Truyện hiện đại: "Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc"
(ICTPress) - Từ khi xuất hiện trên trái đất cho đến nay, nhân loại mải miết đi tìm hạnh phúc. Oái oăm thay! Không phải ai cũng tìm được. Tác phẩm “Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc” chỉ ra một phương pháp tìm hạnh phúc khá đơn giản, hiệu quả nhưng rõ ràng đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong việc thay đổi cách sống, thay đổi thói quen.
Bối cảnh của câu chuyện là khu du lịch - nghỉ mát nổi tiếng: Đảo Bali của “Đất nước vạn đảo Indonesia”. Indonesia có tất cả hơn 16.000 đảo lớn, nhỏ; với hơn 5.000 hòn đảo có người sinh sống, Bali được xem là hòn đảo đẹp nhất, hấp dẫn nhất và cũng bí ẩn nhất.
Nhân vật chính của quyển sách chỉ có hai người. Đó là Julian - cũng là người xưng “tôi” trong tác phẩm và một người đàn ông luống tuổi có tên là Samtyang. Julian là người phương Tây, là khách du lịch; còn Samtyang là dân gốc của đảo Bali, được xem là một thầy chữa bệnh, nhưng trong tác phẩm ông là một người thầy trên nhiều phương diện.
Dường như có những điều tưởng là đơn giản, tưởng như ai cũng biết, nhưng hóa ra là không phải. Ngay trong buổi đầu tiên gặp gỡ và chữa bệnh, lần đầu tiên trong đời, thầy Samtyang đã buộc Julian phải đối mặt với chính bản thân mình, thầy đã giúp anh đi xuyên qua các vấn đề, hướng dẫn và giảng giải để anh tự trả lời câu hỏi “vì sao anh không hạnh phúc”.
“Điều khiến nữ giới vừa lòng, đó là những gì tỏa ra từ con người anh, chỉ thế thôi. Và điều đó nảy sinh trực tiếp từ hình ảnh mà chính anh tự tạo ra. Khi ta tin tưởng vào điều gì đó trong mình, bất kể nó là tốt hay xấu, thì ta bộc lộ thái độ theo phong thái biểu cảm của điều đó. Ta luôn trưng ra cho người khác thấy điều đó, và dù cho đó là một sự sáng tạo khởi nguồn từ tâm trí ta, thì nó vẫn trở thành thực tế trước mắt người khác, rồi sau đó là thực tế với ta”
“Nếu như anh, tận sâu thẳm lòng mình, tin chắc rằng tất cả mọi người đều thân thiện, thì anh sẽ cư xử theo cách rất cởi mở với những ai mà anh gặp gỡ, anh sẽ mỉm cười, cho mọi người thấy là anh rất thư thái. Và tất nhiên, điều ấy sẽ dẫn đến việc chính họ sẽ trở nên cởi mở và thư giãn khi có sự hiện diện của anh. Một cách vô thức anh sẽ có bằng chứng chứng tỏ rằng mọi người đều dễ mến”
Hoặc “Hãy tưởng tượng rằng lần đầu tiên anh phát biểu trước đám đông, cả người anh co rúm lại một cách thảm hại. Anh lắp bắp, tìm kiếm từ, giọng nói của anh cứ như bị chẹn lại tận sâu trong cổ họng, và miệng thì khô khốc như thể anh đang đi giữa vùng sa mạc mà không được uống nước từ ba ngày rồi vậy. Anh nhận thấy mọi người đang thương hại anh, một số còn nhếch nụ cười chế giễu. Trong trường hợp như vậy, có thể là anh sẽ bắt đầu tin rằng anh sinh ra không phải để phát biểu trước quần chúng. Trên thực tế, anh đã chỉ thất bạn một lần thôi, vào ngày hôm đó, với đám đông đó, khi phải diễn trình về chủ đề đó. Nhưng não bộ của anh đã tổng hợp hóa trải nghiệm ấy bằng cách rút ra một kết luận vĩnh viễn”
Với cách viết gần như ghi nhật ký và đặt trọng tâm vào những lời đối thoại, nhà văn Laurent Gounelle đã tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Để viết được quyển sách này, chắc tác giả phải nghiên cứu nhiều về tôn giáo, triết học, tâm lý, ngôn ngữ...; bởi vì sức hấp dẫn của quyển sách không phải là những tình tiết gay cấn, ly kỳ mà là những kết luận rất thú vị được rút ra trong khi hai người đối thoại với nhau.
Cuốn sách viết về một Julian đi “chữa bệnh”, nhưng khi mở đến trang cuối cùng của cuốn sách, người đọc dường như sẽ nhận ra rằng: chính họ cũng vừa trải qua một kỳ trị liệu. Và thật tuyệt diệu, vì bỗng dưng mọi sự vật, hiện tượng trở nên trong suốt, khiến ta nhìn xuyên thấu… và từ đó, ta điều chỉnh những hành động, những suy nghĩ của ta về cuộc sống, về con người, và điều đó làm ta hạnh phúc.
“Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc” là một tác phẩm được viết theo lối hiện đại: không quá dài, không nhiều nhân vật, không có nhiều tình tiết éo le, rắm rối nhưng nó vẫn chứa nhiều thông tin và đưa ra được những thông điệp quan trọng. Những ai đọc quyển sách này, có thể tự tìm thấy niềm tin, thấy sự cần thiết phải thay đổi chính mình để bắt đầu cách sống thú vị và ý nghĩa hơn.
Với lối viết đơn giản, văn phong không cầu kỳ, Laurent Gounelle đã chinh phục được rất đông đảo bạn đọc từ lứa tuổi mới lớn, trung niên hay cả những người cao tuổi. Cuốn sách đã được dịch ra 24 thứ tiếng và phát hành đến 800.000 bản tại Pháp.
Bảo Ngọc