Phụ nữ qua lăng kính nhà báo: Hãy trao quyền cho phụ nữ!

Khi phụ nữ được trao quyền, họ sẽ có cơ hội được học hành, làm việc, cống hiến cho xã hội bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Các tác giả đoạt giải thưởng và BGK tại lễ trao giải cuộc thi “Phụ nữ qua lăng kính nhà báo”

Ấn tượng nhất tại lễ trao giải cuộc thi “Phụ nữ qua lăng kính nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam và Công ty Diageo Việt Nam, tổ chức tại TP HCM vừa qua, là chị Vương Thị Thảo - nhân vật trong tác phẩm “Đóa hoa Tây Côn lĩnh” của tác giả Phạm Vân Anh - Đài TH CAND, đoạt giải B “Phim của năm”, một tấm gương đáng quý cho chị em phụ nữ các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc - xã Tùng Sán, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Chị bật khóc khi nhắc lại quãng đời cơ cực trước đây: Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, chưa kịp lớn đã bị gả bán cho người chồng 12 tuổi để đổi lấy trâu. Để thoát khỏi cảnh quẩn quanh của số phận người phụ nữ vùng cao, chị quyết định làm điều phi thường: Xin đi học chữ ở tuổi 20; 35 tuổi tốt nghiệp Đại học Văn hóa… Chị là người phụ nữ dân tộc Cờ Lao đầu tiên ở Tùng Sán biết chữ, được bầu vào BCH Hội PN xã, giữ chức Phó Chủ tịch Hội PN xã, trở thành đại biểu Quốc hội khóa XI tỉnh Hà Giang, Ủy viên TƯ MTTQ VN. Ước mong lớn nhất của chị Thảo bây giờ là ngày càng có nhiều trẻ em gái, phụ nữ các dân tộc thiểu số được đi học, có tiếng nói của mình trong gia đình, xã hội.
 
“Phụ nữ có thể khẳng định bản thân, chăm sóc gia đình bằng công việc giản dị nhưng rất “phụ nữ”, ấy là bếp núc” – đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân - nhân vật trong tác phẩm “Người giữ gìn món ăn truyền thống” của tác giả Hà Minh Tuấn, báo Hà Nội mới, đoạt giải A “Câu chuyện của năm” - cho biết.
 
Sống với nghề đã 40 năm, năm nay 62 tuổi nhưng bà chỉ thực sự là đầu bếp khi nấu những món ăn Việt. Bà nhớ lại một kỷ niệm đáng nhớ, khi giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho hơn 480 đầu bếp danh tiếng thế giới tại Mỹ, với quỹ thời gian ít ỏi, 3 ngày: ngày đầu, thực đơn món chay; ngày 2, thực đơn đồ nướng; ngày 3, bà quyết định táo bạo: chế biến nước mắm - một gia vị không thể thiếu trong bữa ăn người Việt Nam. 1 tiếng, bà đã chuẩn bị 16 loại nước chấm với 16 món ăn đi kèm, đã khiến thực khách khó tính là các đầu bếp danh tiếng khuất phục hoàn toàn. Báo chí nước ngoài đã tôn vinh bà là “nữ hoàng nước mắm” - người làm sống dậy hồn Việt Nam.
 
Đào Thị Hằng trong tác phẩm “Người phụ nữ xây dựng thương hiệu mắm ruốc” của tác giả Lê Thu Hằng, Đài THVN, đoạt giải A “Phim của năm” thì quyết định từ bỏ học bổng 10 ngàn USD làm tiến sĩ, trở về xây dựng thương hiệu mắm ruốc quê hương. Hằng là minh chứng cho một thế hệ phụ nữ Việt có trình độ, tự chủ, biết tạo cơ hội và ý thức được giá trị bản thân mình.

Trao quyền cho phụ nữ là cơ hội khai phá tiềm năng, sức sáng tạo của họ. Thầy thuốc Khu Thị Khánh Dung - nhân vật trong tác phẩm “Người phụ nữ vì tiếng khóc trẻ thơ” của tác giả Bùi Thị Thanh Xuân, báo Phụ nữ Thủ đô, đoạt giải B “Câu chuyện của năm”, thì tâm niệm: “Điều gì tốt nhất cho bệnh nhân thì mình làm”, đã không ngừng sáng tạo, để có được máy chữa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ.

Theo ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng BGK, đã có 182 tác phẩm báo chí (gồm 146 bài viết, 16 tác phẩm ảnh) và 20 tác phẩm truyền hình thể hiện những góc nhìn mới mẻ về người phụ Việt Nam được gửi đến dự thi. 19 tác phẩm đã được vinh danh ở 3 hạng mục “Câu chuyện của năm”, “Hình ảnh của năm”, “Phim của năm” với 2 giải A (10 triệu đồng), 3 giải B (5 triệu đồng), 3 giải C (3 triệu đồng) và 6 giải khuyến khích (1 triệu đồng).  
 
“Cuộc thi này là một phần trong chiến dịch của Diageo mang tên “Plan W - trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo”, với mức kinh phí 16 tỷ đồng trong 5 năm (2013-2017) và được triển khai đến 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Stepphane Gripon - TGĐ Diageo VN cho biết. Từ năm 2013 đến nay, chương trình đã thực hiện các dự án thiết thực để trao quyền cho hơn 1.000 phụ nữ và 3.000 người gián tiếp liên quan đến những người phụ nữ này tại Việt Nam.

 Khánh Vân

Nguồn: Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin nổi bật