Báo chí hiện đại và vấn đề niềm tin của công chúng
Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và có vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận. Nhưng điều đó chỉ làm được khi niềm tin của công chúng vào báo chí còn nguyên vẹn.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, vấn đề niềm tin của công chúng trong nền báo chí hiện đại được giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki đặc biệt nhấn mạnh.
Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki bên các cựu sinh viên MGU |
Thế nào là niềm tin của công chúng…
Niềm tin trong báo chí là sự tin tưởng của công chúng đối với chất lượng và nội dung thông tin được báo chí đưa ra. Chính từ sự tin tưởng đó, công chúng mới đi theo định hướng của báo chí, có phản hồi và tích cực hợp tác, trở thành nguồn tin của báo chí. Có như vậy báo chí mới hoàn thành chức năng định hướng dư luận của mình. Bởi vậy, có thể nói, niềm tin mà báo chí có được từ công chúng đã làm nên những điều kì diệu. Sức mạnh của niềm tin này có thể làm thay đổi bộ mặt xã hội hay lật đổ cả một thể chế chính trị…
Thử tưởng tượng một ngày nào đó báo chí không có sự ủng hộ của công chúng, không còn niềm tin của công chúng. Như vậy, việc xuất bản báo sẽ chỉ còn là một thói quen, sẽ không có ý nghĩa gì với xã hội, vai trò của báo chí không còn tồn tại. Người dân không mua báo vì không còn tin vào thông tin mình thu nhận được, nhà báo không còn tiếng nói trong xã hội, cộng đồng…
Viễn cảnh đó có vẻ quá xa vời nhưng thực tế báo chí đang dần mất đi những độc giả trung thành và chính điều đó là nguy cơ khiến báo chí rơi vào khủng hoảng.
Tôi rất ấn tượng với câu nói của Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu-rơ-xki: “Báo chí là một nghệ thuật, nghệ thuật thuyết phục. Nhà báo phải thuyết phục công chúng bằng những văn bản thuyết phục”. Chỉ có những bài báo nào có được niềm tin của công chúng mới có thể đạt được sự thuyết phục. Với đặc thù của mình, báo chí giúp công chúng giao tiếp với nhau bởi vì công chúng cùng quan tâm tới thông tin mà họ được tiếp nhận qua tờ báo.
“Nền báo chí nào chiếm được niềm tin của công chúng thì nền báo chí đó mới có tương lai” (GS). Tương lai ở đây được ngầm hiểu là tương lai tốt đẹp với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, với số lượng độc giả trung thành tăng lên. Và lẽ dĩ nhiên một tương lai đen tối, mịt mù sẽ đến với nền báo chí nào để mất đi niềm tin của công chúng. Niềm tin ấy sẽ được chuyển sang những cơ quan báo chí khác. Không còn công chúng báo chí sẽ chết.
Đánh mất niềm tin vào công chúng là đánh mất hiệu lực của mình. Đó là điều nguy hiểm nhất mà báo chí đang phải đối mặt. Càng ngày thương mại hóa, báo chí càng kéo theo sự ra đời của nhiều tờ báo lá cải với chất lượng thông tin thấp.
Vào những năm 1960, báo chí đã bất lực trước việc dự báo về những khủng hoảng mang tầm thế giới. Không một cơ quan báo chí nào làm tốt vai trò dự báo của mình trong giai đoạn này. Giáo sư đề cao vai trò của báo chí dự báo: “Báo chí phải cảnh báo với dân chúng về những nguy cơ và những điều gây khủng hoảng”. Báo chí hiện đại cần học cách đón đầu tin tức, có nghĩa là phải có khả năng dự báo và đặc biệt là khả năng phân tích cao hơn. Hiện nay nhà báo có rất nhiều nguồn tin, vì vậy công chúng trông chờ ở nhà báo khả năng phân tích. Nhà báo của chúng ta hiện nay chưa làm được điều này hoặc làm điều này rất kém.
Đế có được niềm tin ấy thì phải tập trung vào yếu tố nội dung. Nội dung phải là cơ sở, thực sự nghiêm túc, đáng tin cậy. Vấn đề nội dung ngày càng trở nên quan trọng. Hiện nay chúng ta đang có rất nhiều kênh thông tin, nhiều hình thức báo chí như phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng, thậm chí là trên điện thoại di động… chính trong bối cảnh như vậy nảy sinh vấn đề mang tính cấp bách là nội dung nhiều tác phẩm báo chí không đáp ứng nhu cầu thông tin, không có sức thuyết phục.
Phục hồi niềm tin là vấn đề báo chí cần khắc phục nhất hiện nay
Giáo sư dẫn ra một quan điểm liên quan tới vấn đề niềm tin, đó là: “Khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng của niềm tin vào kinh tế”. Với báo chí điều này là không sai.
Vấn đề không phải báo chí viết cái gì mà là thông tin đáng tin cậy đến đâu. Không phải bất cứ vấn đề nào cũng được đưa lên báo mà phải chọn lọc kĩ lưỡng. Tác phẩm phải có nội dung thể hiện nỗ lực tìm kiếm và phản ánh nguyện vọng của công chúng. Điều đáng sợ nhất là công chúng đọc mà không tin.
Thế mạnh của báo in là ở chỗ thông tin của nó có chiều sâu. Trong nền báo chí hiện đại, người ta có nhu cầu được cập nhật tin tức nhanh chóng. Nhưng cho dù tin tức cập nhật có nhanh đến mấy, chúng ta cũng không cần sự phân tích: “Báo chí không phải là văn bản in trên giấy mà nó là nội dung, bản chất của sự việc được phản ánh và giúp công chúng hình dung những vấn đề xảy ra trong xã hội” (GS). Báo in có thể chết nhưng báo chí phân tích sẽ sống mãi. Báo in làm được điều này sẽ sống mãi và phát triển song song cùng các loại hình truyền thông đại chúng khác. “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng báo in rất quan trọng. Bài báo có nhiều thông tin là bài báo biết phân tích. Chúng ta bảo vệ báo in nhưng không phải bảo vệ tất cả những tờ báo in. Chúng ta chỉ bảo vệ những tờ báo giúp chúng ta tư duy, nhận thức đúng bản chất vấn đề”- Giáo sư Y-a-xen N.Da-xu- rơ -xki nói. Những tờ báo Nga: Tin Tức, Doanh Nhân… đã làm rất tốt việc viết báo phân tích.
Vai trò của nhà báo trong nền báo chí tri thức
Hiện nay có quan điểm cho rằng nhà báo hiện đại là người có lập trường, quan điểm rõ ràng, phân tích sâu sắc vấn đề. Viết báo phải bám sát thực tiễn. Viết hay, viết tốt phải từ thực tiễn mà ra. Thực tiễn khách quan phải được phản ánh chân thực nhất, chính xác nhất. Với công chúng, nhà báo phải bám sát và giúp họ bám sát những thứ diễn ra xung quanh.
Thực tế, có những người làm báo vội vàng đưa tin về tất cả những gì họ biết, mắt thấy tai nghe mà đôi khi quên đi hiệu quả bài báo. Trong nghệ thuật làm báo không phải chỉ có nghe, nhìn mà còn phải suy nghĩ sâu lắng, xem xét vấn đề một cách kĩ lưỡng. Nhà báo phải có óc phân tích, phải biết phân tích.
Theo Giáo sư, báo chí Nga có phần hời hợt, không có chiều sâu phân tích, nặng tính độc thoại, ít đối thoại và tính luận chứng chưa cao, luận chứng mội chiều chưa đủ sức thuyết phục. Vì vậy, vấn đề đặt ra với báo chí Nga hiện nay là phải cải thiện và thay đổi. Đó cũng là vấn đề đặt ra với báo chí Việt Nam và thế giới. Theo thống kê sơ bộ ở Nga có khoảng 17 triệu người sử dụng điện thoại di động và thậm chí có người sở hữu từ 2 đến 3 cái …Với sự phát triển của khoa học công nghệ,,điện thoại di động tích hợp nhiều chức năng như xem phim, đọc báo, lướt Web… Lượng thông tin độc giả tiếp nhận thậm chí bị dư thừa nhưng lại thiếu những thông tin có tính phân tích sâu.
Người thầy đáng kính chia sẻ: “Phẩm chất quan trọng nhất của nhà báo nằm ở khả năng phân tích vấn đề, khả năng hoài nghi, biết hoài nghi. Chúng tôi luôn giáo dục sinh viên phải biết hoài nghi và sau đó biết cách thoát khỏi hoài nghi. Chính sự hoài nghi giúp người ta nhận ra con đường đúng đắn của nhận thức. Nhà báo đã tụt hậu so với kiến thức chung của nhân loại trên nhiều lĩnh vực và đó là điều rất đáng lo ngại”. Nhà báo phải có tư duy sâu sắc về các vấn đề xã hội, khi viết báo không chỉ cần kiến thức về ngữ pháp mà còn cần kiến thức về các lĩnh vực khác. Bên cạnh những hiểu biết rộng về các mảng đề tài trong cuộc sống, một nhà báo tài năng phải có khả năng viết chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định. Nhà báo phải am tường về lĩnh vực mà anh ta viết và xét ở một góc độ nào đó anh ta là một chuyên gia. Nhiều tờ báo nước ngoài có nhà báo là chuyên gia trong các ngành. Họ viết báo không với tư cách là nhà khoa học mà là nhà báo thực thụ.Vì vậy, đối với một nhà báo, quan trọng nhất là nền tảng kiến thức.
Khoa báo chí Đại học Matxcova có 3000 sinh viên đang theo học và phát triển với nhiều hướng đào tạo: sử dụng công nghệ mới, phương tiện truyền thông hiện đại, giảng dạy theo phương pháp đối thoại. Những thay đổi trong phương pháp đào tạo báo chí này hứa hẹn một nền báo chí Nga trong tương lai khởi sắc.
Những nhà báo được xã hội công nhận là những trí thức, những người hiểu biết nhưng thực tế sự phát triển của đội ngũ nhà báo về năng lực và số lượng chưa thực sự tương xứng với kì vọng của đông đảo công chúng. Trong tương lai không xa, khi mà nền báo chí hiểu biết, cung cấp thông tin, tri thức phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì nhà báo càng cần nỗ lực không ngừng trong việc trau dồi kĩ năng và tích lũy kiến thức. Vấn đề niềm tin của công chúng vào báo chí sẽ không đáng lo ngại nếu đội ngũ những người làm báo đáp ứng được những tiêu chí khắt khe nhất của nghề nghiệp. Nhà báo “giỏi” sẽ cho ra đời những tác phẩm báo chí hay, xuất sắc và thu hút công chúng.
Lê Thị Huế
Lớp báo mạng điện tử k28, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: Tạp chí Người làm báo