Giải A Giải báo chí Quốc gia 2013 và những câu chuyện tác nghiệp
Giải báo chí Quốc Gia lần thứ VIII kết thúc với 183 tác phẩm được lọt vào vòng Chung khảo, các tác phẩm đoạt giải lần này được đánh giá là có đầu tư cả về chất lượng và đề tài, sự kiện, vấn đề nổi bật trong năm 2013.
Tạp chí Nghề báo đã trao đổi với nhóm tác giả đoạt giải A lần này về những vấn đề xoay quanh tác nghiệp của họ.
Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải A giải báo chí quốc gia 2013 (Ảnh: Thanh Hải) |
1. Đài Truyền hình Việt Nam với “Chuyện buồn ngành cơ khí”: Số lượng hình ảnh kỷ lục với trên 350GB hình và đi liên tục từ Bắc vào Nam trên 20 ngày.
Đây là đề tài, tôi tình cờ biết được thông qua lời tâm sự của Anh hùng lao động Phạm Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam trong một lần gặp gỡ. Trước những tâm sự buồn nhưng nhiều bức xúc của ông Phạm Hùng, (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), tôi hiểu được rằng, đây chính là một đề tài hay nhưng khá lớn vì nó nói lên những bất cập của cả ngành cơ khí - ngành có vị trí nền tảng để phát triển đất nước theo hướng CNH - HĐH mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần VIII đề ra. Ở góc độ báo chí, tôi liên tưởng tới nhiều vấn đề khác để nói về bất cập của ngành cơ khí một cách khá cụ thể nên đã tìm hiểu, đọc tài liệu để bắt tay viết kịch bản phóng sự này.
Chúng tôi đã quay 15 đơn vị, phỏng vấn 21 người. Tuy nhiên, vì thời lượng có hạn nên cuối cùng chỉ sử dụng 9 phỏng vấn và 11 đơn vị. Đây là chương trình mà chúng tôi quay với số lượng hình ảnh kỷ lục với trên 350GB hình, đi liên tục từ Bắc vào Nam trên 20 ngày. Quả thực, sự bức xúc của người trong cuộc cộng với sự lăn lộn đã khiến chúng tôi nắm bắt được về ngành cơ khí như một người trong ngành. Đây cũng là bài học của chúng tôi về nghề. Đó là sự chia sẻ đến tận cùng với người trong cuộc để hiểu bản chất những khó khăn mà họ trải qua, từ đó mình mới viết một cách chính xác và có nhiều cảm xúc. Đáng nhớ nhất là khi chúng tôi phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành gắn bó trên 40 năm với ngành cơ khí. Là người lăn lộn, tâm huyết với ngành cơ khí nhiều năm, ông rất bức xúc trước những khó khăn kéo dài của ngành mà không được các cơ quan có trách nhiệm quan tâm giải quyết. Trước những câu hỏi đụng vào nỗi bức xúc này, ông đã bật khóc và đây cũng là hình ảnh mà chúng tôi cho vào đầu phóng sự này. Chính cảm xúc mạnh mẽ từ lời nói và vẻ bất lực trên khuôn mặt ông là sự mở đầu hấp dẫn người xem.
Ngay sau khi phát sóng, Lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam đã khen chương trình vào buổi họp giao ban. Đặc biệt, nhiều chuyên gia trong ngành cơ khí đã gọi điện cảm ơn chúng tôi vì đã chia sẻ cùng với những khó khăn mà ngành đang phải đối mặt. Tiếp theo đó, chương trình được lấy để chiếu cho Thủ tướng xem tại Hội nghị bàn về chiến lược phát triển ngành cơ khí từ 2010 - 2020.
(Nhà báo Nguyễn Hoàng Long - Phó trưởng Phòng Phóng sự
- Trung tâm Phim tài liệu & Phóng sự - Đài truyền hình Việt Nam)
Ngay khi diễn ra các vụ gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, bắt giữ, đánh đập người trái phép diễn ra tại Nghi Phương vào tháng 5, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 2013, trên các ấn phẩm của Báo Nghệ An thường xuyên đăng tải các thông tin, bài viết, video clip phản ánh một cách chân thật, chỉ rõ bản chất của sự việc. Ban biên tập Báo Nghệ An, một mặt, cử phóng viên theo dõi sát diễn biến của phiên tòa, mặt khác chủ động cho phóng viên thâm nhập các địa bàn có cơ sở tôn giáo ở Nghệ An để nắm tình hình. Đỉnh điểm của vụ việc là các sự kiện gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, bắt giữ đánh đập người trái phép.
Nhóm phóng viên Báo Nghệ An đã hóa thân thành nhiều vai, sử dụng nhiều phương tiện, kiên trì bám trụ, chờ đợi thời cơ để tiếp cận địa bàn bất kể thời tiết, bất kể ngày đêm với phương châm làm việc hiệu quả nhưng phải đảm bảo an toàn. Sau khi tính toán kỹ các phương án, Phóng viên Báo Nghệ An mượn một chiếc xe máy cà tàng, hóa trang, đóng giả cặp vợ chồng nhà quê nghèo khổ đi buôn dừa, bị hỏng xe để tiếp cận hiện trường vụ việc. May mắn là không bị nghi ngờ gì…
Nhiều tháng ròng rã “chiến đấu” trên mặt trận thông tin, hầu như ngày nào, Báo cũng có tin, bài phản ánh về sự việc và diễn biến tình hình. Ban biên tập, nhóm phóng viên và các bộ phận liên quan (thư ký, morat, vi tính, mi trang…) làm việc đến 3-4 giờ sáng, quên cả mệt mỏi với mong muốn, cung cấp cho bạn đọc (cả giáo dân và lương dân) những thông tin mới nhất, xác thực nhất để có cái nhìn khách quan, toàn diện, hiểu đúng bản chất vụ việc, không mắc mưu chia rẽ, trúng kế ly gián của kẻ xấu.
3. LCH Đài Tiếng nói Việt Nam: “40 năm ký Hiệp định Paris- Đỉnh cao thắng lợi ngoại giao Việt Nam”: Phát sóng trực tiếp kéo dài 7 tiếng đồng hồ và nhận được hơn 600 cuộc điện thoại
Cá nhân tôi đánh giá, thành công nhất của chương trình chính là tái hiện được một mốc quan trọng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc ta, truyền tải được thông điệp của Hiệp định Paris đến với các thính giả; kết nối quá khứ của cha ông và những thế hệ trẻ sau này. Đặc biệt là thu hút thính giả cùng tham gia chương trình, đồng hành với VOV.
- Một thành công nữa, đó là ngay sau khi phát sóng, chương trình đã được giữ lại làm tư liệu giảng dạy ở Đại học KHXHNV và lưu trữ tại Ban Nghiên cứu lịch sử Ngoại giao, như một pho sách sống để giữ lại cho các thế hệ trẻ Việt Nam sau này hiểu thêm về một mốc son trong lịch sử ngoại giao của dân tộc. Trong bối cảnh một bộ phận giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới lịch sử, có lẽ đây là một thành công đáng khích lệ.
Đối với chúng tôi, đó không chỉ là niềm vui mà còn là hạnh phúc. Vì điều quan trọng nhất đối với một nhà báo phát thanh là được các thính giả quan tâm, tin tưởng và yêu mến.
4. LCH Báo Thanh niên “25 năm Hải chiến Trường Sa”: Chủ quyền đất nước - Mỗi người viết đều có quả tim nóng và cái đầu lạnh
Ý tưởng thực hiện loạt bài trước hết là từ dịp tròn 25 năm ngày xảy ra trận hải chiến Gạc Ma mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam và tàn sát những người lính công binh tay không tấc sắt quyết giữ đảo.
Trước đó, tháng 5.2012, Báo Thanh Niên đã tiên phong trong việc vận động cùng các doanh nghiệp tri ân liệt sĩ Gạc Ma cùng thân nhân, đây là hành trình đi thăm từng gia đình, trao cho mỗi gia đình 30 triệu đồng bày tỏ lòng tri ân của bạn đọc đối với những người đã ngã xuống. Nhưng chúng tôi nghĩ như vậy vẫn chưa đủ, những số phận Gạc Ma, những người hi sinh và cả người còn sống đã bị lãng quên trong một thời gian dài, do đó tháng 3.2013, nhân sự kiện tròn 25 năm trận hải chiến, chúng tôi đã quyết định thực hiện loạt bài này, để nhắc nhớ về một thế hệ kiên cường giữ đảo, không phải để vinh danh vì làm gì có câu chữ nào xứng đáng để nói đủ về sự hi sinh, mà là để mọi người biết một cách đầy đủ về trận hải chiến này, mà vì nhiều lý do, lịch sử chưa được nhắc tới một cách trọn vẹn.
Chúng tôi tìm danh sách liệt sĩ và gia đình, những cựu binh sống sót, phân công phóng viên thường trú các tỉnh thành thực hiện bài, ảnh, clip rồi ghép lại thành từng bài hoàn chỉnh.
Điều khó khăn là nguồn tư liệu lịch sử chính thống về trận hải chiến này chưa được đầy đủ, nên khi ghi chép lại lời kể của các cựu binh, hay thân nhân, thì chúng tôi gặp khó trong việc đối chiếu để đưa ra thông tin chính xác, vì có những độ vênh về thời gian, diễn biến, một phần vì sự việc xảy ra đã lâu, một phần vì những thương binh có phần hạn chế về trí nhớ. Hơn nữa, gia đình nhóm liệt sĩ ở Đà Nẵng trú tại khu vực Hòa Cường ngày xưa bị giải tỏa nên thay đổi chỗ ở, công việc xác minh, tìm kiếm cũng có chút mất thời gian.
Khi chọn các đề tài về vấn đề chủ quyền đất nước, mỗi người cầm bút đều hừng hực một khí thế với quả tim nóng, điều đó tốt, giúp bài viết giàu cảm xúc, đi vào lòng người, kinh nghiệm của chúng tôi là dù vậy nhưng phải giữ bình tĩnh với cái đầu lạnh, đối chiếu lời kể nhân chứng với nhiều nguồn sử liệu và dùng từ ngữ đúng bản chất vấn đề, đừng tô vẽ quá đà vì bản thân bài viết cũng là một nguồn sử liệu mà sau này bạn đọc, những người nghiên cứu khác cần tham khảo, đối chiếu.
Điều tôi nhớ nhất là những nhân vật tôi gặp, để có thêm thông tin cho bài viết. Có một điều trái ngược giữa những việc mà họ đã làm, đã cống hiến, hy sinh, mất mát, với cuộc sống của họ hiện tại, lam lủ, nghèo khó, bất trắc. Mà lẽ ra, các anh phải nhận được cái gì đó xứng đáng chứ không phải bị lãng quên một thời gian dài như vậy.
Nhiều bạn đọc báo Thanh Niên đã phản hồi sau loạt bài 25 năm Hải chiến Trường Sa, đó là chúng ta nên tri ân một cách thực tế hơn nữa, không chỉ để các anh, các mẹ thoát khỏi cảnh nghèo khó, mà còn để những người đang, sắp bước vào cuộc đấu tranh còn lâu dài, cam go giữa biển Đông biết rằng, không một sự hi sinh nào bị lãng quên.
5. LCH Đài tiếng nói Việt Nam, văn phòng miền Trung “Lỗ hổng tài nguyên nước- nhìn từ cuộc tranh giành nước miền Trung”: Lỗ hổng tài nguyên nước và hành trình đi tìm sự thật
Vậy thật sự, thủy điện có đáng trách hay không? vv…
Là một người miền Trung, Giám đốc Cơ quan thường trú khu vực miền Trung, Đài Tiếng nói Việt Nam rất trăn trở trước thực trạng này. Chính anh là người đã yêu cầu chúng tôi phải thực hiện đến cũng đề tài này, qua đó, góp một tiếng nói của người miền Trung tới Nhà nước nhằm sớm tìm ra những giải pháp hữu hiệu khắc chế dần sự bất thường của thiên tai vốn đã và đang gây rất nhiều mất mát cho bà con vùng nghèo khó.
Loạt phóng sự điều tra này đã được Lãnh đạo Đài và thính giả đánh giá cao: “phóng sự điều tra này đã đi thẳng vào thực trạng quản lý và khai thác nguồn nước hiện nay ở Miền Trung, đề ra các giải pháp mềm: có thể, thành lập Bộ Thủy lợi và Biến đổi Khí hậu, hoặc tổ chức lại bộ máy quản lý tài nguyên nước để Lãnh đạo và công luận rộng đường suy nghĩ. Phóng sự đậm chất điều tra, lập luận chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng, bình luận sắc.”
Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước lại liên quan đến nhiều bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước lại chưa thật rõ ràng nên khó xác định được cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước.
Chính vì vậy, đây còn được xem là vấn đề nhạy cảm, không dễ phát biểu đối với các nhà quản lý đương nhiệm, đặc biệt là những người đang giữ chức vụ cấp cao ở cả hai Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bộ Nội vụ cũng chưa thể phát biểu. Đó chính là một trong những trở ngại nữa đối với chúng tôi. Việc thu thập tài liệu cho bài viết không hề đơn giản. Hơn nữa, cơ quan chúng tôi lại thường trú ở Đà Nẵng, trong khi, các chuyên gia chủ yếu lại ở Hà Nội, việc bay ra, bay vào cũng là một khó khăn. Các phóng viên còn phải lên tận thượng nguồn ở vùng sâu, vùng xa, có khi túc trực ở dưới hạ du để nghiên cứu thực tế.
Chính họ đã động viên, giúp đỡ chúng tôi đi đến tận cùng của những bất ổn, lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước. Quan trọng hơn, qua đó, họ cùng chúng tôi chuyển đến thính giả một thông điệp cấp bách từ cuộc sống. Đó là tổ chức lại cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trong thời gian tới.
Nhà báo Phan Thanh Hà - VOV
6. LCH Báo Nhân Dân “Nơi bắt đầu tổ quốc”: Tổ quốc - hai tiếng thiêng liêng trong lòng người cầm bút
Cụm bài Nơi bắt đầu Tổ quốc được Nhân Dân hằng tháng triển khai trong số báo chào Xuân Quý Tỵ 2013. Những ngày tháng đó, cụm từ “biên giới, biển đảo” luôn thường trực trong tâm trí, luôn trở đi trở lại trong trong trái tim mỗi con dân đất Việt. Sẽ thật xúc động, khi trong thời khắc linh thiêng Tết đến, Xuân về, độc giả được làm một chuyến hành trình đầy thú vị đến với những “cột mốc chủ quyền”, nơi thành hình Tổ quốc. Để lắng lòng cùng đất và người nơi cửa ngõ đất nước. Để thêm yêu, thêm trân trọng từng tấc đất biên thùy, biển đảo thân thương. Để sẻ chia, sát cánh với những con người bình dị, thuần phác, yêu chuộng hòa bình nhưng luôn sẵn sàng chiến đấu đến cùng, khi Tổ quốc cất lời kêu gọi thiêng liêng.
Từ ý tưởng ban đầu đó, chúng tôi triển khai Nơi bắt đầu Tổ quốc theo hướng một thiên ký sự nhiều tập, mà mỗi tập là một khoảnh khắc lưu lại cuộc sống đầy sắc màu, đa văn hóa của quân và dân ở những địa danh hiểm yếu, phên dậu của dải đất hình chữ S.
Cứ nhìn vào danh sách dài dằng dặc những địa danh mà chúng tôi đã đặt chân (như cực Tây Tổ quốc A Pa Chải tại Mường Nhé - Điện Biên, dặm dài biên cương nơi đường tuần tra biên giới vắt qua hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, như xã Ka Lăng - Mường Tè, làng thanh niên lập nghiệp Lý Quốc - Hạ Lang, Cao Bằng hay bản của người Hà Nhì ở Y Tý - Bát Xát, Lào Cai, rồi những ngã ba biên giới nơi các dòng Đà giang, Hồng Hà, Nho Quế, sông Mã “bắt nước” đổ vào đất Việt, hay đảo nhỏ tiền tiêu Lý Sơn kiêu hãnh, ưỡn mình trước quần đảo Hoàng Sa…), độc giả sẽ cảm nhận được hành trình gian nan, vất vả trên những cung đường hiểm trở nhất mà chúng tôi đã trải qua, chỉ để gạn lọc tinh túy cho năm bài viết của chuyên đề.
Báo ra sạp, những lời động viên, cổ vũ của độc giả từ khắp các tỉnh thành bay về. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho những người tổ chức và thực hiện. Những hành trình ngược xuôi hăm hở, những gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm rồi cũng nhanh chóng bị lãng quên. Còn đọng mãi trong tim chúng tôi là lời khẳng định “mỗi tấc đất Tổ quốc là một thước đo phẩm giá”, là cảm xúc không thể quên khi đứng dưới cột mốc thiêng liêng, là “người biên cương luôn cho ta những tình cảm ấm nồng”, là điều chợt nhận ra “phía biên cương, phía thượng nguồn những dòng chảy, hình đất nước được vẽ nên từ những con người rất thật”, là sắc đỏ Quốc kỳ tung bay trên mỗi con thuyền Lý Sơn đang chuẩn bị ra với ngư trường Hoàng Sa… Với những người làm báo chúng tôi, món quà ấy là vô giá.
Nhà báo Phan Thanh Phong - Báo Nhân dân
Nguồn: nghebao.org