Nhà báo Nguyễn Vạn Phú nói bài báo ông viết ra, theo thống kê từ máy tính, số người đọc trực tiếp trên các báo ít hơn nhiều lần so với việc đọc qua các công cụ tìm kiếm như Google chẳng hạn.
Cần nói thêm rằng bên cạnh sự tồn tại của những bài báo có thể xem như “những bài báo độc lập” mà vai trò tác giả trở nên quan trọng hơn tất cả, thì việc hình thành các cộng đồng xung quanh các bài báo tạo ra môi trường tranh luận và nhận định sôi động, thậm chí gay gắt cùng cực.
Bài báo nhiều khi chỉ như một cái cớ để các diễn đàn bộc lộ những ý kiến, cảm xúc của mình. Diễn đàn càng nhiều ý kiến, càng thu hút nhiều người xem. Tình trạng báo chí độc diễn đang qua đi, cảnh “mèo khen mèo dài đuôi” ngày càng khó xảy ra.
Cách đây chục năm, người ta cho rằng các diễn đàn mạng xã hội không mấy ý nghĩa vì người Việt Nam chỉ vào internet để tán gẫu và xem phim, tải trò chơi. Nhận xét như vậy giờ đây có vẻ đã lỗi thời.
Giữa tháng 7, khi tra cứu cụm từ “giàn khoan hải dương 981” tôi thấy có 43.100.000 kết quả. Tra cứu cụm từ “Phản đối Trung Quốc” cho ra 40.600.000 kết quả. Cụm từ “Hoàng Sa là của Việt Nam” có 13.800.000 kết quả. Những con số này cho biết cộng đồng internet đã quan tâm và chia sẻ các bài viết, quan điểm của mình về chủ quyền của đất nước lớn như thế nào.
Ước tính, facebook thu hút được 20 triệu người Việt Nam tham gia. Dĩ nhiên số thành viên mạng xã hội ở Trung Quốc cũng không hề ít. Song tiếng nói của cộng đồng internet, tiếng nói trực diện, trực tiếp của chính những người dân Việt Nam cũng tạo ra những “làn sóng chủ quyền” trên internet.
Cộng đồng thường xuyên phản bác mạnh mẽ nhiều ý kiến sai lạc trong cộng đồng mạng và báo chí ở Trung Quốc và giúp người dân Trung Quốc biết rõ hơn về sự thật chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa.
Làn sóng ấy khiến cho người ta thêm ấm lòng.
Nguyên Anh
Nguồn: tienphong.vn