Cuốn sách toàn diện tinh hoa triết học và mưu lược của người xưa
(ICTPress) - Nền triết học cổ phương Đông với các đại diện là những nhà tư tưởng triết học Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo như Khổng Tử, Lão Tử, Khương Tử Nha, Ngô Khởi, Tôn Tử… đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức vô giá.
Các thuyết “Âm dương”, “Ngũ hành”, các bộ sách kinh điển như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Binh pháp Tôn Tử, sách Quỷ Cốc Tử, sách Thiên Vũ Kinh… thực sự là những cẩm nang trí thức siêu việt của nhân loại.
Trong giai đoạn hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, những học thuyết, thuật toán, kế sách, binh pháp vẫn còn nguyên giá trị, được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh doanh, thương mại…
Nhằm giúp bạn đọc tiếp cận được tinh hoa tri thức nhân loại của nền triết học phương Đông, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông giới thiệu cuốn sách “Thuật toán và Quyền mưu” do tác giả Đỗ Hoàng Linh biên soạn. Cuốn sách gồm 3 phần: Phần 1: Tổng quan về triết học phương Đông và Thuật toán; Phần 2: Một số Binh pháp nổi tiếng; Phần 3: Kế sách và Quyền mưu và Phụ lục.
Phần 1, tác giả khái quát về các trường phái tư tưởng triết học phương Đông cổ với những nội dung cơ bản về thuyết Âm dương, Ngũ hành, Kinh dịch, Bát quái, Tiết khí và Can chi, với các bộ sách đồ sộ như Tứ Thư, Ngũ Kinh…; giới thiệu các thuật toán nổi tiếng như: Thuật Chiêm tinh, Thuật Phong thủy, Thuật Nhân tâm, Thuật Trung y… Bạn đọc có thể tìm thấy ở phần này những điều cần quan tâm về nguồn gốc xuất xứ, nội dung, ý nghĩa, những biến thể cũng như khả năng vận dụng các thuyết, thuật toán vào thực tế đời sống xã hội hiện nay.
Phần 2, tác giả giới thiệu nội dung một số binh pháp nổi tiếng thời Trung Hoa cổ đại mà cho đến ngày nay vẫn còn được nghiên cứu, ứng dụng một cách rộng rãi không chỉ ở các nước phương Đông mà cả ở các nước phát triển phương Tây. Đặc biệt Binh pháp Tôn Tử được trình bày một cách chi tiết, thể hiện trí tuệ và nghệ thuật quân sự siêu việt của Tôn Tử. Tác giả cũng dành phần trang trọng giới thiệu về tài quân sự của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Binh thư yếu lược: Hình tượng của Trời; Việc quân; Đánh trận; Công thành) và của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã biên soạn cuốn sách “Chiến thuật du kích” làm tài liệu huấn luyện và phát động chiến tranh du kích góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Phần 3, tác giả dành nhiều công sức để giới thiệu các kế sách trong sách Quỷ Cốc Tử và đặc biệt phân tích 36 kế sách trong Thiên Vũ kinh. Trong toàn bộ 36 kế sách, cứ 6 kế tạo thành 1 phần, lần lượt là thắng chiến kế, địch chiến kế, công chiến kế, hỗn chiến kế, tính chiến kế và bại chiến kế. Mỗi phần đều có mở đầu và kết thúc, tuần tự nối tiếp nhau, mọi mưu lược, chiến thuật đều nằm cả trong đó. Mỗi một kế sách đều được giới thiệu rõ ý nghĩa, điển tích và minh họa qua các mẩu chuyện lịch sử hấp dẫn kể lại những sự tài tình của các tướng lĩnh, các chuyên gia quân sự, chính trị, ngoại giao nổi tiếng như Hoàng đế Napoleon, Thống chế Kutuzov…
Phần Phụ lục giới thiệu 13 thiên Binh pháp Tôn Tử do Chủ tịch Hồ Chí Minh dịch, biên soạn lại và một số bài của Người bình luận về binh pháp Tôn Tử.
Đã có nhiều cuốn sách viết về từng vấn đề riêng lẻ theo chủ đề nói trên, nhưng chưa có cuốn sách nào tổng hợp được toàn diện và phong phú về những tinh hoa triết học và mưu lược của người xưa, có minh họa súc tích, dẫn chứng cụ thể, dễ hiểu như cuốn “Thuật toán và Quyền mưu”.
Bảo Ngọc