố tình vi phạm, chưa xử lý dứt điểm được.
Điều đáng cảnh báo là thiết bị kích sóng di động này được bán công khai, người dùng chỉ cần tra cứu trên Google là thấy có hàng chục điểm bán thiết bị kích sóng được rao bán trên mạng với giá từ khỏang 2 đến 5 triệu đồng.
Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, chỉ các doanh nghiệp di động, có giấy phép sử dụng tần số mới được dùng thiết bị kích sóng di động (trạm lặp, repeater) trong hệ thống thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực dân cư bị hạn chế vùng phủ sóng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động. Các cá nhân, tổ chức khác không được phép sử dụng thiết bị kích sóng di động dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, nguyên nhân chính khiến việc sử dụng tần số trái phép còn tồn tại là do doanh nghiệp taxi muốn trốn tránh nộp phí sử dụng tần số. Mặc dù theo quy định mới nhất, thì phí tần số đã giảm đáng kể so với 5 năm trước đây, nhưng số lượng doanh nghiệp vi phạm vẫn còn nhiều.
Ông Quang cho biết, dự kiến năm 2015, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tham mưu và trình UBND TP.Hà Nội ban hành một chỉ thị mới bổ sung, sửa đổi Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 20/5/2009 để tăng cường cải thiện công tác quản lý tần số vô tuyến điện hơn nữa trên địa bàn Hà Nội.
Theo quy định trong Nghị định 174/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất áp dụng cho những vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện là 200 triệu đồng. Các cá nhân, tổ chức sử dụng thiết bị phát lặp (thiết bị kích sóng di động) trái phép là vi phạm các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện và có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng và bị tịch thu tang vật.
M.Q
ICTNews