Đe dọa bảo mật hệ thống doanh nghiệp tăng 75% trong hai năm tới
(ICTPress) - Cisco đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.400 nhà lãnh đạo CNTT trên toàn cầu từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau về cách thức mô hình CNTT tốc độ cao (Fast IT) sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của tổ chức và cho phép họ tạo ra những bước cải tiến nhanh hơn.
Trả lời khảo sát về mức độ đe đọa đối với bảo mật hệ thống của doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo CNTT cho biết mức đe dọa sẽ tăng lên 75% trong hai năm tới. Gần một nửa số người được hỏi cho rằng những cuộc tấn công CNTT ngày càng trở nên tinh vi hơn, trong đó 42% chỉ rõ các cuộc tấn công sẽ lấy cắp được toàn bộ dữ liệu của hệ thống và 40% cho biết lĩnh vực CNTT tiêu dùng hay xu hướng sử dụng thiết bị cá nhân (BYOD) tiềm ẩn những nguy cơ lớn nhất. 97% các nhà lãnh đạo CNTT nhận định mạng lưới, và khả năng kiểm soát những cuộc tấn công trước khi nó gây ra thiệt hại, đóng vai trò tối quan trọng trong việc đối phó mối đe dọa luôn rình rập.
Theo khảo sát này các hệ thống Fast IT, khai thác hiệu quả nền tảng thế hệ thứ 3 (gồm 4 công nghệ cốt lõi là mạng xã hội, điện toán đám mây/ảo hóa, di động, phân tích dữ liệu lớn) sẽ giúp các tổ chức tăng cường khả năng đối phó với những mối đe dọa thường trực trên.
Theo đánh giá của khảo sát, sự chuyển đổi thị trường mạnh mẽ ở khắp tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm sự đổi mới mang tính đột phá và tăng cường năng lực cạnh tranh là kết quả của sự thay đổi nhanh chóng của Internet. Internet của Vạn Vật (IoE) trong đó các kết nối được tạo ra giữa con người, quy trình, dữ liệu và mọi vật tạo ra những thách thức to lớn nhưng đồng thời cũng mang lại những cơ hội kinh tế chưa từng có. Trong môi trường chuyển đổi này, CNTT cần có khả năng giúp doanh nghiệp tạo ra những đổi mới mang tính đột phá và đạt được những thành tựu kinh doanh bền vững thông qua một mô hình CNTT đơn giản, thông minh, và an toàn: Fast IT - cho phép các tổ chức CNTT vượt qua những thách thức đổi mới và giúp các nhà lãnh đạo CNTT định hướng chuyển đổi kinh doanh. Những gì họ khám phá ra là một mô hình CNTT đơn giản, thông minh và an toàn, đáp ứng sự đổi mới và là tương lai của ngành CNTT.
Cũng theo khảo sát này, 90% các chuyên gia CNTT đồng tình với nhận định rằng các tổ chức CNTT đang dần trở thành một mô hình “dịch vụ đồng bộ hóa” đem lại các kết quả kinh doanh chiến lược. Fast IT giúp giảm độ phức tạp mà không làm mất khả năng đáp ứng nhanh chóng và bảo mật. Mô hình này giúp giải quyết những quan ngại của nhà lãnh đạo CNTT: 89% những người được phỏng vấn cho rằng vấn đề làm họ đau đầu nhất khi phải đối mặt với CNTT đó là sự phức tạp và 46% chi phí CNTT phát sinh bên ngoài tổ chức CNTT, tạo thêm một cấp độ phức tạp cao hơn. Mô hình Fast IT cho phép các phòng ban CNTT tập trung vào việc cải tiến, chuyển nguồn lực từ việc “đảm bảo vận hành thường trực” sang vai trò sắp xếp tạo ra những kết quả mang tính chiến lược hơn cho các doanh nghiệp. Điều này có khả năng được thực hiện nhờ vào một hạ tầng CNTT thông minh với năng lực đáp ứng nhanh hơn với những yêu cầu thay đổi.
![]() |
Ông Phan Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam trình bày tại Hội thảo |
“Sự dịch chuyển công nghệ, bao gồm xã hội (social), điện toán đám mây, di động (mobility), dữ liệu lớn/phân tích (big data/analytics) cùng trào lưu Internet của Vạn vật hay những mối đe dọa bảo mật không chỉ tạo ra những thách thức về mặt kỹ thuật đối với hoạt động CNTT mà còn thách thức vai trò của CNTT trong doanh nghiệp. Các nhà phân tích và Giám đốc CNTT đều cho rằng có thể dự đoán được vai trò của CNTT sẽ mang tính chất “đồng bộ hóa” hay “môi giới” nhiều hơn, chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ và bảo mật, đồng thời xác định những dữ liệu nào cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Bộ phận CNTT cũng sẽ xác định các dịch vụ có thể được sử dụng về phương diện thương mại. Điều này đồng nghĩa với một sự phát triển vượt bậc về kỹ năng và tổ chức trong bộ phận CNTT. Đồng thời, điều này cũng cho thấy cơ hội và thách thức trong việc thấu hiểu và đáp ứng những yêu cầu thực tế của doanh nghiệp đang chờ đón chúng ta ở phía trước”, ông Phan Thanh Sơn, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam cho biết tại Hội thảo Cisco Connect 2014 vừa được Cisco Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT nhằm giới thiệu những giải pháp công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hệ thống CNTT.
Cũng tại hội thảo này, các đại biểu ngoài được cập nhật về Fast IT đã được cập nhật những xu hướng CNTT và truyền thông, cách thức Cisco tạo ra một hạ tầng CNTT đáp ứng nhanh, có khả năng thích ứng linh hoạt, cho phép hoạt động theo các xu hướng mới như điện toán đám mây, công nghệ di động và xã hội, mạng hoạt động dựa trên phần mềm, phân tích dữ liệu lớn trong mạng lưới và trung tâm dữ liệu cùng những xu hướng mới nhất về bảo mật; Cách thức Cisco có thể giúp doanh nghiệp đạt được nhiều thành quả và bắt kịp thời đại Internet của Vạn vật về mặt công nghệ và kỹ năng.
Tại Hội thảo này, các chuyên gia ngành cũng đã giới thiệu những xu hướng và dự báo CNTT đáng chú ý.
Ông Charles Anderson, Phó Chủ tịch kiêm lãnh đạo bộ phận Viễn thông và Di động của IDC khu vực châu Á - TBD cho biết các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nên triển khai chiến lược Mobile First (di động là hàng đầu). Bởi ngày càng nhiều người châu Á sử dụng thiết bị di động để truy nhập Internet. Ước tính có tới 89% số người truy nhập Internet từ thiết bị di động thay vì máy tính. Chính vì vậy, tổ chức, doanh nghiệp nên phát triển website thương mại điện tử phục vụ người dùng di động trước khi phát triển website thương mại điện tử phục vụ người dùng máy tính PC.
Giám đốc Công nghệ, Kỹ thuật và Kiến trúc, Giám đốc điều hành Khối giải pháp cho doanh nghiệp, khu vực Châu Á - TBD và Nhật Bản, Cisco System, ông Dave West cho biết: "Hiện thế giới đã có 5 - 7 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng, dự kiến đến năm 2050 có trên 100 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng. Nhiều thiết bị kết nối sẽ tạo ra dữ liệu lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp cần phải biết cách phân tích dữ liệu lớn để đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt trên khối dữ liệu lớn đó".
![]() |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội thảo |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tại Hội thảo đã cho biết: "Công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đang tạo ra xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lập vị thế trong trật tự thế giới mới đang được hình thành trong kỷ nguyên số".
Hội thảo Cisco Connect 2014 sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. HCM và các nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia.
Minh Anh