Thư ngỏ gửi một người bạn Trung Quốc

Trong những ngày qua, dư luận trong nước và quốc tế đã hết sức bất bình về việc Trung Quốc kéo dàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam. Hành động phi pháp và ngang ngược này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Công ước luật biển quốc tế 1982 và những thỏa thuận D.O.C, C.O.C mà Trung Quốc đã tham gia ký kết. Dưới đây xin giới thiệu với bạn đọc VnMedia bức thư ngỏ của một độc giả gửi một người bạn Trung Quốc, để bạn đọc hiểu rõ hơn về cách hành xử của Trung Quốc cũng như mong muốn và thiện chí của nhân dân Việt Nam.

Anh Quốc Anh thân mến,

Những ngày qua, Biển Đông nổi sóng, tôi nhớ tới anh, một người bạn Trung Quốc. Tôi nhớ mãi kỷ niệm từ hai năm trước, trong chuyến đi tham quan Trung Quốc, được quen biết anh, một người bạn Trung Quốc, mà đến nay tôi luôn trân trọng. Hôm ấy, tôi và anh đứng nói chuyện đời bên sông Trường Giang; nhìn nước chảy mênh mang cuồn cuộn, tôi đã cảm hứng mà đọc  mấy câu thơ trong trong Tam Quốc diễn nghĩa: “Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông/ Sóng dập dồn xô lấp anh hùng/ Được thua thành bại thoắt thành không/ Non sông nguyên vẻ cũ/ Mấy độ bóng tà hồng…”

Anh đã nhờ tôi chép lại bài thơ ấy cho anh. Tôi chép bằng tiếng Việt theo trí nhớ của mình. Anh bảo: “Tôi là người Trung Quốc mà không thuộc Tam quốc bằng anh”. Nhưng tôi thì thấy một người nước ngoài mà nói tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt được như anh thì thật hiếm có, tôi trân trọng lắm. Anh là người  Trung Quốc hiểu Việt Nam nhất mà tôi từng gặp. Và tôi nhớ mãi câu nói của anh lúc chia tay: Nếu mà người Việt Nam và người Trung Quốc ai cũng nghĩ như tôi và anh, thì sẽ chẳng những hai nước không bao giờ có bất hòa gì, mà nhân dân hai nước càng thêm hạnh phúc, lý tưởng nhất định sẽ thành công. Chia  tay, nắm  tay nhau thật chặt, nhìn vào mắt nhau, tôi tin câu nói ấy của anh là thật lòng.

Thế mà xa anh thấm thoắt đã hơn hai năm rồi, xem phim Tam Quốc trên đài Truyền hình Việt Nam, tôi chợt nhớ câu thơ trong phim mà tôi đã cùng anh bình luận bên bờ Trường Giang hôm  nào: “Cuộc đời vần vũ như mây gió/ Đổi thời gian, đổi cả không gian/ Tụ, tán nhờ có duyên/ Ly, hợp vốn do tình…Nước Trường Giang đã thành sông lệ…”

Giờ chúng ta đã xa nhau, xa  hàng ngàn dặm, song tôi tin là  anh  hiểu câu  nói của Lão Tử: “Tuy ta xa cách ngàn dặm nhưng bao giờ ta cũng ở trước mặt nhau; tuy ta chưa gặp nhau bao giờ nhưng ta đã gặp nhau từ ngàn kiếp trước”. Bởi theo Lão tử, thì Đạo vượt cả thời gian và không gian. Đạo thường hằng và vĩnh hằng. Thế nên, tôi và anh sẽ còn hay không còn là bạn, thì chẳng phụ thuộc gì vào việc ta đang ở đâu và khi nào, mà chỉ phục thuộc ta có đồng Đạo với nhau hay không mà thôi, phải không anh?

Thật lòng mà nói từ khi còn nhỏ, trong tôi, Trung Hoa - đất nước anh, đã là một đất nước vĩ đại. Vĩ đại không phải vì có Vạn lý Trường Thành mà người ta có thể nhìn thấy từ mặt trăng; Cũng không vì có kinh tế hay quân sự mạnh. Trong tôi, Trung Quốc vĩ đại trước hết  là vì có nền văn hóa đặc sắc, phong phú và lâu đời. Như nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Trung Quốc Giang Trạch Dân đã từng nói rằng, Trung  Quốc có hai thứ mà thế giới không bao giờ bằng được, một là Kinh dịch, hai là Khí công. Trung Quốc vĩ đại bởi từ thời cổ đại đã có những người như Tổ Xung Chi với các phép tính đại số học đầu tiên. Hơn hai ngàn năm trước, khi châu Âu có Platon vĩ đại dạy rằng thế giới chỉ trở nên tốt đẹp khi người cầm quyền là người biết yêu chân lý hơn tất cả, thì cùng thời Trung Quốc cũng có Khổng Tử thánh nhân dạy cho cả dân đen lẫn vua chúa về đạo lý làm người, rằng cái gì mình không muốn thì đừng gây cho người khác.

Trung Quốc vĩ đại bởi ngay cả khi bị nô dịch bởi sự chiếm đóng quân sự của nước ngoài, thì nền văn hóa Trung Quốc vẫn không bị nô dịch. Quân Nguyên Mông thiện chiến, vó ngựa lướt  tới đâu cỏ không mọc tới đó, chinh phục khắp Á, Âu, vào diệt nhà Tống, chiếm cả Trung Quốc. Nhưng họ không cai trị được đất nước này, mà đã bị chìm trong nền văn hóa hóa vĩ đại Trung Hoa, trở thành một dân tộc thiểu số, làm dân Trung Hoa một cách tự nhiên. Họ xâm lăng Trung Quốc bằng thành công quân sự, nhưng họ đã đầu hàng sự xâm lăng văn hóa của chính nơi mình đã đến xâm lăng.

Mấy ai mà ngờ lại có ngày như hôm nay, châu Âu lại phải thương lượng với Trung Quốc để vay tiền. Nhưng ai hiểu nền văn hóa Trung Hoa vĩ đại ấy, thì người ta dám tin vào câu nói của Mao Trạch Đông, rằng, rồi gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây, ngay từ khi Trung Quốc còn là một trong những nước đang rất nghèo đói.

Trung Quốc hôm nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và thời gian tới có thể sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó, tôi không nghi ngờ.

Nói như vậy, để anh không thể nghi ngờ lòng kính trọng của tôi đối với dân tộc Trung Hoa, bởi chính những đóng góp cho văn minh loài người của nhân dân Trung Quốc.

Việt Nam tôi từ khi lập quốc, suốt cả mấy ngàn năm, đã là nơi mà các đế quốc xâm lăng lớn nhất mỗi thời đại như Tần Thủy Hoàng, rồi Tống, Nguyên, Minh, Thanh,…hay đến  như Pháp,  Mỹ trong thời hiện đại đều đã phải hối hận vì đã  xâm lược đất nước tôi. Trong tôi, một dân tộc vĩ đại, trước hết là vì họ có một truyền thống văn hóa vĩ đại. Nói thật với anh, đối với tôi, lòng kính trọng với anh trước hết là ở nhân cách văn hóa của anh, tuyệt nhiên không chút nào vì anh  là “người nước lớn” cả.

Với tư cách người bạn, tôi biết anh cũng yêu Tổ quốc của anh như tôi yêu nước Việt Nam của mình vậy, nên tôi cần nói với anh những điều chân thành nhất. Tôi thấy Trung Quốc đang sai lầm rất nghiêm trọng. Tôi nhớ một danh nhân Trung Quốc cổ đại đã nói rằng: Trên đời có hai kẻ thường hay bội tín: Một là kẻ cho mình là mạnh nhất, hai là kẻ túng cùng.

Trung Quốc hôm nay chưa mạnh nhất thế giới, nhưng hành xử với láng  giềng, trong đó có Việt Nam tôi, thì hình như đang tự cho mình có sức mạnh tuyệt đối, nên không cần phải thành tín nữa chăng? Không phải sợ điều gì nữa chăng? Cổ nhân Trung Hoa dạy câu nói trên chính để cảnh báo cho đời sau, tức là Trung Quốc bây giờ.

Vì sao Trung Quốc lại sai lầm: Vì tham quá, vì ảo tưởng ở sức mạnh của mình. Nhược điểm lớn nhất của kẻ có sức mạnh là thường không nhận ra là mình đang sai lầm. Và sai lầm sẽ giết chết họ. Chuyện Ngô - Việt, chuyện Tần - Sở là vậy, anh thì quá rõ, phải  không anh?
Ví dụ rõ ràng nhất về chuyện này là những ứng xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc đang lấn chiếm lãnh thổ láng giềng, cả thế giới đều biết. Và điều này sẽ rất không có lợi cho chính Trung Quốc, thế nên tôi mới  gọi là sai lầm của các bạn.

Anh là người Trung Quốc, hiểu sử Trung Quốc,  tất biết  rằng nước Ngô sau khi xưng bá chư hầu, chỉ vài năm sau là bị nước Việt diệt. Nước Tần sau khi diệt xong sáu nước thì cũng là  lúc nước Tần bị mất. Nguyên Mông sau khi chinh chiến  khắp Á Âu, đánh xuống Đại Việt thì cũng là lúc suy tàn. Nước Đức quốc xã của Hitler sau khi đánh cả châu Âu thì cũng là lúc bị cả thế giới chung tay tiêu diệt.

Tàu Trung Quốc ngang ngược tấn công tàu của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Trung Quốc lẽ nào lại biến mình thành kẻ thù của tất cả các nước xung quanh? Đó là cách để Trung Quốc sớm bị tiêu diệt. Chỗ này tranh giành với Nhật, với Ấn Độ, chỗ kia thì gây sự với Philipines…Nay lại kéo cả giàn khoan, máy bay, tàu chiến vào thềm lục địa Việt Nam…Những hành xử của Trung Quốc khiến cho một mặt trận rộng lớn xung quanh chĩa vào Trung Quốc tự nhiên hình thành, làm cho “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” càng trở nên thuyết phục. Điều đó nguy hiểm cho chính Trung Quốc mà các bạn lại không biết hay sao?

Tất nhiên, với lòng yêu nước, tôi có thể thông cảm khi anh thiên vị mà bênh vực cho những việc làm của những người đang lãnh đạo nước mình. Song tôi xin nói để anh biết một câu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn của Đảng chúng tôi đã nói: “Nếu là đất của bạn, thì dù là bạc, là vàng, chúng ta cũng trả hết. Nhưng nếu là đất của ông cha ta, thì dù chỉ là cỏ dại  hay sỏi đá cằn cỗi, chúng ta cũng quyết đòi cho bằng được”. Việt Nam tôi xưa nay sở dĩ thắng được các thế lực xâm lược mạnh hơn mình, là bởi vì trước hết chúng tôi chỉ hành động theo chính nghĩa. Vì vậy, không bao giờ có chuyện Việt Nam xâm lấn một tấc đất của nước khác. Đó là chính nghĩa của Việt Nam, không ai có thể nghi ngờ.

Tại sao Trung Quốc, miệng nói trỗi dậy hòa bình, mà lại đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và bây giờ còn kéo cả giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam? Nếu Trung Quốc cho đó là  lãnh thổ của mình thì sao lại chỉ đòi giải quyết “kín” với từng  nước có tranh chấp, không dám đưa ra “giữa bàn dân thiên hạ” để nghị luận đúng sai. Rõ ràng Trung Quốc không có chính nghĩa nên chỉ muốn dùng sức mạnh chèn ép nước nhỏ. Song Trung Quốc có đủ mạnh đến mức mà dám nói thẳng  ra là  “Trung Quốc có sức mạnh mà không cần đến chính nghĩa” không? Rõ ràng là không.

Việc Trung Quốc chỉ muốn nói chuyện song phương trên thế mạnh, mà không muốn đàm phán đa phương có sự giám sát rộng rãi của dư luận quốc tế, đã nói nên tính phi nghĩa trong hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong thời đại ngày nay, anh làm gì thì cả thế giới đều biết, nên  dù có nói thế nào, sự phi nghĩa ấy cũng không thể che dấu được, phải không anh?

Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam tôi, và  tôi hiểu anh cũng  yêu Tổ quốc Trung Hoa của anh như thế. Vì vậy, với tư cách  người bạn, tôi cũng lo cho Trung Quốc của bạn đang sai lầm mà đánh mất đi hình ảnh tốt đẹp về sự trỗi dậy hòa bình mấy chục năm qua trong con mắt của cộng đồng thế giới. Nếu là anh, tôi sẽ làm tất cả để cho Chính phủ của mình phải hiểu được được rằng, thời  đại của sự bá quyền nước lớn đã thực sự qua rồi. Trung Quốc hãy chìa bàn tay chân thành ra với láng  giềng, hãy là “người lớn” cho ra người lớn. Đừng “chơi bẩn” mà để đến “trẻ con” nó cũng coi thường. Đừng để cả cộng đồng thế giới cảnh giác và tẩy chay với “sự đe dọa Trung Hoa”. Xâm lấn lãnh  thổ của Việt Nam, kết cục sẽ là thất bại thảm hại cho Trung Quốc.

Tôi, với tư cách người bạn của anh, chỉ mong Trung Quốc thành công trên con đường chính nghĩa, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân  dân Trung Quốc, làm cho hình ảnh dân tộc Trung Hoa luôn sáng đẹp trong mắt thế giới văn minh, nên tôi không thể  không lo cho sự thảm bại được báo trước mà vẫn không tránh được bởi sự  tham lam vô lối đã làm u tối những cái đầu của một số người cầm quyền ở Trung Quốc hiện nay. Những người đó chẳng những bị nhân dân Việt Nam căm ghét, mà còn có  tội với lịch sử của đất nước Trung Hoa vì đã làm choTrung Quốc bị cô lập trên thế giới.

Tôi tin rằng, một người có trí tuệ và văn hóa như anh, chắn sẽ đồng ý với tôi rằng: Trung Quốc nên rút ngay và rút hết giàn khoan, tàu bè và các lực lượng chiếm đóng trái phép ra khỏi các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa của Việt Nam. Làm như thế là cách tỏ thành tín của một nước Trung  Hoa đã thực sự lớn mạnh. Làm như thế, các bạn có thêm 90 triệu người dân Việt Nam là bạn của mình; các bạn sẽ đến Việt Nam mà làm ăn như những người bạn; chúng tôi sẽ giang tay chào đón bạn, cùng nhau hợp tác cùng phát triển. Làm như thế, khu vực và thế giới sẽ tin cậy và Trung Quốc sẽ càng giàu mạnh hơn lên. Đó chẳng  phải là mong  muốn  của  mọi người dân Trung Quốc yêu nước chân chính và yêu chuộng hòa bình hay sao? 

Chúc cho tình bạn của chúng ta và tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc luôn tốt đẹp, không bao giờ bị phai mờ bởi sự tham lam vô lối, u tối của những kẻ bội tín.

Chúc anh bình an, hạnh phúc.

Trần Văn Sỹ

VNMedia

Tin nổi bật