Triển lãm trưng bày "Điêu khắc - Kiến trúc - Không gian"
(ICTPress) - Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích và Nhóm điêu khắc New Form giới thiệu trưng bày thể nghiệm điêu khắc với tên gọi ‘New Form II: Điêu khắc - Kiến trúc - Không gian’. Triển lãm là hoạt động nằm trong dự án New Form giai đoạn 2, 2014 - 2015.
NEW FORM là một dự án thể nghiệm điêu khắc đương đại, nhằm mục đích vượt qua khuôn mẫu tạo hình của điêu khắc truyền thống, mở ra những hướng mới trong tư duy và khả năng sáng tạo của loại hình nghệ thuật này.
Trong giai đoạn 2, dự án New Form hướng đến việc kết nối tác phẩm điêu khắc vào những không gian kiến trúc sinh hoạt thực tế. Tính đối thoại giữa tác phẩm điêu khắc được đặt ra ở khả năng đối thoại với kiến trúc, nội thất, công năng của không gian đó. Sự đối thoại này nảy sinh những thách thức đặc biệt khi điêu khắc không còn giải quyết những quan hệ tự thân truyền thống nội tại như hình khối, chất liệu, thẩm mỹ bề mặt, màu sắc... mà còn giải quyết tương quan giữa điêu khắc với không gian kiến trúc ở hình dáng và công năng, với môi trường ở ánh sáng và không khí, thời gian và thời tiết, ngữ cảnh sẵn có và biến đổi ngữ cảnh; với người xem ở hành vi và thái độ của họ với nghệ thuật, khi nghệ thuật không còn là thứ trưng bày và thỏa mãn về thị giác, nghệ thuật là sự xâm nhập, can thiệp và song hành với chuyển động, cảm giác, tâm lý và hành vi trong sinh hoạt hàng ngày.
Các nghệ sỹ tham gia trưng bày tại manzi lần này gồm: Phạm Thái Bình, Thái Nhật Minh, Khổng Đỗ Tuyền, Hoàng Mai Thiệp và Phạm Đam Ca. Curator của chương trình: nghệ sĩ Nguyễn Anh Tuấn.
Trưng bày của Phạm Thái Bình lấy gợi ý từ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của ngôn ngữ kiến trúc và design hiện đại tới điêu khắc. Rời bỏ điêu khắc dựa trên những hình thể cố định, sáng tác của Bình triển khai theo hướng Sắp đặt – địa hình và module hóa. Những mảnh hình khối dạng lá cây được xếp đặt từ mảng tường chính-lò sưởi kéo dài lên trần nhà nhằm khám phá khả năng linh hoạt và đa dạng trong liên kết điêu khắc với kiến trúc. Điêu khắc, theo cái nhìn của tác giả, đang nằm trong tiến trình dịch chuyển và thích ứng với sự đa dạng của các không gian kiến trúc và những ngữ cảnh đa chiều của cuộc sống hiện tại.
Sáng tác của Thái Nhật Minh là một thể nghiệm về điêu khắc với vai trò kết nối các không gian thực tại và ý niệm. Minh tìm cách kết nối không gian bên ngoài và bên trong, nội thất và ngoại thất bằng cách triển khai tại các khung cửa sổ của phòng triển lãm. Những hình khối điêu khắc được ép phẳng, thể hiện ở vật liệu phản quang. Không gian trong-ngoài giao thoa qua khoảng hở từ khung cửa, tạo ra một liên kết thị giác khi người xem nhìn vào đó. Nghệ sỹ muốn thông qua đối thoại đó để đặt ra những gợi ý-câu hỏi về không gian và kết nối không gian, giữa bên trong-bên ngoài, giữa thực tại-ảo ảnh-phản chiếu, và khoảng cách giữa không gian hữu hạn vật lý với không gian ý niệm của tưởng tượng.
Một tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền |
Hoàng Mai Thiệp trình bày một hình thức điêu khắc kết hợp với sắp đặt địa hình. Lấy gợi ý từ cây gia phả - phả hệ dòng họ phổ biến trong đời sống nông thôn, Thiệp sử dụng những khối hộp gỗ với nhiều kích thước gắn kết trên mảng tường rộng của gian phòng. Những khối hộp được sắp đặt xen kẽ, chồng lấp lên nhau, bên trong đặt các tấm phù điêu chân dung đàn ông-đàn bà nông thôn hoặc để trống. Tính ý niệm của tác phẩm thông qua hình thức bày đặt các hình khối không theo trật tự, và sự rỗng-đặc bên trong của từng khối hộp, cũng như tham vọng thể hiện nội dung phức tạp qua ngôn ngữ điêu khắc, và khả năng kết nối điêu khắc với những không gian đa dạng của kiến trúc.
Sự tham gia của designer Phạm Đam Ca đem lại những giải pháp đồ họa cho trưng bày tác phẩm điêu khắc. Không chỉ hiện diện với chức năng phụ trợ cho điêu khắc, ngôn ngữ đồ họa của Đam Ca song hành với các tác phẩm với tinh thần là một giải pháp đồ họa chuyên biệt cho triển lãm nghệ thuật, tiếp tục phát triển từ triển lãm New Form I (2013). Những hình-mảng-nét đã được thể hiện trong logo dự án lần I, được bóc tách thành những hình thể-mảng rời phân tán có chủ đích và độc lập, là một sự thể hiện cô đọng bằng thị giác của ngôn ngữ đồ họa song song với sự phát triển của hình thể và không gian của điêu khắc.
Hiểu một cách đơn giản, kiến trúc là việc tạo dựng ra những khoảng không gian để phục vụ cho nhiều công năng trong đời sống. Tuy nhiên, kiến trúc không chỉ là một không gian vật lý với những khoảng trống được phân chia công năng cụ thể, đó còn là những hệ cấu trúc trong đời sống con người: cấu trúc không gian, cấu trúc tư duy, cấu trúc quan hệ, hay cấu trúc thẩm mỹ. Khi điêu khắc bắt đầu tìm cách chiếm dụng/can thiệp vào trong kết cấu đó, nó không chỉ là quá trình tìm cách thỏa mãn và thích nghi với kiến trúc, mà nó còn có khả năng biến chuyển, biến đổi, thậm chí tái định nghĩa lại những không gian kiến trúc bằng tính thị giác và ý niệm về không gian đó bằng thế mạnh ngôn ngữ hình khối và tính ý niệm. Khi kiến trúc hiện đại ngày càng hướng đến tính phổ quát trong các không gian công cộng, hay ngược lại tính cá biệt với những định nghĩa riêng trong những không gian vừa-nhỏ, thì điêu khắc cũng cần dịch chuyển và biến đổi để đưa ra những gợi ý trong đó. Đó là điều hướng tới của dự án New Form, và tinh thần của trưng bày lần này.
Chương trình được thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Đan Mạch (CDEF).
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 4/11/2014.
Bảo Ngọc