Cuốn tiểu thuyết “mở ra một trang mới” của thể loại khoa học viễn tưởng

(ICTPress) - Câu chuyện của "172 giờ trên mặt trăng" diễn ra ở một mốc thời gian tưởng tượng là Trái Đất năm 2018, khi NASA và các nhà khoa học khởi động chiến dịch trở lại mặt trăng sau lần đổ bộ thành công đầu tiên những năm cuối thập niên 60.

Lần trở lại này sẽ có sự tham gia của một nhóm các thiếu niên độ tuổi từ 14 đến 18, đáp ứng đủ các điều kiện và được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn thế giới. Ba thiếu niên được lựa chọn tham gia vào chuyến đi này với các phi hành gia chuyên nghiệp là Mia, người Na-Uy, Midori, người Nhật và Antoine người Pháp.

Mỗi người trong số họ tham gia với một lý do khác nhau: Mia, người vốn không hề có chút hứng thú nào với chuyến đi lên Mặt Trăng, nhưng bị bố mẹ tự ý đăng kí tên, cuối cùng đã quyết định tham gia để tạo danh tiếng cho ban nhạc mà mình là thành viên.

Midori đăng kí tham gia chỉ vì muốn được thoát khỏi tương lai buồn chán của phụ nữ Nhật Bản và đến New York sống theo ý mình sau chuyến đi. Antoine, người vừa chia tay bạn gái, chỉ đơn giản là muốn được đi xa để thoát khỏi thành phố Paris tràn ngập kỉ niệm đau buồn.

Một chuyến hành trình nguy hiểm, nhưng cũng đầy hứa hẹn. Được nhìn ngắm sự bao la của vũ trụ, được sống một cuộc đời chưa từng có, danh tiếng, tự do… quá nhiều lí do để ra đi, và hứa hẹn những một tương lai tốt đẹp sau khi trở về.

Chuyến hành trình đầy hi vọng của phi hành đoàn và nhóm thiếu niên trở thành một cơn ác mộng thực sự khi họ đổ bộ xuống Mặt Trăng. Những bí mật tưởng chừng bị lớp bụi thời gian nhấn chìm vào quên lãng tại Trái Đất, thì Mặt Trăng vẫn giữ lại chúng một cách nguyên vẹn.

Tất cả những người nắm giữ bí mật đều im lặng, hoặc không còn cất tiếng. Chỉ còn lại nhóm thám hiểm không hay biết mình đang đi vào vùng nguy hiểm. Sự háo hức trở thành nỗi sợ hãi kinh hoàng, và dường như 172 giờ sẽ kéo dài mãi mãi…

Điểm đặc sắc của 172 giờ trên mặt trăng chính là sự pha trộn giữa thể loại khoa học viễn tưởng và kinh dị trong cảm hứng âm nhạc và điện ảnh những năm giữa thập niên 70 và 80. Cuốn sách vừa đủ phiêu lưu nghẹt thở để cuốn hút những độc giả can đảm nhất, hoà trộn với sự rùng rợn được tính toán công phu đủ khiến họ giật mình thốt lên “Quá tuyệt”.

Cốt truyện chính được chia làm 3 phần: Trái Đất, Không gian, Kết, cùng một phần ngoại truyện ngắn làm rõ kết thúc của câu chuyện. 172 giờ trên mặt trăng sẽ khiến người đọc đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, thích thú xen lẫn kinh hoàng, và cả đôi phần tiếc nuối.

Tác giả cuốn sách Johan Harstad đang kể một câu chuyện về những năm 2018, nhưng anh đã sử dụng hết mức có thể những chất liệu của quá khứ chưa xa, đem đến cho người đọc trẻ tuổi một cách trải nghiệm tương lai – quá khứ đầy lạ lẫm.

Ngoài yếu tố li kì, tâm lý nhân vật, đặc biệt là tâm lý tuổi thiếu niên của các nhân vật chính được xây dựng tốt, nhất quán và chân thực, với đầy đủ các cung bậc: nổi loạn, bất mãn với bố mẹ, nhà trường (Mia), đau khổ vì tình yêu đầu tiên (Antoine) hay niềm khao khát cuộc sống tự do và độc lập trong tương lai (Midori).

Bên cạnh đó, truyện cũng đan xen nhẹ nhàng thông điệp về sự quý trọng cuộc sống bình yên và các mối quan hệ với gia đình và người thân: Nỗi tiếc nhớ của Mia về ban nhạc và những người bạn cô bé bỏ lại, lá thư cuối cùng cô bé viết cho gia đình, tưởng tượng cuối cùng của Stanton (một trong hai phi hành gia bị nhốt) về người vợ trước khi chết…

Không lâu sau khi ra mắt bạn đọc tại Na Uy, cuốn sách đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau, và ở mỗi quốc gia nơi nó xuất hiện, "172 giờ trên mặt trăng" đều nhận được những phản hồi tích cực. Một số tờ báo có tên tuổi đã nhắc đến 172 giờ trên mặt trăng như “Một cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ của thế giới này” (The Guardian), “độc giả sẽ không hiểu được tường tận từng nhân vật, nhưng vẫn cảm nhận được không khí của câu chuyện” (The Publishers Weekly).

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang vừa là cái nhìn đầy háo hức của con người trước vũ trụ bao la, vừa là sự nghi ngờ và sợ hãi trước sự vô tận và ngoài tầm hiểu biết ấy. Một cốt truyện được dàn dựng công phu với những cú lộn ngược dòng ngoạn mục, dàn nhân vật được khắc hoạ chân thực cùng những kiến thức khoa học được chọn lọc kĩ càng và thể hiện khéo léo, "172 giờ trên mặt trăng" là cuốn sách mà những người hâm mộ thể loại truyện khoa học viễn tưởng khó có thể bỏ qua.

Dịch giả Nguyên Hương chia sẻ, truyện kịch tính và có phần lắt léo, nên người dịch phải thận trọng với từng câu chữ trong quá trình chuyển ngữ để cố gắng truyền tải nội dung truyện một cách trôi chảy mà không mất đi tính hấp dẫn của truyện. Những thuật ngữ và khái niệm văn hóa mới khiến người dịch mất khá nhiều thời gian và công sức, nhưng nó cũng là “gia vị” khiến quá trình dịch thuật trở nên thú vị.

John Harstad (sinh năm 1979 tại Stavanger, Na Uy), tác giả của cuốn sách được độc giả biết đến lần đầu tiên vào năm 2001 với tuyển tập văn xuôi Herfra blir du bare eldre (Từ đây bạn sẽ chỉ già đi). Năm tiếp theo anh xuất bản một tập truyện ngắn có tên gọi Ambulanse (Xe cấp cứu) và vào năm 2005, anh xuất bản Buzz Aldrin, hvor ble det av deg I alt mylderet? (Buzz Aldrin, điều gì đã xảy ra với ông trong một cơn lộn xộn?) tác phẩm đã được xuất bản tại 13 nước, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Hàn Quốc, và được giải Bình luận Kirkkus cho tiểu thuyết xuất sắc nhất vào năm 2001. Năm 2007, Harstad xuất bản cuốn tiểu thuyết Hässelby, cuốn sách đem lại cho anh Giải thưởng Phê bình Văn học Trẻ Na Uy.

“172 giờ trên mặt trăng” là cuốn tiểu thuyết viết cho thanh thiếu niên đầu tay của tác giả Johan Harstad. Tuy là tác phẩm đầu tay, nhưng sự xuất sắc của cuốn sách này đã mang lại cho cha đẻ của nó giải thưởng Barge - một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất Na Uy trong không đầy một năm sau khi cuốn sách ra đời năm 2008.

Bảo Ngọc

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật