Tách MobiFone, VNPT điều chỉnh chiến lược và giảm kế hoạch doanh thu
(ICTPress) - Sau lễ bàn giao Quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty Thông tin Di động (VMS) và Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT hôm nay 10/7, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phan Hoàng Đức đã trả lời báo giới một số kế hoạch phát triển của Tập đoàn VNPT và kế hoạch doanh thu năm 2014.
ICTPress xin tổng hợp lại một số nội dung Phó Tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức đã trả lời báo giới:
Ảnh minh họa |
Tách VMS, VNPT có gặp khó khăn gì không?
Tách VMS rõ ràng cũng có những ảnh hưởng đến những hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn VNPT. Như các bạn đã biết, VMS là một trong những đơn vị có tỷ trọng doanh thu lớn có thể chiếm đến 48%, và lợi nhuận cũng đạt hiệu quả cao, khoảng 70% của Tập đoàn. Rõ ràng vấn đề tách ra sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn còn lại, và nguồn lực tài chính cũng có những ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thị trường, khách hàng của VNPT cũng bị ảnh hưởng vì MobiFone là một nhà mạng lớn có gần 40 triệu khách hàng. Việc tách MobiFone rõ ràng ảnh hưởng về thị trường, khách hàng và thương hiệu cũng là vấn đề mà VNPT phải đối mặt.
MobiFone và Vinaphone có đối đầu?
Đã tách ra trong một môi trường thì vẫn là cạnh tranh. Với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT sẽ cạnh tranh lành mạnh, kể cả MobiFone, Vinaphone hay Viettel. Cạnh tranh là động lực. Nhưng trong quan điểm của Tập đoàn VNPT cũng như trong nội dung của Lễ bàn giao thì chúng ta gọi là đối thủ cũng là ý nghĩa, nhưng về cơ bản sẽ là đối tác chiến lược hợp tác để cùng phát triển thị trường viễn thông, chứ không phải chia nhỏ ra hay nói cách khác là sẽ tạo nên thị trường lớn hơn để mỗi nhà khai thác đều có một trách nhiệm đóng góp phát triển, cùng thắng lợi cho thị trường Việt Nam. Tầm nhìn của VNPT và kinh nghiệm Viettel là hướng ra tầm nhìn khu vực.
VNPT chuẩn bị gì để cạnh tranh?
Cạnh tranh là mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu. Tập đoàn VNPT xác định lại nguồn lực của mình trên cơ sở hiện nay và phải xây dựng lại một chiến lược phát triển phù hợp. Mục tiêu của VNPT là phải khắc phục được tồn tại của cơ chế hiện nay. Chúng ta đã nói về cơ chế, bộ máy… được đặt ra trong tiến trình tái cơ cấu của Tập đoàn VNPT sắp tới. Mục tiêu chiến lược mới của VNPT là chuyên biệt, khác biệt và tập trung cho mục tiêu hiệu quả. Có thể nói, là tổ chức cho bộ máy chuyên nghiệp hơn và tập trung các thế mạnh của mình.
VNPT đang tổ chức mô hình học tập kinh nghiệm các nhà khai thác viễn thông thế giới trên cơ sở tập trung cho hạ tầng, là một thế mạnh của Tập đoàn. Trên cơ sở hạ tầng đó, VNPT tổ chức đưa ra các loại hình dịch vụ, sản phẩm phù hợp và một định hướng rất quan trọng nữa là tập trung các loại hình kinh doanh dịch vụ cho khách hàng, hay nói cách khác là tổ chức bộ máy kinh doanh. VNPT tổ chức lại bộ máy từ trên công ty mẹ đến các đơn vị thành viên theo hình thức quản lý sẽ tinh gọn nhất, mà trong tiến trình tái cơ cấu, tổ chức lại đưa ra các loại hình công cụ quản trị hiện đại, kể cả các giải pháp công nghệ để quản lý tối đa nhất với nguồn lực còn tập trung cho quản lý, kinh doanh và đảm bảo loại hình dịch vụ.
Đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu
Tập đoàn VNPT đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2014. Kế hoạch doanh thu năm 2014 gồm cả VMS là 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc tách MobiFone ra từ 30/6/2014, VNPT đã điều chỉnh lại kế hoạch doanh năm nay là 86.000 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 2.600 tỷ đồng và đảm bảo nộp ngân sách là 3.500 tỷ đồng đáp ứng với thực lực hiện nay. Tỷ trọng năm nay kể cả VMS và phần còn lại đều có kế hoạch tăng trưởng 10%.
Minh Anh ghi