Nhớ nhà báo lão thành Nguyễn Minh Vỹ
(ICTPress) - Tôi được gặp ông, có lẽ là lần gặp cuối cùng vì không lâu sau lần gặp ấy ông đã lâm bệnh nặng và qua đời ở tuổi 90. Câu chuyện ông kể với tôi chỉ xoay quanh tình cảm của bà con người Việt Nam tại Pháp.
Nhà báo lão thành Nguyễn Minh Vỹ (baokhanhhoa.com.vn) |
Ngày ấy ông tham gia hội nghị Paris về Việt Nam với tư cách phó đoàn, một hội nghị mà theo ông phải gọi là “có một không hai” trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Nó kéo dài suốt gần 5 năm từ 1968 đến đầu năm 1973.
Trong 5 năm đấu tranh và đấu trí cam go ấy, đoàn Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của các nước bè bạn trên toàn thế giới, sự ủng hộ của nhân dân Pháp và đặc biệt là sự ủng hộ của bà con Việt kiều ta tại Pháp. Ông nói: Có bao nhiêu giấy mực cũng không thể ghi lại hết được tình cảm của kiều bào ta, họ đã chia sẻ, lo lắng và không quản khó khăn gian khổ để luôn sát cánh với phái đoàn ta tại Thủ đô Paris. Bất kể thời gian nào, bất kể thời tiết nào hễ có thông báo tập trung là bà con lại kéo về đông đủ…
Vào thời điểm ấy, đất nước ta đang ở giai đoạn của cuộc chiến tranh gay go và ác liệt nhất, cả miền Bắc và miền Nam đều gồng mình lên để đánh Mỹ. Trên bàn đàm phán của Hội nghị Paris về Việt Nam, Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn luôn gây áp lực với phái đoàn của ta, chúng luôn đưa ra những luận điệu cũ rích hoặc tìm cách lẩn tránh những vấn đề mà phái đoàn ta đưa ra để tìm cách trì hoãn hoặc dùng lời lẽ đe dọa bằng Quân sự, cụ thể là cho máy bay đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ hai…
Dừng lại hồi lâu như để nhớ lại những năm tháng “chiến đấu” không thể nào quên của dân tộc Việt Nam, ông chậm rãi kể tiếp: Sau 170 phiên họp công khai bốn bên và 20 lần gặp riêng hai bên, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm trưởng đoàn đã công bố “dự thảo hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam”, phía Mỹ đã chấp nhận vì dự định ký kết chính thức ngày 31/10/1972. Như thể hòa bình đã ở trong tầm tay? Nhưng sau đó ngày 24/10/1972, cố vấn Hen-ry Ket-Sing-Giơ lại thay đổi ý kiến, đề nghị phía Việt Nam sửa đổi một số điều khoản, trong đó có vấn đề về khu phi quân sự “DMZ” và quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Trước sự lật lọng đó, cả hai đoàn đại biểu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng phản đối và bỏ các phiên họp chính thức. Tổng thống Mỹ Ních-Xơn liền đe dọa ném bom trở lại miền Bắc với cường độ lớn hơn nếu Việt Nam không trở lại đàm phán và không chấp nhận điều kiện mà phía Mỹ đã đề ra… Cả thế giới sững sờ trong niềm hy vọng mong manh: Hòa bình liệu có đến với Việt Nam? Những ngày đó, không khí làm việc của hai phái đoàn ta tại Paris thật ngột ngạt và căng thẳng.
Chiều 18/12/1972 đồng chí cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ về Hà Nội để nhận sự chỉ đạo chuẩn bị đối phó với tình hình mới đang chuyển hướng căng thẳng. Và đúng như dự kiến, ngay sau khi đồng chí Lê Đức Thọ vừa đặt chân xuống sân bay Gia Lâm - Hà Nội, hồi 18h15’ đồng loạt các màn hình ra đa phòng không của miền Bắc Việt Nam phát hiện 9 tốp máy bay từ sân bay Guam đang bay thẳng vào bầu trời Việt Nam, mở đầu “cuộc hành quân Lai-nơ Bênh-Ker” và đến 19h40’ lệnh báo động khẩn cấp phát ra: Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không bắt đầu. Suốt đêm hôm đó, Hà Nội của chúng ta liên tiếp gánh chịu 3 đợt tập kích của 90 lần chiếc B52 và hơn 100 lần các máy chiến thuật ném bom tàn phá Thủ đô và một số tỉnh thành ở miền Bắc. Nhân dân cả nước căm phẫn, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nín thở theo dõi Ních-Xơn đang “biến Hà Nội thành thời kỳ đồ đá: như thế nào? Nhưng chúng nó đã nhầm, Hà Nội không những vẫn đứng vững mà còn giáng trả cho lũ giặc trời một đòn thích đáng.
Ở Paris, 5h sáng ngày 19/12/1972 dù chưa nhận được tin nhà nhưng qua theo dõi từ hãng thông tấn AP chúng tôi biết Hà Nội đã hạ pháo đài bay B52. Ngay lúc đó tôi đã thảo thông cáo số 1 và bổ sung thêm một số thông tin trong nước. Tin vui nối tiếp tin vui vì mấy ngày tiếp sau, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác đã hạ thêm nhiều B52 và các loại máy bay chiến thuật khác. Đây cũng là bàn đạp để phái đoàn ta tại Paris tấn công liên tục trên phương tiện truyền thông. Ngày 21/12/1972 phiên họp thứ 171 được diễn ra bằng lời tố cáo của Bộ trưởng Xuân Thủy về sự lật lọng của phía Mỹ và tuyên bố bỏ phiên họp này để biểu thị sự phản đối trước những trận ném bom cực kỳ dã man và thái độ lật lọng trền bàn đàm phán của phía Mỹ.
Ở ngoài kia, trên các ngả đường của thành phố Paris, nhân dân Pháp đã xuống đường để phản đối Mỹ và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Bà con Việt kiều tại Pháp mang theo cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ đã tập trung rất đông trước cửa Đại sứ quan Mỹ và trước trụ sở của Hội nghị Paris về Việt Nam để lên án và phản đối phía Mỹ, đòi Mỹ phải dừng ngay lập tức việc ném bom Hà Nội, Mỹ phải rút khỏi đất nước Việt Nam vô điều kiện… Rồi ông cười rất tươi, còn đôi mắt thì cứ nhìn tôi như muốn nói rằng: Cuối cùng ý chí Việt Nam, nhân cách Việt Nam, tinh thần Quốc tế và lòng yêu nước của kiều bào ta ở nước ngoài đã thắng.
Đã ở tuổi 90, mặc dù tinh thần còn minh mẫn nhưng sức khỏe của ông không còn được tốt. Tôi đã xin phép ông được dừng câu chuyện. Chẳng ai ngờ, chỉ ít tháng sau, nhà hoạt động Cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao lão thành đã vĩnh viễn ra đi… Cậu thanh niên họ Nguyễn, dòng giống quyền quý nhưng dám vất bỏ tất cả để đi theo cách mạng để rồi phải chịu sự đánh đập và tù đày của bọn thực dân, chịu biết bao gian khổ trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng để làm nên một cái tên bình dị nhưng rất đỗi tự hào: Nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông 17/7/1914 - 17/7/2014 và 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc câu chuyện nhỏ về cuộc gặp gỡ muộn màng như một nén tâm nhang thành kính dâng lên nhà báo lão thành Nguyễn Minh Vỹ.
Nhà báo Trần Bình Tám