Gieo mầm văn hóa đọc và những nỗ lực của một dự án
(ICTPress) - “Với mong muốn gieo mầm và phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, trong hơn 8 năm qua, Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch đã nỗ lực thường xuyên tổ chức các ‘Chuyến tàu kể chuyện’, chương trình giao lưu, hướng dẫn, giúp các em học sinh trên mọi miền tổ quốc có phương pháp đọc sách và làm văn hiệu quả."
Trên đây là chia sẻ của bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch trong buổi giao lưu vừa qua của đoàn Dự án với các tác giả trẻ và học sinh trường Tiểu học Việt Mỹ, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Từ trái sang: tác giả Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Trương Huỳnh Như Trân, Đinh Thị Thu Hằng, bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án, nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý, nhà thơ Cao Xuân Sơn, bà Phạm Thị Tuynh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Mỹ chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh |
Chương trình nằm trong khuôn khổ của Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2013 - 2015, hướng đến giới thiệu tác phẩm đầu tay của ba cây viết từng đoạt giải cao trong các cuộc vận động sáng tác của Dự án: Nguyễn Ngọc Hoài Nam với Giao thừa không đến muộn, Trương Huỳnh Như Trân với Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh và Đinh Thị Thu Hằng với Bầu trời màu xanh ve. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các tác giả trao đổi và lắng nghe ý kiến của các bậc phụ huynh, các em học sinh, xoay quanh chủ đề nâng cao văn hóa đọc, rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ em ở lứa tuổi tiểu học.
“Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch là một dự án hết sức nhân văn và nhân bản, mở ra cơ hội sáng tạo cho rất nhiều các nhà văn chuyên và không chuyên trên khắp mọi miền đất nước, đem đến nhiều tác phẩm mới cho thiếu nhi, giúp các em phát triển kĩ năng đọc sách theo phương pháp mới”, Bà Phạm Thị Tuynh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Mỹ chia sẻ.
Ba cây viết trẻ tham gia chương trình: Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Trương Huỳnh Như Trân, Đinh Thị Thu Hằng đã chia sẻ với các em học sinh trường Tiểu học Việt Mỹ về quá trình viết và xây dựng một cuốn sách. Buổi giao lưu diễn ra rất sôi nổi với nhiều câu hỏi của các em học sinh như: “Làm thế nào để xây dựng một nhân vật?” hay “Làm sao để đọc nhiều sách và viết văn hay?”.
Đoạt giải Nhất trong cuộc Vận động sáng tác “Vượt qua sợ hãi” (2012 - 2013) do Hội Nhà văn Đan Mạch - NXB Kim Đồng tổ chức với tác phẩm “Con ma da sau vườn”, Nguyễn Ngọc Hoài Nam là một cây bút giàu nội lực và tràn đầy cảm xúc. Anh vốn là giám đốc một công ty tư vấn xây dựng, từng nhận một số giải thưởng về chuyên ngành kĩ thuật và nghiên cứu khoa học nhưng lại dành tình cảm đặc biệt cho văn chương. Nguyễn Ngọc Hoài Nam còn chia sẻ, việc đam mê và sưu tầm sách là nghề “tay phải” của anh và cũng vì tình yêu đó anh đã viết văn. “Giao thừa không đến muộn” là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Ngọc Hoài Nam gồm 10 truyện ngắn về lòng dũng cảm và sự hào hiệp như: Thuốc tiên, Học bơi, Đô ơi…
Trong khi đó, Trương Huỳnh Như Trân là một cây bút đã có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi. Công việc chính của chị là viết sách và viết kịch bản phim. Chị được giải Tư cuộc vận động sáng tác “Ước mơ xanh” (2010 - 2011) do Hội Nhà văn Đan Mạch - NXB Kim Đồng tổ chức với truyện ngắn “Đã muộn rồi Se Sẻ ơi”. "Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh" là cuốn sách đầu tay của chị, tập hợp những câu chuyện đồng thoại dễ thương, đón bước những người bạn nhỏ vào một khu vườn với bao điều kì lạ
Đoạt giải Nhì trong cuộc Vận động sáng tác “Bí mật của tôi” (2011 - 2012) do Hội Nhà văn Đan Mạch – NXB Kim Đồng tổ chức với truyện ngắn "Bí mật đôi cánh hoa bay", Đinh Thị Thu Hằng gây ấn tượng bởi giọng văn rất trong trẻo và mơ mộng. “Bầu trời màu xanh ve” là tuyển tập 14 truyện ngắn viết về thế giới động vật sống động, tươi đẹp và kí ức tuổi thơ trong trẻo hồn nhiên như sắc xanh ve trên bầu trời.
Các tác phẩm đoạt giải trong các cuộc vận động sáng tác của Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch |
Để sáng tạo ra một nhân vật trong truyện, tác giả phải quan sát rất nhiều nguyên mẫu ở xung quanh mình, chọn lọc lấy những nét nổi bật nhất và sáng tạo thêm những chi tiết độc đáo không có ở bất kì nhân vật nào khác, hay dành thời gian đọc sách và ghi chép mỗi ngày, bạn sẽ không còn ngại đọc sách nữa… là số ít trong rất nhiều những câu trả lời thú vị của các tác giả dành cho các em học sinh.
“Việc đọc sách đối với mọi lứa tuổi đều rất quan trọng nhưng rèn luyện thói quen đọc sách khi trẻ trong độ tuổi tiểu học là đặc biệt cần thiết. Thói quen đọc sách và phương pháp đọc sách đúng sẽ giúp bé có kiến thức và kĩ năng tốt để giao tiếp xã hội. Có nhiều điều cha mẹ dạy bé là chưa đủ, bé sẽ trưởng thành và hiểu biết hơn về cuộc sống thông qua những cuốn sách hay” chị Thái Yến Nhung, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Việt Mỹ chia sẻ.
Nhiều phụ huynh băn khoăn không biết định hướng cho con trong việc đọc sách như thế nào. Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý về kinh nghiệm cùng con đọc sách: “Hiện nay, sách dành cho thiếu nhi trên thị trường rất đa dạng, phong phú. Phụ huynh nên chủ động định hướng, tìm đọc cho con em mình những tựa sách phù hợp với lứa tuổi thông qua các tủ sách tiêu biểu như: Tủ sách Tuổi thần tiên, Tủ sách Tuổi hoa, Tủ sách Tuổi teen… của NXB Kim Đồng.”
Giao thừa không đến muộn, Cuộc phiêu lưu của Bồ Công, Bầu trời màu xanh ve là ba cuốn sách mới nhất trong Tủ sách Tuổi thần tiên - tủ sách dành riêng cho lứa tuổi 6-11 của NXB Kim Đồng. Nhiều tác phẩm trong Tủ sách Tuổi thần tiên là những tác phẩm đã đoạt giải thưởng lớn trong các cuộc vận động sáng tác do Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch tổ chức như: Vỏ ốc diệu kì, Bộ ba hoàn hảo, Mắt đen của tôi ơi... Với nội dung phong phú, xoay quanh các vấn đề gần gũi với cuộc sống của các em như: chuyện trường lớp, tình cảm gia đình, thế giới thiên nhiên… được thể hiện bằng giọng văn mộc mạc, trong sáng, những tác phẩm chọn lọc của Tủ sách Tuổi thần tiên sẽ giúp bồi dưỡng tâm hồn và phát triển tư duy ngôn ngữ cho trẻ em.
Bảo Ngọc